Triển lãm ‘Alternate Existence/s’: Tái hiện hành trình nhiếp ảnh gần nửa thập kỷ của Tom Hricko
Triển lãm “Alternate Existence/s” diễn ra tại Toong 198 Minh Khai (Quận 3, TP.HCM) là không gian dẫn dắt người xem hòa mình vào dòng chảy thời gian 40 năm qua lăng kính nhiếp ảnh của nghệ sĩ kiêm nhà giáo dục nhiếp ảnh Tom Hricko. Cùng trò chuyện với Tom Hricko cũng như BTC Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery và GốcCreation để hiểu hơn về những câu chuyện đằng sau triển lãm.
Vì sao ông quyết định chọn Việt Nam làm nơi tổ chức triển lãm?
Tom Hricko: Bởi vì tôi sống ở đây khá lâu và nhiều tác phẩm trong triển lãm được thực hiện ở Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam là nơi ghi dấu những giây phút thăng hoa trong nghệ thuật với những bộ ảnh tôi cực kỳ tâm đắc, mà đồng thời cũng là nơi vỗ về tôi giữa những khoảng lặng mất phương hướng trong sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật. Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi, là ngôi nhà đích thực của tôi. Thế nên, Việt Nam là nơi tôi muốn thực hiện triển lãm quan trọng nhằm nhìn lại toàn bộ sự nghiệp này.
Xuyên suốt hành trình nhiếp ảnh trải nghiệm nhiều thể loại và phong cách nhiếp ảnh khác nhau, ông đã nuôi dưỡng nguồn cảm hứng của mình như thế nào?
Tom Hricko: Nhiều nhiếp ảnh gia đã truyền cảm hứng cho tôi. Trong đó, có lẽ hai người có ảnh hưởng lớn nhất là Paul Strand và Paul Caponigro. Khoảnh khắc chìm đắm vào triển lãm của Paul Strand tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia vào những năm 1970 đã trở thành một sự kiện thay đổi cuộc đời tôi. Cảm hứng cho những bức ảnh của tôi đến từ bất cứ đâu. Đôi khi tôi nhìn thấy một sự vật nào đó hoặc bắt gặp một khoảnh khắc nào đó khiến mình bất giác đặt ra câu hỏi “nếu thế-thì sao”. Tôi bèn tò mò muốn thử nghiệm xem quy trình chụp ảnh vừa bật ra trong đầu mình sẽ vận hành và tạo ra những tác phẩm như thế nào. Chẳng hạn như “điều gì sẽ xảy ra nếu tôi phát minh ra một phong cảnh tưởng tượng và bắt trọn nó thành một bức ảnh” hoặc “sẽ ra sao nếu tôi tạo ra một bức ảnh với những sự kiện bất khả thi ở đời thực” như trong loạt tác phẩm “In Vitro Lanscapes” và “Object/Image”.
Các phiên bản in của tác phẩm “Feather-Stone” (1977)
Liệu có một tiêu chuẩn nào mô tả phong cách của ông không?
Tom Hricko: Ở mỗi thời điểm khác nhau tôi sẽ thử nghiệm với một phong cách khác nhau. Vì vậy, tiêu chuẩn cơ bản trong công việc của tôi là cho người xem thấy điều gì đó mà họ không thể nhìn thấy bằng chính mắt mình. Mỗi tác phẩm mở ra những thế giới mới và những cách nhìn mới cho khán giả, bất kể với kỹ thuật gì hay ý tưởng nào. Nó có thể là táo như trong tác phẩm “Apple”, nó có thể là cảnh quan được tạo ra như “In Vitro Landscapes” hay một lông vũ nâng đỡ một hòn đá như trong “Feather – Stone”. Điểm mấu chốt là bạn chưa bao giờ thấy điều này trước đây và tôi có thể khơi gợi nên những thực tại song song dẫn dắt người xem thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa việc thưởng thức và chiêm nghiệm vạn vật qua lăng kính nhiếp ảnh.
Tác phẩm “In Vitro Landscape” (1977)
Tác phẩm “Apple” (1991)
Trong hành trình nhiếp ảnh gần nửa thập kỷ với bao thăng trầm cùng nghệ thuật, điều gì là khó khăn lớn nhất đối với ông?
Tom Hricko: Khi nhìn vào những tác phẩm xuyên suốt những năm qua, chúng được thực hiện trong từng thời điểm đánh dấu từng cột mốc trong cuộc đời tôi. Và khoảng thời gian trống đan xen giữa những dự án và tác phẩm ấy chính là điều khiến tôi cảm thấy sợ nhất, chính xác là cảm giác không biết phải làm gì tiếp theo. Trong quá trình sáng tác, cảm giác thăng hoa trong nghệ thuật chỉ diễn ra trong gang tấc. Đến lúc hoàn thiện hoàn toàn một tác phẩm, sau khi trải qua mọi cung bậc cảm xúc của tác phẩm ấy mang đến, cũng là lúc sự trống rỗng ập tới bao trùm ta.
Nếu khoảng thời gian trống đó ngắn và một ý tưởng mới lóe lên, tôi sẽ thấy thực sự nhẹ nhõm và lao vào thực hiện chúng ngay. Nhưng đôi khi khoảng trống đó rất dài, có thể là một năm hoặc thậm chí nhiều hơn, khiến tôi cảm thấy vô định với cuộc sống này. Do đó, tôi không ngừng nghỉ quan sát và thử nghiệm với mọi thứ xung quanh để tìm cảm hứng từ bất cứ điều gì dù là nhỏ nhất. Tôi cố gắng giữ cho tâm trí sống chậm trong từng khoảnh khắc hiện tại để cảm nhận sâu sắc mọi giác quan va chạm với thế giới xung quanh, thậm chí ngay trong lúc ngủ tôi cũng có thể bật ra một ý tưởng nào đó và dòng cảm xúc nguyên bản ấy sẽ dẫn dắt tôi đến với những tác phẩm tiếp theo trong tương lai.
Sau triển lãm “Alternate Existence/s“, ông có ấp ủ dự án nào trong tương lai không?
Tom Hricko: Thực sự là không. Hiện tại tôi chỉ mong triển lãm diễn ra tốt đẹp và mang đến những giá trị cảm quan đắt giá đến người xem. Đây là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi nên tôi đang thực sự tận hưởng khoảnh khắc này. Sau giai đoạn này sẽ là một giai đoạn mới khác, đó sẽ là một ẩn số mới đầy thú vị xen lẫn hồi hộp, cứ để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên và tâm trí tôi vẫn sẽ dành trọn cho nhiếp ảnh nghệ thuật ở những thế giới song song của vạn vật.
Đồng hành cùng Tom Hricko trong triển lãm lần này là BTC Noirfoto Darkroom-Studio-Gallery và GốcCreation với nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh triển lãm “Alternate Existence/s”.
Cơ duyên nào dẫn đến sự hợp tác giữa Noirfoto, GốcCreation với Tom Hricko cùng tổ chức triển lãm “Alternate Existence/s“?
GốcCreation: Nghệ sĩ Phạm Tuấn Ngọc trước đây cũng đã có cơ duyên cùng hợp tác với GốcCreation trong một dự án nên cũng có hiểu biết đến từ hai bên. Sau sự kiện triển lãm tranh thành công của hoạ sĩ Vũ Tuấn Việt vào cuối tháng 7/2022 do GốcCreation và Toong tổ chức, anh Ngọc nhận thấy GốcCreation có những giá trị và điều kiện phù hợp với những tác phẩm của bên Noirfoto, vì vậy anh Ngọc có ngỏ lời hợp tác, và dĩ nhiên với những giá trị nghệ thuật nhìn thấy được từ Noirfoto mang lại lần này, GốcCreation rất vui và vinh dự được cùng hợp tác, đưa triển lãm ảnh tới công chúng.
Các tác phẩm được trưng bày đều mang dấu ấn của một quá trình thực hành và giảng dạy nhiếp ảnh thủ công và kỹ thuật số của Tom Hricko xuyên suốt hơn nửa thế kỷ. Vậy quá trình chuẩn bị, sắp đặt triển lãm có gì đặc biệt từ khó khăn tới thú vị có thể chia sẻ không?
Noirfoto: Một trong những điểm thú vị nhất của “Alternate Existence/s” chắc chắn nằm ở việc đây là một triển lãm hồi tưởng hay triển lãm nhìn lại tổng thể thực hành nghệ thuật của một nghệ sĩ lâu năm. Khán giả đã quen với những triển lãm cá nhân giới thiệu một bộ tác phẩm thường là mới nhất của tác giả, còn triển lãm hồi tưởng cho thấy nhiều bộ tác phẩm với mục tiêu vẽ ra bức tranh toàn cảnh.
Chúng tôi có gặp khó khăn trong việc tổng hợp lại các tác phẩm mà xa nhất được thực hiện từ năm 1977, cũng như lựa chọn ra vừa đủ những tác phẩm mang tính đại diện. Việc sắp đặt các bức ảnh này vào một không gian có cấu trúc và chất liệu đặc biệt, khác với một không gian gallery truyền thống, như tại Toong 198 Minh Khai cũng là một thử thách. Tuy nhiên, khó khăn ở đâu thì thú vị cũng là ở đó. Noirfoto tin rằng 11 bộ tác phẩm được lựa chọn tại “Alternate Existence/s” cho thấy được khả năng tạo ra và trực quan hoá những thế giới song song của nhiếp ảnh mà Tom Hricko luôn theo đuổi.
Trong triển lãm này, Noirfoto cũng tài trợ nghệ sĩ trong khâu sản xuất ảnh thủ công. Cơ hội để in một trong những bức ảnh lớn nhất tại Việt Nam hiện nay cũng đầy thách thức và thú vị với chúng tôi.
Trong quá trình hợp tác, BTC có cảm nhận và học hỏi được điều gì ở người nghệ sĩ kiêm nhà giáo dục nhiếp ảnh có thời gian hoạt động lâu năm như Tom Hricko?
Noirfoto: Mọi nghệ sĩ thực hành nhiếp ảnh nói riêng và nghệ thuật thị giác nói chung đều có thể học tập từ cách làm việc toàn diện và chỉn chu của Tom Hricko. Các tác phẩm của Tom Hricko được tạo ra với nền tảng hiểu biết về kỹ thuật và chất liệu bậc thầy cũng như tư duy và cảm nhận sâu sắc. Ông cũng có rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc hoàn thiện tác phẩm nhiếp ảnh và thực hiện một triển lãm chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Chúng ta không có nhiều cơ hội được xem một nghệ sĩ nhiếp ảnh đã thực hành từ khi chỉ có nhiếp ảnh thủ công cho tới nay. Tác phẩm của ông là một minh chứng cho nỗ lực khai thác đến tận cùng tiềm năng của công cụ nhiếp ảnh – từ máy ảnh phim tới phòng tối, từ kỹ thuật số tới các chương trình chỉnh sửa trên máy tính, tất cả đều nhằm phục vụ một lối tiếp cận nhất quán, nhìn nhận khả năng của nhiếp ảnh là “cho ta cơ hội được liếc nhìn vào một thực tại mới và tách biệt”.
Triển lãm “Alternate Existence/s” hợp tác với một nghệ sĩ nước ngoài có mối liên hệ như thế nào với những hoạt động khác của GốcCreation thể hiện phương châm quảng bá và hỗ trợ phát triển văn hoá và nghệ thuật bản địa?
GốcCreation: GốcCreation trong rất nhiều năm, luôn bền bỉ với chương trình Art Resider – một sáng kiến đã được đưa vào thực hiện trong 5 năm nay, nằm hỗ trợ nghệ sĩ lưu trú, làm việc và sáng tác trong các không gian của Toong tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Viêng Chăn (Lào).
GốcCreation luôn muốn hỗ trợ nghệ sĩ làm nghệ thuật ở trong khả năng của mình và dưới nhiều hình thức khác nhau như hỗ trợ địa điểm triển lãm, hỗ trợ báo chí, quảng bá hình ảnh và tin tức sự kiện… GốcCreation luôn muốn đưa nghệ thuật len lỏi, thấm đẫm vào không gian làm việc tại từng điểm văn phòng Toong, từ đó dần tạo nên những giá trị văn hoá vô hình để người làm việc tại đó được thụ hưởng.
Chính vì vậy, triển lãm “Alternate Existence/s” hợp tác với một nghệ sĩ nước ngoài lần này phù hợp với những giá trị và hoạt động của GốcCreation muốn tạo dựng.
Loạt tác phẩm “Huế” (2016) trưng bày tại “Alternate Existence/s”
Triển lãm “Alternate Existence/s” là lần hợp tác thứ hai của Noirfoto với Tom kể từ triển lãm A Photographic Assembly 2020, liệu có mối liên hệ hay sự khác biệt nào giữa hai triển lãm này?
Noirfoto: Noirfoto luôn làm việc với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển chung của cộng đồng nghệ thuật và đặc biệt là nghệ thuật nhiếp ảnh tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc tổ chức các triển lãm nhóm và cá nhân cho các nghệ sĩ. Từ nhiều năm nay, Tom Hricko không chỉ là một tác giả đã mà còn là một người ủng hộ, một nhà cố vấn đã tham gia hướng dẫn và tư vấn các chương trình cho nghệ sĩ mới tại Noirfoto. Nếu không có sự ngắt quãng do bùng nổ dịch bệnh toàn cầu, triển lãm cá nhân của Tom có lẽ đã diễn ra sớm hơn nhiều.
BTC hy vọng sẽ truyền tải điều gì để chạm đến người xem thông qua triển lãm này?
Noirfoto: Chúng tôi nghĩ rằng các tác phẩm và tư liệu trong triển lãm tự chúng kể được rất nhiều điều thú vị cho mọi đối tượng khán giả. Về những câu chuyện, ý nghĩa, kỹ thuật,… và những điều khác mà các bạn muốn tìm hiểu, BTC và nghệ sĩ mời các bạn tới tham dự buổi trò chuyện nghệ sĩ với Tom Hricko diễn ra vào ngày cuối cùng của triển lãm – 10/12/2022, từ 18h đến 20h.
Triển lãm mở cửa từ 9h – 20h ngày 19/11 – 10/12/2022, chính thức khai mạc vào lúc 18h – 21h ngày 25/11/2022 tại TOONG, lầu 6-11-14, 198 Nguyễn Thị Minh Khai, P.6, Q.3, TP HCM, mời bạn đọc gần xa ghé thưởng lãm và tự khám phá ra những thế giới của chính mình!
Thực hiện: Nhi Phạm
Thiết kế: Uyên Nguyễn