Bạn đã biết về 6 mẫu tư thế thường xuất hiện trong các kiệt tác nghệ thuật?

Khi thưởng thức các kiệt tác hội họa thế giới, bạn đã từng thử tạo dáng như David của Michelangelo, Birth of Venus của Botticelli, hay thử ngả người trên chiếc ghế dài để bắt chước nhân vật trong Olympia của Mandouard Manet? Nếu có, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra những tư thế này có chút khác biệt so với thực tế, và cũng có một số tư thế nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật hoàn toàn không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, trong lịch sử nghệ thuật phương Tây, chúng ta vẫn có thể nhận thấy một số quy chuẩn riêng trong việc mô tả hình dáng nhân vật được các danh họa sử dụng. Việc sắp đặt vị trí của một cánh tay, hoặc dáng đứng có thể biến người thường thành nhân vật mang dáng dấp của một vị hoàng đế, một nữ thần, thậm chí một vị thần.

Những tư thế này có ảnh hưởng gì đối với nền mỹ học phương Tây, những câu chuyện đằng sau ngôn ngữ cơ thể cổ xưa này sẽ được thể hiện qua 6 tư thế phổ biến nhất dưới đây:


1. Composite

“Nebamun hunting in the marshes”, cuối triều đại thứ 18 – khoảng năm 1350 trước Công nguyên
Ảnh: Viện bảo tàng Anh

Người Ai Cập cổ đại thường mô tả dáng người kết hợp cùng nhiều yếu tố khác nhau để tạo ra một khối tổng thể. Composite là tư thế thường được sử dụng trên các bức phù điêu, tấm bia và tranh treo tường, chúng mô tả nhân vật có thân mình hướng về phía trước, trong khi đầu, hông và chân hướng theo các vị trí khác nhau. Mặc dù khuôn mặt được vẽ ở góc nghiêng, nhưng đôi mắt hình quả hạnh vẫn hướng thẳng về phía người xem.

Tại sao các hoạ sĩ lại phải thể hiện một tư thế “vặn vẹo” như vậy? Một lý do đơn giản là mũi và bàn chân sẽ dễ vẽ hơn từ cạnh bên, trong khi mắt và vai sẽ dễ hơn nếu vẽ từ hướng chính diện. Bạn có thể nhận thấy đây là một trong những tư thế có thể dễ dàng minh hoạ nhất trên tranh, mặc dù nó cũng là một tư thế khó có thể diễn tả trong thực tế.

Bên cạnh đó, sự đối lập này cũng mang một ý nghĩa tâm linh. Người Ai Cập cổ đại tin rằng những linh hồn cần nơi trú ngụ ở trần gian, vì vậy các quan tài thường được điêu khắc hoặc vẽ lại chân dung như một niềm tin về sự sống sau khi đã qua đời. Mang ý nghĩa về cuộc sống vĩnh hằng, các tư thế Composite thể hiện sự bất biến, bất động và hoàn toàn vượt thời gian.


2. Contrapposto

Trong khi tư thế Composite miêu tả sự tĩnh lặng vĩnh cửu, thì người Hy Lạp xây dựng cơ thể nhân vật trong các chuyển động, các tư thế này có tên gọi là Contrapposto.

Contrapposto khắc hoạ tư thế một người đứng và dồn phần lớn trọng lượng của mình lên một chân (chân trụ), chân còn lại được đặt thoải mái với phần cong nhẹ ở đầu gối, cảm giác chuẩn bị bước đi. Phần thân, vai và đầu được được tạo dáng lệch khỏi trục cân bằng tự nhiên của cơ thể, tạo thành một động tác xoay người tự do. Contrapposto khiến người xem cảm giác các khối đá cẩm thạch hoặc một tấm vải bạt được thổi hồn thành những tác phẩm có sự sống, mang hơi thở của con người và mang chủ nghĩa tự nhiên làm say đắm lòng người.

Khi bạn đã biết về tư thế này bạn sẽ bắt gặp nó ở khắp mọi nơi, từ kiệt tác thời Phục hưng như David của Michelangelo cho đến tác phẩm Compton Contrapposto (2016) của nhiếp ảnh gia đương đại Genevease Gaignard.

Mặc dù Contrapposto có thể trông tự nhiên, nhưng thật chất tư thế này không hề tự nhiên. Để chứng minh điều này, nghệ sĩ khái niệm Bruce Nauman đã cố gắng thực hiện tư thế huyền thoại này khi di chuyển qua một lối đi hẹp trong màn trình diễn video dài 60 phút của Walk with Contrapposto (1968). Kết quả mang lại một sự khác biệt hoàn toàn so với những gì người Hy Lạp định hình.


3. Adlocutio

Bạn đang đứng ở tư thế Contrapposto, hãy nâng cánh tay phải và chỉ ngón trỏ lên trời, bạn đã biến nó thành tư thế Adlocutio. Trong lịch sử nghệ thuật, tạo dáng chỉ huy này chủ yếu dành cho các nhà lãnh đạo, đặc biệt là những người điều binh khiển tướng trong các trận chiến. Tác phẩm điêu khắc thời kỳ Roman cổ đại Augustus of Primaporta (thế kỷ 1 sau công nguyên) là ví dụ nổi tiếng nhất thể hiện tư thế Adlocutio, mặc dù sau đó có rất nhiều nghệ sĩ tiếp tục khai thác tư thế này trong các sáng tác của họ.

Khi danh hoạ của trường phái Tân Cổ điển Jacques-Louis David vẽ Napoleon at the Great St. Bernard (1801), cánh tay phải được nhấc cao trở thành một hình ảnh mang tính biểu tượng. Gilbert Stuart cũng thể hiện điều đó khi mô tả George Washington (1796), và hầu hết các mô tả về Chủ tịch Mao Trạch Đông đều sử dụng tư thế này.

Nhưng tại sao các nhà lãnh đạo đều giơ cánh tay phải (mà không phải cánh tay trái)?. Trong truyền thống nghệ thuật phương Tây, phía bên phải cơ thể tượng trưng cho sự công bằng và thần thánh. Ví dụ, khung cảnh trong Last Judgement của Michelangelo, phía bên phải của Chúa Kitô là hình ảnh lên thiên đàng, trong khi bên trái là cảnh bị đày xuống địa ngục. Theo đó, cánh tay phải của các vị lãnh đạo Augustus, Napoleon, Washington và Mao Trạch Đông thể hiện sự quyền lực và liên kết với thiên đàng nhằm tỏ lòng tôn kính với các nhà lãnh đạo vĩ đại trong quá khứ.


4. Pudica

Aphrodite of Knidos của Praxiteles (thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên) xem là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng đầu tiên về một người phụ nữ khoả thân trong nghệ thuật phương Tây. (Trong khi đó, hình tượng đàn ông khoả thân đã xuất hiện trong các tác phẩm điêu khắc trong hơn 300 năm). Đối với vấn đề tiên phong này, Praxiteles đã xây dựng một tư thế mới cho hình tượng nhân vật khoả thân chưa từng có của ông. Trong phiên bản gốc, nữ thần Aphrodite của Praxitele đang đứng tương tự tư thế Contrapposto, nhưng nhân vật thu mình lại, một bàn tay vội vã che lấy phần xương mu và tay còn lại đang nắm lấy trang phục của mình. (Tuy nhiên, ngày nay các bản sao còn sót lại của Aphrodite không còn xuất hiện cánh tay phải).

Tư thế Pudica này nhanh chóng trở thành biểu tượng tiêu chuẩn của phụ nữ trong nghệ thuật, mang đến một sắc thái vô cùng gợi cảm. Trong tư thế này, người phụ nữ e ấp khiến người xem thu hút bởi sự quyến rũ đầy nữ tính. Mặc dù ý nghĩa cốt lõi đằng sau nó là hành động người phụ nữ bảo vệ cho cơ thể mình khỏi những quấy rối không mong muốn. Tư thế này cũng được ưa chuộng bởi vô số nghệ sĩ bao gồm Botticelli, Rembrandt van Rijn  Pablo Picasso.


5. Serpentine

Vào một ngày mùa đông năm 1506, kiệt tác thời Hy Lạp Laocoön and His Sons (khoảng 40–30 TCN) được phát hiện trong một vườn nho La Mã. Trước khi tác phẩm được khai quật hoàn toàn, Michelangelo đã vội vã đến để nghiên cứu và phác hoạ lại những hình khối của bức tượng bằng đá cẩm thạch cổ.

Tác phẩm điêu khắc này chứa đầy những mâu thuẫn kịch tích chưa từng thấy trong nghệ thuật phương Tây. Thay vì chuyển động nhẹ nhàng, toàn bộ cơ thể Laocoön có sự xoay chuyển mạnh mẽ quanh trục cân bằng, tay chân của nhân vật chuyển động theo các hướng khác nhau. Tư thế Serpentine (hay tiếng Ý là figura serpentinata) là nguồn cảm hứng khiến Michelangelo tạo ra những tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ theo chuyển động cuộn như Laocoön. Serpentine luôn nắm bắt sự gợi cảm và tạo dáng hầu như không tự nhiên. (Rất ít người có thể mô phỏng chính xác được tư thế này ngoài đời thực).

Sự hấp dẫn của nó đã mê hoặc nhiều danh hoạ nổi tiếng trong trường phái Mannerist và Baroque như Agnolo Bronzino và Gian Lorenzo Bernini, những người tôn sùng sự chuyển động thay vì chủ nghĩa tự nhiên. Đối với nhiều người, Laocoön có sự đột phá so với tư thế Contrapposto cơ bản, nó thể hiện sự kịch tính đầy xúc cảm của cơ thể so với chuyển động bước đi.


6. Odalisque

Sleeping Venus – Giorgione (1510)

Năm 1510, hoa sĩ Phục hưng Giorgione (có lẽ cùng với một chút giúp đỡ từ học trò của mình Titian) đã vẽ bức khoả thân phụ nữ đầu tiên trong tư thế ngả lưng. Tương tự như tạo dáng của Pudica, Sleeping Venus của Giorgione mô tả nàng Venus, nhân vật bước ra từ thần thoại Hy Lạp – La Mã, đang nằm ở tư thế ngả người duỗi theo chiều dài bức hoạ, nàng phô diễn mọi vẽ đẹp thanh tân trên cơ thể, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, mặt khẽ hướng về người xem, tay phải tựa đầu, tay trái buông nhẹ trên cơ thể. Tuy nhiên, tác phẩm được chấp nhận vì thân thể trên của một nữ thần chứ không phải một người phụ nữ phàm trần.

Trong thế kỷ 18, sự bành trướng thuộc địa dẫn đến những tiếp xúc với các nghệ sĩ ở nền văn hoá phương Đông, nhiều nghệ sĩ đã khai thác về chủ đề hậu cung đế chế Ottoman. Thì vì miêu tả Venus, các danh hoạ Jean-Auguste-Dominique Ingres và Eugène Delacroix đã bắt đầu đưa tư thế Odalisque vào các tác phẩm của mình.

Olympia – Edouard Manet (1863)

Với tác phẩm Olympia, Manet trở thành nghệ sĩ nổi tiếng đầu tiên đưa hình ảnh người phụ nữ da trắng hiện đại qua tạo dáng này, điều đó cũng đã khiến cho giới mộ điệu vô cùng bất ngờ. Ánh mắt của nhân vật nhìn trực diện như kết nối với người thưởng thức. Tác phẩm mang tính cách mạng và đã đưa Olympia vào danh sách các tác phẩm nghệ thuật mô tả nhân vật trong tạo dáng Odalisque.

Guerrilla Girls tại Phòng trưng bày Whitechapel, London (2016-2017)

Năm 1989, cũng với tư thế này, tác phẩm Guerrilla Girls đã thu hút sự chú ý khi thể hiện bằng một poster với thông điệp đầy sự khiêu khích: “Do women have to be naked to get into the Met Museum?”


Biên tập: Thao Lee
Theo: artsy

Cùng tác giả

#Tag

adlocutio art history Birth Of Venus botticelli composite Compton Contrapposto contrapposto david Gilbert Stuart Giorgione Heirstory Jacques-Louis David Laocoon and His Sons Last Judgement lịch sử mỹ thuật lịch sử nghệ thuật Mandouard Manet Michelangelo Napoleon at the Great St. Bernard odalisque Olympia ottoman Pablo Picasso Praxiteles pudica Rembrandt van Rijn serpentine Sleeping Venus tạo dáng nhân vật tư thê

iDesign Must-try

Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Xưởng vẽ - khu biệt thự tiện nghi view biển Địa Trung Hải của Picasso được rao bán với giá 27 triệu USD
Xưởng vẽ - khu biệt thự tiện nghi view biển Địa Trung Hải của Picasso được rao bán với giá 27 triệu USD
Gần đây, xưởng vẽ của Pablo Ruiz Picasso đã được rao bán với giá trị lên đến 27 triệu USD. Khu biệt thự bên bờ sông này được xây dựng…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 12/2021
Điểm tin nghệ thuật thế giới tháng 12/2021
Khép lại một năm với đầy rẫy những điều bất ngờ và tràn ngập sự sôi động trong thế giới nghệ thuật sáng tạo. Cùng chúng mình điểm lại những…