‘Yokohama Mary’: Số phận huyền bí của một cụ bà huyền thoại người Nhật

Trong khoảng thời gian lễ hội địa phương được diễn ra, một người phụ nữ ăn mặc thật kì khôi, bà ta vận lên mình một chiếc đầm thổ cẩm màu trắng, đứng lặng im bên ngoài cửa hàng Matsuzakaya tại quận Isezakicho thuộc Yokohama. Khuôn mặt bà dặm bởi lớp phấn trang điểm dày cộp với đôi mắt trông như một đường kẻ đen.

Cũng là người phụ nữ với phong cách ăn mặc và trang điểm đấy, giờ đang đứng đằng phía thang máy ở tòa nhà GM, tọa lạc trên một con đường nhỏ tại quận Isezakicho, nơi bà ta nhận những đồng tiền boa từ việc giúp đỡ các khách hàng bấm thang máy.

Một lát nữa, cụ bà sẽ ngồi nghỉ, và ngủ trong hành lang toà nhà. Có đôi lúc bên cạnh mớ hành lý lộn xộn, người trông thấy bà đang ngồi gật gà gật gù trên một chiếc ghế gỗ với miếng đệm phía trên có khắc một dòng chữ không rõ là tiếng Trung hay tiếng Nhật.

Dòng chữ ấy ghi, “Tôi mến bà Meri.”

Một dòng chữ không rõ là tiếng Trung hay tiếng Nhật ghi “Tôi mến bà Meri.” | HIDEO MORI

Bức ảnh ở phía trên mà bạn vừa thấy, được trích từ một cuốn phim tài liệu, của tác giả Takayuki Nakamura, đã đạt giải thưởng vào năm 2006, khi kể về một trong những nét đặc trưng nhất của Yokohama: “Yokohama Mary.”

Theo năm tháng, bà Mary dần trở thành một huyền thoại của thành phố. Hầu hết mọi người dân địa phương đều đã nghe nhắc đến danh tính của người đàn bà vô gia cư này, một số người còn gặp được mặt nhưng sự thật là trong số họ, không có một ai có thể biết rõ bà là ai cả.

Thỉnh thoảng, vài người trong số họ còn cho bà là một cô gái “pan-pan”, từ chỉ các gái điếm trong thời kì quân đội Mĩ chiếm đóng Nhật Bản. Ngoài những thông tin đó ra, mọi thứ về bà Mary vẫn là một ẩn số.

‘Yokohama Mary’ đi dạo trên một con phố thuộc quận Wakabacho, lúc còn trẻ. | HIDEO MORI

Còn có tin đồn cho là bà từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Life. Một số khác còn nghi ngờ cuộc sống vô gia cư của bà, họ cho rằng bà thực chất đang sở hữu một ngôi nhà sang trọng đâu đó tại quận Yamate. Thậm chí bà còn được đồn thổi là hậu duệ trong một gia đình quý tộc.

Nakamura, sinh sống tại Yokahama, gặp gỡ Mary lần đầu tiên khi còn là một học sinh trung học. 

‘Yokohama Mary’ đang đi ngang qua một con phố ở quận Isezakicho, vào năm 1990
| HIDEO MORI

“Tôi khá sốc khi gặp cô ấy lần đầu tiên,” Nakamura nhớ lại. “Khuôn mặt được tô trắng toát, cứng đờ, nhìn từ đằng xa cứ như là một bức tượng ấy. Sau đợt đó, tôi thường xuyên thấy cô xuất hiện hơn… Tôi thì không mong gì việc được nói chuyện hay tiếp xúc với con người này, nhưng mỗi lần bước chân đến thành phố, thì cứ y như rằng cô luôn luôn xuất hiện ở đó.”

Vào năm 1995, bà ấy đột nhiên biến mất. Nhiều người dân địa phương nghĩ rằng bà có thể đã chết, hoặc đang sống trong các viện dưỡng lão tại tỉnh Ibaraki, Fukushima, hay Hiroshima. Tuy nhiên, tất cả đều chỉ là những phỏng đoán, không một ai biết chuyện gì đã thực sự xảy ra với Yokohama Mary.

Nakamura ví von sự hiện diện của bà Mary như sự hiện diện của bức tượng chú chó Hachiko ở gần ga Shibuya tại Tokyo.

“Nếu một ngày nào đó, bức tượng biến mất mà không được báo trước, người ta chắc sẽ ngỡ ngàng vì sự hiện diện của nó đã quá đỗi thân thuộc,” anh nói. “Và việc bà Mary ra đi không một lời từ giã cũng giống hệt vậy. Thế là tôi nảy ra ý định làm một cuốn phim tư liệu, phần lớn là vì sự tò mò – tôi muốn tìm hiểu xem coi bà Mary rốt cuộc là một người như thế nào.” 

Trong cuốn “Yokohama Mary”, xuất bản vào tháng 8 bởi Kawade Shobo Shinsha Publishers, Nakamura tập trung vào chủ đề mại dâm ở khu vực Yokohama. Cuốn sách cung cấp cho chúng ta khá nhiều thông tin về chabuya, các nơi mang đến thú vui cho những gã đàn ông ngoại quốc, tương tự như vũ trường, quán bar, lầu xanh, hay Hiệp hội tổ chức giải trí (RAA). Cái tên pan-pan xuất phát từ đấy, sau khi RAA đóng cửa vào năm 1946.

Trong cuốn sách, ông đề cập đến việc trước đây có tin đồn cho là bà Mary đã từng làm việc cho RAA ở Kobe, trước khi chuyển đến tỉnh Kanagawa.

“Yokohama là nơi luôn chào đón những vị khách nước ngoài từ khi được thành lập đến nay, và theo đó các cô gái mại dâm đã cùng tồn tại tại song song với thành phố này,” Nakamura viết. “Sau khi nhìn vào lịch sử của thành phố Yokhama qua các thời kì, từ lúc bắt đầu đến khi Thế Chiến II kết thúc, có một điều mà tôi và bất kì ai, đều phải đồng ý là cuộc đời Mary đã gắn liền với thành phố Yokamaha.” 

Nakamura có cơ hội tiếp xúc với một số người, những người này đa số đều quan tâm đến Mary, và cố gắng tìm cách giúp đỡ bà ấy theo những cách khác nhau. Trong số đó cho ông biết, hình ảnh của bà dường như đã gắn liền đến đời sống cá nhân của họ.

Hideo Mori đứng ở một góc trong tòa nhà GM,
nơi từng là chỗ nghỉ ngơi của ‘Yokohama Mary’.
| MASAMI ITO

“Cuộc sống của những người tôi phỏng vấn đều gắn liền với Mary – nơi ở, gia đình, và quá khứ,” Nakamura nói. “Mary như là một người giữ khóa, bà cất giữ tất cả câu chuyện về cuộc đời của mỗi người.”

Nagato, một ca sĩ cabaret, trò chuyện với Mary lần đầu vào năm 1991. Lúc đó, bà Mary đang đứng trước lối vào một rạp hát, chăm chú nhìn vào tấm biển quảng cáo, nơi mà Nagato sắp có buổi diễn.

Vốn đã được nghe khá nhiều tin đồn, Nagato không khó để nhận ra bà là ai, ông bước đến và tặng bà một tấm vé tham dự buổi biểu diễn. Ngày hôm đó, sau khi Nagato hoàn thành phần trình diễn của mình, Mary bất ngờ tiến thẳng lên sân khấu và trao cho ông một món quà ngay trên khán đài. Khuôn mặt bừng vui của Nagato khi nhận được món quà từ Mary cũng được ghi lại trong cuốn phim tài liệu. Khán giả lúc đó đã trao cho họ những tràng vỗ tay nồng nhiệt nhất.   

“Tôi không nổi tiếng đến mức đó đâu, mọi người vỗ tay là vì tên tuổi Mary quá đình đám,” Nagato bật cười kể lại. “Tôi sở dĩ quan tâm đến Mary không phải vì tò mò, mà là nhờ được tiếp xúc với bà trong hai ba năm sau đó.” Nagato cho biết.

Nagato thường bắt gặp Mary tại một quán thức ăn nhanh Morinaga Love, ở quận Isezakicho. Anh từng có ý định xin trợ cấp của chính phủ cho người vô gia cư như bà, nhưng đã không thành công.

Rất nhiều lần anh có ý muốn gửi bà một ít tiền để tiêu xài, nhưng bà đều thẳng thừng từ chối. “Bởi vậy, tôi toàn phải nhét tiền vào phong bì thư và nói bà có thể dùng nó để đi mua một vài bông hoa đẹp nhé,” Nagato cho hay. “Mary là một con người đứng đắn.”

Mary luôn giữ trên môi lời cảm ơn đối với tất cả những ai đã từng giúp đỡ bà, và họ luôn nhận được một món quà xinh xắn hay bức thư viết tay trang trọng dưới bút danh, “Yukiko Nishioka.”

Bên cạnh đó, một số người khác cũng tìm cách giúp đỡ bà Mary, như Emiko Fukunaga, làm việc tại một cửa hàng mỹ phẩm Yanagiya, giúp bà tìm một loại phấn trắng có thể tẩy trang dễ dàng với nước. Hay Kimiko Yamazaki, chủ cửa tiệm giặt ủi Hakshinsha cho phép bà Mary có thể để quần áo lại chỗ của mình bất cứ khi nào. Còn Tatsu Yuda thì thường xuyên tạo kiểu tóc miễn phí cho bà ấy.

Vào thời điểm 50 năm trước, khi nhiếp ảnh gia Hideo Mori 20 tuổi. “Tôi đã cảm thấy tội lỗi khi trộm nhìn một cô gái làng chơi. Nhưng lúc đó Mary còn trẻ, xinh xắn và ăn mặc rất có gu,” đoạn anh giải thích vì sao Mary vẫn tiếp tục công việc mại dâm.  

Hideo Mori chụp cùng ‘Yokohama Mary’ trong tòa nhà GM.
| HIDEO MORI


Vào năm 1993, anh gặp lại Mary tại tòa nhà GM, nơi bà đang kiếm sống bằng cách nhận tiền boa từ những hành khách, sau khi hướng dẫn đường cho họ. Sau đó, anh ngỏ ý muốn được chụp hình bà để làm làm tư liệu và được bà chấp thuận. Mori thường xuyên bên cạnh Mary suốt những tháng năm sau đó, để có thể chụp lại những khoảnh khắc đời thường của bà.

Mori vẫn còn nhớ như in những nơi chốn mà bà thường xuyên lui tới. Bà thường nghỉ chân trên một cái ghế gỗ công cộng và ngủ luôn trên đó. Có một cửa hàng nữ trang mà bà thường ngắm nhìn rất lâu qua ô cửa kính. Phòng tắm nữ trong cùng tòa nhà, đôi khi cũng là một chỗ nghỉ ngơi của bà.

‘Yokohama Mary’ ngồi nghỉ trên ghế tại một thành phố ở quận Bashamichi, vào năm 1990. | HIDEO MORI

“Tôi không biết trước kia cuộc sống bà ấy như thế nào, nhưng tôi chưa hề nghe nói bà có nhà cửa gì trong suốt khoảng thời gian ở đây.” Mary nói. “Chắc hồi lúc bà còn trẻ, bà có thể ngủ lại với khách trong khách sạn.”

Nhưng lúc tuổi già đến với bà, Mori nói thêm, “Tôi thấy bà nằm co ro như một chú mèo vô gia cư, tranh thủ đánh giấc ở các nhà tắm công cộng.” 

Sự rành rẽ của Mary về đường đi nước bước đã làm cho Mori không khỏi bất ngờ. “Bà giống như thổ địa của khu vực này vậy,” Mori nói. “Tôi thường bị bà bỏ lại phía sau khi bước vào toà nhà.”

‘Yokohama Mary’ đang nghỉ chân trong tòa nhà GM Building ở quận Isezakicho, năm 1990.
| HIDEO MORI

“Đây là nơi mà bà Mary thường nghỉ chân lúc tuổi xế chiều,” Mori chỉ vào một góc hành lang trong sảnh lớn toà nhà. “Không ai nỡ đuổi bà ấy đi cả.”

 Mori vẫn tiếp tục hoàn thiện album ảnh về Mary cho tới mùa đông 1995, bà đột ngột biến mất. “Những cư dân, nhà cửa, đường xá là các yếu tố tạo dựng nên một khu đô thị.” Mori nói. “Và Mary là cũng là một yếu tố tạo nên Yokohama. Sau khi bà ra đi, cảnh quan thành phố này đã thay đổi hẳn.”

Trong suốt hàng thập kỉ qua, bà Mary đã sinh sống bằng sự chở che của Yokohama, và con người ở đây cũng vui vẻ tha thứ cho những thói quen kì quặc của bà. Tuy nhiên, Nakamura nhận ra rằng cuối cùng thành phố này cũng quay lưng lại với Mary. 


Một số người dân cảm thấy phiền hà với sự có mặt của bà. Họ nói bà khăng khăng muốn dùng một chiếc cốc uống trà chuyên dụng trong một quán cà phê, hay đã làm khó dễ trong một tiệm cắt tóc.  

Những thế hệ sau, họ không có đủ lòng vị tha. Nakamura nói, “Khoảng cách rất khác biệt, giữa một thế hệ sống sót qua chiến tranh, và một thế hệ sống trong thời bình,” Nakamura nói thêm: “Không nhận được sự đồng cảm, theo thời gian, bà Mary dần trở nên lạc lõng, và không còn chỗ đứng tại Yokahama.”

‘Yokohama Mary’ đứng bên cạnh cầu thang trong tòa nhà GM Building
ở quận Isezakicho, năm 1990. | HIDEO MORI

Nakamura cuối cùng cũng tìm được bà tại một viện dưỡng lão. Bà rời khỏi Yokohama vào tháng 12 năm 1995. Tên thật và địa chỉ viện dưỡng lão không được tiết lộ, theo yêu cầu của bà. Mary đã có một cuộc sống mới tại nơi đây, không còn những khuôn mặt được trang điểm trắng toát như tượng như trước đây, vốn là đặc điểm nhận dạng của bà.

Năm 2003, Nagato được Nakamura dẫn đến để nói lời từ biệt với bà, sau khi được chẩn đoán ung thư thời kì cuối. Trong bộ phim tài liệu có ghi chép, bà Mary đã rất hạnh phúc khi Nagato hát cho bà nghe ca khúc “My Way” vào ngày cuối gặp mặt.

Và bà Mary qua đời vào tháng 1 năm 2005, khi đó bà 83 tuổi.

Cho đến tận bây giờ, trong lòng những người như Nakamura và Mori, bà Mary vẫn là một huyền thoại của thành phố Yokohama, “Mary chính là linh hồn của Yokohama,” Nakamura bày tỏ quan điểm. “Bà đã tạo dựng nên một Yokohama có ý nghĩa trong lòng tôi.”

‘Yokohama Mary’ từng nhận những đồng tiền boa từ việc bấm thang máy
và dẫn đường cho khách hàng tại tòa nhà GM. | HIDEO MORI

Tác giả: Masami Ito | Ảnh bìa: 
Người dịch: Đông Đông
Nguồn: japantimes

Cùng tác giả

#Tag

GM Gm Building Hideo mori Isezakicho mary Nagato Nakamura pan-pan RAA yokohama Yokohama mary Yukiko Nishioka

iDesign Must-try

Những món đồ chơi bằng giấy được thổi hồn bởi nghệ sĩ Haruki Nakamura
Những món đồ chơi bằng giấy được thổi hồn bởi nghệ sĩ Haruki Nakamura
Nhà thiết kế Nhật Bản Haruki Nakamura mang những tác phẩm của mình vào cuộc sống thông qua nghệ thuật truyền thống lâu đời của nghề làm giấy.  Sử dụng sự hiểu…