Louise Fili - Người phụ nữ dành hơn 40 năm cho Typography

Tôi hay tự hỏi liệu tuổi tác có phải là biến số ảnh hưởng lớn đến sức sáng tạo, và nếu không nắm chắc những công cụ mới nhất của thị trường, thì ngành có đào thải tôi? Những giá trị gì là bền vững trong việc xây dựng một con đường nghề nghiệp trong ngành sáng tạo.

Louise Fili, chủ nhân của studio nhỏ giữa New York nhộn nhịp, sư phụ của nhiều nhân vật nổi tiếng trong ngành, và chẳng biết mấy về các loại phần mềm thiết kế sẽ mang đến một góc nhìn thú vị, hoặc một lời giải cho riêng bạn.

Từ studio nhỏ nhìn ra Manhattan nhộn nhịp, cô Louise Fili đã dành 30 năm qua để xây dựng một đế chế riêng – nơi được mệnh danh là sự ghen tị của mọi nhà thiết kế.

Ảnh hưởng của cô xuất hiện khắp New York, từ nhà hàng, tàu điện ngầm, đến từng góc cửa hàng tiện lợi của Manhattan. Fili đã thổi những thiết kế mang hơi thở nghệ thuật đầu thế kỷ 20 vào một thành phố tưởng như sẽ không dung nạp nó.

Ba tình yêu lớn: nước Ý, thức ăn, typography đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng đến gu thẩm mỹ đặc biệt suốt sự nghiệp của Fili. Là người chủ duy nhất của studio, lại thuộc thế hệ trước cuộc cách mạng internet, cô đã phải đối mặt những khó khăn riêng để khẳng định vị trí trong ngành.

Câu chuyện về hành trình của cô cũng thú vị và thanh tao như những thiết kế mà cô thực hiện.

Que diêm nhỏ bắt lửa

“Thành quả sáng tạo xưa cũ nhất mà tôi còn nhớ là những chữ viết khắc trên bức tường đầu giường hồi năm 4 tuổi”, Fili bắt đầu câu chuyện trong studio nhỏ nhắn giữa phố Manhattan mà cô đang làm việc cùng hai bạn trợ lý trẻ tuổi. “16 tuổi, tôi ấn tượng với một mẫu quảng cáo vẽ bút trên bìa sau quyển The New Yorker và bắt đầu sự nghiệp typography bằng việc kẻ tay những tờ lời bài hát của Bod Dylan cho bạn cùng lớp.”

Cũng cùng năm đó, chuyến trở về Italy với bố mẹ, là người Mỹ gốc Ý, đã khơi dậy tình yêu với nước Ý và ẩm thực trong cô. Như một que diêm nhỏ đánh tia lửa đầu tiên, tình yêu này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp nhiều thập kỷ sau đó của Fili.

Nhưng trước hết, cô cần những trải nghiệm công việc thật sự đầu tiên.

Dấn thân

Để biến nguồn cảm hứng dành cho những thiết kế đầu thế kỷ 20 thành sản phẩm thiết kế ứng dụng, cô bắt đầu theo học tại Đại học Skidmore tại Saratoga Springs. Và cứ mỗi năm, cô lại trở về Ý một lần để giữ tình yêu không tan biến.

“Ở Đại học, tôi thử trên kim loại nóng, vẽ thư pháp (caligraphy) bằng lau sậy tìm được ở đầm lầy gần trường, và làm sách bằng kĩ thuật in lụa. Nó là những cách quá nguyên bản để tiếp cận kiến thức, nhưng lại là những trải nghiệm không thể quên của tôi.”

Đồ án tốt nghiệp của cô sinh viên Fili? Một quyển sách ẩm thực Ý với thiết kế chữ từ trang này đến trang khác. Dĩ nhiên, trọn vẹn vẽ tay.

1973, Tân cử nhân Louise Fili đã có một cú hit tiến vào ngành. Công việc đầu tại studio của huyền thoại thiết kế đồ họa Herb Lubalin, tác giả của font chữ kinh điển AVANT GARDE hay tiêu đề của bộ phim điện ảnh The Sound of Music (1965 – Top 3 phim có lợi nhuận cao nhất Canada – Mỹ – người dịch). “Hôm đó tôi đến, họ đang tuyển người, và tôi được chọn”.

Làm việc với Herb, cô ngày càng tinh chỉnh phác thảo chữ bằng tay, kỹ năng mà giờ đây, như bạn biết, đã được thay thế bởi máy tính và phần mềm thiết kế hiện đại.

“Herb nổi tiếng là người trầm mặc, nhưng những bản vẽ của ông thì như thay ông phát ngôn rất dõng dạc.” – Louise kể.

Giai đoạn này trang bị cho Louise những kĩ năng quý giá nhất trong sự nghiệp. Khi đã có sẵn trong mình sức sáng tạo, cộng thêm cơ hội làm việc trong một studio có quy trình chức năng đã giúp Fili đưa sức sáng tạo của mình vào những sản phẩm có ứng dụng thị trường. Dù thiết kế sáng tạo lúc bấy giờ vẫn có chỗ đứng trong kinh doanh, nhưng chúng chưa thực sự bức thiết quan trọng như thời nay. Sau hai năm rèn dũa dưới sự hướng dẫn của sếp Lubalin, Louise nhận một cuộc gọi đến từ người bạn thân thời đại học. Tin vui. Nhà xuất bản Random House có chiến lược tập trung vào minh họa bìa sách và đang tìm một Art Director cho Phòng Pantheon Books.

Cô Art Director trẻ và 2000 quyển sách

“Tôi hỏi một câu thôi “Văn phòng có hướng Nam không? Anh bạn bảo có. Tôi nhận việc.”

11 năm, ở vị trí đáng thèm muốn của mình, Fili đã thiết kế hơn 2000 đầu sách thỏa chí sáng tạo. Với phong cách thiết kế thanh lịch của mình, Fili định nghĩa lại bìa sách phải như thế nào. Bằng chứng sáng giá là cuốn sách bán chạy nhất – The Lover của Marguerite Duras (The Lover có một chuyển thể điện ảnh 1992 với bối cảnh Việt Nam thời Pháp, rất đáng xem nếu bạn quan tâm – Người dịch).

Fili đi ngược lại xu hướng lúc đó là những nét chữ đậm nhầm “hét to” cầu thị khán giả. Chẳng mấy ngạc nhiên, quyển sách – và cả bìa sách trở thành một cú hit trên thị trường.

Hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp, Fili có một con đường sự nghiệp mà không phải designer gạo cội nào thời đấy và cả bây giờ dễ dàng có được, từ thực tập tại một studio thiết kế chuyên nghiệp đến một Art Director.

Trong suốt khoảng thời gian đó, tình yêu thuở thiếu thời với nước Ý, ẩm thực và typography không ngừng âm vang gọi cô. Và để đáp trả tiếng gọi đó, Fili chỉ có thể chọn con đường độc lập phát triển.

Quay lại điểm bắt đầu

1989, cô giã từ công việc tại Pantheon và bắt đầu thành lập studio riêng, nơi cô dành trọn vẹn đam mê với thiết kế nhận diện thương hiệu ẩm thực và nhà hàng.

“Một thân một mình làm chủ studio mới, là phụ nữ, trong những năm 1980, tôi đã vấp ngay những khó khăn đầu tiên: đặt tên studio. Thời ấy làm gì có internet, cách duy nhất người ta tìm đến tôi là từ danh bạ điện thoại, tôi lại chẳng có tài trong việc đặt tên. Một khi lấy tên mình đặt cho studio, tôi phải chịu trách nhiệm với việc đó. Nhưng rồi tôi nghĩ, tôi muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến mọi người.”

“Nếu bạn gặp vấn đề với việc tôi là phụ nữ, thì tôi cũng có chút vấn đề trong việc xem bạn là khách hàng”

Bên trong Studio Louise Fili, New York.

Cô tập trung và lấy mục tiêu làm động lực: tạo ra những bộ nhận diện thương hiệu với niềm cảm hứng vô tận từ nước Ý, ẩm thực và nghệ thuật chữ.

Và như đền đáp, nhiều thập kỷ tiếp theo, những thiết kế mang phong cách của Fili len lỏi ngập tràn thành phố, từ những nhà hàng nổi tiếng, đến kệ sách ẩm thực, và không đếm xuể, chúng xuất hiện ở những cửa hàng bán lẻ, khách sạn, tạp chí.

Sarabeth Levine, nhà sáng lập của một nhà hàng thuộc hàng huyền thoại của Manhattan: Sarabeth’s, kể rằng: “Khi đặt vấn đề thay đổi nhận diện thương hiệu của nhà hàng với Louise, chúng tôi vẫn còn đang lưỡng lự vì suốt 25 năm qua, chúng tôi đã không và không cần thay đổi nhãn hiệu hay thiết kế. Nhưng kết quả đã chứng minh đó là quyết định sáng suốt. Louise khiến bộ mặt của Sarabeth’s thanh lịch hơn và mang đến cảm quan chất lượng cho sản phẩm. Không phải ai cũng có thể làm việc mà Louise đã làm. Và tôi thật lòng xem cô là một phần của nhà hàng.”

 


Một trong những lý do Fili khác biệt so với đám đông những làn sóng thiết kế trẻ liên tục vào ngành, là tập trung vào chất lượng và tính độc bản của thiết kế – điều mà trong thời đại internet và kỹ thuật số này thật khó lòng giữ vững. Cô vẫn vẽ tay từng chữ một trong thiết kế, như cách thuở nhỏ cô khắc trên tường phòng ngủ. Hai trợ lý trẻ giúp Fili đưa những thiết kế này vào cuộc sống digital mà bạn thấy.

Elegantissima: The Design and Typography of Louise Fili – một trong những quyển sách nổi tiếng của cô.

Cô kể: “Cách tôi bắt đầu vẫn không thay đổi kể từ khi tôi chưa biết về máy vi tính. Xuất phát từ những cái tên, xử lý chữ, vẽ đi vẽ lại, để những chữ cái chuyện trò với mình. Đó từng là cách tôi đã làm với những bìa sách, giờ đây tôi phát triển nó lên cho việc thiết kế logo. Tôi nghĩ về logo như một bức chân dung của nghệ thuật typography. Cách tiếp cận này luôn đưa tôi đến những hướng đi mới mẻ cho mỗi dự án mới đến.”

Chuyển tiếp

Vài năm trở lại đây, Louise chuyển hướng sự nghiệp sang giảng dạy, tại trường Nghệ thuật Thị Giác New York (SVA), trong chương trình Cử nhân và Thạc Sĩ Mỹ thuật, Fili truyền lại những kinh nghiệm tích lũy hàng thập kỷ và niềm đam mê ngành đến thế hệ sau. Tại đây, cô còn có cơ hội mang thiết kế của mình đi xa hơn, trong dự án kỉ niệm của trường: Subway Series, một bài tập nhỏ cho cô – lôi kéo sự chú ý của người đi đường – vốn khác với những gì mà cô quen thuộc.

“Khi tôi thực hiện thiết kế đầu tiên cho dự án, tôi đã phát hiện ra rằng thu hút sự chú ý của những người vội vã trên xe điện ngầm – một cách hợp pháp – chẳng dễ gì. Poster phải nhìn được từ trên những chiếc xe đang di chuyển tốc độ, không có chỗ cho những ẩn dụ”.

 

Giữ nét riêng của mình, Louise thiết kế poster mới như một thanh chocolate, kết hợp cùng Object Poster, một phong cách được phát triển bởi nhà thiết kế chữ Lucian Bernhard tại Đức vào những năm 1920.

Không mấy ngạc nhiên, một kĩ năng thiết kế đặc biệt và thanh lịch trong một phong cách thiết kế không tuổi mang đến một lượng lớn giải thưởng thiết kế từ những tổ chức danh tiếng nhất trong ngành. Fili nhận nhiều sự công nhận từ  Art Directors Club Hall of Fame, Jame Beard, và The AIGA, đến the Society of Illustrators. Gần đây nhất, cô đã nhận Huy chương Thành tựu Trọn đời của AIGA và the Type Directors Club.

Bạn sẽ bắt gặp những thiết kế của Fili ở bất kì đâu New York, từ những nhà hàng, lối đi trong ga điện ngầm, hay khi đang thưởng thức món hàu tươi ngon sau giờ tan ca. Và khi đó, đừng ngưỡng mộ riêng mình thiết kế đó, hãy nghĩ về những nguyên tắc nghề nghiệp được đại diện bởi chúng: Giữ vừng niềm đam mê và tình yêu thật sự giữa những suy thoái hay dòng chảy của ngành công nghiệp.

Với Fili, đam mê và tình yêu đó đã bắt đầu từ năm bốn tuổi, bằng những nét gạch đầu tiên trên bức tường đầu giường ngủ.

“Nghe theo trái tim mình, khám phá điều lấy trọn đam mê trong bạn, và kết hợp chúng với thiết kế”.

Nếu có thể, bạn có thể dành thời gian tìm hiểu về cô tại Louise Fili Ltd.

Khoan, đã đến kết bài, nếu bạn có cùng câu hỏi với tôi ở đầu bài, liệu giờ đây bạn đã cho riêng mình lời giải? Tôi thật lòng muốn nghe những chia sẻ của bạn về ngành và về riêng câu chuyện này, đừng ngại ngần để lại lời nhắn ở đây. Chúng ta sẽ cùng “trà đá – cà phê” thêm chút nữa.

 

Người dịch: liumay

Nguồn: ceros

 

 

 

Cùng tác giả

#Tag

book design Cà Phê - Trà Đá cảm hứng thiết kế illustration typography

iDesign Must-try

Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Đến hẹn lại lên, thời khắc chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới là dịp để các artist Việt tham gia vào cuộc chơi “Vẽ linh vật của năm”.…
Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu là một kiểu chữ không chân truyền thống, lấy cảm hứng từ các biển quảng cáo viết tay của người Việt ngày xưa, do Dương Trần (Graphic & Type…
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Mark Janssen là một họa sĩ minh họa xuất thân tại học tại Học viện Nghệ thuật ở Maastricht, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp năm 1997, ông vẽ minh…
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như Cô bé người cá Ponyo, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài bay của…
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Francisco Fonseca là một nghệ sĩ đường phố và họa sĩ minh họa sống ở Porto, Bồ Đào Nha. Bị mê hoặc bởi những kiến trúc nhuốm màu thời gian…
Lạc Tự (phiên bản mới 2023) - Bộ phông lấy cảm hứng từ cảnh quan đô thị Việt những năm 80 - 90
Lạc Tự (phiên bản mới 2023) - Bộ phông lấy cảm hứng từ cảnh quan đô thị Việt những năm 80 - 90
Lạc Tự (Lost Type) 2023 là bộ phông được thiết kế lại từ bộ phông cùng tên, do @trinhmark thực hiện năm 2018. Lạc Tự 2023 vừa được công bố…