Tự tay khắc gỗ - in tranh tại nhà với phương pháp in Lino
Tranh in đồ họa có thể được in bởi một hoặc nhiều bản in khác nhau. Việc tạo ra các bản in này gọi là chế bản. Có bốn kỹ thuật tạo chế bản là: khắc nổi/relief (woodcut, linocut….), khắc lõm/intaglio (engraving, etching, mezzotint…), khắc phẳng/planographic (lithography, monotyping, các kĩ thuật in kĩ thuật số) và in xuyên/stencil. Cách phân chia bốn loại kĩ thuật chế bản trên phụ thuộc vào phần tác động của bản in (phần được in) lên tranh.
Trong bài viết này, iDesign sẽ giới thiệu đến bạn kĩ thuật tranh in Lino. Tranh in Lino là phương pháp in nổi các hình vẽ từ bề mặt gỗ mềm. Bạn chỉ cần trải một lớp mực mỏng, sau đó ép lên giấy để chuyển các chi tiết từ chất liệu sang mặt giấy. Những phần không bị khắc lõm sẽ để lại dấu ấn trên bề mặt giấy và tạo thành hình ảnh như mong muốn.
Phương pháp tranh in Lino mang lại cảm giác thô mộc với những đường nét chắc chắn cùng mảng màu tạo độ tương phản cao giữa giấy và mực. Bạn có thể tốn nhiều thời gian để thực hiện công đoạn chạm khắc, tuy nhiên quá trình in ấn sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều và các bản in cũng có thể được tạo ra nhanh chóng và dễ dàng. Nhiều nghệ sĩ nhận thấy phương pháp tranh in này có thể thay đổi phong cách làm nghệ thuật cá nhân, khiến cho những tác phẩm vẽ tay lượm thượm bằng viết chì trở nên chỉn chu và cao cấp hơn.
Giờ thì mời bạn cùng iDesign đi qua các bước cụ thể để tạo nên một tác phẩm tranh in Lino nhé!
1. Làm quen với công cụ
Trước khi bắt đầu thực hiện phương pháp tranh in Lino, bạn cần có cho mình những công cụ cần thiết. Chúng là:
- Bảng Lino (hoặc gỗ mềm chuyên dụng để khắc)
- Cây lăn mực
- Bộ dao khắc
- Tấm pha màu (kính, nhựa, tấm gạch hoặc bất kì thứ gì có bề mặt trơn, láng và không thấm nước)
- Bút lông
- Bút chì
- Giấy than
Toàn bộ dụng cụ trên có thể dễ dàng tìm thấy tại cửa hàng họa cụ, thường sẽ nằm gần các trường đào tạo có chuyên ngành Thiết kế hay Mỹ thuật nhé.
Những công cụ cắt Lino đã có một bước phát triển vượt bậc, mỗi công cụ đều có thể được sử dụng để tạo ra các bước chạm khắc khác nhau. Hãy nhìn vào lưỡi dao của mỗi công cụ, một số có hình chữ V và số khác lại có hình chữ U. Một số cái lại phẳng trong khi cái khác thì giống như chiếc dao khắc thủ công vậy.
2. Tiến hành vẽ
Hãy bắt đầu với những tác phẩm đơn giản. Bạn có thể vẽ trực tiếp lên bề mặt chất liệu hoặc chuyển các nét vẽ từ giấy sang bảng gỗ thông qua miếng giấy than.
3. Tạo vùng sáng và tối
Tiếp theo, loại bỏ những vùng còn trống trên bảng gỗ bằng các công cụ điêu khắc, sau đó dùng bút lông để làm nổi vùng sáng và tối trong tác phẩm của mình.
4. Biến mẫu thử thành phiên bản thật
Bạn có thể dùng bút lông diễn tả các mảng chất liệu mong muốn, sau đó lựa chọn từng loại đầu dao khác nhau cho từng chi tiết trên tranh, cố gắng mô tả nhiều sắc thái bề mặt nhất có thể. Cầm dao khắc một tay như cách bạn cầm bút, đặt đầu dao vào vị trí cần khắc rồi dùng lực để điêu khắc phần gỗ.
Dùng tay gạt bỏ vụn gỗ và tiếp tục đến khi hoàn thành. Bạn sẽ nhận ra rằng đầu dao chữ V thích hợp với đường kẻ hẹp, trong khi đầu dao chữ U sẽ tạo ra những nét rộng hơn tựa như một nét của cây bút lông. Đầu dao phẳng có thể được sử dụng để khắc những vùng rộng hơn. Lực đẩy dao, tốc độ và góc đặt dao là những yếu tố tạo nên sự khác biệt.
Lưu ý luôn giữ đầu dao tránh xa ngón tay của bạn nhé vì chúng cực kì sắc nhọn. Để tránh mỏi lưng, bạn có thể xoay bảng gỗ thay vì xoay người khi thực hiện quá trình điêu khắc.
5. Định hình thiết kế
Sau khi thực hành thử nghiệm với công cụ trên mảnh chất liệu, hãy chọn lựa lối cấu trúc mà bạn muốn sử dụng cho thiết kế. Bạn có thể muốn tạo ra những đường vẽ giống như bút chì khi sử dụng công cụ hình chữ V và màu trắng hoặc đen cho những vùng khác.
6. Tạo hình cho thiết kế bằng bút lông
Hãy sử dụng chiếc bút lông có ngòi bút đậm để định hình tác phẩm của mình. Điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều để bạn có cái nhìn khái quát hơn về tác phẩm khi nó được in ra.
6. Bắt đầu đổ mực
Đã đến lúc bạn cần phải ‘cán’ mực ra rồi. Ở đây chúng tôi sử dụng khay bằng nhựa. Nhúng con lăn mực vào hủ mực, sau đó cán ra khay cho đến khi phần mực trong khay được đều và phẳng. Nếu bị cho mực quá nhiều, nó thể bị quện lại trông khá khó chịu. Hãy cố gắng tạo ra mảnh mực mỏng tựa như được tạo ra từ ngòi bút.
7. Bắt đầu cán mực vào khối chất liệu
Khi đã có được lớp mực đều và đẹp, hãy lăn nó lên tác phẩm của mình. Đây là giai đoạn giúp bạn hình dung được sơ bộ tác phẩm. Sau khi bôi mực lên chất liệu khoảng 2 đến 3 lần, bạn nên cho cây cán mực trở lại khay để nạp thêm mực. Khi bôi mực lên bảng gỗ, hãy đảm bảo bạn đã phủ một lớp mực mỏng, đều và sáng cho toàn bộ chi tiết.
9. Ấn giấy vào khối chất liệu
Đến giai đoạn in ấn! Một trong những điều thú vị về phương pháp in tranh Lino là bạn có thể thực hiện tại nhà mà không cần đến thiết bị in ấn chuyên dụng nào cả. Tất cả những gì bạn cần là đôi tay của chính mình. Hãy đặt giấy trực tiếp lên bảng gỗ vừa khắc xong và dùng tay nhấn nó xuống.
10. Ấn với chiếc muỗng bằng gỗ
Dùng một chiếc muỗng gỗ và đặt giữa bảng, tận dụng bề mặt lồi của muỗng, di chuyển thành vòng tròn rồi từ từ lan rộng ra khắp tác phẩm. Bạn nên để ý đến đường viền nữa nhé. Dần dần, bạn sẽ thấy những phần được ấn thấm mực và hình ảnh tác phẩm bắt đầu hiện ra.
11. Gỡ tác phẩm in
Khi đã ấn toàn bộ bề mặt, hãy từ từ gỡ tác phẩm ra từ các góc. Nếu phát hiện chỗ nào chưa thấm mực, bạn hãy dùng muỗng ấn thêm. Sau đó cầm hai góc giấy và từ từ nhấc nó lên khỏi khối chất liệu, vậy là bạn đã có một bản in đầu tiên rồi đấy, đồng thời bạn có thể tạo nhiều bản in nữa tùy thích.
12. So sánh bản in trên khối chất liệu và tác phẩm trên giấy
Tác phẩm trên giấy sẽ là nghịch đảo của những gì có trên khối chất liệu. Hãy nhìn vào các chi tiết trên khối chất liệu để xem liệu mình có muốn thay đổi gì không. Bạn cũng có thể rửa sạch khối chất liệu và tiếp tục khắc nếu muốn.
13. Chờ tranh in của mình được khô ráo
Hãy chờ vài giờ để tác phẩm trên giấy được khô ráo. Bạn cũng nên rửa kĩ càng công cụ như khối chất liệu và khay đựng mực với nước xà phòng ấm và giẻ lau.
Tác giả: Meg Buick
Người dịch: Đáo
Nguồn: Creative Bloq