Từ A - Z các thuật ngữ nghệ thuật có thể bạn chưa tỏ tường (phần 3)
Việc nắm được một số thuật ngữ là điều cần thiết khi tìm hiểu và học hỏi về các kiến thức nghệ thuật, từ đó tạo nên nền tảng vững chắc cho các tác phẩm cá nhân cũng như có thêm nguồn cảm hứng vô tận từ những điều đã có sẵn trong lịch sử thế giới.
iDesign xin giới thiệu với bạn đọc một số thuật ngữ (theo thứ tự từ A-Z) có thể bạn đã nghe qua nhưng chưa thật sự hiểu rõ, từ đó nới rộng hơn tầm hiểu biết trong kiến thức về lịch sử nghệ thuật đầy thú vị này!
G
*
Màu gouache
Gouache là một loại sơn có thể hòa tan trong nước. Tuy vậy, không giống như màu nước, gouache có độ mờ đục (opaque).
Thuật ngữ gouache lần đầu tiên được sử dụng ở Pháp vào thế kỷ thứ 18, dùng để mô tả một loại sơn được làm từ bột màu, kết dính từ bột gum có thể hòa tan trong nước (giống như màu nước) nhưng có thêm hạt sắc tố trắng để làm cho gouache có tính mờ đục.
So với màu nước thì gouache có tỷ lệ chất kết dính (binder) lớn hơn, và một lượng lớn các chất màu trơ (inert pigments) như phấn màu được thêm vào để tăng độ mờ đục (opacity). Gouache tạo thành một lớp sơn dày hơn trên bề mặt giấy và không cho phép màu trắng của mặt giấy bị nhìn xuyên qua. Nó thường được sử dụng để tạo điểm nhấn trong màu nước.
Ngày nay, thuật ngữ gouache được sử dụng chung chung để mô tả bất kỳ tác phẩm nào được thực hiện bằng body colour (cũng là cách gọi khác cho màu gouache). Thuật ngữ body colour có từ cuối thế kỉ 15, ám chỉ bất kì sắc tố nào vừa có tính đục vừa có khả năng hòa tan trong nước. Màu trắng của chì (white lead) được sử dụng cho đến khi oxit kẽm được giới thiệu (hay còn gọi Chinese white) vào thế kỷ 19.
Graphite / Chì than
Graphite được sử dụng phổ biến nhất ở dạng bút chì – mặc dù bột than chì cũng được các nghệ sĩ sử dụng làm vật liệu vẽ.
Graphite là một dạng tinh thể của cacbon, được sử dụng như một công cụ viết và vẽ, vì chỉ cần tạo nên một áp lực dù là nhỏ nhất cũng đủ để lại dấu vết của chì than. Nó có kết cấu nhờn và màu xám kim loại. Graphite là một vật liệu ổn định và bền lâu nhưng có thể dễ dàng loại bỏ bằng cách sử dụng tẩy.
Graphite mềm và giòn nên trừ khi được sử dụng làm vật liệu vẽ ở dạng bột, nó cần có một số lớp vỏ để bảo vệ. Người ta vẫn chưa biết chính xác về niên đại và nguồn gốc của những chiếc bút chì graphite đầu tiên nhưng nhiều người cho rằng, lúc đầu chúng được bọc trong gỗ và xuất hiện vào khoảng năm 1565, ngay sau khi graphite tự nhiên được tìm thấy ở Cumberland, Anh. Graphite cũng xuất hiện tự nhiên ở Siberia hay Bavaria ở Đức và ở Hoa Kỳ. Tuy vậy, nó có thể được làm nhân tạo bằng cách nung nóng than cốc ở nhiệt độ cao, được gọi là quá trình Asheson.
Ngày nay than chì thường được nhắc đến như “bút chì” (pencil) hoặc đôi khi là “bút chì từ chì than” (lead pencil). Lí do là bởi vì trước khi phát hiện ra graphite (than chì – một loại khoáng chất, tương đối không độc hại) thì lead (chì – một nguyên tố hóa học và là kim loại độc hại) đã được sử dụng từ thời cổ đại như một công cụ để viết.
Graphite được cho là một dạng của lead cho đến năm 1779, khi K.W. Scheele, một nhà hóa học Thụy Điển, đã phát hiện ra rằng cái gọi là chì được sử dụng trong bút chì, thực chất là một dạng khoáng chất/ hình thù của cacbon. Nó được đặt tên là “graphite”, có nghĩa là ‘chữ viết’ trong tiếng Hy Lạp. Thuật ngữ pencil (bút chì) bắt nguồn từ từ tiếng Latin, có nghĩa là cọ, hay ‘penicillum‘.
H
*
Happening – Diễn ngẫu
Happening, hay diễn ngẫu là các sự kiện sân khấu được tạo ra bởi các nghệ sĩ vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960.
Diễn ngẫu là tiền thân của nghệ thuật trình diễn (perfomance art) và tuần tự xuất hiện trong các yếu tố sân khấu của phong trào Dada và chủ nghĩa Siêu thực. Cái tên này được nghệ sĩ người Mỹ Allan Kaprow sử dụng lần đầu tiên trong tiêu đề của tác phẩm năm 1959 của ông, 18 Happenings in 6 Part, diễn ra vào sáu ngày, từ 4 đến 10 tháng 10 năm 1959 tại Phòng trưng bày Reuben, New York.
Diễn ngẫu thường được thực hiện trong một môi trường hoặc sự sắp đặt (installation) tại phòng trưng bày và gồm ánh sáng, âm thanh, máy chiếu và một yếu tố có sự tham gia của khán giả. Chúng phát triển mạnh mẽ trong những năm 1960 nhưng đã nhường chỗ cho nghệ thuật trình diễn với sự tập trung hơn vào các hành động của nghệ sĩ.
Bạn có thể tìm hiểu thêm về những ngày đầu của nghệ thuật diễn ngẫu trong quyển sách Happenings (1965) của Michael Kirby. Những nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật ngẫu diễn bao gồm Claes Oldenburg, Jim Dine, Red Grooms và Robert Whitman.
Nhóm nghệ sĩ Hackney Flashers
Hackney Flashers là một nhóm bao gồm những nghệ sĩ nữ hoạt động trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1980. Hầu hết các nhà sáng tạo trong nhóm là nhiếp ảnh gia và tự nhận mình là những người theo chủ nghĩa xã hội và nữ quyền.
Giới thiệu về Hackney Flashers
Tên của nhóm là một cách chơi chữ vui nhộn với đèn flash của máy ảnh, phương tiện truyền tải mà họ lựa chọn. Họ đã sử dụng nhiếp ảnh tư liệu như một công cụ chính trong hoạt động của mình.
Các tác phẩm của họ tập trung vào khu Hackney, nằm ở phía đông London, một trong những khu vực nghèo nhất của London (Anh).
Hầu hết người hoạt động trong nhóm là nhiếp ảnh gia, nhưng cũng có một họa sĩ hoạt hình, một nhà thiết kế đồ họa, một nhà văn và một biên tập viên.
Các tác phẩm của họ được đề tên của tập thể hơn là ghi công cá nhân, tuy vậy nòng cốt của nhóm vẫn bao gồm An Dekker, Sally Greenhill, Gerda Jager, Liz Heron, Michael Ann Mullen, Maggie Murray, Christine Roche, Jo Spence và Julia Vellacott.
Các triển lãm
Nhóm từng tổ chức hai cuộc triển lãm lớn và đem tác phẩm đi lưu diễn khắp nơi trong vài năm, bao gồm Women and Work (1975) và Who’s Holding the Baby? (1978).
Women and Work 1975
Năm 1975, Hội đồng Thương mại Hackney đã mời tập thể nhóm Hackney Flashers thực hiện một cuộc triển lãm ảnh của những người phụ nữ đang làm việc trong quận, lấy đó là một phần của lễ kỷ niệm 75 năm thành lập của Hội đồng.
Ảnh tư liệu từ trang blog hackneyandflashers
Triển lãm Women and Work bao gồm gần hai trăm bản in và các chú thích văn bản kèm theo. Triển lãm đã ghi lại nhiều vai trò điển hình mà phụ nữ đảm nhận, những người thường không có tay nghề cao và được trả lương thấp. Các tác phẩm cũng ghi lại cảnh phụ nữ phản đối bạo lực gia đình, các cuộc vận động của gia đình trong việc cung cấp nhà trẻ cũng như phụ nữ và anh chị em chăm sóc cho trẻ nhỏ.
Who’s Holding the Baby? 1978
Trong quá trình chuẩn bị cho Women and Work, vai trò của phụ nữ bị đánh giá thấp ở nơi công sở và trong gia đình trở nên rõ ràng hơn. Vai trò ấy còn đi đôi với kỳ vọng rằng họ hoàn toàn chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái. Trong Who’s Holding the Baby ?, Hackney Flashers tố cáo việc thiếu hụt trong dịch vụ chăm sóc trẻ em và tác động của điều này đối với cuộc sống của phụ nữ.
Triển lãm tìm kiếm các giải pháp, đề xuất chia sẻ việc chăm sóc trong gia đình với nam giới và trình bày một ví dụ tích cực tại Market Nursery, một nhà trẻ cộng đồng ở Hackney.
Các tác phẩm được áp dụng kĩ thuật như montage (dựng phim), kết hợp appropriated images (sự kết hợp của đồ vật hay hình ảnh đã có sẵn vào tranh/ ảnh của người thực hiện với sự biến đổi tối thiểu), nhiếp ảnh tư liệu, văn bản, minh họa hoạt hình và graffiti.
I
*
Impasto – Kĩ thuật đắp màu nhiều lớp
Impasto nhằm chỉ một vùng màu hoặc texture được đắp dày lên nhiều lớp trong một bức tranh.
vẽ bởi Jacopo Tintoretto
Lần đầu được biết đến qua các bức tranh của họa sĩ thời Phục hưng ở Venice (Ý) như Titian và Tintoretto, impasto cũng được thấy trong tranh Baroque, ví dụ như trong tác phẩm của Rubens. Nó được thấy nhiều hơn trong hội họa phong cảnh, tự nhiên và lãng mạn ở thế kỷ 19.
Việc sử dụng impasto ít nhiều đã trở thành điều nghiễm nhiên trong nghệ thuật hiện đại vì quan điểm cho rằng bề mặt của một bức tranh nên cho thấy tính chân thật của chính nó thay vì chỉ là cánh cửa phẳng lặng dẫn vào một thế giới ảo tưởng xa xôi. Với ý nghĩ này, bản thân kết cấu (texture) của màu vẽ và hình dạng (shape) của cọ có thể giúp truyền đạt cảm giác rằng chúng là một loại ‘chữ viết tay’, trực tiếp thể hiện cảm xúc hoặc phản ứng của nghệ sĩ đối với chủ thể.
tranh acrylic trên canvas của Patrick Caulfield
Một bức tranh mà trong đó, impasto là điểm nổi bật cũng có thể được cho là có tính họa (painterly). Thuật ngữ này mang hàm ý rằng người nghệ sĩ say sưa với việc tạo tác và sử dụng tối đa các đặc tính nhạy cảm của màu vẽ.
Việc cho rằng người họa sĩ nên nhấn mạnh vào bản chất của phương tiện thể hiện họ nắm trong tay là một trọng tâm trong nghệ thuật hiện đại, và được tóm tắt trong cụm từ ‘truth to materials‘ ( ‘sự trung thực với chất liệu’).
Vào giữa thế kỷ 20, một số nghệ sĩ đã đưa impasto đến mức cực đoan, như trong nhiều tác phẩm của Frank Auerbach, Jean Dubuffet và Leon Kossoff.
Intimism – Phong trào nghệ thuật lấy cảm hứng từ những cảnh vật gần gũi nhất
Intimism là một thuật ngữ tiếng Pháp được áp dụng cho các bức tranh yên bình trong nhà.
Mặc dù ban đầu được nhắc đến cho tác phẩm của Pierre Bonnard và Edouard Vuillard, nó đã được áp dụng rộng rãi cho bất kỳ bức tranh nào về chủ đề tương tự. Một ví dụ nổi bật cho họa sĩ đi theo trường phái này là Gwen John.
J
*
Japonisme – Sự tôn sùng nghệ thuật Nhật
Japonisme (Chủ nghĩa Nhật Bản) là một thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Pháp, có từ cuối thế kỷ 19 để mô tả cơn sốt với nghệ thuật và thiết kế Nhật Bản ở phương Tây.
vẽ bởi James Abbott McNeill Whistler
Thuật ngữ này thường được cho là do nhà phê bình người Pháp Philippe Burty đặt vào đầu những năm 1870. Nó cho thấy cơn sốt nghệ thuật và thiết kế của Nhật Bản đã tràn sang Pháp và các nơi khác sau khi thương mại với xứ sở Phù Tang được nối lại vào những năm 1850 (đất nước này bị đóng cửa với phương Tây từ khoảng năm 1600).
Sự tái khám phá nghệ thuật – thiết kế của Nhật đã có tác động gần như khôn lường đối với nghệ thuật phương Tây. Sự phát triển của hội họa hiện đại từ trường phái Ấn tượng trở đi đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi độ phẳng, màu sắc rực rỡ và mức độ cách điệu cao, kết hợp với các chủ thể hiện thực của các bản in khắc gỗ Nhật. Thiết kế cũng bị ảnh hưởng tương tự như đã thấy trong phong trào Thẩm mỹ (aesthetic movement) và Tân Nghệ thuật (art nouveau).
Ở Anh, James Abbott McNeill Whistler là người có tầm ảnh hưởng trong việc gây nên sự cộng hưởng Á – Âu cho thấy rõ điều này. Trong lĩnh vực thiết kế, Christopher Dresser và kiến trúc sư William Godwin là những nhân vật chủ chốt.
Biên tập: Lệ Lin
Tranh và lời: Tổng hợp từ Tate và nhiều nguồn khác
Chủ đề liên quan:
- Nỗi ám ảnh bất ngờ và sâu đậm của nghệ thuật Nhật Bản trong việc định hình nên Van Gogh
- Cuộc đời đầy sóng gió của nữ họa sĩ đã tạo nên chuẩn mực cho thiết kế bài Tarot
- Kết hợp nhiếp ảnh và minh họa để tạo ra những con quái vật giữa lòng thành phố
- Cảm hứng từ Đà Nẵng và Hội An, Alex Sprouse ký hoạ thiên nhiên qua bộ tranh màu gouache