Đời thường Nhật Bản qua lăng kính của Adrian Hogan, tác giả bộ tranh Everyday Olympic
Gần đây, bộ tranh Everyday Olympic (Ngày nào cũng là Olympic) của Adrian Hogan được hưởng ứng và chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Bên cạnh tinh thần sáng tạo dí dỏm, những bức tranh còn ghi dấu ấn vì thể hiện được nỗ lực kiên cường của nước Nhật trong việc vượt qua đại dịch để tổ chức sự kiện thể thao mang tầm vóc toàn cầu. Hôm nay, hãy cùng iDesign tìm hiểu về người họa sĩ đứng đằng sau bộ tranh này nhé!
Adrian Hogan quan sát cuộc sống hàng ngày để kết hợp yếu tố văn hóa đời thường nước Nhật Bản với tinh thần thể thao của Thế vận hội. Loạt tranh hài hước thể hiện những bộ môn thể thao mà vận động viên chính là những người dân bình thường trên “sàn đấu” cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, họa sĩ liên tưởng chiếc ô hỏng của một người qua đường vội vã dưới cơn mưa tới hình ảnh ngọn đuốc Olympic. Hay người bán hàng nâng chiếc cửa kéo giống vận động viên đang cử tạ.
Những hình ảnh bình dị luôn diễn ra hàng ngày hàng giờ một cách thầm lặng, nhưng Adrian Hogan với óc sáng tạo đầy dí dỏm đã khiến các “vận động viên” trên đường phố toả sáng. Việc họ nỗ lực vượt qua những trở ngại, vất vả trong đời sống hay khó khăn thời đại dịch cũng được coi là những “chiến công anh hùng”, và truyền cảm hứng cho người xem trên toàn cầu tìm kiếm điều tích cực ở ngay xung quanh ta.
Adrian Hogan đã có nhiều năm gắn bó với Nhật Bản. Sau một khoảng thời gian ngắn sống tại tỉnh Aomori vào năm 2009, anh nung nấu ý định làm việc tại Tokyo, trung tâm ngành công nghiệp sáng tạo – nghệ thuật của Nhật, và thực sự đã có cơ hội trở thành cư dân thủ đô từ năm 2013.
Ngay từ những ngày đầu tiên đến Tokyo, hoạ sĩ người Melbourn (Úc) đã đi lên tầng cao nhất của những cao ốc văn phòng để tìm hiểu về chiều sâu, khung cảnh thành phố và bắt đầu vẽ. Sau đó, anh thường đi dạo trên phố và dùng bút chì khắc họa lại những địa danh, con người, sự vật đáng chú ý. Là người không thường xuyên chụp ảnh, anh đặt ra sứ mệnh cho những bức tranh là cần phải truyền đạt được những gì tác giả cảm thấy hoặc nhìn thấy.
“Vẽ luôn giúp tôi duy trì khả năng sáng tạo và khiến tôi nhận thức được những gì đang diễn ra xung quanh mình cũng như để ý đến những tiểu tiết. Năng lượng của Tokyo với hàng triệu người dân, thức ăn ngon và văn hóa thú vị luôn thôi thúc tôi phải chú ý và suy nghĩ về cách ghi lại những thứ mình thấy dưới dạng trực quan.”
Adrian Hogan
Những địa điểm yêu thích của hoạ sĩ tại Tokyo là những khu phố cổ kính, con đường đi bộ rợp bóng cây xanh và hoa anh đào mùa xuân dọc sông Meguro. Anh từng chia sẻ phương pháp vẽ của mình ảnh hưởng nhiều từ kỹ thuật phương Tây nên việc áp dụng chúng vào một môi trường hoàn toàn khác là một thử thách thú vị.
Khi bắt đầu vẽ mỗi ngày, Adrian lấy cảm hứng sáng tác từ tác phẩm của Katsuya Terada, một cuốn sách tên Rakugaking bao gồm 1000 trang vẽ phác thảo. “Cuốn sách đó đã cho tôi một minh chứng rõ ràng về số lượng công việc mà ta cần làm để cải thiện kỹ năng. Vẽ, giống như bất kỳ bộ môn nào, đòi hỏi bạn phải luyện tập liên tục để duy trì và nâng cao trình độ.”
Việc làm nghề vẽ minh họa tự do tại Nhật đã mang lại cho anh những trải nghiệm tuyệt vời. Adrian có cơ hội gặp gỡ những người bạn thân hay tham gia những dự án lớn cũng nhờ niềm đam mê dùng giấy và bút vẽ. “Rất nhiều công việc ở Tokyo đến với tôi chỉ bằng cách vẽ đúng người vào đúng thời điểm. Ví dụ, một ngày nọ, tôi ở ga tàu Shibuya và vẽ một người phụ nữ đứng trên sân ga, khi tôi lên tàu, cô ấy đến bên cạnh và hỏi xem tranh. Sau khi trao đổi danh thiếp, tôi được biết cô ấy là giám đốc PR một thương hiệu thời trang. Và sau đó, tôi nhận được job vẽ chân dung khách hàng tại cửa hàng ở Aoyama trong sự kiện Fashion Night Out do Vogue tổ chức năm 2014. Tôi đã học được rằng đôi khi, chỉ cần thoải mái làm điều bạn yêu thích và sau đó chia sẻ với người khác, những cơ hội bạn mong muốn sẽ tự đến thôi.”
Hãy cùng theo chân Adrian Hogan, khám phá cuộc sống qua lăng kính nghệ thuật của anh và những tác phẩm.
Web | Instagram | Twitter | Behance
Biên tập: 19August