Các di tích văn hoá của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng

“Chúng ta đã ứng xử không xứng đáng với di sản của tiền nhân”, một nhà nghiên cứu văn hóa thốt lên đầy cay đắng như thế khi hàng loạt sự kiện xâm phạm công trình di sản, hàng loạt quyết định, dự định ‘bức hại’ di sản liên tục xảy ra ở các địa phương.

Gần đây, bản quy hoạch khu Hòa Bình (Đà Lạt) – với kế hoạch xóa sổ những công trình mang nhiều ký ức cộng đồng, ghi dấu ấn phát triển lịch sử nhân văn đô thị, thay vào đó là các khu trung tâm thương mại dịch vụ nghỉ dưỡng cao tầng – đã tạo ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trong dư luận; hay hành động xâm hại các di tích như Kinh thành Huế, chùa Bối Khê, tháp Bánh Ít…đang gióng lên hồi chuông cảnh báo đến cộng đồng và giới chức chính quyền về tình hình đáng báo động trong việc bảo vệ di sản văn hoá nước nhà.

Kinh thành Huế (Huế)

Kinh thành Huế hay Thuận Hóa kinh thành là một tòa thành ở cố đô Huế, nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến khi thoái vị vào năm 1945. Hiện nay, Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.

Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng.

Kinh thành Huế có 3 vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Ngay sau khi lên ngôi, Gia Long đã tiến hành khảo sát chọn vị trí xây thành mới, cuối cùng ông đã chọn vùng đất rộng bên bờ bắc sông Hương cùng một phần của hai con sông Bạch Yến và Kim Long làm nơi xây thành. Về mặt phong thuỷ, tiền án của kinh thành là núi Ngự Bình cao hơn 100 mét, đỉnh bằng phẳng, dáng đẹp, cân phân nằm giữa vùng đồng bằng như một bức bình phong thiên nhiên che chắn trước kinh thành. Hai bên là Cồn Hến và Cồn Dã Viên làm tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải) làm thế rồng chầu hổ phục tỏ ý tôn trọng vương quyền. Minh đường thủy tụ là khúc sông Hương rộng, nằm dài giữa hai cồn cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho đô thành.

Trong lịch sử Việt Nam thời cận đại, công trình xây dựng Kinh Thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với hàng vạn lượt người tham gia thi công, hàng triệu mét khối đất đá, với một khối lượng công việc khổng lồ đào hào, lấp sông, di dân, dời mộ, đắp thành… kéo dài trong suốt 30 năm dưới hai triều vua.

Tuy là một trong các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, thế nhưng người dân đang bàng hoàng trước những hình ảnh máy xúc áp sát, thô bạo khoét vào bờ kè hộ thành hào mặt nam Kinh thành Huế.

Chùa Bối Khê (Hà Nội)

Nếu có dịp rong ruổi về miền đất Thanh Oai, bạn sẽ có cơ hội được thăm chùa Bối Khê (còn gọi là Đại Bi tự) – một ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thời Trần (năm 1338) ở xã Tam Hưng. Đây còn là ngôi chùa có hầm địa đạo từ thời kháng chiến chống Pháp tồn tại đến nay.

Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và triều Nguyễn. Kiến trúc chùa hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ 18, rồi các năm 1923 và 2006. 

Qua cổng chùa là đến tam quan chùa với hai tầng, tám mái, phía trên có gác chuông. Trong khuôn viên chùa có nhiều cây cổ thụ, cây cảnh đan xen với các công trình kiến trúc đẹp mắt, góp phần tôn thêm vẻ trầm mặc, cổ kính của chốn tu hành. Chùa Bối Khê còn có cây sen đất, cứ vào trung tuần tháng ba âm lịch hàng năm, cây nở nhiều nụ non giống như nụ sen dưới nước, hai tuần sau thì nở thành hoa tỏa hương thơm ngào ngạt khắp chùa.

Khác với kiến trúc các chùa ở đồng bằng Bắc bộ, chùa Bối Khê được bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”, kiến trúc “nội công ngoại quốc”. Nơi thờ Phật được bố trí ở tòa tiền đường và bái đường. Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa. Tiếp theo là tòa thượng điện thờ Đức thánh Bối. Vật liệu chính của tòa thượng điện làm bằng gỗ mít, được dựng vào khoảng thế kỷ 14. Đặc sắc hơn là các đầu bẩy chạm hình rồng kiểu thời Trần và ở một số đầu đao, ngoài hình rồng còn có cả hình chim thần Garuda. Hai bên tòa thượng điện có hai dãy hành lang chạy song song, thờ các vị La Hán. Đức thánh Bối được thờ ở chùa tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, sinh thời ngài tu tại chùa Bối Khê. Ngài có công giúp vua Trần đánh giặc ngoại xâm nên được vua Trần phong làm Thượng đẳng thần, từ đó nhân dân Bối Khê luôn thờ phụng ngài như một vị Thánh tối cao của dân làng.

Chùa Bối Khê còn lưu giữ được 52 pho tượng Phật cổ, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Tam thế Phật… Trong số đó, bức tượng Quan âm với 12 tay được coi như đẹp nhất. Ngoài ra, chùa còn có hai quả chuông lớn, đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) treo ở tầng trên của tam quan. Tại lối vào chùa có tấm bia đá được khắc từ thời Trần ghi lại công đức của Đức thánh Bối. 

Hiện nay, di tích quốc gia chùa Bối Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đang bị đe doạ khi hai cổng ngách cạnh gác chuông của chùa bị đập để xây dựng hai cổng mới hoành tráng.

Nhà thờ chánh tòa Bùi Chu (Nam Định)

Nhà thờ Bùi Chu là một nhà thờ Công giáo Rôma, tọa lạc ở xã Xuân Ngọc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Bùi Chu là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Bùi Chu. Đây còn là nơi an nghỉ của 5 giám mục đã từng cai quản giáo phận.

Nhà thờ Bùi Chu được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque dưới thời Pháp thuộc bởi giám mục Wenceslao Onate Thuận (1884) người Tây Ban Nha với chiều dài 78m, rộng 22m, cao 15m, hai tháp chuông cao 35m. Nhà thờ có chiếc đồng hồ cổ kính, sản xuất đơn chiếc theo đơn đặt hàng ở Pháp từ năm 1922. Máy đồng hồ có kích thước 1,2m x 0,7m, hoạt động theo nguyên tắc sử dụng thế năng. Ðồng hồ dùng ba quả tạ bằng kim loại, mỗi quả chừng 50 kg.

Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là một trong những nhà thờ cổ kính nhất ở các tỉnh phía Bắc, có lịch sử tương đương Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn (ra đời năm 1880) và Nhà thờ Lớn Hà Nội (ra đời năm 1886). Đây là nơi lưu dấu ấn lịch sử truyền giáo, giao thoa văn hóa Đông – Tây ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là công trình có giá trị đặc biệt về phương diện lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc.

Trải qua hơn 100 năm, ngôi nhà thờ này vẫn đứng vững với những cột gỗ lim và những đường nét hoa văn mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Hàng năm vào ngày 8 tháng 8, ngày lễ quan thầy của giáo phận, có nhiều giáo dân tập trung về dâng lễ.

Giáo phận Bùi Chu hiện có dự tính hạ giải nhà thờ này để tái thiết nhà thờ mới. Việc này khiến nhiều kiến trúc sư không đồng tình, đề nghị tạm hoãn để chờ đánh giá toàn diện của Hội đồng di sản quốc gia. Một số kiến trúc sư kết luận nhà thờ chỉ hư hỏng nhẹ, không nhất thiết phải tháo dỡ. Sự việc hiện vẫn đang bị tranh cãi gay gắt.

Tháp Bánh Ít (Bình Định)

Tháp Bánh Ít còn có tên gọi là tháp Bạc còn trong tiếng J’rai là YANG MTIAN là một cụm các tháp cổ Chăm Pa, hiện nay nằm trên một ngọn đồi tại thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Kiến trúc tháp thuộc phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 sang phong cách Bình Định.

Hiện ở cụm tháp Bánh Ít có tháp chính, tháp mái và tháp cổng. Đường lên cụm tháp ở phía đông mà bắt đầu là tháp cổng, đằng sau tháp cổng là các tầng, các lớp những phế tích đổ nát, chếch về hướng đông – nam có một tháp gạch lớn như tháp cổng. Tháp cổng và tháp đông – nam này là hai kiến trúc hiện còn ở vòng ngoài hay tầng ngoài cùng của khu tháp Bánh Ít

Ngay đằng sau tháp cổng, trên nền tầng thứ nhất hiện còn dấu tích của một tòa nhà chạy dọc theo hướng đông – tây và đối diện với ngọn tháp chính bên trên

Sau tòa nhà dài là một lối tam cấp rất dốc dẫn lên tầng kiến trúc bên trên và tới một con đường đi thẳng tới ngôi tháp chính, hiện nay ở tầng trên cùng của quả đồi chỉ còn lại hai kiến trúc gạch đó là tháp thờ trung tâm và tòa tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam. Bao quanh khu kiến trúc trên cùng này là một vòng đai đường mà giờ chỉ còn lại dấu tích của những ổ gạch.

Nếu đem từng kiến trúc ra để so sánh thì từng ngôi tháp của Bánh Ít không phải là lớn, nhưng tháp Bánh Ít không phải chỉ từng ngôi tháp mà còn là các lớp kiến trúc, là cả quả đồi tự nhiên cao gần 100 mét, vì thế tuy từng kiến trúc không lớn lắm nhưng tổng thể kiến trúc Bánh Ít khá đồ sộ và hùng vĩ.

Ngôi tháp chính có vẻ đường bệ và hoành tráng của các kiến trúc: các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các của vòm và của giả hình mũi lao nhọn đồ sộ, có những nét thanh tú của đường nét, những nét hoa là trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem.

Sang ngôi tháp mái cong hình yên ngựa ở phía nam tháp chính, gồm những hình người, hìng thú, hình chim ở dưới chân tháp đang ưỡn người, khuỳnh chân, dùng hai tay như nâng bổng cả tòa tháp lên, mái tháp cong hình yên ngựa như xoè cánh bay, trên mặt tường của kiến trúc, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá.

Xuống tầng kiến trúc phía dưới, tháp cổng có hình dáng và cấu trúc giống như tháp chính, nhưng nhỏ hơn, ít các chi tiết trang trí hơn, còn ngôi tháp đông – nam có những hình quả bầu lọ trên các tầng với các khối cong nhịp nhàng đã che khuất và làm mềm đi những đường nét và hình khối kỷ hà cứng cỏi, khô khan và nhờ vậy tòa kiến trúc dịu hơn, có nhịp điệu hơn.

Mặc dù mỗi kiến trúc ở Bánh Ít có một dáng vẻ riêng, nhưng tất cả chúng đều có những nét chung, đặc trung cho cả quần thể, đó là sự thắng thế của tính hoành tráng và ngôn ngữ của khối lớn.

Tượng Siva của Tháp Bánh Ít, nay là hiện vật của Bảo tàng Guimet, Pháp.
Trang trí cửa giả tại thân tháp

Gần đây những hình ảnh ngôi tháp Bánh Ít ở Bình Định bị chính ngành du lịch địa phương này tùy tiện đục khoét để gắn thông tin quảng bá du lịch khiến người dân không khỏi lo lắng về tương lai của các di sản quốc gia.

Kết

Chúng ta có xứng đáng với di sản tiền nhân để lại hay không? Câu hỏi đặt ra như một thách đố. Và thách đố ấy liên quan đến chính cội nguồn của nhận thức phát triển.

Có thể phát triển bền vững được không, nếu xóa dần những biểu trưng tốt đẹp được kế thừa từ lịch sử?

Biên tập: Chilaxu

Cùng tác giả

#Tag

di sản văn hoá kiến trúc việt nam

iDesign Must-try

Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi (Phần 1)
Isamu Noguchi – một nghệ sĩ và nhà thiết kế Nisei tức là người Nhật thế hệ thứ hai (tại Mĩ và Canada) – đóng vai trò rất quan trọng…
ELLE Fashion Show 2023: Giao lộ thời trang & Kiến trúc
ELLE Fashion Show 2023: Giao lộ thời trang & Kiến trúc
Ngày 07/12/2023 – ELLE Fashion Show 2023 chính thức công bố chủ đề GIAO LỘ THỜI TRANG & KIẾN TRÚC sẽ diễn ra vào ngày 20/12/2023 tại Dinh Độc Lập,…
Kasaya - nhà hàng chay với thiết kế lấy cảm hứng từ vạt áo cà sa
Kasaya - nhà hàng chay với thiết kế lấy cảm hứng từ vạt áo cà sa
Công trình được xây dựng trên khu đất 20x20m của phố Hàng Than (Hà Nội), với 8 tầng, trong đó 4 tầng nhà hàng, 1 tầng khối phụ trợ –…
Copenhagen giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với kiến ​​trúc chống chịu khí hậu
Copenhagen giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu với kiến ​​trúc chống chịu khí hậu
Với việc Copenhagen (thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Đan Mạch) đăng cai Đại hội Kiến trúc sư Thế giới UIA, thành phố đặt mục tiêu…
Hội quán Quảng Đông: Không gian văn hoá mới được phục dựng giữa lòng phố cổ Hà Nội
Hội quán Quảng Đông: Không gian văn hoá mới được phục dựng giữa lòng phố cổ Hà Nội
Với diện tích lên tới 1800 m2, hội quán Quảng Đông vừa được phục dựng là một quần thể kiến trúc cổ kính, đặc sắc thể hiện nỗ lực bảo…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…