Week48: Luận bàn về khái niệm “clean - sạch” trong thiết kế UX
Chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó thốt lên: “Chà, thiết kế này nhìn sạch quá!”
That design is so clean!
Hoặc thỉnh thoảng, khi bạn đang lướt đọc tin RSS, bạn có thể bắt gặp một vài tựa báo giật tít kiểu: “1000 mẫu thiết kế sạch và tối giản”, “Những mẫu thiết kế siêu sạch, đơn giản” hoặc “Làm thế nào để thiết kế một trang web sạch, đơn giản và hiệu quả”.
Mỗi lần bắt gặp mấy cụm từ kiểu như vậy, tôi cảm thấy hơi khó chịu. Nhưng tôi cũng phải thừa nhận là dạo này tôi cũng hay sử dụng những từ này một cách vô thức (dĩ nhiên là chỉ thỉnh thoảng thôi) khi tôi bắt gặp một thiết kế chú trọng nhiều vào việc truyền tải nội dung thay vì trang trí rườm rà.
Cũng khá là kì lạ khi người ta cứ xài chữ “sạch” một cách vô tội vạ. Một người bạn và cũng là một đồng nghiệp của tôi đã có một bài viết nói về điều này – “ Từ “sạch” có lẽ là một phản hồi tệ nhất mà một người có thể nhận được… đó là một lời đánh giá quá sơ sài”. Tôi cũng khá đồng tình với ý kiến của bạn tôi. Mặc dù vậy, điều này cũng làm cho tôi suy nghĩ về khái niệm “sạch” trong thiết kế, liệu sử dụng khái niệm “sạch” có đủ để truyền tải hết nội dung của một thiết kế hay không?
Thông thường, người ta thường đánh giá một người thông qua nhiều thứ khác chứ không chỉ đơn thuần là thông qua lời nói. Chúng ta được giáo dục như thế nào, kinh nghiệm của chúng ta ra sao – nhà cửa mà chúng ta ở, quần áo chúng ta mặc, công ty mà chúng ta đang làm việc – tất cả những điều đó là những điều hiển nhiên cần cân nhắc khi đánh giá một người.
Vì vậy, tôi đã dành thời gian suy nghĩ xem khái niệm”sạch” có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là ngôi nhà thời thơ ấu cũng cùng với mấy việc vặt mà tôi hay làm khi còn nhỏ. Mẹ tôi đã dạy tôi những cách để giữ cho ngôi nhà luôn “sạch sẽ”. Gọn gàng. Trật tự. Không được ở bẩn, không luôm thuộm hoặc bày bừa. Và sau đó tôi nghĩ đến người vợ xinh đẹp của tôi, người có khả năng biến mọi ngóc ngách trong ngôi nhà trở nên sạch sẽ, lôi cuốn và khiến bạn muốn lăn ra ngủ ở bất cứ đâu cũng được. Cân bằng. Hài hòa. Êm dịu và đầy cảm hứng.
Cân bằng. Hài hòa. Êm dịu và đầy cảm hứng.
Và bỗng nhiên, tôi chợt nhận thấy việc sử dụng khái niệm “sạch” để mô tả một thiết kế không làm tôi cảm thấy khó chịu nữa. Trên thực tế, từ “sạch” thực sự mang trên mình những trải nghiệm của cuộc đời tôi, những thứ đã định hình nên phong cách thẩm mỹ của riêng tôi. Thông việc này, tôi nhận ra rằng khi người ta mô tả một thiết kế, những từ ngữ mà họ sử dụng có thể ẩn chứa nhiều thông điệp và ý nghĩa hơn chúng ta tưởng.
Tuy nhiên, bản thân tôi lại không ủng hộ việc sử dụng các thuật ngữ quá đơn giản để nói về một phong cách thiết kế tinh tế và đa dạng. Nhưng giả sử lần sau, nếu ai đó sử dụng một từ quá chung chung hoặc quá ít thông tin, hãy bỏ ra ít phút để suy nghĩ về những thông điệp mà từ đó muốn truyền tải.
Và sau đó, bạn có thể yêu cầu người đó đưa ra ý kiến nhiều hơn. Hãy bắt đầu một cuộc nói chuyện xoay quanh thiết kế của bạn và cho người đối diện thêm cơ hội để trải nghiệm và tương tác với thiết kế của bạn.
Và cuối cùng, chúng ta đều như nhau cả, những kinh nghiệm mà chúng ta đã trải qua sẽ hình thành nên cách mà chúng ta giao tiếp. Vậy nên đừng vội bỏ qua ý kiến đánh giá của ai đó thông qua từ ngữ mà họ sử dụng. Có khi những từ đó có thể chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn bạn nghĩ đấy.
P.S. Nếu bạn là một nhà thiết kế làm việc với các nhà thiết kế khác, bạn có trách nhiệm mở rộng vốn từ vựng của bạn và cung cấp các phản hồi một cách đầy đủ và nghiêm túc. Hãy luôn có trách nhiệm và thành thực. Đừng sử dụng bài viết này để bao biện cho sự lười nhác của bạn.
Theo 52weeksofux | Dịch bởi: Hà Đình Nhân | BBT iDesign