Năm mới “tuyệt chiêu” mới: 12 bí quyết để tinh thần sáng tạo luôn khỏe mạnh

Ngành công nghiệp sáng tạo có thể luôn dồi dào năng lượng tích cực và nguồn cảm hứng tuyệt vời, nhưng mặt khác cũng đầy rẫy sự cạnh tranh, phủ nhận, đơn độc, kiệt quệ và hầu hết là thiếu thốn. Không cần phải là thiên tài để biết những điều này không có lợi cho sức khỏe tinh thần, đặc biệt là nếu không biết cách xử lý.

Trong một cuộc khảo sát gần đây với hơn một nghìn họa sĩ minh họa, 79% thừa nhận đã trải qua sự thiếu tự tin hoặc lo lắng về sự nghiệp của họ.

Nếu điều đó vẫn chưa đủ tệ, nhiều chuyên gia sáng tạo cảm thấy họ không thể cởi mở trải lòng về sự nghi ngờ bản thân hoặc rắc rối về tiền bạc, sợ rằng hình tượng của họ của sẽ bị xấu đi hoặc tin rằng người khác luôn có sự nghiệp sáng tạo rực rỡ hơn.

Vì một năm mới thoải mái tràn đầy sức sống, đây là một số mẹo giúp bạn duy trì sức khỏe tinh thần để tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo (thật ra là dành cho tất cả mọi người).


1. Định nghĩa lại thất bại và thành công

Ảnh của Clark Tibbs @ Unsplash

Nếu bạn không thất bại, tức là bạn đang không thử bất cứ điều gì mới. Nghề sáng tạo liên quan đến rủi ro – có thể không phải là mạng sống – nhưng chúng ta có thể gặp rủi ro mất thu nhập nếu không thể đưa ra những ý tưởng mới, có thể gặp chỉ trích và từ chối khi trưng bày tác phẩm của mình với công chúng.

Rủi ro không chỉ hiển hiện ở thành quả cuối cùng, mà trong các ý tưởng thử nghiệm, cách tiếp thị bản thân và giao tiếp với khách hàng. Thất bại là một công cụ học tập thiết yếu, giúp chúng ta phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn cũng như rèn luyện tính chịu đựng.

Những gì cần làm là đặt câu hỏi về định nghĩa của chúng ta về thành công. Có phải thất bại của chúng ta thực sự là như vậy? Hay chỉ là không thể đáp ứng mong đợi của mọi người. Ví dụ, bạn có thể không giành được bất kỳ giải thưởng hay có bất kỳ khách hàng nổi tiếng nào, nhưng bạn có thể kiếm được nhiều hơn những người làm được hai điều trên.

Hoặc, bạn có thể xem ai đó có thu nhập cao hơn là thành công hơn, nhưng họ có thể sẽ bị căng thẳng, có thời gian làm việc trái khoáy cũng như không dành thời gian cho bạn bè hay gia đình. Hãy cân nhắc những gì quan trọng với bạn và xác định lại thành công của chính bạn.


2. Chấp nhận nghi ngờ là một phần trong quá trình sáng tạo

Nghi ngờ là một tính cách quan trọng vì nó sẽ quyết định mức độ quan tâm của bạn cũng như giúp bạn cân nhắc rủi ro. Nếu bạn tự nghi ngờ chính mình, điều đó có nghĩa là bạn có cơ hội thúc đẩy bản thân nhiều hơn và đạt được những thành tựu mới.

Có lẽ với mọi người, luôn nghi ngờ và từ bỏ những điều mình tâm huyết là một chuyện dễ dàng, vì vậy thật dễ hiểu khi bạn choáng ngợp trước viễn cảnh thử một điều mới hoặc săn đón các cơ hội làm việc mới.

Sự nghi ngờ có thể ăn sâu vào tiềm thức khiến ta tin mình không thể làm được, mặc dù không biết kết quả ra sao. Chúng ta thường chọn “không biết” thay vì mạo hiểm để đạt được một thành tích tuyệt vời.

Vì thế, bạn hãy học cách nhận biết khi nào nghi ngờ dựa trên sự thật hay thực sự bắt nguồn từ sự tự ti hoặc thất vọng. Điều mà chúng ta thường sợ là thất bại (và tôi nghĩ rằng chúng ta đã luôn tìm mọi cách che đậy điều đó).


3. Biết cách đặt câu hỏi

Ảnh của Toa Heftiba @ Unsplash

Nếu bạn thường có nhiều suy nghĩ tiêu cực, hãy tự hỏi mình những câu như “Mình thực sự có thể làm điều này không?”, thay đổi suy nghĩ và hỏi những câu hỏi tốt hơn như, “Mình có thể làm điều này bằng cách nào đây?”

Đừng dừng lại ở đó. Hãy tiếp tục hỏi những câu sau: Mình đã thành công ở đâu trong quá khứ? Thế mạnh của mình là gì? Mình cần tránh những việc gì? Mình cần học thêm món nào? Hãy viết ra câu trả lời để dễ hình dung.

Câu hỏi giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Chúng khiến chúng ta tò mò, thích ứng và cho phép chúng ta mở ra những khả năng vô tận. Điều này cũng hiệu quả khi bạn phải đối mặt với tiêu cực hoặc áp lực từ những người mà bạn làm việc cùng. Thay vì phản ứng tiêu cực, hãy thẳng thắn đối mặt. “Bạn bận tâm điều gì nếu tôi đảm nhận vai trò này?”“Làm thế nào công ty có thể làm việc hiệu quả hơn mà không phải làm thêm giờ?”


4. Đặt ra giới hạn cho công việc

Khách hàng không quan tâm nếu bạn thức đến ba giờ sáng để đảm bảo đúng deadline; họ chỉ quan tâm rằng bạn có truyền tải đầy đủ những gì bản brief yêu cầu hay không. Nếu bạn liên tục làm khuya, hãy sắp xếp thời gian hoặc xem xét liệu bạn có cần khách hàng hiểu chuyện hơn không!

Thường có một sự chấp nhận không lành mạnh trong ngành công nghiệp sáng tạo là chúng ta cần phải chịu đựng thời gian làm thêm mà không được trả lương. Tất nhiên, điều đó tùy thuộc vào việc bạn có tiếp tục làm như vậy hay không, nhưng lưu ý rằng liên tục làm việc muộn và không nghỉ ngơi đủ gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần của bạn.

person sitting inside restaurant
Ảnh của Clem Onojeghuo @unsplash

Nếu bạn không hài lòng khi không thể dành buổi tối với gia đình và bạn bè, bạn có thực sự nên tìm một công việc bán thời gian để dư dả hỗ trợ cho các dự án của riêng bạn? Thực tế, bạn cần kiếm bao nhiêu tiền để sống và tận hưởng? Bạn có thể định nghĩa lại thành công của mình chứ?

Làm việc quá sức là một chuyện. Sự kiệt sức cũng vậy. Bạn làm việc quá sức và mọi thứ đều sẽ vô cùng mỏi mệt. Công việc của bạn trở nên cẩu thả. Bạn trở nên không có động lực, bỏ bê người thân yêu và tất cả những sự uất ức đều hiện trong các tác phẩm của bạn.

Nghỉ ngơi là điều hoàn toàn cần thiết để có năng suất làm việc hiệu quả. Hãy dành thời gian nghỉ, đi ra ngoài, tắt điện thoại và suy nghĩ về những thứ khác. Làm thế nào bạn có thể tìm thấy cảm hứng nếu bạn chỉ nhìn vào màn hình?


5. Tham gia một nhóm cộng đồng

Ảnh của Jens Johnsson @ Unsplash

Nhiều ngành nghề sáng tạo có thể đơn độc và ngay cả khi bạn làm việc theo nhóm, bạn vẫn phải đưa ra ý tưởng của riêng mình hoặc tự thân giải quyết các bản brief.

Ngay cả khi bạn là một người cần không gian riêng, dành nhiều thời gian để mải mê suy nghĩ cũng không có lợi cho sức khỏe. Tôi không nghĩ rằng đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi có rất nhiều sự kiện sáng tạo mới xuất hiện, vì chúng ta cần các cộng đồng để thư giãn. Chỉ cần thỉnh thoảng hẹn uống café, đi chơi đôi lần với những người gặp thách thức nghề nghiệp tương tự là được.

Hãy cố gắng tránh những người tiêu cực quá mức – tìm những người ủng hộ và hiểu các rắc rối mà bạn đang gặp phải. Đó là tác dụng của những hoạt động cộng đồng – bạn cho đi một sẽ được nhận lại nhiều hơn.


6. Học cách hiểu điều cơ thể mách bảo

Nghe có vẻ quá rõ ràng phải không? Nhưng đã bao nhiêu lần bạn mải mê làm việc đến nỗi quên ăn trưa? Và bây giờ bạn tự hỏi tại sao lại tức giận khi không thể tập trung. Có gì khó hiểu đâu vì cơ thể chúng ta cần phải ăn, ngủ và vận động.

Tâm trí và cơ thể của bạn có sự ảnh hưởng lẫn nhau – cơ thể nếu được chăm sóc thì tinh thần cũng vậy. Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu hoặc cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể thay đổi lối sống nào để cải thiện tình hình, như đi ngủ sớm hơn, thay đổi môi trường làm việc hay đi dạo?

person's hands forming triangle
Ảnh bởi Ricardo Gomez Angel @unsplash

Hãy tìm hiểu nguồn cơn của sự tức giận hoặc căng thẳng – có điểm chung nào không? Nhiều vấn đề thể chất thường có thể bắt nguồn từ những hành động gây hại ngày một nhiều theo thời gian. Hãy nhớ và lắng nghe những gì cơ thể bạn đang nói.


7. Cam kết theo kế hoạch

Lập kế hoạch, viết danh sách và bám sát chúng có một tác dụng gì đó. Nếu bạn thích làm việc tự phát, tự nhiên bạn có thể bị thụt lùi trong công việc và trễ deadline… Trong trường hợp đó, hãy cố gắng thực hiện những việc có thể giúp bạn nhẹ gánh hơn một chút.

person writing bucket list on book
Ảnh bởi Glenn Carstens-Peters @unsplash

Một cách hữu ích để bắt đầu làm quen là bắt đầu ngày mới với một vài điều dễ làm. Đừng lấp đầy danh sách với quá nhiều việc vì bạn sẽ không muốn thấy choáng ngợp với một bản kế hoạch khó thực hiện. Thay vào đó, hãy chỉ làm những việc cần thiết, dễ làm và dễ quản lý. Ngoài ra, bạn luôn có thể thêm việc nếu bạn cảm thấy hiệu quả. Bởi vì bạn càng làm xong nhiều việc, một tuần của bạn sẽ trôi qua dễ dàng hơn!


8. Sắp xếp công việc cá nhân

Ảnh của Estée Janssens @ Unsplash

Nếu bạn là một người luôn đầy ắp ý tưởng và bộ não của bạn chứa đầy những suy nghĩ sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy thất vọng khi phải kiềm hãm chúng để tập trung vào công việc. Luôn luôn tràn đầy lý tưởng là lý do bạn rất giỏi những gì bạn làm – bạn có thể thấy những điều mà người khác không thể và phát triển ý tưởng từ những thứ rất đỗi tầm thường.

Có một cách giải quyết sự thất vọng đó: Hãy ghi lại các ý tưởng vào một cuốn sổ tay hoặc trên điện thoại rồi quay lại làm việc. Sắp xếp thời gian rảnh để đầu óc lang thang – suy nghĩ, sáng tạo, viết, vẽ hoặc làm bất cứ điều gì mà bạn yêu thích. Đây là lý do tại sao bạn theo nghề này phải không? Bởi vì bạn thích sáng tạo mà.

Sáng tạo trong thời gian rảnh là điều cần thiết để có tinh thần tốt và cũng có lợi cho công việc của bạn. Đừng quá mải làm việc của khách hàng đến nỗi quên mất những điều cốt lõi và lý do vì sao bạn theo đuổi ngành này, trừ khi bạn làm vì tiền – trong trường hợp này thì sao bạn không thử làm trong ngân hàng?


9. Hãy thực dụng về tiền bạc

Ảnh của Artem Bali @ Unsplash

Nhiều người trong số các bạn sẽ nói rằng bạn không làm nghề vì tiền, nhưng hãy thực tế đi nào. Tất cả chúng ta đều cần tiền để chi trả cuộc sống. Tiền giúp tất cả chúng ta yên tâm và không lo lắng nếu có các khoản thu nhập khác nhau.

Một số công việc sáng tạo mang tính sinh lời, số còn lại thì không. Nó là quá trình học tập và tích lũy kinh nghiệm. Bạn phải cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc làm những gì bạn yêu thích và có thu nhập khá.

Đừng tự dằn vặt nếu bạn cần một công việc bán thời gian để hỗ trợ cho tham vọng của mình, hoặc nếu bạn cần việc làm tạm thời. Kiếm thu nhập từ nơi khác không có nghĩa là bạn không cam kết với nghề sáng tạo của mình; nó chỉ có nghĩa là bạn đang tạo điều kiện cho những gì bạn yêu thích.


10. Đừng đứng núi này trông núi nọ

Thật tuyệt khi được truyền cảm hứng từ những người khác, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra khi nào điều này trở nên không lành mạnh. Bạn có quá tôn thờ họ không? Bạn có bị ám ảnh với các cái tên đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội? Bạn có thường cảm thấy tức tối khi thấy công việc họ làm là những gì bạn muốn làm không?

Hãy bình tĩnh và tắt điện thoại đi nào Nếu bạn thường xuyên so sánh bản thân với người khác, hãy tự hỏi công việc của bạn đang thiếu sót điều gì. Bạn có thể bắt đầu phát triển kỹ năng của mình hoặc học những điều mới cho phép bạn tài ba hơn không?

Hơn nữa, mạng xã hội không phải là một dấu hiệu của sự thành công. Mọi người chỉ đăng những thứ tốt nhất của họ – họ không chia sẻ công khai bao nhiêu lần họ đã thất bại hoặc những thách thức họ đã trải qua để có được vị trí hiện nay.


11. Nuôi dưỡng sự tự tin (không phải tự kiêu)

Ảnh của Austin Chan @ Unsplash

Bạn sẽ thường nghe mọi người nói, “Tôi đã không đủ tự tin để thực hiện tham vọng của mình”. Nhưng sự tự tin không phải là thứ sinh ra đã có mà là được nuôi dưỡng. Đừng tự ti chỉ vì trước đây bạn không tự tin, vì chuyện sẽ không mãi là luôn như vậy.

Ngoài ra, sự tự kiêu có thể trì hoãn bạn lại. Nó có thể ngăn bạn yêu cầu giúp đỡ, vì bạn luôn trưng ra vẻ dũng cảm và giả vờ rằng mọi thứ đều ổn. Trong trường hợp đó, đừng nhầm lẫn sự tự tin với tự kiêu.

Tự tin quan tâm đến kết quả tốt hơn là vẻ ngoài hay bản ngã, nó cho phép bạn yêu cầu giúp đỡ mà không phải lo về những gì người khác nghĩ. Sự tự tin nói rằng bạn nên thử một thứ gì đó mặc dù bạn không hoàn hảo, giúp bạn nhận ra những hạn chế và điểm mạnh của bản thân. Thật tốt khi bạn thích việc mình làm và tự hào kể về chúng – người khác sẽ lắng nghe như thế nào? Cũng thật tốt khi có đủ tự tin để chấp nhận thử thách và yêu cầu giúp đỡ – bạn sẽ cải thiện bằng cách nào khác?


12. Tử tế với chính mình

Tôi đã từng nghe một người khôn ngoan nói rằng bạn nên tử tế với phiên bản tương lai của chính mình. Đừng nản lòng nếu bạn không hiểu được những gì bạn sẽ làm vào tháng tới, chứ đừng nói là vào năm tới. Chỉ cần bắt đầu với ngày mai và tiến lên từ đó.

Đối xử tốt với bản thân thường được xem là cách chữa cháy tức thì, giúp bạn tránh xa thực tế và cảm thấy được vỗ về an ủi, đồng thời khuyến khích bạn từng bước đi đến mục tiêu của mình.

Vì vậy, làm thế nào để ngày mai dễ dàng hơn? Bạn có thể đem đến điều gì để có một tương lai như mong muốn? Bạn sẽ cảm ơn bản thân điều gì khi mai sau nhìn lại ngày hôm nay? Tất cả đều phụ thuộc vào chính bạn. 

Người dịch: Long Hwarang
Nguồn: Creativebloom.com

Cùng tác giả

#Tag

creative creative process mental health personal growth self improvement self-help

iDesign Must-try

Khi nội tâm được “vẽ ra” qua hình ảnh chú vịt lười biếng
Khi nội tâm được “vẽ ra” qua hình ảnh chú vịt lười biếng
Nghệ sĩ Hàn Quốc Ssebong dường như đã tạo nên cả một vũ trụ đáng yêu thay lời cho cuộc sống thực tế, nơi có những nhân vật cùng tuyến…
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Những chuyển động sáng tạo của vật thể được Hiếu Vũ lấy cảm hứng từ đời thường, đặc biệt là về âm nhạc. Tiếp sau đó là khoảnh khắc chủ…
Cuộc thi We Liberty #25: Khi tưởng tượng là tiền đề của những không tưởng
Cuộc thi We Liberty #25: Khi tưởng tượng là tiền đề của những không tưởng
Cuộc thi thiết kế sáng tạo We Liberty #25 chính thức được khởi động. Đây là sân chơi để các bạn trẻ cùng Piaggio Liberty khai phá những cảm hứng…
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta “lỡ đụng tay” vào tác phẩm nghệ thuật
“Những cú chạm của sự tò mò và ngây thơ” là cách mà con người muốn tận hưởng cảm giác gần gũi với ý tưởng kiệt xuất của sáng tạo.…
Tập 2 - PURE NOW Show: ‘Dù được trả 1 đô hay 100 đô, bạn cần phải làm tốt nhất có thể’ - Chris Catchpole
Tập 2 - PURE NOW Show: ‘Dù được trả 1 đô hay 100 đô, bạn cần phải làm tốt nhất có thể’ - Chris Catchpole
Phù thủy sáng tạo, đó là danh xưng mà người ta ưu ái dành cho Chris Catchpole – nhà lãnh đạo, giám đốc điều hành của DDB/ Rockstar/ BBDO/ OLPOHA. Sở hữu…
Điên, quẫn, giận, lo: 10 sắc thái giới hạn tâm lý trong hội họa
Điên, quẫn, giận, lo: 10 sắc thái giới hạn tâm lý trong hội họa
Trong triển lãm “Về Giới Hạn” hồi đầu năm tại Singapore, tôi và nhóm giám tuyển Of Limits có đề cập tới các loại giới hạn, trong đó có giới…