Biến container cũ thành phòng chữa trị virus: Sự hợp tác của hơn 100 nhà sáng tạo trên toàn thế giới

Tốc độ lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 đã khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt là ngành y tế. Việc sản xuất thiết bị y tế, quần áo bảo hộ đang được thực hiện ráo riết. Để nhận được nhiều bệnh nhân hơn, các bệnh viện dã chiến liên tục mọc lên, tuy nhiên virus corona vẫn dễ dàng phát tán và lây nhiễm chéo trong chính môi trường điều trị, điều này đồng nghĩa với việc, chúng ta cần thêm không gian nhưng những không gian đó nên được thiết lập cách ly hiệu quả.
Đáp ứng nhu cầu này, Carlo Ratti – kiến trúc sư, kĩ sư, nhà hoạt động và nhà phát minh người Ý – đã dẫn đầu một nhóm thiết kế đặc nhiệm có tên CURA. Hơn 100 kiến trúc sư, nhà thiết kế, bác sĩ, cố vấn, kĩ thuật viên trên toàn thế giới đã cùng nhau thực hiện hóa ý tưởng: chuyển đổi các container vận chuyển thành những khu vực điều trị khẩn cấp và chia sẻ bản vẽ chi tiết công khai. Các container được biết đến với cái tên chiếc vỏ ICU (Intensive Critical Unit – phòng hồi sức cấp cứu, chăm sóc đặc biệt hoặc điều trị tích cực).
“CURA” (Connected Units for Respiratory Ailments – tạm dịch: Các đơn vị nối kết dành riêng cho bệnh về đường hô hấp) có nghĩa là “chữa bệnh” trong tiếng Latinh, được tạo ra nhằm giảm tải cho các bệnh viện, đặc biệt là ở Ý. “Chúng tôi mong muốn ý tưởng này có thể triển khai nhanh chóng và dễ dàng ở các thành phố trên khắp thế giới, đáp ứng sự thiếu hụt không gian của các bệnh viện”, nhóm chia sẻ khi đang xây dựng phiên bản mẫu đầu tiên.
Những chiếc vỏ ICU dễ thiết lập như các phòng bệnh dã chiến, tuy nhiên vệ sinh và riêng biệt hơn để giúp tránh lây nhiễm, đặc biệt là các ca bệnh nặng cần được chăm sóc nghiêm ngặt. “Bất kể diễn biến của đại dịch này ra sao, chúng ta vẫn sẽ cần thêm nhiều ICU trong vài tháng tới”, người phát ngôn của nhóm CURA cho biết.

Chiếc vỏ ICU có thể được lắp ráp và tháo rời nhanh chóng, và vì tự thân chúng là container nên không khó để di chuyển từ nơi sản xuất sang vùng dịch bằng đường bộ, đường sắt hay bằng tàu. Các thiết bị bố trí trong container dài 6,1 mét với hệ thống thông gió tạo ra áp lực âm bên trong – điều này ngăn không khí nhiễm mầm bệnh thoát ra ngoài, giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế, những người “dễ tổn thương” nhất trong đại dịch này . Đây là một kĩ thuật được sử dụng phổ biến trong bệnh viện và phòng thí nghiệm, thành viên nhóm CURA đã đặc biệt chú trọng các tiêu chuẩn Phòng cách ly nhiễm khuẩn (AIIRs) khi thiết kế. Mỗi phòng ICU có thể chứa tối đa 2 bệnh nhân với đầy đủ các thiết bị y tế cần thiết.
Điểm hay của CURA là nó có dạng mô-đun, từng buồng có thể hoạt động độc lập hoặc kết nối với nhau để tạo ra một trung tâm chăm sóc lớn hơn, có thể đặt gần bệnh viện để mở rộng công suất chữa trị hoặc tạo ra từng khu chăm sóc độc lập. CURA tập trung vào những điểm bất cập của các bệnh viện dã chiến hiện tại cũng như diễn biến đại dịch để có thể tìm ra một giải pháp khả thi, hỗ trợ những người ở tuyến đầu cuộc chiến.
“Nếu xây dựng một bệnh viện dã chiến hoàn toàn mới, bạn sẽ tốn khoản chi phí rất cao để rồi sau đó vài tháng không dùng đến nữa. Trong trường hợp của CURA, các buồng có thể dễ dàng di chuyển ngay khi xây dựng cũng như khi đã sử dụng xong. Do diễn biến đại dịch khó lường, nhóm CURA dự kiến sẽ tái sử dụng chiếc vỏ container nhiều lần và vận chuyển đến bất cứ nơi đâu cần chúng nhất”. Chưa đầy 48 tiếng sau khi ra mắt, nhóm đã nhận được số lượng lớn yêu cầu hợp tác từ các nhà thiết kế trên toàn thế giới.
Phiên bản đầu tiên hiện đang được chế tạo và dự kiến sẽ được lắp đặt tại một bệnh viện ở Milan. Mỗi buồng ICU, được trang bị các thiết bị y tế thiết yếu, sẽ mất khoảng 75.000 đô la để sản xuất, và giá bán dự kiến là 150.000 đô la. CURA được sự tài trợ từ ngân hàng Ý UniCredit để xây dựng bản mẫu.
“Thách thức lớn nhất khi thực hiện dự án là nhóm phải tiến hành các cuộc họp qua Skype hoặc Zoom – những công cụ tuyệt vời để thảo luận, nhưng không phải lúc nào cũng lý tưởng khi bạn hợp tác thiết kế một cái gì đó”, Ratti nói.
Được góp sức bởi nhiều khối óc trên khắp các lãnh thổ, nhóm CURA thực sự tin tưởng ý tưởng thiết kế nguồn mở (open-source design) khi công khai bản vẽ thiết kế, bản vẽ kĩ thuật chi tiết để bất kì ai cũng có thể truy cập và ứng dụng vào cuộc chiến ở mỗi quốc gia, hoặc xem xét và đóng góp ý kiến của riêng mình.
Link truy cập dự án: https://curapods.org/
Toàn bộ thông tin về dự án (kĩ thuật, bản vẽ thiết kế, sản xuất): https://curapods.org/open-source-files
Thảo luận trên diễn đàn Reddit.
Không cần phải là chuyên gia y tế mới có thể góp sức vào cuộc chiến này, dù bạn là ai, nhà thiết kế, kĩ sư, nhà sản xuất, công ty khởi nghiệp, học sinh hay sinh viên… sự giúp sức của từng cá thể trên thế giới sẽ tạo nên sức ảnh hưởng to lớn. Dưới đây là hình ảnh chi tiết về dự án, cùng xem nhé.
Designers: Carlo Ratti Associati with Italo Rota (Design and Innovation), Massachusetts Institute of Technology (Design and Innovation), Humanitas Research Hospital (Medical Engineering), Policlinico di Milano (Medical Consultancy), Jacobs (Alberto Riva – Master Planning, design, construction and logistics support services), Studio FM Milano (Visual identity & graphic design), Squint/Opera (Digital media), Alex Neame of Team Rubicon UK (Logistics), Ivan Pavanello of Projema (MEP Engineering), Dr. Maurizio Lanfranco of Ospedale Cottolengo (Medical Consultancy).
Bài viết tổng hợp từ các nguồn:
Tổng hợp: woodee