Bệnh tinh thần qua góc nhìn của anime và manga

Các tác phẩm anime và manga đều có nhiều nhân vật thú vị với tính tình hay bị kích động và vô tình họ mang hội chứng bệnh thần kinh.

Các nhân vật mắc hội chứng bệnh tâm thần và mang tâm lý bất thường đã được khắc họa từ lâu trong anime và manga. Tùy vào tình huống, bệnh tâm thần có thể là lý do giải thích cho sự cam chịu của một nhân vật hoặc khiến họ có vẻ đáng sợ hơn. Nhiều tình huống khắc họa bệnh tâm thần trong truyện thiếu đi tính chân thật, không nhiều các nhân vật có chứng bệnh giống với thực tế. Dù vậy, với thiên hướng tạo hình nhân vật có tính cách thu hút và quá khứ đầy phức tạp, anime vẫn có tiềm năng nhân tính hóa những chứng bệnh tâm thần và tạo sự chú ý đến hoàn cảnh đầy khó khăn của nhân vật.

Nghiên cứu tâm trí của nhân vật Sato từ tác phẩm Welcome to the NHK.

Những loại hội chứng bệnh tâm thần

Chứng bệnh tâm thần có nhiều dạng, tuy nhiên trong anime và manga, chúng thường rơi vào một trong 4 loại sau đây: rối loạn tâm trạng, rối loạn liên quan đến căng thẳng, rối loạn thần kinh và rối loạn nhân cách.

Rối loạn tâm trạng là khi một người không thể kiểm soát tính khí bất thường của mình, bao gồm rối loạn trầm cảm chính và rối loạn lưỡng cực. Rối loạn liên quan căng thẳng là nguyên nhân hoặc hậu quả của căng thẳng và lo âu, thường là do cả hai. Ví dụ về hội chứng rối loạn này bao gồm rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn căng thẳng sau sang chấn, và rối loạn phân li. Rối loạn thần kinh có đặc điểm là các hành vi bất thường, ảo giác và hoang tưởng, do đó người mắc hội chứng không nhận ra được chúng. Hội chứng phổ biến và nặng nề nhất của các dạng này là bệnh tâm thần phân liệt. Rối loạn tính cách rất khó để xác định, tuy nhiên nhìn chung nó thể hiện qua những sinh hoạt bình thường hàng ngày bị tác động bởi một số vấn đề về tính cách. Rối loạn nhân cách ranh giới là một trong những hội chứng phổ biến và được nghiên cứu rộng rãi, tuy nhiên rối loạn nhân cách chống đối xã hội có lẽ là một trong những tính cách được khắc họa nhiều nhất trong tác phẩm hư cấu.


Các định kiến về chứng bệnh tâm thần

Nhiều người có định kiến về các chứng bệnh tâm thần, những nhà sáng tạo anime và manga không phải là ngoại lệ. Nhìn chung, các định kiến này xoay quanh 3 quan điểm chính:

Đầu tiên là nỗi sợ hãi bị bỏ rơi: Những người với chứng bệnh thần kinh nặng thường bị ghê sợ, do đó bị tách ra khỏi cộng đồng. Thứ hai là chủ nghĩa độc đoán: Những người mắc bệnh thần kinh nặng thường không có trách nhiệm, do đó các quyết định trong cuộc sống được người khác thực hiện thay. Thứ 3, lòng nhân từ: Những người mắc bệnh tâm thần nặng thường rất trẻ con và cần được chăm sóc.

Những định kiến này sẽ có thể gây hại đến người mắc bệnh thần kinh thật bằng việc tách họ ra khỏi người xung quanh và ngăn họ được tự quyết cho bản thân. Nghiêm trọng hơn là chúng có thể được sử dụng để làm lý do cho việc dùng bạo lực với người mắc bệnh ở đời thật, dùng bạo lực như một hành vi tự vệ hợp lý nhằm chống lại một người “nguy hiểm” hoặc một phản ứng hiển nhiên với người bị xem là gánh nặng.

Nozomu Itoshiki, một giáo viên trung học trong tác phẩm anime Sayonara Zetsubou Sensei. Nozomu đã chủ động tự tử vì nhiều lý do kì lạ.

Thú vị thay, các nhân vật anime thuộc các hình mẫu định kiến như trên hiếm khi có các dấu hiệu rõ ràng về chứng bệnh tâm thần. Vấn đề của họ có xu hướng là do các yếu tố siêu nhiên gây ra. Nhân vật Mao trong tác phẩm Code Geass thuộc loại này. Anh có nhiều hành vi thái quá, coi mình là trung tâm và bị coi là “điên khùng”. Tuy nhiên lý do duy nhất mà anh hành xử như thế là vì năng lực đọc tâm trí khiến anh không thể hình thành các mối quan hệ bình thường.

Nhân vật Death the Kid trong Soul Eater.

Một vấn đề khác trong việc khắc họa chứng bệnh thần kinh là coi nó như một điều gì đó hài hước hoặc không đến mức quá nghiêm trọng. Ví dụ trong tác phẩm Soul Eater, nỗi ám ảnh với sự đối xứng của nhân vật Death the Kid được khắc họa qua tính cách ngốc nghếch kì quặc, khiến nỗi đau và khó khăn của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không được nhìn nhận nghiêm túc trong thực tế. Trong khi đó, nhân vật Osaka trong Azumanga Daioh cho thấy nhiều hành vi liên quan đến hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Một lần nữa, các hành vi này được thể hiện để gây cười và được coi như phần tính cách vô hại mặc dù người mắc hội chứng này có thể gây tổn hại nếu không được chữa trị.

Dù có những vấn đề như trên, các tác phẩm anime và manga đều có nhiều nhân vật thú vị với tính tình hay bị kích động và vô tình họ mang hội chứng bệnh thần kinh. Các nhân vật bị bệnh thần kinh trong anime có thể là anh hùng hoặc tội phạm và mức độ chân thật mà chứng bệnh thần kinh của họ được khắc họa cũng rất đa dạng. Một vài nhân vật trở thành yếu tố thu hút và phức tạp nhất trong tác phẩm của mình.


Nhân vật phản diện có hội chứng bệnh thần kinh

Khi nhắc đến các nhân vật phản diện mắc bệnh thần kinh, hầu hết họ đều nghĩ rằng chứng bệnh là lý do mà mọi vấn đề phát sinh. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Trong anime xuất hiện nhiều nhân vật phản diện với chứng bệnh thần kinh nhưng không bị chúng chi phối.

Một ví dụ phổ biến của hiện tượng này là Hansel Gretel, cặp chiến binh song sinh từ tác phẩm anime Black Lagoon. Những nhân vật này mắc hội chứng rối loạn đa nhân cách khiến họ đôi khi hoán đổi nhân cách cho nhau. Sự chân thật của việc khắc họa hội chứng này không rõ lắm nhưng xét đến quá khứ cá nhân của nhân vật, việc họ mắc hội chứng này cũng không có gì ngạc nhiên lắm. Rối loạn phân ly là các rối loạn về sự phát triển lúc còn nhỏ khi đứa trẻ bị lạm dụng và bỏ rơi nặng nề kéo dài. Điều này là đúng trong trường hợp của Hansel và Gretel. Điều thậm chí thú vị hơn là khác với nhiều tác phẩm có nhân vật phản diện với hội chứng thần kinh, chuỗi tác phẩm tiếp diễn với niềm hi vọng dành cho một trong hai nhân vật, Gretel. Dù có thể cô sẽ không có một cuộc sống bình thường, mọi thứ ám chỉ rằng ít ra cô có thể học cách trở nên lý trí và khoan dung hơn với kẻ mình giết. Phân cảnh minh họa điểm này rõ nhất là khi cô mắng Revy, nhân vật phản diện, rằng cô và Revy đều giống nhau. Dường như Gretel phiên bản người lớn sẽ rất giống với Revy.

Hansel và Gretel, từ Black Lagoon.

Một nhân vật phản diện khác trong anime có dấu hiệu hội chứng thần kinh là Furuichi Teraoka, từ Xam’d: Lost Memories của studio sản xuất Bones. Lúc bắt đầu câu chuyện, Furuichi dường như là một người đàn ông bình thường, biết điều chỉnh hành vi và quan tâm. Tuy nhiên, khi chiến tranh nổ ra khiến cuộc sống của anh và bạn bè trở nên phức tạp và vô vọng hơn, anh chìm đắm trong phiền muộn và bắt đầu tấn công những người quan tâm anh. Quan trọng là chuỗi tác phẩm chưa bao giờ thể hiện rằng sự phản kháng của anh và trầm cảm có liên quan trực tiếp với nhau. Thay vào đó, những tình huống không may mà anh rơi vào khiến anh trở nên lo lắng rồi bắt đầu thực hiện những điều xấu xa. Thường thì đối với chuỗi tác phẩm anime, Xam’d cho thấy sự hiểu biết tinh vi về yếu tố khiến con người ta trở nên dễ bị tổn thương bởi các hội chứng thần kinh trong thực tế. Cha của Furuichi không bao giờ được đề cập tới, và dù không có lý giải gì cho sự vắng mặt của ông, mọi thứ ám chỉ rằng ông đã chết hoặc biến mất từ lâu. Các nhà khoa học nhận thấy rằng trải nghiệm căng thẳng và mất mát ở giai đoạn đầu có thể khiến một người trở nên dễ bị tổn thương hơn khi có vấn đề về sức khỏe thần kinh sau này.

Furuichi từ Xam’d: Lost Memories.

Nhân vật chính với hội chứng thần kinh

Tất nhiên, việc các nhân vật phản diện với hội chứng thần kinh xuất hiện ngày càng nhiều sẽ góp phần ủng hộ cho định kiến rằng hội chứng thần kinh là yếu tố nguy hiểm. May mắn thay, một vài phim anime và manga khắc họa các nhân vật với hội chứng thần kinh ở vai trò thủ lĩnh theo một cách đầy cảm thông và khiến khán giả quan tâm nhiều hơn đến họ. Thông qua đó, chuỗi tác phẩm cho thấy một cái nhìn đầy tình người với hội chứng thần kinh và người hâm mộ anime có nhiều cơ hội hơn để nhận ra những vấn đề và lo ngại cụ thể được phản ánh.

Có lẽ nhân vật chính diện với hội chứng thần kinh nổi tiếng nhất trong anime là Shinji Ikari trong Neon Genesis Evangelion. Đạo diễn Hideaki Anno đã chịu đựng cơn trầm cảm trong nhiều năm và ông tạo nên nhân vật Shinji dựa vào những trải nghiệm của mình. Dù bị trầm cảm, Shinji vẫn có thể lái một con robot khổng lồ để chiến đấu với quái vật và trở thành trung tâm trong hầu hết các xung đột trong câu chuyện. Hình ảnh Shinji đã cho thấy rằng nhân vật mang hội chứng thần kinh trong anime không cần phải là nạn nhân hoặc kẻ xấu.

Shinji bị trầm cảm.

Một tác phẩm cho thấy sự nổi dậy của nhân vật mang hội chứng thần kinh là Đức Phật (Buddha) của Osamu Tezuka, một tác phẩm manga chuyển thể. Trong tác phẩm manga này, Siddhartha, người đàn ông hóa thành Đức Phật, có nhiều dấu hiệu liên quan đến chứng trầm cảm. Lúc còn nhỏ, những nhân vật khác luôn nói về việc anh cứ ngủ suốt, thường xuyên bị bệnh và ít quan tâm đến những tiệc tùng mà bạn bè mời. Thay vào đó, anh dành hầu hết thời gian trầm tư về cái chết và nỗi sợ hãi xuất phát từ đó, một nỗi sợ ám ảnh anh mãi cho đến khi được khai sáng. Thậm chí nỗi sợ này có lúc vẫn quay lại ở giai đoạn sau đó. Trong một phân cảnh cụ thể, một người quý tộc có tên Devadatta tìm thấy Siddhartha trong một hang động và cho rằng ma quỷ đang giễu cợt, bảo anh phải chết đi. Tất cả những suy nghĩ và hành vi này có thể được coi là triệu chứng của trầm cảm. Dù vậy, anh vẫn giác ngộ được tôn giáo với hàng triệu tín đồ trên khắp thế giới.


Khi có nhiều hơn một nhân vật với hội chứng thần kinh

Một phân cảnh trong Đức Phật của Osamu Tezuka, nơi Đức Phật giải bày nỗi niềm.

Đôi khi, một tác phẩm anime sẽ có nhiều nhân vật mắc hội chứng thần kinh với nhiều vai trò khác nhau. Một ví dụ điển hình của điều này là chuỗi tác phẩm manga Deadman Wonderland với không ít hơn 4 nhân vật mắc các hội chứng thần kinh khác nhau. Chỉ có Shiro, nhân vật nữ thủ lĩnh, được xác định vấn đề tinh thần rõ ràng. Cô mắc hội chứng rối loạn phân ly trong những năm tháng bị tra tấn ở phòng thí nghiệm. Những nhân vật khác mắc hội chứng thần kinh là Nagi Kengamine với chứng rối loạn tâm thần, Rinichiro Hagire với chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội và Idaki Hitara với rối loạn trầm cảm nặng. Mọi thứ không được thể hiện rõ ràng trong chuỗi tác phẩm, tuy nhiên đa số những hành động của Nagi trong phần đầu tác phẩm đều dựa vào những ảo giác mà anh có. Nagi cũng ăn mặc rất kì lạ với chiếc áo sơ mi dài tay, áo khoác và khăn choàng cổ dù nhà tù nơi anh ở khá ấm và hầu hết các nhân vật khác cũng ăn mặc phù hợp với thời tiết ấm. Điều này thể hiện rằng anh có vấn đề về xúc giác hoặc có thể đơn giản là thiếu quan tâm đến các quy tắc xã hội, các triệu chứng của bệnh nhân rối loạn tâm thần.

Nagi trong bộ trang phục điển hình.

Trong trường hợp của Hagire, những dấu hiệu của hội chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội xuất phát từ việc anh không hề tỏ ra hối hận về những việc xấu mình gây ra. Bên cạnh đó anh cũng cố chấp rằng mình không hiểu được động lực hoặc cảm xúc của con người, đặc biệt là tình yêu. Các dấu hiệu trầm cảm của Hitara thì mờ nhạt hơn, chủ yếu xuất phát từ chứng khó ngủ mà anh đã mắc phải trong nhiều năm. Anh cũng hay gặp ảo giác về giọng nói của con gái đã chết nhiều năm trước. Các triệu chứng rối loạn tâm thần hiếm khi liên quan đến trầm cảm và những bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc cao hơn (14).

Một ví dụ thực tế hơn về hội chứng thần kinh có thể được tìm thấy trong tác phẩm Welcome to NHK! Nhân vật chính của chuỗi tác phẩm, Tatsuhiro Sato, là một hikikomori (hiện tượng những người tự giam mình trong phòng, từ chối tham gia đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài) với hội chứng lo âu thái quá. Xuyên suốt tác phẩm anh bắt gặp nhiều nhân vật khác cũng có vấn đề về tâm lý, bao gồm các hikikomori khác mà anh quen biết trong một trang web trò chơi. Khi Sato hỏi lý do vì sao anh lại dành nhiều thời gian nhốt mình trong phòng, và với sự trợ giúp của người chị, người đàn ông trả lời: “Bởi vì tôi lo sợ.” Chuỗi tác phẩm này nhấn mạnh khó khăn của những người có vấn đề về sức khỏe thần kinh trong xã hội Nhật Bản – một xã hội mà dù nhận thức có gia tăng thì tính tự lực và sợ làm phiền người khác cùng các vấn đề cá nhân vẫn được đặt lên hàng đầu.

Sato trong căn hộ của mình.

Anime và manga đưa ra nhiều ví vụ về các nhân vật mang nhiều hội chứng thần kinh. Một vài nhân vật là nạn nhân bị tác động bởi nhiều định kiến khuôn mẫu, được khắc họa với hình ảnh bạo lực và không có trách nhiệm. Tuy nhiên, số khác lại thành công trong việc thu hút sự chú ý của dư luận đến vấn đề về sức khỏe tinh thần ở Nhật Bản và các nơi khác trên thế giới. Do đó, anime có tiềm năng trở thành phương tiện thúc đẩy tìm hiểu và nhân cách hóa về hội chứng thần kinh theo hướng vui tươi và thu hút.


Tác giả: Debs
Người dịch: Đáo
Nguồn: The Artifice

Cùng tác giả

#Tag

animation anime Japan manga mental-illness

iDesign Must-try

Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Sarah là một illustrator/animator đang sống tại Brisbane, Úc. Cô bạn nổi tiếng trên mạng xã hội với nghệ danh là eyepicturedthis khi chia sẻ lại hàng loạt các tác…
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate vừa giới thiệu ứng dụng mới, Procreate Dreams trên iPad, giúp người dùng vẽ chuyển động và làm hoạt hình dễ dàng và tối ưu hơn. Procreate là một ứng…
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Dự án hoạt hình ‘U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ’ của Sun Wolf Animation Studio
Bộ phim hoạt hình “U Linh Tích Ký: Bột thần kỳ” lấy hình tượng con nghê làm nhân vật chính và kiến trúc lấy cảm hứng từ phố cổ Hội…
Xu hướng thiết kế Animation và Motion 2022
Xu hướng thiết kế Animation và Motion 2022
Hoạt ảnh Animation và chuyển động Motion đã trở thành những công cụ sáng tạo mạnh mẽ để quảng cáo và tiếp thị. Các doanh nghiệp liên tục thúc đẩy…
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Từ lá thư từ chối họa sĩ nữ của Walt Disney cho đến vị trí của phụ nữ trong ngành nghệ thuật
Câu chuyện đằng sau việc nữ giới luôn bị lép vế trong ngành công nghiệp phim hoạt hình.
Nguồn cảm hứng tạo nên kiến trúc đô thị trong Ghost in the Shell
Nguồn cảm hứng tạo nên kiến trúc đô thị trong Ghost in the Shell
Ghost in the Shell gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem nhờ thiết kế cảnh quan đô thị hết sức độc đáo, mang đậm âm hưởng Á Đông,…