Việc chụp ảnh khiến bạn dễ quên đi những gì mình đã chụp?
Một lý do khả thi: Chúng ta không dành nhiều chú ý vào trải nghiệm bởi ta biết chắc nó đã được lưu lại an toàn trong bức ảnh.
Theo một bài báo mới trên tạp chí Journal of Applied Research in Memory and Cognition (Tạp chí Nghiên cứu ứng dụng trong trí nhớ và nhận thức), Julia Soares và Benjamin Storm từ Đại học California cho rằng ký ức của người chụp ảnh sẽ bị ảnh hưởng dù họ có muốn giữ lại bức ảnh hay không.
Bài viết này nhằm mục đích làm rõ một nghiên cứu trước đây của Tiến sĩ Tâm lý học Linda Henkel về việc chụp các bức tranh trong một bảo tàng có thể dẫn đến việc gợi nhớ những bức tranh đó kém hơn. Để hiểu được điều này, Henkel đã dốc sức nghiên cứu về hoạt động của bộ nhớ, cho thấy những mối quan hệ xung quanh, như người yêu hoặc bạn bè, sẽ là nơi phân tán nhu cầu bộ nhớ, tạo ra một hệ thống “chia sẻ”- nơi người này sẽ nhớ ít nhiều một vài thứ trong khi người còn lại thì không cần. Tương tự, chúng ta có thể xem máy ảnh như một đối tác bộ nhớ và giảm tải công sức vào nó. Soares và Storm đã thử nghiệm giải thích này bằng cách sau đây.
Khoảng 50 sinh viên đại học cùng xem một bức tranh tại cùng một thời điểm trên màn hình.
- Nhóm thứ nhất, những người tham gia sẽ chụp mỗi bức tranh với một chiếc điện thoại thông minh, và sau đó có 15 giây để nhìn chúng.
- Nhóm thử nghiệm thứ hai, những người tham gia chụp ảnh mỗi bức tranh, xóa ảnh ngay lập tức (để họ biết sẽ không thể tìm lại bức ảnh trong tương lai), sau đó có 15 giây để xem bức tranh.
- Nhóm thứ ba, họ không chụp ảnh và chỉ xem mỗi bức tranh trong 15 giây.
Cuối cùng, mọi chiếc điện thoại bị tịch thu, và sau 10 phút, tất cả cùng tham gia bài kiểm tra trí nhớ đa lựa chọn nhằm thăm dò cách họ nhớ về các bức tranh khác nhau.
So với các bức tranh được ngắm bằng mắt đơn thuần, các bức tranh được chụp ảnh cho hiệu suất kém hơn, điều này đúng với cả điều kiện ảnh được lưu trữ và ảnh bị xóa, có nghĩa là người tham gia biết rằng họ không thể dựa vào nó như một đối tác bộ nhớ trong tương lai.
Điều này cho thấy việc chụp ảnh không phải là nguyên nhân gây ra bất lợi bộ nhớ mà do việc sử dụng máy ảnh buộc chúng ta thoát khỏi việc kích thích bộ nhớ, thay vào đó ta dành sự chú ý nhiều hơn vào cơ chế vận hành, kiểm tra độ sáng, phơi sáng, vv.
Soares và Storm có giải thích thêm về điều này. Họ cho rằng nỗ lực liên quan đến việc chụp ảnh – để đúng với bố cục khung hình hay chăm chú lấy nét – sẽ dẫn đến cảm giác bạn đã thực hiện tốt công việc mã hóa đối tượng, mặc dù bạn đã tập trung nhiều hơn vào các tính năng ngoại vi. Vì thế, không phải bạn thiếu đi tinh thần cố gắng vì bạn nghĩ đã có máy ảnh bảo đảm – mà thực ra bạn nghĩ rằng bạn đã có được nó.
Đây là bằng chứng cho thấy, những ai tiếp cận các sự kiện thú vị trong cuộc sống thông qua ống kính điện tử sẽ vô tình ‘đánh rơi’ một khoảnh khắc đẹp khó tìm lại được khi đã qua đi.
Tác giả: Alex Fradera
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: digest.bps