Đắm chìm trong tác phẩm vi sinh vật và san hô được cắt dán tỉ mỉ từ giấy
“San hô và con người đều là quần thể cộng sinh, tồn tại và phát triển dựa trên mối quan hệ cùng có lợi với các sinh vật khác: san hô có được màu sắc tuyệt đẹp từ các loại tảo sống trên cơ thể chúng; con người có thể tồn tại là nhờ vào lượng vi khuẩn khổng lồ sống trên và trong cơ thể mình.”
Rogan Brown – một nghệ sĩ cắt giấy đã dùng trí tưởng tượng và đôi tay khéo léo của mình để mang những ám ảnh với cấu trúc của các loài vi sinh vật và san hô vào trong những tác phẩm cắt giấy đầy tỉ mỉ. Các tác phẩm của Rogan mang nét xa lạ và siêu thực nhưng thật ra lại là hình dáng của chính những microbiome trong cơ thể loài người.
*Khái niệm microbiome được tìm ra năm 1990, để chỉ hệ sinh thái gồm hàng trăm nghìn tỉ vi sinh vật gồm vi khuẩn, virút, nấm, động vật nguyên sinh… đang sinh sống và bao phủ mọi ngóc ngách cơ thể. Microbiome còn được gọi là “bộ gen” thứ hai của loài người.
Rogan lấy cảm hứng cho mình từ kết cấu của các sinh vật trong tự nhiên và trong cơ thể người. Anh chia sẻ: “Các tác phẩm tham khảo khá nhiều kết cấu từ quen thuộc đến xa lạ của cấu trúc tế bào, vi sinh vật, mầm bệnh, cây cỏ, san hô, hóa thạch, động vật, vỏ các loài, các cơ quan trong cơ thể, kết cấu địa chất, bản đồ địa hình, hình dạng của mây, mô hình, đĩa thí nghiệm…
Bằng cách tìm ra những mô hình và khuôn mẫu trong tự nhiên ở những môi trường và kích cỡ khác nhau, cả vĩ mô và vi mô, tôi tạo ra một kho tàng những họa tiết mỹ thuật để sử dụng trong việc tạo ra những kết cấu lai, vừa thực lại vừa siêu thực.”
Chất liệu Rogan chọn cho những tác phẩm của mình là giấy. Anh sẽ khắc họa những kết cấu lên giấy bằng dao mổ hay máy cắt laser dựa trên bản vẽ tác phẩm. Mỗi tác phẩm gồm nhiều lớp khác nhau được phân tầng bằng các lớp xốp. Chính khoảng cách giữa các lớp sẽ tạo ra độ sâu và phân tầng khiến những tác phẩm mang lại hiệu ứng thị giác mạnh hơn.
Mỗi lớp giấy sẽ được tỉ mỉ cắt gọt theo hình dáng được phác thảo trước đó dựa trên kho tàng chi tiết và hình mẫu anh thu thập từ các nghiên cứu về vi sinh vật, san hô… Chúng sẽ được biến hóa hay lai tạo lẫn nhau để hiện thực hóa ý tưởng của người nghệ sĩ.
Với độ cầu kì và phức tạp của những họa tiết, Rogan phải dành vài tháng để hoàn thành một tác phẩm.
“Tôi chọn giấy làm vật liệu sáng tạo vì nó mang trong mình sự mâu thuẫn sẵn có trong tự nhiên: vừa mỏng manh lại vừa bền chắc, vừa mạnh mẽ lại vừa tinh tế. Tôi cũng tìm thấy niềm vui trong việc cắt gọi loại vật liệu từ rừng này trở về gần nhất với nguyên bản của nó. Quá trình chậm rãi cắt từng chi tiết trên giấy mô phỏng quá trình lâu dài trong tự nhiên khi sinh vật phát triển rồi chết đi để tạo ra sự sống mới.”
Rogan
Tác phẩm của Rogan là sự kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật, óc quan sát và trí tưởng tượng. Nghệ sĩ cố gắng tìm ra điểm kết nối giữa những cặp khái niệm ấy. Anh dùng những chi tiết phức tạp và ngoạn mục tồn tại trong mọi tầng sự sống của thiên nhiên để tạo ra tác phẩm; người xem sẽ “lọc” chúng qua lăng kính riêng biệt trong trí tưởng tượng mỗi người và cảm nhận tác phẩm theo cách riêng.
“Một chủ đề thường gặp trong tác phẩm của tôi là giới hạn của khoa học trước sự vô cùng về quy mô và số lượng của tự nhiên. Mục đích định nghĩa và kiềm chế thiên nhiên của khoa học liên tục gặp trở ngại bởi khối lượng và số lượng dữ liệu cần quan sát, phân tích và phân loại. Tôi khắc họa điều này trong các tác phẩm của mình qua các hoạ tiết chi tiết để khiến người xem thấy choáng ngợp trước những kết cấu tỉ mỉ ấy.”
Những tác phẩm của Logan gợi người xem nhớ đến những hình chụp qua kính hiển vi. Chúng vừa có nét đáng sợ vừa lôi cuốn, khiến người xem vừa thích thú vừa rụt rè tiếp cận. Thế nhưng nhờ những sáng tạo và cách điệu trong cách thể hiện, chúng vẫn là những tác phẩm nghệ thuật khiến người xem phải chiêm nghiệm về mối quan hệ giữa các sinh vật trên trái đất này.
“Cả khoa học và nghệ thuật đều thể hiện sự thật, chỉ là theo cách khác nhau mà thôi. Sự khác nhau ấy giống như việc ta nhìn một khung cảnh qua bản đồ chi tiết sẽ khác khi ta nhìn một bức tranh vẽ khung cảnh ấy của Cezanne hay Van Gogh.”
Rogan
Dự án mới nhất của anh là bộ sưu tập Magical Circle Variations (Vòng tròn biến ảo diệu kì) kết hợp những cảm hứng quen thuộc của Rogan và những tông màu phấn nhạt thường gặp ở các rặng san hô.
“Rặng san hô và microbiome giống nhau ở chỗ chúng đều là tập hợp một loạt sinh vật cùng nhau sinh tồn. Có những điểm tương đồng giữa san hô và con người vì cả hai đều là quần thể cộng sinh, tồn tại và phát triển dựa trên mối quan hệ cùng có lợi với các sinh vật khác: san hô có được màu sắc tuyệt đẹp từ các loại tảo sống trên cơ thể chúng; con người có thể tồn tại là nhờ vào lượng vi khuẩn khổng lồ sống trên và trong cơ thể mình.”
Rogan
Nguồn: Rogan Brown và NPR
Biên dịch: Xanh Va
Ảnh: Rogan Brown
- Hawaii cấm các sản phẩm chống nắng có nguy cơ gây hại cho san hô
- Những công trình kiến trúc “khủng” được làm từ giấy
- 6 công trình đáng kinh ngạc trên trái đất được xây dựng bởi những sinh vật tự nhiên
- Stéphanie Kilgast, vì sao cô lại nặn đất sét rồi gắn lên những món đồ bị bỏ đi?
- Floral Phantasmagoria – Một Singapore trong thế giới siêu thực