Hướng dẫn ứng dụng sơ đồ tư duy để ‘nâng cấp’ quy trình sáng tạo

The New Normal | Gonzilla |
by Lena Vargas

Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ứng dụng sơ đồ tư duy để khơi dậy sáng tạo trong mình chưa?

Sơ đồ tư duy có thể được áp dụng cho bất kì công việc nào, dù bạn muốn nghĩ ra ý tưởng mới cho doanh nghiệp, tổ chức suy nghĩ của mình khi lên kế hoạch cho sự kiện lớn, học một chủ đề mới, xây dựng thói quen tốt, giải quyết vấn đề, thiết lập mục tiêu hay bất cứ hoạt động nào.

Chúng ta thường quá mệt mỏi và không thể nào mở mang đầu óc để nghĩ ra các ý tưởng mới. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được khi ta dung nạp quá nhiều thông tin hàng ngày. Đây là lý do vì sao việc dành thời gian để lên ý tưởng và ứng dụng sơ đồ tư duy sáng tạo là một ý tưởng hay.

Các bài tập dưới đây có thể không liên hệ trực tiếp đến mục tiêu cuối cùng, tuy vậy bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng chúng có thể giúp bạn mở mang tâm trí để vươn đến những ý tưởng mà bạn có thể không bao giờ nghĩ đến.


Tại sao cần ứng dụng sơ đồ tư duy để lên ý tưởng?

Các bài tập này có thể được thực hiện bằng bút, viết hoặc bạn có thể dùng bảng trắng. Tuy nhiên, bản đồ tư duy nên là một phương thức nhìn nhận thông tin có góc nhìn thị giác mới mẻ.

Khi sử dụng bản đồ tư duy, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy sự kết nối giữa các ý tưởng và nhìn ra bức tranh tổng thể rộng lớn hơn. Các phần mềm vẽ sơ đồ tư duy như Freemind sẽ giúp bạn lưu trữ và chỉnh sửa bản đồ tư duy của mình sau đó.


Đầu tiên, bạn cần hiểu được quy luật của quá trình vẽ sơ đồ tư duy sáng tạo.

Nếu thật sự muốn tận dụng tối đa những gì có được từ quá trình lên ý tưởng sáng tạo, bạn cần tuân thủ một vài “quy tắc nền”. Thật vậy, sáng tạo không nên bị giới hạn bởi các quy luật, tuy nhiên chúng sẽ hỗ trợ nuôi dưỡng và phát triển sức sáng tạo của bạn.

  • Không chỉnh sửa: Nếu thật sự muốn thúc đẩy các ý tưởng bay nhảy tự do trong đầu, bạn cần không thực hiện chỉnh sửa trong suốt quá trình. Ai để tâm đến việc mắc lỗi đánh vần hoặc câu chữ có phần hơi tệ chứ? Đây là một bài tập sáng tạo và việc khơi dậy công cụ chỉnh sửa nội tâm của bạn chỉ làm cản trở tiến trình này mà thôi. Hãy thực hiện chỉnh sửa sau này nếu cần thiết.
  • Đừng đa nhiệm: Nghiên cứu thực tế cho thấy đa nhiệm sẽ làm giảm năng suất. Chưa đề cập đến việc tâm trí bị chi phối bởi quá nhiều thứ sẽ khiến nó thiếu tự do để nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo. Hãy dành một khoảng thời gian riêng biệt dành cho quá trình lập sơ đồ tư duy sáng tạo, ví dụ như 30 phút và không tập trung vào bất kì việc gì khác đến khi hết thời gian.
  • Không đánh giá: Đây không phải lúc để đánh giá ý tưởng của mình. Một vài ý tưởng hoàn toàn ngẫu nhiên mà có, số khác lại trông quá ngu ngốc và kỳ quặc, nhưng thật ra tất cả chẳng có gì quan trọng. Mỗi ý tưởng, dù tốt hay xấu, đều có thể tạo ra một kết quả bất kì nếu bạn cho phép. Vì thế đừng đánh giá chúng trước khi bạn theo dõi cả quá trình từ đầu đến cuối.
  • Giới hạn thời gian: Thiết lập giới hạn thời gian cho mỗi phiên tư duy sáng tạo. Nếu không bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc trước khi đưa ý tưởng đạt tiềm năng cao nhất. Đồng thời bạn sẽ cảm thấy rằng việc giới hạn khoảng thời gian – 10 phút cho mỗi phiên – sẽ thúc đẩy tâm trí làm việc nhanh hơn và nghĩ ra nhiều ý tưởng hơn.
  • Thay đổi môi trường xung quanh: Nếu thấy khó khăn, hãy cân nhắc rời khỏi không gian làm việc thường ngày và đi ra ngoài. Thay đổi môi trường xung quanh có thể tạo khác biệt rất lớn về ý tưởng mà bạn có thể nghĩ đến!

Giờ là lúc bắt đầu các bài tập thôi.


Bài 1: Gột rửa tâm trí

Ảnh / Tác giả.

Hoạt động đầu tiên là bài mà bạn có thể dành khoảng 10 phút để khởi động trước khi đi vào các bài tập chuyên sâu hơn.

Không quan trọng bạn muốn nghĩ nhiều như thế nào, tâm trí của bạn chỉ đang tư duy một chiều – chiều tư duy logic. Logic là tốt, nhưng đôi khi nó lại là kẻ thù của quá trình lên ý tưởng và lập sơ đồ tư duy sáng tạo.

Hãy sử dụng các kĩ thuật này để tạo thay đổi trước khi bạn chuyển qua các bài tập khác:

  1. Viết lách: Trước khi bắt đầu lên ý tưởng hoặc lập sơ đồ tư duy, hãy lấy cho mình một cây bút và tờ giấy (đừng sử dụng máy tính) và viết ra bất kì thứ gì hiện lên trong đầu. Điều này thật sự có nghĩa là bạn cần viết bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí. Hãy thực hành bài tập này trong thời gian cố định, ví dụ như 2 phút.

Dưới đây là một ví dụ: “Mình đang cảm thấy khá lạnh, hiếm khi mình lại viết bằng bút và giấy nhưng thật tốt khi không làm việc trên máy tính. Mình không chắc là sẽ viết gì bởi bản thân cũng ít khi thực hành. Đang cố nghĩ sẽ viết gì đây. Ôi mình vừa mới bị lỗi chính tả nhưng không sao, mình đang mở mang tâm trí mà …”

Hoạt động này có thể trở nên bình thường hoặc có phần hơi kỳ quặc. Mấu chốt là không được dừng lại và nghĩ về những điều mình viết cũng như không quay lại để chỉnh sửa nó.

  1. Trái nghĩa: Đầu tiên, hãy viết ra 5 đến 10 từ ngẫu nhiên, sau đó hãy nghĩ ra 3 từ trái nghĩa cho mỗi từ. Hoạt động này có thể rất đơn giản hoặc đôi khi có khó khăn một chút. Quan trọng là nó sẽ giúp bạn xem xét mọi thứ theo một trình khác nhau, từ đó giúp mở mang tâm trí để lên ý tưởng sau này.
  2. Phép ẩn dụ: Hãy chọn một nhóm từ ngẫu nhiên và nghĩ ra một hình thức ẩn dụ mô tả mỗi từ.

Một vài ví dụ:

  • Không khí trông như … “bị kẹt trong lồng sấy quần áo vậy”
  • Bữa trưa của mình có vị như … “có ai đó đang xoa bóp vị giác của mình vậy”
  •  Ngón chân của tôi có cảm giác như … “em bé bị quấn khăn vậy”

Bạn sẽ có thể cảm thấy ý tưởng của mình khá tệ nhưng điều đó là bình thường. Mục đích không phải là trở thành một nhà văn xuất chúng mà là để thay đổi cách bạn suy nghĩ.

  1. Ứng dụng sáng tạo: Hãy quan sát xung quanh, chọn một vật thể và liệt kê các công dụng của nó nhiều nhất có thể. Hoạt động này có thể hoặc sẽ rất điên rồ nếu bạn muốn. Dưới đây là một vài ví dụ về công dụng của một chiếc bút:
  • Viết thư tình
  • Vẽ lên mặt người đang ngủ
  • Cắt hộp được niêm phong khi không có kéo
  • Cù lét mọi người
  • Dùng làm muỗng/dao
  • Lấy thứ mình làm rớt
  • Dùng làm thước kẻ
  • Và vâng vâng.

Hãy nhớ rằng bạn không cần phải bận tâm liệu cây bút có thật sự hữu dụng trong những trường hợp trên mà quan trọng là có thể đưa ý tưởng đi xa nhất. Mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn sau một lúc, tuy nhiên điều đó là tốt. Hãy chắc rằng bạn giới hạn thời gian để mình biết được thời lượng cho phép để nghĩ ra ý tưởng mới.


Bài 2: Trong khuôn khổ

Ảnh / Tác giả.

Tư duy “đột phá” là một kĩ thuật rất phổ biến và rất đáng thử để giúp bạn nghĩ ra các ý tưởng hoàn toàn mới. Tuy vậy bạn cũng có thể làm theo chiều ngược lại và tư duy hoàn toàn trong khuôn khổ. Cách thức tư duy này có thể giúp tâm trí bạn thật sự tập trung bởi bạn sẽ không cần phải đưa ra lựa chọn từ các câu trả lời vô tận.

Dưới đây là cách thức thực hiện:

  1. Viết ra ý tưởng và vấn đề ở trung tâm của sơ đồ tư duy, ví dụ như làm thế nào để trở nên năng suất hơn.
  2. Chọn một thứ gì đó giới hạn ý tưởng hoặc vấn đề này, ví dụ như đặt 15 phút giới hạn để làm việc.
  3. Nghĩ ra nhiều giải pháp nhất có thể trong giới hạn, ví dụ như sử dụng 15 phút để giao việc cho người khác, không thực hiện đa nhiệm và chỉ tập trung vào một thứ trong 15 phút, chia công việc thành các phần nhỏ hơn để có thể hoàn thành trong 15 phút hoặc thậm chí là bỏ qua một vài công việc.

Vì sao bài tập này lại trở nên hữu ích?

Hầu hết chúng ta đều đã quá quen với lối tư duy theo khuôn khổ hàng ngày, tuy nhiên bài tập này sẽ giúp bạn tư duy theo những loại khuôn khổ khác nhau. Giới hạn của khuôn khổ ấy sẽ khiến bộ não hoạt động chăm chỉ hơn để nghĩ ra nhiều ý tưởng mới lạ hơn.

Sáng tạo không có nghĩa là bạn không thể có quy luật – trong nhiều trường hợp thì những quy luật như thế này sẽ tăng cường sức sáng tạo của bạn. Việc này cực kì hữu ích nếu bạn đang cảm thấy khó khăn khi lên ý tưởng mà không có bất kì quy luật hoặc giới hạn nào.

Một ví dụ cho lối tư duy “theo khuôn khổ” là khi Sony thành lập Walkman. Nó được coi là một nước đi mang tính cách mạng vào thời đó. Thay vì thiết lập máy ghi âm và thêm vào các chức năng mới, Sony đã phân nhánh tính năng chính: chức năng ghi âm. Tuy vậy mọi người đều yêu thích nó!


Bài 3: Trái ngược

Ảnh / Tác giả.

Đây là một bài tập sáng tạo thú vị sẽ thay đổi hoàn toàn ý tưởng hiện có trong đầu bạn. Trong bài tập này, bạn sẽ nghĩ ra mọi thứ không thể giúp bạn trong tình hình hiện tại.

  1. Bắt đầu với vấn đề hoặc tình hình của bạn ở tâm sơ đồ tư duy.
  2. Hãy suy nghĩ trong vòng vài phút về các giải pháp hợp lý mà bạn thường nghĩ ra. Bạn có thể viết chúng ra giấy nếu cần.
  3. Bây giờ quên đi mọi thứ liên quan đến sự hợp lý hoặc “đúng đắn”.
  4. Thay vào đó, viết ra bất kì thứ gì có thể phá hoại tình hình hiện tại. Xếp mỗi ý tưởng vào một nhánh mới trong sơ đồ tư duy.
  5. Đi sâu hơn vào mỗi nhánh và thêm vài tiểu nhánh với các yếu tố dẫn đến kết quả tệ nhất có thể.

Vì sao bài tập này lại trở nên hữu ích?

Thường thì chúng ta đều cố gắng tìm hiểu tại sao mọi thứ lại hoạt động hiệu quả và chọn những câu trả lời hợp lý nhất. Hoặc nếu nghĩ ra một ý tưởng tiêu cực, chúng ta sẽ nhanh chóng đặt ra nghi vấn. Tuy nhiên, bằng cách làm ngược lại như trong bài tập này, bạn sẽ thật sự mở mang tâm trí theo hướng chưa từng thực hiện trước đó.

Dưới đây là một ví dụ:

  1. Thay vì suy nghĩ về cách làm thế nào để hoàn thành mọi việc, hãy nghĩ về những yếu tố làm giảm năng suất của bạn.
  2. Một vài nhánh trên sơ đồ tư duy của bạn sẽ bao gồm: không bao giờ lên kế hoạch hoặc lịch trình, để người khác làm bạn phân tâm qua email, gọi điện thoại hoặc ghé thăm bất cứ khi nào họ thích, cam kết tiêu chuẩn cực kì cao cho bản thân, dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu một thứ nào đó nhưng không bao giờ áp dụng những gì học được.

Bạn sẽ có thể thấy rằng “bài tập thực hành đối lập” này sẽ giúp bạn nhận ra một vài điểm lớn nhất mà bạn chưa từng biết là mình có.


Bài 4: Đến cuối cùng

Ảnh / Tác giả.

Bài tập này nhằm đưa ý tưởng đi xa nhất có thể. Dưới đây là cách thực hiện:

Đầu tiên, viết ra vấn đề hoặc ý tưởng ở vị trí trung tâm của sơ đồ tư duy.

  1. Sau đó, trên một nhánh mới từ vị trí trung tâm, thêm giải pháp đầu tiên hiện lên trong đầu.
  2. Tiếp tục thêm nhiều nhánh từ giải pháp này – hình dung ra mỗi bước sẽ xảy ra nếu giải pháp hoặc ý tưởng ấy được đưa đến giai đoạn sau cùng.
  3. Thực hiện lặp lại với mỗi ý tưởng hoặc giải pháp mới có liên quan đến vấn đề trung tâm.

Vì sao bài tập này lại trở nên hữu ích?

Khi nghĩ ra ý tưởng, chúng ta thường cho rằng mình đã suy nghĩ thấu đáo rồi. Tuy nhiên sẽ còn một vài bước khác cần được thực hiện.

Dưới đây là một ví dụ:

  1. Vấn đề của bạn có thể là làm sao để duy trì dịch vụ cao cấp với ngân sách giới hạn.
  2. Một giải pháp khả thi cho vấn đề này là thuê một người khác dưới hình thức bán thời gian để tiết kiệm tiền bạc. Việc này sẽ giúp khách hàng tin tưởng nhiều hơn vào doanh nghiệp khi họ biết rằng bạn đưa ra phản hồi cho yêu cầu đúng thời điểm. Từ đó họ sẽ có xu hướng mua sắm nhiều hơn trong tương lai, giúp tăng cường lợi nhuận và bạn sẽ có thể thuê nhân viên toàn thời gian.
  3. Hoặc điều này có thể đi theo một hướng hoàn toàn khác – quan trọng là bạn cần cân nhắc mọi tình huống khả thi.

 Đây chỉ là một ví dụ đơn giản nhưng bạn có thể thấy được cách mà tình huống ban đầu biến thành một thứ gì đó tích cực hơn trong ví dụ đầu tiên. Bạn sẽ thấy được rằng câu trả lời trở nên sáng tạo hơn khi có thể thấy được mọi thứ trực quan trên sơ đồ tư duy.

Cách để áp dụng bài tập này cho một nhóm người

Bài tập này có thể hiệu quả hơn khi áp dụng cho một nhóm người. Hãy thay phiên nhau thực hiện trong nhóm – mỗi người cần phải đưa ra bước tiếp theo nếu giải pháp hiện tại được thông qua để đi đến kết luận cuối cùng. Nói cách khác, mỗi người trong nhóm sẽ thêm những nhánh mới vào sơ đồ tư duy. Đây là một cách tuyệt vời để thấy được quá trình mà ý tưởng của bạn phát triển thành một thứ gì đó mới lạ khi nhìn bằng mắt trần.


Bài 5: Câu trả lời khác thường

Ảnh / Tác giả.

Đặt những câu hỏi kì quặc cũng có thể đưa bạn đến những câu trả lời tuyệt vời. Dưới đây là cách thực hiện bài tập này:

  1. Hãy bắt đầu với một chủ đề ở trung tâm sơ đồ tư duy, ví dụ như xe hơi (nó có thể liên quan đến doanh nghiệp, mục tiêu của bạn hoặc không).
  2. Tạo các nhánh từ những câu hỏi kì quặc nhất mà bạn có thể nghĩ đến (xem các ví dụ như bên dưới).
  3. Sau đó hãy trả lời câu hỏi kì quặc ấy bằng cách sử dụng tiểu nhánh. Có thể có nhiều hơn một câu trả lời khả thi cho mỗi câu hỏi.

Tại sao bài tập này lại hữu ích?

Đôi khi chúng ta lại quá quen với việc nhìn nhận sự việc theo một hướng mà quên rằng mọi chuyện không nhất thiết phải vậy.

Một chiếc xe bấy lâu luôn được dùng để đi lại không có nghĩa là nó chẳng bao giờ có thể được sử dụng cho mục đích hoàn toàn không liên quan khác.

Dưới đây là một ví dụ:

Chủ đề chính là xe hơi. Những câu hỏi điên rồ liên quan đến chúng có thể là:

  1. Sẽ ra sao nếu chiếc xe có thể tư duy cho chính nó? Mọi người sẽ phản ứng thế nào?
  2. Sẽ ra sao nếu mọi người có thể gắn bánh xe vào cơ thể và không cần đến xe nữa? Vậy xe hơi lúc đó sẽ dùng để làm gì?
  3. Mọi người sẽ phản ứng ra sao nếu xe hơi lấy năng lượng từ hoạt động thay vì xăng?

Như bạn thấy đó, bài tập này có thể cung cấp nhiều ý tưởng tuyệt vời cho hoạt động quảng cáo và tiếp thị. Thậm chí những câu trả lời “kì dị nhất” cũng có thể giúp bạn nghĩ ra một sản phẩm hoặc tính năng mà bạn chưa từng thử trước đó.


Kết luận

Mấu chốt của các bài tập này là để bạn suy nghĩ xa hơn tư duy logic bình thường. Mọi thứ không phải lúc nào cũng xảy ra theo cách mà ta luôn cho rằng chúng là như vậy. Nhận ra điều này có thể giúp bạn vươn đến những điều lớn lao hơn.

Đừng bỏ qua các bài tập này vì nghĩ rằng chúng hoàn toàn không liên quan đến những gì bạn thật sự cần làm. Chúng sẽ chỉ cho bạn những hướng tư duy mới mẻ. Những ý tưởng và phát minh vĩ đại nhất sẽ không bao giờ xuất hiện nếu con người không học cách tư duy đột phá!

Tác giả: George J. Ziogas
Người dịch: Đáo
Nguồn: Medium

Ảnh bìa: Gonzilla by Lena Vargas

Cùng tác giả

#Tag

creative thinking mind mapping personal growth sơ đồ tư duy tư duy sáng tạo

iDesign Must-try

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Sao chép trong hội họa: Ăn cắp hay công cụ học tập?
Quá trình sao chép thật chất là một cách học tuyệt vời về việc kiểm soát chất lượng tác phẩm và phát triển phong cách cá nhân khi bạn có…
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Tại sao chúng ta không thể ngừng việc chạm tay vào các tác phẩm nghệ thuật?
Nghệ thuật luôn có một vẻ quyến rũ khó cưỡng và chỉ chờ đợi sơ hở của con người để cám dỗ sự vuốt ve của chúng ta. Bạn đang…
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
‘Kiến trúc có thể chữa lành’: Katie Swenson chia sẻ về loại hình kiến trúc mà cô theo đuổi
Katie là một nhà lãnh đạo thiết kế, nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà giáo dục được công nhận trên toàn quốc. Trước khi gia nhập MASS vào đầu…
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
Bạn sáng tạo vì đâu? Như ‘Garfield’ hay ‘Calvin and Hobbes’?
‘Garfield’ và ‘Calvin and Hobbes’ là ví dụ cho hai phương thức sáng tạo rất khác biệt, dù có chung một hình thức là comic strip (các khung truyện tranh…
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
4 bí kíp để tập luyện tự tin giữa muôn vàn sáng tạo
Có thể rất khó để giữ được tự tin, thậm chí khi mọi thứ quanh ta rất thanh bình. Và thật không may thời gian gần đây mọi thứ không…