Dạo chơi trong thế giới màu nước của John Singer Sargent

Sargent đã sử dụng màu nước và thuận theo cách riêng của chính nó. Ông ấy có hiểu biết và phương pháp ứng dụng màu nước vô cùng tự nhiên cứ như thể được sinh ra cùng với chất liệu ấy.

John Singer Sargent (1856 -1925) là người họa sĩ chân dung được săn đón nhiều nhất trong thời đại của ông với tài nghệ tạo ra những bức chân dung đầy sức sống và mạnh mẽ về những người mẫu ngồi. Nổi tiếng với những bức chân dung của mình, Sargent vẫn thể hiện được tài năng xuất chúng trong nhiều thể loại, bao gồm vẽ phong cảnh, màu nước và tranh treo tường.

John Singer Sargent là con trai của một bác sĩ người Mỹ và được sinh ra ở Florence năm 1856. Ông học hội họa ở Ý, Pháp và đã chu du khắp thế giới để tìm kiếm đối tượng làm chủ đề cho các bức tranh của mình. Vào năm 1884, ông đã gây chấn động tại Salon Paris với bức tranh Madame Gautreau. Được trưng bày với cái tên Madame X, mọi người lúc ấy phàn nàn rằng bức tranh của ông mang tính khiêu dâm. Vụ việc ấy đã khiến Sargent chuyển đến Anh và vài năm sau đó, ông đã trở thành họa sĩ chân dung hàng đầu quốc gia.

Sargent đã có một số chuyến đi đến Hoa Kỳ, nơi ông đã thực hiện một loạt các bức tranh trang trí cho những tòa nhà công cộng như Thư viện Công cộng Boston (1890) và Bảo tàng Mỹ thuật (1916). Năm 1879, Sargent vẽ một bức chân dung cho Carolus-Duran và nỗ lực điêu luyện ấy đã nhận được sự tán thành của công chúng, đồng thời cũng định hình con đường nghệ thuật chính thức của ông. Việc trưng bày tác phẩm ấy tại Paris Salon vừa là một sự tri ân đối với giáo viên của ông vừa là một sự kiện quảng cáo cho tác phẩm chân dung. Với các tác phẩm đầu tiên của Sargent, Henry James đã viết rằng người nghệ sĩ đã cho thấy được “một tài năng ‘kì lạ’ không còn gì để học hỏi thêm nữa trước ngưỡng cửa của sự nghiệp.”

Tranh chân dung của Carolus-Duran
John Singer Sargent, 1879.

Cuộc sống ở nước ngoài

Sargent không được coi là một họa sĩ thuộc trường phái Ấn Tượng nhưng đôi khi ông có sử dụng các kỹ thuật của trường phái ấy để tạo ra nhiều hiệu ứng tuyệt vời. Bức tranh Claude Monet ở rìa rừng của ông được thể hiện theo phiên bản phong cách trường phái Ấn Tượng của riêng người nghệ sĩ.

Từ năm 1888 đến năm 1925, các bức tranh của Sargent đã được đưa vào hơn 20 buổi trưng bày công cộng tại Chicago, trong đó có Triển lãm Công nghiệp Liên bang, Triển lãm Columbian Thế giới, triển lãm tại Câu lạc bộ Nghệ thuật Chicago và Triển lãm hàng năm của Viện Nghệ thuật Hoa Kỳ. Sự hiện diện của nghệ sĩ ở Chicago là nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của doanh nhân địa phương Charles Deering, người đã xây dựng một bộ sưu tập quan trọng về tác phẩm của ông cùng với tình bạn vĩnh cửu ấy. Những người ủng hộ tại Viện Nghệ thuật khác như Martin A. Ryerson, Annie Swan Coburn và Robert Allerton cũng đã giúp thiết lập nên một di sản của Sargent cho thành phố.

Sargent đã ghi lại hàng trăm phong cảnh bằng chất liệu màu nước trong lúc chu du khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Năm 1908, ông vẽ Sân thượng Tarragona và Khu vườn khi đến thăm bờ biển phía đông Tây Ban Nha. Ngồi trong mái vòm của nhà thờ Tarragona, Sargent đã nắm bắt rất nhanh hình dáng của những cây cột trong đó và thể hiện lại bằng chất liệu màu nước tài tình.

Sân thượng Tarragona và Khu vườn, 1908
John Singer Sargent (1856 – 1925).

Những tán lá ở góc trên bên trái của bức tranh này được vẽ bằng một kỹ thuật rất khác. Có vẻ như Sargent chỉ đơn thuần dùng màu xanh lá cây và màu nâu cho chi tiết này và sau đó áp một lớp sơn trắng kẽm mờ đục để tạo điểm nhấn. Để che đi hoàn toàn những mảng màu tối bên dưới, Sargent đã phải sử dụng những chấm màu trắng dày như thể đang thực hiện điều chỉnh bằng màu sơn dầu.

Sargent thường vẽ nhiều bức tranh trong một ngày và sẽ chèn các tờ báo xen kẽ vào những bức tranh của mình để bảo vệ chúng khi mang đi. Ông đã làm điều tương tự với bức tranh Sân thượng Tarragona và Khu vườn và có lẽ đã không nhận ra rằng những mảng màu dày chưa kịp khô hẳn khi ông đặt tờ báo lên bề mặt. Kết quả không mong muốn là những chi tiết từ một tờ báo Tây Ban Nha đã dính vào bức tranh và vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Phân tích chuyên sâu của một bức ảnh hồng ngoại phản chiếu (IR) giúp cải thiện độ rõ ràng của văn bản từ các mảnh báo đã dính vào bức tranh. Chụp phản xạ hồng ngoại (IRR) là một kỹ thuật có thể tăng cường khả năng hiển thị của vật liệu vẽ gốc carbon bên dưới lớp màu.

Ứng dụng chất sáp

Gần 10 năm sau khi vẽ bức Sân thượng Tarragona và Khu vườn, Sargent đã nghiên cứu nhiều kiến trúc tuyệt đẹp khác trong dịp đến thăm hai người bạn của ông là Charles và James Deering ở Florida. Sargent bị thu hút tới Vizcaya, một khu đất xa hoa mà James mới xây gần đây vì nó khiến ông nhớ đến những cảnh quan và khu vườn ở Ý mà ông rất thích vẽ.

Hành lang, Vizcaya, 1917
John Singer Sargent (1856 – 1925).

Các công cụ phân tích trong phòng thí nghiệm khoa học bảo tồn tại Viện Nghệ thuật có thể giúp trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh chất liệu được người nghệ sĩ sử dụng. Đối với tác phẩm này, các nhà khoa học đã tìm kiếm thêm thông tin về một chất liệu mờ và mềm được tìm thấy ở nhiều mảng rời rạc trên bề mặt của bức tranh. Chất liệu được phân tích và xác định là một loại sáp, thứ mà Sargent sử dụng như một “chất cản” – nghĩa là ông đã đánh dấu tờ giấy bằng vật liệu trong suốt có thể chặn màu gốc nước và tạo nên những điểm nổi bật trong bố cục bức tranh.

Một ảnh chụp hiển vi minh họa cách Sargent ứng dụng sáp (chất liệu trong suốt/màu trắng) lên bề mặt giấy để tạo ra những “hòn đảo nhỏ” chặn màu nước xanh lem vào khu vực ấy.

Phân tích cũng cho thấy rằng chất sáp là một loại sản phẩm thu được từ cá nhà táng và là sản phẩm thương mại chủ đạo của ngành công nghiệp săn bắt cá voi. Vào thời của Sargent, loại sáp này thường được sử dụng để làm nến. Việc tìm thấy chất liệu ấy ở bức tranh này giúp giải thích được quy trình làm hội họa của Sargent bởi vì chất sáp này mềm hơn các loại sáp thông thường khác như sáp ong và nó sẽ là sự lựa chọn hợp lý để sử dụng làm vật liệu vẽ cho mai sau.

Phương pháp hội họa cùng chất liệu màu nước

Nghệ sĩ màu nước nổi tiếng Frank LaLumia gọi những bức tranh màu nước của họa sĩ Sargent là “một niềm vui hoàn chỉnh”. Ông đã say sưa về cách Sargent chấp nhận những hạn chế và nắm bắt cơ hội độc đáo phong cách nghệ thuật bằng màu nước trao cho một người nghệ sĩ. “Điều tôi chú ý nhất là cách Sargent sử dụng phương tiện này,” ông nói. “Sargent đã sử dụng màu nước và thuận theo cách riêng của chính nó. Ông ấy có hiểu biết và phương pháp ứng dụng màu nước vô cùng tự nhiên cứ như thể được sinh ra cùng với chất liệu ấy”.

“Lửa trên núi”
John Singer Sargent (1856 – 1925)
1906 – 1907, màu nước đục và mờ, 14 1/16 x 20 in. Bộ sưu tập trong Bảo tàng Brooklyn, Brooklyn, NY.

Với những ai là nghệ sĩ vẽ tranh ngoài trời, LaLumia đề nghị xem qua tác phẩm Lửa trên núi của Sargent, một sự khắc họa tương đối trừu tượng về trận cháy rừng đã nhấn chìm một sườn núi cao đầy khói và là một bức tranh có chút cảm hứng từ nghệ sĩ Turner. LaLumia nói rằng: “Đó là một tác phẩm ấn tượng khi thể hiện làn khói di chuyển lên sườn đồi và các đỉnh núi được tăng cường hiệu ứng từ ánh dương nhạt dần. Ngọn lửa được thể hiện bằng một vài đốm sáng màu đỏ trong khi khung cảnh dường như bị dồn ép và chi phối bởi làn khói trắng từ ngọn lửa âm ỉ.”

“Bên trong biệt thự Medici
John Singer Sargent (1856 – 1925)
1906, màu nước trong mờ và nét vẽ màu nước đục, vẽ phác bằng than chì, 21 3/16 x 14 3/8 in.
Bộ sưu tập trong Bảo tàng Brooklyn, Brooklyn, New York.
LaLumia nói: “Anh ấy đã sử dụng phương tiện màu nước một cách có chủ đích để thể hiện tính chất độc đáo của nó. Tôi chắc chắn rằng anh ấy sẽ tạo nên một tác phẩm tuyệt vời khi vẽ bức này bằng chất liệu sơn dầu nhưng thật sự nó không thể tuyệt vời hơn được nữa”.

LaLumia nói rằng: “Một trong những điều tuyệt vời khi đi trên con đường nghệ thuật là nhận ra được rằng chúng ta đang vẽ nên ánh sáng chứ không phải vật thể”. “Sargent có cách hiểu về việc này khác với những người còn lại. Tôi thích cách Sargent xử lý những đốm sáng. Một ví dụ điển hình là tác phẩm Bên trong biệt thự Medici. Tính chất của các đốm sáng với nhiều mảng màu tối và sáng có thể làm tổn hại cấu trúc của tác phẩm, khiến bức tranh trông giống như một chuỗi các vết tối trên nền sáng hoặc ngược lại. Khi Sargent xử lý nó, bố cục có được sự liên kết thay vì trở nên rời rạc. Ông ấy sử dụng tính chất thể hiện nhiệt độ của màu sắc để tạo ra cảm giác tựa như ánh sáng mặt trời có thể sờ thấy được”.

“Corfu: Ánh sáng và Bóng râm”
John Singer Sargent (1856 – 1925)
1909, màu nước mờ và đục, vẽ phác bằng than chì , 15 7/8 x 20 7/8 in.
Bộ sưu tập trong Bảo tàng Mỹ thuật, Boston, Boston, MA.

Bức tranh Corfu: Ánh sáng và Bóng râm đã thể hiện được cách xử lý ánh sáng điêu luyện của Sargent một cách vô cùng hoàn hảo. Với tác phẩm này, Sargent đã chọn một ngôi nhà đơn sơ làm vật thể chủ đạo nhưng bức tường trắng của nó đã biến thành trang giấy để người nghệ sĩ chơi đùa cùng màu sắc và ánh sáng. “Bản thân bức tranh ấy cũng tỏa ra ánh sáng của nó,” LaLumia khẳng định.“Một vật thể màu trắng dưới ánh sáng mặt trời trông giống như phòng thí nghiệm để nghiên cứu ánh sáng vậy. Khả năng nhìn nhận yếu tố ánh sáng và thể hiện nó bằng kỹ thuật màu nước đơn giản của ông ấy thật đáng kinh ngạc”.

Họa sĩ Sargent đã vẽ nhiều bức tranh màu nước về thành phố Venice và bức dưới đây là một ví dụ. Với chi tiết tòa nhà, bạn có thể thấy rằng về cơ bản chúng chỉ là những khối màu lớn với các điểm nhấn màu tối nhưng đơn giản ở phía trên. Đây là một sự phối màu mạnh mẽ được ứng dụng trong nhiều tranh màu nước của Sargent.

“Dòng sông nhỏ” ở Venice, 1904
John Singer Sargent (1856-1925).

Sargent đã tận dụng khéo léo chất liệu màu nước. Vào thời điểm ông vẽ các tranh này (từ năm 1902 đến 1912), các nhà sản xuất nguyên liệu nghệ thuật đã có sản xuất nên các ống màu nước và giấy vẽ phục vụ nhu cầu lúc bấy giờ. Giá vẽ gấp gọn và dù đã có sẵn trên thị trường dành cho hoạt động vẽ tranh ngoài trời. Bảng pha màu được cải tiến để tương thích với nhiều loại cọ vẽ và nhiều loại phương tiện cũng như công cụ khác cũng được bày bán để giúp các nghệ sĩ tùy chỉnh liều lượng và hiệu ứng từ những khối màu của họ.

Nhiều tranh phong cảnh màu nước của Sargent không có gì khác ngoài những nét cọ chứa đầy màu sắc đơn giản và vui tươi. (Điều này chứng tỏ rằng bạn không cần phải cố gắng tạo ra một kiệt tác tinh xảo với mọi chất giấy vẽ mà mình có được).

“Quang cảnh Thung lũng”, 1914
John Singer Sargent (1856 – 1925).
“Sicily”, 1901
John Singer Sargent (1856 – 1925).
“Hồ Moidart”, Inverness-Shire, Scotland, 1896
John Singer Sargent (1856 – 1925).

Sargent cho thấy thực hành mỹ thuật kì lạ khi cắt giấy và bôi các lớp màu (đặc biệt là màu trắng Trung Quốc) dày đến mức chúng nứt ra khi khô; lớp màu sủi bọt và để lại các bong bóng trên mặt giấy vẽ với những đốm sáng gần giống màu trắng. Sau đó ông dùng que bôi sáp lên để chống trôi màu và tăng độ nổi bật bằng cách sử dụng gam trắng kẽm. Những bức tranh màu nước của ông có lẽ sẽ bị một số hiệp hội màu nước đương thời từ chối khi không đáp ứng các yêu cầu đối với tranh dự thi.

“Cây Bầu”
John Singer Sargent (1856 – 1925)
1908, màu nước mờ và đục, vẽ phác bằng than chì, 14 x 22 in.
Bộ sưu tập trong Bảo tàng Brooklyn, Brooklyn, NY.
Frank LaLumia, một họa sĩ vẽ tranh bằng màu nước và họa sĩ vẽ tranh ngoài trời nói rằng: “Đây là một tác phẩm cực khó để hoàn thiện”. “Đó chỉ là sự hỗn loạn của những cái cây và quả bầu, khiến cho bức tranh thật độc đáo và tuyệt vời. Phần nền tạo thành những hình khối lớn khi bạn nheo mắt, tạo ra lớp phủ hoàn hảo cho chủ thể chính cần được chú ý.”

Ông đã pha trộn các loại màu trong và mờ tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Trong tác phẩm Dòng sông Cá hồi, Sargent đã ứng dụng một màu xanh đục để thể hiện màu của con sông, sau đó trộn màu trắng Trung Quốc với màu xanh lam và xanh lá cây để tạo ra những đường nét vẽ thể hiện dòng nước chảy xiết cùng những con sóng. Trong bức tranh Cây Bầu, ông ấy đã đảo ngược cách tiếp cận thông thường khi vẽ những tán lá nền bằng nhiều nét vẽ sắc bén đầy tương phản trong khi nhẹ nhàng chuyển gam màu lạnh vào những quả bầu – cũng là chủ thể của tác phẩm. Khi Sargent trưng bày một vài bức tranh màu nước của mình ở London, những người theo chủ nghĩa truyền thống đã cảm thấy khó chịu.

“Dòng sông Cá hồi”
John Singer Sargent (1856 – 1925)
1901, vẽ bằng màu nước đục và mờ, vẽ phác thảo bằng than chì, 9 15/16 x 13 15/16 in. Bảo tàng Brooklyn.

“Sự khác biệt giữa cách tiếp cận của Sargent với chất liệu màu nước và truyền thống màu nước của người Anh là rất lớn. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi Sargent trưng bày 5 tác phẩm của mình tại Hiệp hội Họa sĩ Hoàng gia Màu nước vào mùa hè năm 1904,” Hirshler và Carbone viết trong“John Singer Sargent Watercolors. “Tờ Westminster Gazette đã so sánh sự xuất hiện của Sargent sự hiện diện của ‘một con đại bàng trong đàn chim bồ câu’, gợi lên một hình tượng hấp dẫn về sự điều khiển chất liệu tài ba của họa sĩ cùng với hiệu ứng đáng lo ngại mà nó đặt ra với những phương pháp thực hành hội họa truyền thống (và có phần e dè hơn).” Trước khi qua đời vào năm 1925, Sargent bị những người hâm mộ phong trào hiện đại như Chủ nghĩa Lập thể coi là món đồ cổ vô vọng nhưng sẽ rất khó nếu muốn từ chối sự sáng tạo và hơi thở hiện đại trong phong cách ứng dụng màu nước của Sargent.

Những bức tranh màu nước có nhiều chi tiết phức tạp dưới đây là vô cùng chân thực. Sargent đã thể hiện khả năng kiểm soát và độ chính xác đáng kinh ngạc của mình với một bảng màu khá hạn chế.

Santa Maria Della Salute, Venice, Lối vào chính, 1907
John Singer Sargent (1856 – 1925).
Quốc huy của Charles V, Vua nước Tây Ban Nha, 1912.
John Singer Sargent (1856 – 1925).

Đúc kết

Theo những gì quan sát được, bảng màu nước của Sargent bao gồm màu đỏ Alizarin, hồng nâu, nâu đỏ sậm, vàng nhạt Cadmium, vàng tươi, xanh Cobalt, vàng sẫm, đen đục, đỏ hồng, xanh biếc, nâu Vandyke, cam đỏ, đỏ đậm, xanh bạc hà tối và một màu trắng đục. Bạn cần phải tận mắt nhìn thấy những bức tranh màu nước của ông để thực sự chiêm ngưỡng được những nét cọ vẽ trên bức tranh và cách sử dụng những gam màu mờ đục tài tình. Thật không may, các tác phẩm màu nước của ông không được hiển thị sống động như tranh sáp dầu qua màn hình máy tính, có lẽ do thực tế, màu nước có tính chất mỏng manh hơn và bị nhạt dần trong ánh sáng.

Sargent đã thực hiện nhiều bản vẽ phác cho một số bức tranh của mình. Những bản phác thảo này thường được vẽ bằng những động tác tay rất nhanh chóng và nó giúp ông có hiểu biết sơ bộ về đối tượng. Ông muốn nắm bắt được bản chất của chúng để khi sẵn sàng vẽ, ông có thể tập trung vào đối tượng ấy thay vì bị cuốn vào những chi tiết khác không cần thiết. Khi đã sẵn sàng vẽ lên bề mặt giấy vẽ, ông sẽ sử dụng những chiếc cọ lớn để phác thảo đối tượng của mình bằng cách sử dụng chất màu đã được làm mỏng đi rất nhiều bằng nhựa thông và dầu. Sargent hiếm khi vẽ hoặc phác thảo trực tiếp cấu trúc của vật thể. Thay vào đó, ông cố định hình dạng chủ thể và thiết lập ranh giới giữa hậu cảnh và chủ thể sao cho linh hoạt nhất có thể.

Không giống như màu sáp dầu, màu nước có tính di động cao và khô nhanh. Điều này cho phép Sargent tạo ra rất nhiều tác phẩm nghệ thuật trong hành trình đi khắp thế giới đến những nơi như Bắc Phi, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Pháp, Ý. Sargent không bao giờ cố gắng bán tranh màu nước của mình. Ông ấy tạo nên phần lớn tài sản của mình từ tiền hoa hồng vẽ chân dung, vì vậy việc buôn bán tranh màu nước của ông ấy có lẽ không phải là điều được ưu tiên và không phù hợp với tầm nhìn của ông với cương vị một người nghệ sĩ.

Biên tập: Đáo

Cùng tác giả

#Tag

John Singer Sargent màu nước tranh màu nước watercolors đảo

iDesign Must-try

Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Xem Lê Phan vẽ lại những khung cảnh điện ảnh tiêu biểu bằng màu nước
Dạo quanh Instagram của nam hoạ sĩ trẻ, ánh mắt ngay lập tức vào những khung cảnh tuy quen thuộc nhưng lại ngờ ngợ bởi cách vẽ mới mẻ, đặc…
Khám phá kiến trúc và nội thất của những phòng khách sạn Nhật Bản qua bản vẽ chi tiết của họa sĩ Kei Endo
Khám phá kiến trúc và nội thất của những phòng khách sạn Nhật Bản qua bản vẽ chi tiết của họa sĩ Kei Endo
Phòng khách sạn đôi khi chỉ là nơi để các du khách nghỉ ngơi, nhưng những tác phẩm minh hoạ này của Kei Endo khiến chúng ta đánh giá cao…
Những căn phòng lộn xộn và cửa hàng đầy ắp hàng hoá của Rain Szeto
Những căn phòng lộn xộn và cửa hàng đầy ắp hàng hoá của Rain Szeto
Rain Szeto là hoạ sĩ màu nước và mực đến từ San Francisco, California. Các tác phẩm của Szeto thường ghi lại những khoảng khắc mãn nguyện, nhàn rỗi trong…
Chìm đắm trong thế giới màu nước nữ tính của Mera Mei
Chìm đắm trong thế giới màu nước nữ tính của Mera Mei
Mera Mei, tên thật là Phương Thuỷ, một nhà thiết kế nội thất kiêm hoạ sĩ minh hoạ tự do đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 2)
Để khách hàng ghi nhớ tên thương hiệu, bạn cần phải thể hiện nhiều hơn là vẻ đẹp về mặt hình ảnh. Trong phần 2 của bài viết này, các…
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Những xu hướng xây dựng thương hiệu dành cho năm 2022 (Phần 1)
Nếu bạn đang muốn tạo dựng một thương hiệu, tân trang lại mọi thứ hoặc đơn giản là muốn cập nhật các phong cách xây dựng thương hiệu mới nhất…