Giới trẻ Việt không quan tâm văn hóa Việt? Đừng nhầm! (P.6)

Trần Nguyễn Trung Hiếu – Trịnh Bách: Tình yêu với văn hóa Việt là sợi dây gắn kết các thế hệ.

Trịnh Bách lựa chọn rời bỏ sự nghiệp ở Mỹ, quay về Việt Nam và thực hiện cuộc hành trình hơn 20 năm phục chế trang phục và đồ ngự dụng cung đình triều Nguyễn. Trần Nguyễn Trung Hiếu – một người trẻ thuộc thế hệ 9X, tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành Mỹ thuật công nghiệp, đang theo đuổi những dự án phục cổ. Hai con người, hai thế hệ nhưng giữa họ có một mẫu số chung là tình yêu vô bờ với văn hóa việc nói chung và việc phục chế vốn cổ nói riêng.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách. Nguồn: info.net

Xin chào nhà nghiên cứu Trịnh Bách, chào Trung Hiếu! Cơ duyên nào khiến hai anh, từ những xuất phát điểm khác nhau, lại đồng hành trên cùng một hành trình phục chế vốn cổ dân tộc?

Trần Nguyễn Trung Hiếu: Tôi nghĩ có lẽ là do chữ duyên. Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã có cơ hội tiếp cận và rất yêu thích những món đồ thủ công. Đồng thời, tôi cũng day dứt về việc những di sản của cha ông dần mất mát và lùi sâu vào dĩ vãng. Đó là lí do khiến tôi quyết định rời bỏ chuyên ngành Mỹ thuật công nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học để theo đuổi niềm đam mê của mình.

Và trên hành trình đó, tôi đã có cơ hội gặp gỡ các bậc tiền bối đầy tâm huyết và kinh nghiệm, trong đó có anh Trịnh Bách.

Trịnh Bách: Nền văn hóa của nước Việt Nam chúng ta vốn rất đồ sộ, phong phú. Nhưng đáng tiếc là những biến thiên của thời cuộc đã làm phai nhạt, mất mát đi nhiều vốn quý của cha ông. Những gì còn lại có nhiều phần bị lệch lạc và chắp vá ngoại lai. Việc có những người trẻ như Trung Hiếu lựa chọn đi theo con đường phục cổ, mang giá trị của di sản trở lại đời sống hiện đại là một điều vô cùng đáng quý.

Lĩnh vực khảo cổ nói chung và phục chế đồ cổ nói riêng thường vắng bóng người trẻ. Thực tế đó cho thấy điều gì?

Trần Nguyễn Trung Hiếu: Tôi không nghĩ công việc mình chọn có gì khác biệt, nó đơn giản là một đam mê như mọi đam mê khác. Khi bạn có tình yêu với nó, mọi thứ sẽ đến một cách rất tự nhiên. Khó khăn là điều không tránh khỏi trong bất cứ công việc nào, nhưng nếu đam mê đủ lớn, bạn sẽ tìm mọi cách khắc phục và vượt qua được.

Chúng ta không thể bài xích truyền thống, nhưng cũng đừng vì khôi phục lại những gì thuộc về truyền thống mà phản ứng tiêu cực với sự cách tân. Mục đích của việc đổi mới không phải chỉ để làm ra một cái gì khác đi.

Như việc khôi phục chiếc áo ngũ thân thời Nguyễn chẳng hạn. Đó là cả một hành trình với vô vàn khó khăn, thất bại, có cả những thiếu sót ban đầu. Dần dần, bằng sự tìm tòi, quan sát và cả “cầu cứu” những người đi trước, cho đến nay, tôi có thể tự tin và hài lòng phần nào với thành quả của mình.

Trịnh Bách: Với kinh nghiệm của một người đi trước, tôi biết đây là con đường đầy khó khăn, thử thách, không phải ai cũng đủ bản lĩnh và kiên trì để theo đuổi. Nhưng tôi nghĩ, những người theo đuổi công việc phục dựng trang phục cung đình hiện nay có rất nhiều lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn tư liệu, thông tin.

Nói vậy, công việc phục cổ đơn giản chỉ cần đam mê?

Trịnh Bách: Yếu tố quan trọng đối với một người làm công việc phục cổ là sự nghiêm túc và chính xác. Ví dụ như lễ phục cung đình, từ hoa văn, kiểu thức cho đến màu sắc, chất liệu đều mang những ý nghĩa và biểu tượng nhất định. Để có thể tạo ra một sản phẩm hoàn hảo, người thực hiện buộc phải hiểu biết và nắm vững những chi tiết nhỏ nhất. Đồng thời, phải nghiêm khắc với bản thân, không thể tùy tiện phỏng đoán, áp đặt quan niệm, ý nghĩ cá nhân lên tác phẩm. Lý do khiến chúng ta mắc phải những sai lầm đáng tiếc chính là thiếu trải nghiệm thực tế và tính kỉ luật.

Trần Nguyễn Trung Hiếu: Đúng như nhận định của anh Trịnh Bách, khi mới bước vào con đường phục dựng trang phục cung đình, tôi từng khá lúng túng. Việc thiếu những trải nghiệm thực tế đối với hiện vật, kỹ thuật nguyên bản là nguyên nhân khiến những người trẻ chúng tôi mắc phải những sai sót.

Có khi nào các anh tự đặt cho mình câu hỏi: Việc đưa những trang phục truyền thống trở lại với nhịp sống hiện đại có phù hợp hay không?

Trần Nguyễn Trung Hiếu: Tôi từng có băn khoăn đó, cũng như không ít người cho rằng những kiểu cách trang phục như vậy đã quá cổ lỗ sĩ. Tuy nhiên, khi bắt tay tìm hiểu và nghiên cứu, tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình.


Mỗi thời kỳ sẽ có một quan niệm về cái đẹp khác nhau, chính vì vậy, để nhìn nhận đúng và đủ, chúng ta phải đặt mình trong hệ quy chiếu tương ứng. Nếu nhìn sang các quốc gia láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc,… có thể thấy họ rất lưu tâm gìn giữ khuôn mẫu của trang phục truyền thống đến mức nghiêm ngặt và không hề coi đó là sức cản cho việc phát triển văn hóa – xã hội. Thậm chí, việc bảo tồn vốn cổ mới chính là nền tảng để họ phát triển và quảng bá văn hóa của dân tộc mình.

Trịnh Bách: Khi theo đuổi niềm đam mê phục cổ, tôi nghĩ cần phải có sự cởi mở và khách quan. Với nhận thức cởi mở, chúng ta sẽ thấy chiếc áo dài ngũ thân thời sơ và hậu Nguyễn, hay chiếc áo dài hiện đại đều có những vẻ đẹp riêng của nó.

Chúng ta không thể bài xích truyền thống, nhưng cũng đừng vì khôi phục lại những gì thuộc về truyền thống mà phản ứng tiêu cực với sự cách tân. Tuy nhiên, phải cách tân một cách có trình độ và kiến thức, cách tân có mỹ thuật để nhìn hay mặc vào cảm thấy đẹp hơn cái cũ và tạo ra được sự tiện ích, thoải mái hơn nếu có thể. Mục đích của việc đổi mới không phải chỉ để làm ra một cái gì khác đi.

Cùng chung chí hướng, nhưng ở vị thế của người đi trước (Trịnh Bách) và thế hệ trẻ tiếp bước (Trần Nguyễn Trung Hiếu), có gì hai anh cần nhắn nhủ?

Trịnh Bách: Với công việc phục cổ, điều quan trọng là các bạn nên thu thập đủ kiến thức và kinh nghiệm rồi hãy bắt tay vào làm. Đó là lời khuyên chân thành của tôi dành cho các bạn trẻ. Ví dụ như mới đây có một nhóm muốn phục dựng áo giao lĩnh. Nhưng ảnh truyền thần của một vị phu nhân thời Lê các bạn đưa ra minh họa thực tế lại đang mặc một chiếc áo trực lĩnh khép chéo vạt. Nên chịu khó tìm tòi, học hỏi một cách cẩn thận vì nếu không, sẽ tạo ra một nền văn hóa sai lạc rất có hại cho lớp người đi sau.

Trần Nguyễn Trung Hiếu: Tôi chưa bao giờ dám coi công việc mình đang làm là một sứ mệnh. Xuất phát điểm của nó đơn giản chỉ từ đam mê, và đó cũng là điều tôi thấy ở những người đi trước như anh Trịnh Bách. Tình yêu vô tận với vẻ đẹp văn hóa Việt là sợi dây gắn kết các thế hệ, đồng thời giúp thế hệ trẻ chúng tôi vững tin với điều mình lựa chọn. Những giá trị văn hóa Việt sẽ tiếp tục được gìn giữ và lan tỏa.

Cảm ơn hai anh! Chúc hành trình mà hai anh đang song hành sẽ gặp nhiều thuận lợi!

Đọc đầy đủ loạt bài tại đây.


Nguồn: Đẹp Magazine

Cùng tác giả

#Tag

áo ngũ thân cổ phục cổ truyền trang phục truyền thông việt nam

iDesign Must-try

Cổ phục Việt Nam qua các thời đại
Cổ phục Việt Nam qua các thời đại
Cuốn sách “Trang phục phụ nữ Việt Nam qua từng thời đại” của designer Linh Dao là một dự án cá nhân được vẽ bằng những nét uyển chuyển từ…
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã sử dụng kỹ thuật của mình để làm nổi bật lịch sử văn hóa phong phú của Việt Nam. Thông qua việc chụp…
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Bộ lịch 2022 truyền tải vẻ đẹp làng quê Việt của Nhật Thắng
Những ngày Tết đến xuân về thường là dịp để tôn vinh văn hoá truyền thống cũng như hướng về quê hương. Vẻ đẹp của văn hoá Việt Nam thể…
Nhìn lại những lần Google Doodle tôn vinh văn hoá Việt Nam
Nhìn lại những lần Google Doodle tôn vinh văn hoá Việt Nam
Có thể nói, phở là một niềm tự hào của người dân Việt Nam. Nhưng đây không phải lần đầu tiên tinh hoa nước nhà xuất hiện trên Google Doodle.…
Kim Chi, kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang: Không cần phải đi đường thẳng để đến đích
Kim Chi, kiến trúc sư mở thương hiệu thời trang: Không cần phải đi đường thẳng để đến đích
Những năm gần đây đánh dấu sự lên ngôi của các thương hiệu thời trang nội địa, và một thế hệ những nhà thiết kế hay nhà kinh doanh năng…
Trang phục Halloween qua các thời đại ở Mỹ trông như thế nào?
Trang phục Halloween qua các thời đại ở Mỹ trông như thế nào?
Bạn có thể nhận thấy rất nhiều điều về một kỷ nguyên cụ thể của lịch sử Hoa Kỳ bằng cách nhìn vào trang phục Halloween của họ, bởi nó…