Câu chuyện đi tìm bản sắc từ những chiếc đèn neon cuối cùng của Hong Kong

Trong gần bốn thập kỉ ở Hong Kong, biển hiệu neon khổng lồ hình con bò được treo trên một nhà hàng bít tết tại phía Tây Hong Kong đã trở thành dấu ấn cho khu phố. Đó là nơi mà nếu muốn chỉ đường cho ai đó, bạn sẽ lấy làm mốc.

“Ngọn hải đăng” hình con bò sáng rực này dài hơn 3m, cao gần 2.5m, vô cùng nổi bật trên phố và bạn chẳng thể nào không thấy nó được.

“Nó vốn là một con bò Angus,” Iry Yip, quản lý của nhà hàng Sammy’s Kitchen chia sẻ. Biển hiệu được thiết kế năm 1978 bởi cha cô, Sammy Yip, cũng chính là người lập nên nhà hàng. Đến tận tuổi 84, ông vẫn đảm nhận công việc thu ngân ở đây.

Thiết kế như vậy nhưng người làm biển hiệu đã quyết định kéo dài chân con bò ra thêm một chút để trông đẹp hơn, thế nên rốt cuộc thế giới chỉ biết đến nó như một con bò Angus chân dài, trắng xanh với dòng chữ “Sammy’s Kitchen Ltd.” tiếng Anh màu xanh lá bên sườn và dòng tiếng Trung màu đỏ.

Biển hiệu huyền thoại của Sammy’s Kitchen.
Credit: Herbert Buchsbaum/The New York Times

Nhưng vào năm 2011, Cục tòa nhà của chính phủ Hong Kong ra lệnh dời biển hiệu đi vì nó không an toàn. Sau một chiến dịch không thành công nhằm cứu lấy chú bò, biển hiệu đã bị tháo xuống vào tháng 8 năm 2015.

“Tôi cảm thấy như điều gì đó đã bị mất đi,” Yip nói. “Con đường trở nên thật trống vắng.”


Từ giữa thế kỉ 20, vô số những biển hiệu neon chớp sáng rộn ràng đã tạo nên khung cảnh tuyệt vời ở Hong Kong như khu vực cảng Victoria hay những tòa nhà dày đặc cao vút.

“Khi bạn nghĩ về Hong Kong và văn hóa thị giác, một trong những điều đầu tiên nghĩ đến sẽ là biển hiệu đèn neon,” Aric Chen, người điều hành thiết kế và kiến trúc của M+ – viện bảo tàng chuyên sưu tầm các biển hiệu đã bị “cho về vườn” và hình ảnh trực tuyến về đèn neon của Hong Kong chia sẻ.

Hong Kong bất tử qua những bộ phim của đạo diễn Vương Gia Vệ với cảnh sắc ngập tràn trong ánh neon như “In the Mood for Love” hay “Chungking Express”.

“Nếu hình ảnh đó mãi được hình dung trong tâm trí mọi người, mà tôi nghĩ nó sẽ mãi như thế,” Chen nói, “thì bạn sẽ không thể tách rời khung cảnh Hong Kong khỏi sắc màu của ánh neon lập lòe.”

Nhưng thực chất ánh neon của đường phố Hong Kong đang dần bị lu mờ. Số đèn neon giảm đi nhanh chóng từ những năm 90, người làm đèn và các chuyên gia nói rằng, khi quy trình xây dựng ở đây trở nên chặt chẽ hơn, những biển hiệu mới làm bằng đèn LEDs, thứ tất nhiên không ấm áp bằng đèn neon nhưng sáng và ít đắt đỏ để duy trì hơn, được thay thế neon.

Cục tòa nhà của Hong Kong không ghi lại số lượng biển hiệu neon còn lại trong thành phố hay có bao nhiêu chiếc đèn neon từng tồn tại ở thời kì đỉnh cao, nhưng Cục thừa nhận rằng họ đã bỏ đi hàng trăm biển hiệu trong một năm vì chúng không đạt chuẩn. Các biển hiệu bị bỏ đi vì lý do an toàn và xây dựng, hoặc khi chúng bị bỏ hoang mà không ai nhận.

Lau Wan, một nghệ nhân làm biển hiệu ở Hong Kong.
Credit: Lam Yik Fei chụp cho The New York Times

Tại một buổi workshop trong căn xưởng xám, Lau Wan – một trong những nghệ nhân làm biển hiệu neon cuối cùng của Hong Kong, đun một ống thủy tinh trong lửa, dễ dàng bẻ cong nó thành một ký tự tiếng Trung cho Đại học Bách khoa. 

Ông Lau là nghệ nhân làm đèn neon bằng tay từ năm 1957, giúp đêm Hong Kong rực rỡ như ban ngày. Ông đã tạo nên một trong những biển hiệu to và nổi tiếng nhất, bảng quảng cáo đỏ và trắng của Panasonic che phủ toàn bộ một tòa nhà trên đường Nathan từ năm 1973 đến 1995.

Theo Kỷ lục Guinness Thế giới, một biển hiệu Hong Kong khác, quảng cáo cho thuốc lá Marlboro to đến 64 x 16.8 m là biển biệu to nhất thế giới trong những năm 80.

“Đến năm 1999 thì nó bị lu mờ bởi một biển hiệu khác hình con rồng khổng lồ, to khoảng 91.1 x 46 m”, Leila Wang, một phát ngôn viên của Guinness cho biết.

Giờ đây, ở tuổi 75, ông Lau nói ông sợ rằng nghề thủ công này sẽ chết dần theo thời gian. “Tôi muốn nó được bảo tồn, nhưng chắc chắn rằng tôi sẽ không thể nhìn thấy được điều đó,” ông nói.

Bạn học của ông, Wu Chi-kai, 47 tuổi, là người trẻ tuổi thứ hai trong gần một tá nghệ nhân làm biển hiệu neon. Đa số các nghệ nhân này đã rời khỏi thành phố và không có người học việc để truyền nghề cho thế hệ tiếp theo.

“Cũng giống như mọi nền công nghiệp khác, nếu việc kinh doanh tốt, tự nó sẽ sản sinh ra một nguồn sinh khí mới,” ông Wu nói. “Nếu không còn ai tham gia vào nền công nghiệp này nữa, thì lý do chính là vì không ai dùng đến nó nữa.”

Biển neon truyền thống kết hợp cùng những biển hiệu mới làm từ LEDs tại khu vực Yau Ma Tei ở Hong Kong.
Credit: Lam Yik Fei chụp cho The New York Times

Neon từng là thứ được nhập khẩu từ phương Tây và nhanh chóng trở thành một từ vựng quen thuộc tại Trung Quốc, đầu tiên là Thượng Hải, sau đó đến Hong Kong. Nó còn được kết hợp giữa nghệ thuật thư pháp cổ xưa và phương pháp quảng cáo của hiện đại.

Trước khi bị thay thế bởi các font chữ máy tính, các bậc thầy thư pháp phác thảo Hán tự, sau đó các nghệ nhân làm đèn đồ theo đó để tạo nên đèn neon. 

Fung Siu-wa, 66 tuổi, tự gọi mình là nhà vô địch trong trò chơi đồ nét các ký tự. Ông đến nay vẫn không có lấy một chiếc máy tính trong văn phòng của mình, nơi mà vật dụng công nghệ tiện lợi nhất chỉ là chiếc tivi. Nhấp một ngụp trà đen trong chiếc áo lụa đen truyền thống của người Trung Quốc, ông nói rằng công việc này cần phải dành thời gian học hỏi về cách tạo hình các chữ, hiểu về kết cấu của chữ và phục vụ được nhu cầu đặc biệt của một số ngành khác nhau.

“Mỗi ngành có các các kiểu chữ ưu tiên khác nhau,” ông nói. “Nhà hàng và khách sạn thích các ký tự đứng hơn, trong khi các ngành kinh doanh có tính nghệ thuật như tiệm làm tóc, câu lạc bộ đêm hay quán karaoke thì thích loại chữ bay bổng, cho cảm giác lãng mạn và thư giãn.”

Nhiều biểu trưng đã được phát triển từ đó, ví dụ mọi người dân Hong Kong đều biết logo của các tiệm cầm đồ có thiết kế trông như một con dơi ngậm đồng xu trong miệng. Theo tiếng Trung thì con dơi đồng âm với từ “may mắn” và đồng xu tượng trưng cho sự sung túc.

Những bản phác thảo làm đèn neon còn được giữ lại.

“Để làm được các biển đèn neon, thiết kế rất quan trọng,” Wu giải thích. “Bắt đầu với bản vẽ nhỏ. Khi đã có thiết kế, chúng tôi có thể làm nó to tùy theo nhu cầu khách hàng dựa theo tỉ lệ. Chúng tôi sao chép nó sang một bản thiết kế to hơn trên giấy, sau đó cắt ra thành từng phần nhỏ và làm từng bộ phận riêng lẻ của đèn. Cuối cùng mới ghép lại.” Có một một mánh nhỏ khi làm đèn là phải lật ngược thiết kế lại, làm ngược dần về trước. Nó giúp các điểm uốn và khớp nằm về phía mà người đi đường không nhìn thấy.

Ống thủy tinh được uốn xoắn và bẻ cong ở nhiệt độ cao, nhiệt này tạo ra bởi súng bơm ga. Ông Wu gắn một ống cao su vào ống thủy tinh rồi thổi vào đó theo chu kỳ để những đoạn cong giữ nguyên được hình dáng. Một khi nó đã được định hình đúng, các cực điện được gắn vào hai điểm đầu và cuối. Sau đó dùng một thiết bị để rút không khí và chất bẩn bên trong ống thủy tinh ra, tạo môi trường chân không bên trong đó.

Một khi đã xong, cả neon và chất ga argon được bơm vào trong để tạo nên màu sắc cho đèn. Neon tạo ra màu đỏ còn chất argon tạo ra màu xanh biển. Các màu khác đến từ các ống thủy tinh khác màu, còn có các loại bột được thêm vào giúp biến đèn màu đỏ thành hồng.

“Các biển hiệu khác nhau có nguyên liệu nguồn gốc khác nhau. Chúng tôi thường dùng ống thủy tinh của Anh và Mỹ,” Wu giải thích. “Nhưng ví dụ với biển hiệu Panasonic khổng lồ, nó lại được làm ở Nhật với nguyên liệu Nhật, sau đó lắp đặt bởi người Hong Kong. Chúng tôi dùng nhiều nguyên liệu khác nhau từ người Nhật, thế nên màu sắc không hoàn toàn chính xác. Đó cũng là lý do vì sao có những biển neon rất xấu, bị chắp vá chỗ này chỗ kia.”


Các phương tiện truyền thông chính là sự biểu đạt cho sự thay đổi của thời gian. Khi Hong Kong lần đầu chìm vào ánh neon những năm 1920, nó chính là dấu hiệu cho một đô thị thịnh vượng và phức tạp.

Di sản neon của thành phố.
Credit: Alan Pang

Từ thập niên 60 đến 70, khi nhiều khu phố ở đây được lấp kín với ánh đèn neon như Quảng trường Thời Đại, nó lại bị xem là quá lòe loẹt và gây nhức đầu. Đến những năm 80, biển hiệu đèn neon lại gắn với dấu hiệu của những khu “đèn đỏ”, ổ chuột của đô thị.

Ngày nay, khi trở nên khan hiếm hơn, chúng trở thành một món đồ tạo tác xưa cũ và hoài niệm. Biển hiệu cũ được các nhà sưu tập và bảo tàng tìm mua như một loại hình nghệ thuật dân gian, trong khi các nghệ sĩ hiện đại cũng bắt đầu kết hợp neon vào tác phẩm của họ.

Ông Chen của M+ nói rằng các biển hiệu nên được duy trì trong đời sống tự nhiên, lơ lửng trên những con phố nhộn nhịp của Hong Kong. Nhưng bảo tàng của ông đã phải lưu giữ các biển hiệu để cứu chúng khỏi số kiếp bị đem ra bãi rác. M+ là nơi mà giờ đây đã không còn đủ không gian để lưu trữ, họ hy vọng sẽ có thể mang chúng ra triển lãm khi tòa nhà của họ được xây xong vào năm 2019.

Ngoài ra, M+ đã tạo nên một bảo tàng trực tuyến về các biển hiệu neon mang tên “The Neon Signs” (Biển hiệu đèn neon) tại Neonsighs.

Trang web của dự án ” The Neon Signs”

Trang web bao gồm hình ảnh, các bài tiểu luận của các nhà văn, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và học giả sống, làm việc tại Hồng Kông. Một video dài 12 phút mang tên “The Making of Neon Signs” (Quá trình làm biển hiệu neon) bao gồm các cuộc phỏng vấn bằng tiếng Trung cùng phụ đề tiếng Anh với các nghệ nhân làm neon lâu năm giúp người xem tìm hiểu về công việc của họ.

Còn có một bản đồ tương tác trên trang web, nơi người dùng có thể tải lên hình ảnh của các biển hiệu neon và vị trí của họ lên. Đây giống như một dự án tài liệu công cộng của nghề thủ công đang biến mất này.

Trong một video ngắn về Christopher Doyle, cinematographer của “Chungking Express” nói về sự độc nhất của ánh neon như sau:

“Đó là thứ ánh sáng lạnh lẽo hơn đèn sợi đốt… như sự khác biệt giữa ả gái điếm và một bà vợ vậy.”

Một cảnh quay trong  “Chungking Express”

Ông cũng dự đoán rằng trong tương lai đèn neon sẽ quay trở lại, như máy ảnh Polaroid và trào lưu chụp film.

“Dự án ‘The Neon Signs’ không phải là một dự án chống Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ nó được bắt đầu với ý tưởng rằng Hong Kong cần phải tìm một danh tính cho mình.” Tobias Berger, đồng giám tuyển của dự án nói. “Đây là thuộc địa, nhưng không phải là thuộc địa. Đây là Trung Quốc, nhưng không phải là Trung Quốc. Đây chính là một nơi rất điên rồ.”


Nhiều chiếc đèn neon làm tay vẫn còn trong thành phố nếu bạn tinh ý phát hiện. Thế nhưng ông Chen nói rằng phần lớn người dân lại không thấy chúng.

“Biển hiệu neon quen thuộc với người Hong Kong đến độ dĩ nhiên phần lớn mọi người chẳng hề nghĩ về nó,” ông nói. “Nó thường được để ý bởi những người nước ngoài hơn.”

Một biển hiêu tại khu trung tâm của Hong Kong. 
Credit: Lam Yik Fei chụp cho The New York Times

Tuy vậy, những nghệ nhân làm biển hiệu vẫn có thể “chơi” với bất kỳ hình thức thể hiện nào. Ở thời điểm mà các tác phẩm của họ bao trùm thành phố, nghệ thuật không phải là mấu chốt mà chính là sự nổi bật.

“Yêu cầu duy nhất vào thời điểm đó là làm thế nào để thu hút sự chú ý của người qua đường ngay lập tức, giữa vô số các biển hiệu khác,” Ông Wu nói. “Đó chính là tiêu chuẩn.”

Nhưng với phần lớn các tác phẩm ngày nay, biển hiệu lại bao gồm chức năng trang trí trong nhà cho cửa hàng thời trang, quán bar và nhà hàng. Các tác phẩm này có thể đáng yêu, thậm chí rất nghệ thuật nhưng lại ít người biết đến. Còn những chiếc đèn neon mà ông Wu và Lau làm trong quá khứ đã từng được treo trong một thành phố có đến 7 triệu dân.

“Khi người nước ngoài đến Hong Kong, nhìn vào khung cảnh của những con đường rộng, và choáng ngợp bởi ánh đèn neon, nó làm cho những nghệ nhân làm biển hiệu chúng tôi rất tự hào,” ông Lau nói. “Chúng tôi đã làm việc cật lực và thật sự có những đóng góp cho Hong Kong.”

Nếu có dịp đi Hong Kong, bạn hãy thử ghé mắt tìm kiếm những chiếc đèn di sản của nơi đây xem nhé!

Tổng hợp và biên tập bởi iDesign
Nguồn
tham khảo: Hong Kong Is Slowly Dimming Its Neon GlowHong Kong’s Storied Neon Signs Get a Nostalgic ReviewMeet one of Hong Kong’s last neon sign makers and learn why LED lights haven’t put him out of business


Cùng tác giả

#Tag

bảng hiệu biển hiệu Heirstory hong kong idesign neon The Neon Signs vương gia vệ

iDesign Must-try

Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Triggered/Addicted: Phim ngắn thú vị là phép ẩn dụ cho trải nghiệm làm phim của chính nữ đạo diễn Nguyễn Thúy An
Xinê Xem Fest 2023 và lễ trao giải Golden Door Awards tiếp tục là chuỗi sự kiện đáng lưu tâm trong lĩnh vực điện ảnh, được tổ chức thành công…
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Haiku thị giác - hợp lưu nghệ thuật Đông - Tây
Những tác phẩm pha trộn giữa thơ haiku và nghệ thuật thị giác có thể mang đến gợi ý gì cho những người thực hành nghệ thuật đa phương tiện,…
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Thông tin sự kiện Hoa Mai Design Award 2023 - 2024
Giải thưởng Thiết kế Sản phẩm Nội thất gỗ Hoa Mai (HMA) lần thứ 20 chính thức khởi động, tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Sáng…
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
ca’talks #04: Haiku thị giác - Hợp lưu nghệ thuật Đông-Tây
Ngày 30/09/2023 tại Toong Hoàng Đạo Thuý, Tầng 2, Tòa 25T2, Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội sẽ diển ra buổi thảo luận về chủ đề “Haiku thị giác” từ hai…
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Vùng Vênh - Triển lãm giàu thẩm mỹ và thấu cảm của Hứa Vĩ Văn
Người ta thường thấy một số diễn viên chuyển hướng làm ca sĩ hoặc diễn viên đi làm kinh doanh. Hiếm có diễn viên nào chuyển hướng làm họa sĩ.…