8 thiên tài tự học nổi tiếng của hội hoạ thế giới

Từ thuở bình minh của nhân loại, con người đã biết tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Chỉ với một chút hiểu biết về cách sử dụng vật liệu, kỹ thuật hay lý thuyết, họ được cho là những “thiên tài tự học” – khái niệm tương đối mới thời kỳ sơ khai của nghệ thuật nhưng không xa lạ thời nay.

Để tạo ra những tác phẩm sáng tạo vượt ra khỏi truyền thống (traditional), điều đầu tiên bạn cần phải thành thục là tạo ra các tác phẩm truyền thống trước đã. Có nghĩa là bạn được đào tạo, thực hành bài bản qua trường lớp chuyên về nghệ thuật. Và ở phương Tây năm 1635, Académie Française là ngôi trường đầu tiên dạy nghệ thuật một cách chuyên nghiệp.

Đến những thế kỷ tiếp theo – thế kỷ 18, những nhà tư tưởng thời kỳ Khai Sáng mở ra chủ nghĩa cá nhân và đó cũng là nguyên do thách thức đi ngược với truyền thống và quyền lực đang nằm trong tay học viện bởi họ đang đương đầu với “cuộc nổi loạn” mới. Nhưng vấn đề chỉ là thời gian trước khi các nghệ sĩ phương Tây tự vấn về các học viện cao cấp này. Thế kỷ 19 xuất hiện đã mang đến cho chúng ta một kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của những “thiên tài tự học” thành công nhất, điển hình trong số đó là Vincent van GoghHenri Rousseau.

Bên ngoài quy chuẩn phương Tây, ý tưởng tự học mang ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Thật vậy, ở một số khu vực trên thế giới, các nghệ sĩ hoạt động bên ngoài hệ thống chính quy thường được cho là giỏi hơn so các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các chuẩn mực và quy tắc được ngụ ý là hai thứ làm cản trở sự sáng tạo. Joanna Williams – giáo sư danh dự Nghệ thuật Ấn Độ và Đông Nam Á, Đại học California – Berkeley đã viết về khái niệm của những thiên tài tự học phương Đông “Thật lạ khi ở Trung Quốc, nơi mà hoạ sĩ nghiệp dư lại có địa vị cao trong xã hội, được trân trọng là hình mẫu của ‘thiên tài’ thậm chí là vượt trội hơn so với hoạ sĩ chuyên nghiệp.”

1. Henri Rousseau

idesign 8famousartist 7
Henri Rousseau, Chân dung tự hoạ – Phong cảnh, 1890. Ảnh từ Wikimedia Commons.

Sinh trưởng và lớn lên trong giai đoạn chuyển giao giữa thời kỳ Ấn tượng và Hậu ấn tượng tại Pháp, nhưng Henri Rousseau lại là một trong nhiều nghệ sĩ không được đào tạo bài bản. Ông bắt đầu nghề cầm cọ khá muộn khi ở tuổi 40 (1884). Trong suốt thời trai trẻ của mình, ông là một nhân viên thuế quan, chính vì điều này mà ông gặp phải sự châm chọc từ các nhà phê bình thời đó. Họ đặt cho Rousseau biệt danh ‘Le Douanier’ (“ông thuế quan”) với ngụ ý chế giễu ông là hoạ sĩ “không qua trường lớp” và vì những nét vẽ “ngây thơ” của ông.

Tuy vậy công việc thuế mang lại cho ông và gia đình cuộc sống dư dả về tài chính. Ông dành phần lớn thời gian rảnh trong ngày để vẽ. Vào những ngày nghỉ, ông thường du ngoạn đến Louvre để phác thảo những tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập của mình.

Nổi tiếng với những bức vẽ miêu tả cảnh quan sống động, kỳ lạ, những bức tranh cây cỏ thường cường điệu kích cỡ, những khuôn mặt người ngây ngô theo trường phái “Ngây thơ” của mình. Mặc cho nhiều người khinh ghét, tài năng của ông đứng tách biệt với nhiều nghệ sĩ khác và ông được yêu mến bởi những người theo trường phái Siêu thực. Kasper König, người phụ trách buổi triển lãm “The Shadow of the Avant-Garde: Rousseau and the Forgotten Masters” (2015) ở bảo tàng Folkwang tại Essen, Đức đã nhận xét, những nét vẽ tự nhiên thiên tài của ông đã giúp ông tránh đi những “cái bẫy” của bố cục học thuật và dựng hình tự nhiên. “Rousseau không hứng thú với những ảo giác,” König nhấn mạnh. “Nó là nghệ thuật – không phải ảo giác – đó mới là điều căn bản.”

Phải đến thế kỷ 20, người ta mới công nhận giá trị nghệ thuật đích thực cho những tác phẩm của Rousseau. Vào cuối đời, tác phẩm của ông được trưng bày triển lãm bên cạnh những hoạ sĩ nổi tiếng khác như Van Gogh và Paul Gauguin, Henri Matisse và André Derain.

2. Vincent van Gogh

idesign 8famousartist 13
Chân dung tự hoạ của Vincent van Gogh

Một trong những hoạ sĩ có sức ảnh hưởng nhất thời kỳ hiện đại, Vincent van Gogh thực sự là thiên tài tự học hoàn toàn. Giống như mọi thiên tài khác, từ nhỏ van Gogh là một đứa bé ít nói và hướng nội, ông không thích đến lớp học. Sau vài nỗ lực đi học ở trường nhưng vẫn gặp khó khăn, mẹ ông quyết định để van Gogh học tại nhà với sự hướng dẫn của nữ gia sư. Ông không thích nhắc về thời niên thiếu của mình vì ông cho rằng đó là giai đoạn “u tối và lạnh lẽo” của ông. Đầu tiên là khoảng thời gian tồi tệ ở trường nội trú, sau đó là hai năm không hạnh phúc ở trường Trung cấp khiến van Gogh nghỉ học để bước vào con đường buôn bán tranh ở tuổi 16.

idesign 8famousartist 12
Bức hoạ “Cánh đồng lúa mỳ” được van Gogh vẽ vào tháng 9 năm 1889

Sau một thời gian buôn tranh, ông cảm thấy không hài lòng với việc coi nghệ thuật như là “món hàng”. Ông nghỉ việc và tham gia vào lớp học trở thành mục sư nhưng lại không đậu ở vòng thi đầu. Mặc dù vậy, ông cũng tìm được việc làm trợ tá cho một giáo sĩ truyền bá kinh Phúc Âm năm 1897. Thời gian này ông được tiếp xúc với nhiều người nghèo khổ và cảnh vật xung quanh mình, đây cũng chính là nguồn cảm hứng để ông phác thảo lên những bức vẽ đầu tiên. Điều này đã lọt vào “mắt xanh” của người em trai ông, Theo, cũng chính Theo là người đề nghị van Gogh theo đuổi hội hoạ một cách nghiêm chỉnh. Năm 1880, van Gogh thi đậu vào trường Mỹ thuật Hoàng gia ở Brussel.

Trong suốt quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, van Gogh tập trung hoàn toàn vào vẽ tranh, tìm kiếm các chất liệu in ấn bằng gỗ của người Nhật và sáng tạo ra những phong cách mới. Điều dễ nhận thấy trong các bức tranh của ông là những nét vẽ mạnh mẽ, sử dụng tông màu đậm, mang tính tiên phong và thể hiện nội tâm bị giằng xé điên cuồng của người hoạ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh.

3. Frida Kahlo

idesign 8famousartist 2
Chân dung Frida Kahlo

Nhắc đến Frida Kahlo, người yêu nghệ thuật nghĩ ngay đến vẻ đẹp phi giới tính, một biểu tượng toàn cầu về sự chống chọi lại nghịch cảnh và áp bức. Ngay từ nhỏ, cha của bà, một nhiếp ảnh gia người Đức đã nhận ra thiên hướng nghệ sĩ ở người con gái. Ông dạy kiến thức nhiếp ảnh cho Kahlo và nhờ bạn của ông, chuyên viên in ấn (printmaker) hướng dẫn không chính thức cho bà về thiết kế đồ hoạ (graphic arts). Khả năng thiên bẩm của Kahlo vượt xa hơn những gì bạn của cha bà mong đợi. Ông trả lương cho Kahlo và đưa bà trở thành người tập sự của mình. Nhưng khi đó Kahlo không thích theo nghệ thuật, bà thích ngành y hơn. Tiếc thay, học vấn và công việc tập sự của bà bị đứt đoạn bởi lần tai nạn nghiêm trọng suýt lấy đi mạng sống của bà ở tuổi 18.

Trong thời gian nằm trên giường hồi phục, Kahlo luôn đắn đo về con đường sau này của mình và cuối cùng chuyển sở thích nghệ thuật của mình thành một thứ gì đó nhiều hơn thế. Mặc cho sự hạn chế về di chuyển, bà bắt đầu vẽ chân dung của mình qua gương. Nhiều tác phẩm chân dung của bà được lấy cảm hứng từ chính nỗi đau của Kahlo. Phong cách nổi tiếng của bà là kết hợp ảnh hưởng của châu Âu như chủ nghĩa hiện thực với nghệ thuật truyền thống Mexico và biểu tượng Công giáo mà sau này người ta gọi bà là “Thánh nữ” hội hoạ thế kỷ 20.

idesign 8famousartist 3
Bức hoạ của Frida trên đường biên giới giữa Mexico và Mỹ, 1932

Kahlo có thói quen mặc trang phục Mexico truyền thống, dòng máu lai giữa Đức-Mexico cũng được bà thể hiện rõ nét trong thời trang, điều này được phản ánh trong vô số bức chân dung cá nhân của bà trong suốt cuộc đời. Bên cạnh trang phục, bà cũng cầu kỳ trong việc chọn trang sức, đặc biệt là vòng tay. Đa phần các bức tranh của bà đều liên quan đến việc mổ xẻ, hình ảnh các bộ phận cơ thể được bà thể hiện ngay trên tranh. Mọi trải nghiệm cá nhân, và hôn nhân, những lần phẫu thuật đều được bà lấy làm đề tài vì bà cho rằng “Tôi không bao giờ vẽ về giấc mơ. Tôi vẽ hiện thực của chính mình…”.

4. Bill Traylor

idesign 8famousartist
Bill Traylor ở Montgomery, 1946. Ảnh chụp bởi by Horace Perry

Roberta Smith – nhà phê bình hội hoạ đã viết về “thiên tài tự học” Bill Traylor trên tờ New York Times như sau: “Tài năng của Bill Traylor đột nhiên xuất hiện vào năm 1939 khi ông 85 tuổi và nó có thêm 10 năm tồn tại.” Sinh trưởng trong chế độ nô lệ Alabama hà khắc năm 1854, Traylor không được nhận được bất cứ điều gì từ nền giáo dục chính thống. Vậy là ông tìm đến nghệ thuật như là nơi trú ngụ cho tâm hồn mình. Ngay cả khi Nội chiến kết thúc và được giải phóng, ông vẫn bị bắt làm người lĩnh canh tại đồn điền Jim Crow miền Nam nước Mỹ cho đến khi ông chuyển đến nông trại khác năm 1935 vì “Người chủ da trắng của tôi đã chết,” ông nói.

Những năm thập niên 1930, do làm việc quá sức ông mắc bệnh viêm thấp khớp và buộc phải nghỉ hưu, Traylor bị đẩy vào hoàn cảnh không nhà, chỗ ngủ duy nhất của ông là phòng sau của một nhà tang lễ địa phương. Khó khăn nhưng điều đó đã giúp ông tập trung nhiều hơn vào vẽ tranh, ông vẽ với bất kỳ dụng cụ nào có thể vẽ được. Năm 1939, những bức vẽ của ông được một hoạ sĩ trẻ Charles Shannon để mắt đến. Ấn tượng bởi tác phẩm của ông, anh hỗ trợ người hoạ sĩ già bộ dụng cụ mới và động viên ông sáng tác. Dù đến với hội hoạ khá muộn, chỉ với 10 năm ngắn ngủi nhưng đó là khoảng thời gian sáng tạo nhất của Traylor. Tác phẩm của ông đa phần khắc hoạ những trải nghiệm cá nhân của một người da màu ở miền Nam trong suốt thời kỳ Tái thiết (Reconstruction).

5. Grandma Moses

idesign 8famousartist 4
Grandma Moses, 1949

Anna Mary Robertson được mọi người biết đến với biệt danh “Grandma Moses” là một nghệ sĩ dân gian nổi tiếng nước Mỹ và bà cũng tấm gương mẫu mực của người nghệ sĩ không qua trường lớp nào và bắt đầu con đường khá muộn ở tuổi… 78. Bắt đầu đi làm lúc 12 tuổi, Anna Mary là quản gia ở một trang trại nhỏ. Tờ New York Times có viết về bà, “người tự học yêu thích những gì thuộc tự nhiên, bà sử dụng nước cam và chanh để làm màu vẽ cho mình (khi còn nhỏ)”. Thời con gái, bà “copy” những bức phong cảnh của công ty chuyên về in ấn Curries và Ives. Khi được gia đình phát hiện ra thiên hướng nghệ thuật, bà ngày càng phát triển phong cách đồng quê của mình trong hội hoạ. Không chỉ vẽ tranh, bà còn thiết kế trang trí, tạo hình trên vải, thiết kế áo cho cháu gái của mình.

idesign 8famousartist 5
Tác phẩm “The Old Oaken Bucket”, 1949

Dù đến với nghệ thuật muộn nhưng sức sáng tạo của bà vô cùng đáng ngưỡng mộ. Trong suốt sự nghiệp, số lượng tranh của bà khá đồ sộ, ước tính hơn 1,500 tác phẩm. Tranh của bà thường đơn giản với màu sắc tươi sáng của cuộc sống nông trang giản dị, những câu chuyện nhẹ nhàng miền thôn dã. Sau này, sự nghiệp của bà phát triển, tranh của bà được nhiều nhà sưu tập tranh chú ý đến.

Năm 1939, ba trong số những bức tranh của bà được đưa vào triển lãm trong Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, và chỉ một năm sau đó, bà đã tổ chức triển lãm của riêng mình. Bà qua đời năm 1961, với sự cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật bà được tôn vinh là “Bà Moses” của hội hoạ đồng quê nước Mỹ.

6. Henry Darger

idesign 8famousartist 9
Hoạ sĩ Henry Darger

Từ lúc sinh ra năm 1930 cho đến khi qua đời năm 1973, người quản lý bệnh viên Chicago – Henry Darger dành phần lớn thời gian quý giá còn lại để viết và minh hoạ cho tác phẩm nổi tiếng của ông sau này. Bao gồm 15,145 trang và hơn hàng trăm hình minh hoạ trong cuốn In the Realms of the Unreal (tạm dịch: Trong Vương Quốc tưởng tượng). Câu chuyện kể về các cô gái Vivian: Công chúa của quốc gia Kitô hữu, người tổ chức cuộc nổi dậy chống lại hệ thống nô lệ được áp đặt bởi một đế chế độc ác.

Ông sử dụng sự pha trộn giữa màu nước và tranh ảnh cắt dán từ những tạp chí nổi tiếng, Darger bị ám ảnh bởi những hành động anh hùng của các nữ anh hùng mình tạo ra. Trong câu chuyện tuyệt vời của mình, các cô gái Vivian nhớ lại những câu chuyện khủng khiếp của các vị thánh Công giáo đầu tiên, nhưng được hoạ sĩ thể hiện như là những nhân vật truyện tranh hoặc những cô gái trẻ trong hình ảnh quảng cáo.

idesign 8famousartist 8

Không qua bất kỳ trường lớp chính thống nào, phong cách của ông ảnh hưởng nhiều bởi văn hoá pop (popular culture). Được gởi vào trại mồ côi Công giáo lúc 8 tuổi và năm 13 tuổi ông được đưa vào bệnh viện tâm thần Illinois Asylum, Darger tự nhận mình vừa là hoạ sĩ vừa là “người bảo vệ cho trẻ em”. Bất chấp mọi điều, Darger đã tạo nên một sử thi hiện đại và được nhớ đến với tài năng bẩm sinh của mình, các đề tài thường xó xu hướng chống đối và quyết tâm kiên định để theo đuổi tầm nhìn của mình.

7. Yoko Ono

idesign 8famousartist 14
Yoko Ono

Yoko Ono là một nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, cha Ono là nhạc công và lúc bà còn nhỏ cha Ono hướng dẫn bà tập piano. Tốt nghiệp trung học, Ono đăng ký vào ngành Triết tại trường Gakushuin, một đại học có tiếng ở Tokyo. Hai năm sau, bà tạm ngưng việc học để cùng gia đình chuyển đến New York sinh sống. Trong những năm thập niên 1950, bà đăng ký học tại trường Sarah Lawrence để theo đuổi ước mơ trở thành nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng. Chính điều này đã tạo cơ hội cho bà bước vào thế giới hào quang, gặp gỡ được nhiều nhà thơ, nhạc sĩ, nghệ sĩ hình ảnh cho những dự án của Ono sau này.

idesign 8famousartist 15
Tác phẩm Arising, 2013

Khi tham gia khoá học âm nhạc thể nghiệm của John Cage, Ono đã khám phá ra với nền tảng âm nhạc sẵn có, bà có thể kết hợp với nhiều loại hình khác nữa. Những tác phẩm của bà theo trường phái Tiên phong (avant-garde) dưới nhiều hình thức như thơ, nghệ thuật sắp đặt, hội hoạ, điện ảnh với nhiều nghệ sĩ có ảnh hưởng thập niên 1970 điển hình La Monte Young, George Brecht, và Allan Kaprow. Năm 1969, bà kết hôn với một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới, thành viên chính nhóm The Beatles, John Lennon. Và bà là niềm cảm hứng bất tận cho Lennon sáng tác nên những bài tình ca bất hủ, điển hình Woman, Don’t Worry Yoko,…

8. Thornton Dial

idesign 8famousartist 11
Chân dung hoạ sĩ Thornton Dial; Ảnh: Steven Pitkin

Thornton Dial chào đời năm 1928, người thừa kế của một gia đình da đen nghèo ở Alabama. Ông không được đến trường cho đến khi ông 13 tuổi, và khi đi học lớp 2. Ông cảm thấy xấu hổ vì mình là người “già nhất lớp”, Dial đành bỏ học để đi làm kiếm tiền. Trưởng thành, ông làm công nhân cho công ty đường sắt cho đến khi đóng cửa năm 1981, cùng thời điểm đó ông tìm đến nghệ thuật như sở thích cá nhân.

Trải nghiệm đi làm sớm chính là nguyên liệu tốt cho Dial có thể tự mày mò về kiến thức hội hoạ. Ông phát triển phong cách bán hiện thực (semi-figurative) và bán trừu tượng (semi-abstract), mà sau này khi kết hợp với nghệ thuật truyền thống bricolage phía Nam. “Nghệ thuật của tôi là minh chứng cho sự tự do,” Dial nói trong một cuộc phỏng vấn giữa thập niên 1990. “Khi tôi bắt đầu vẽ tôi có thể chọn lấy bất kỳ đề tài nào mà tôi muốn. Tôi bắt đầu với bất kỳ phù hợp với ý tưởng của mình, những thứ mà tôi có thể tìm bất cứ nơi đâu.”

idesign 8famousartist 10
Tác phẩm “The Fire At Corncob Mine”

Dial được mọi người ví như là bác sĩ chuyên chẩn đoán những “căn bệnh” trong xã hội Mỹ hiện đại. Ông thường đưa vào tác phẩm của mình những chủ đề về phân biệt chủng tộc, giới tính và cảnh nghèo khó, đôi khi là sự kiện chính trị, địa điểm lịch sử và Công giáo. Ông được nhớ đến bởi sự tài năng, người có thể biến những sự vật bình thường thành một thứ kỳ diệu.

Dịch: Bobby
Nguồn: Artsy

Cùng tác giả

#Tag

artist famous artist người nổi tiếng thiên tài tự học

iDesign Must-try

Edvard Munch (Phần 1)
Edvard Munch (Phần 1)
Trong loạt bài hai phần về Edvard Munch, chúng ta tìm hiểu về một trong những hoạ sĩ tài năng nhất, gây tranh cãi nhất, có những tác phẩm độc…
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Lạc vào thế giới điện ảnh màu sắc qua các tác phẩm của họa sĩ James Chapman
Một điểm dễ dàng nhận thấy trong tranh vẽ của James Chapman là bảng màu rực rỡ cùng cách tiếp cận vô cùng hài hước. Tuy không sử dụng quá…
5 con đường khác nhau để trở thành designer
5 con đường khác nhau để trở thành designer
Khi nói đến việc xây dựng sự nghiệp trong lĩnh vực thiết kế, có vô số con đường khác nhau để người ta có thể đi theo. Trong bài viết này,…
Quan điểm và cách sử dụng màu sắc trong minh họa của Victo Ngai
Quan điểm và cách sử dụng màu sắc trong minh họa của Victo Ngai
Theo Victo Ngai, mỗi chúng ta nên tiếp cận màu sắc một cách có chủ đích. Thay vì thêm màu ngẫu nhiên vào tác phẩm, bạn cần tự hỏi mục…
Bộ tranh minh họa “Nhật ký đi tiêm vắc xin” của X.Lan: Một cảm giác khá là … trúng số!
Bộ tranh minh họa “Nhật ký đi tiêm vắc xin” của X.Lan: Một cảm giác khá là … trúng số!
Nhật ký đi tiêm vắc xin là bộ tranh minh họa ghi lại những khoảnh khắc dễ mến của đội ngũ y bác sĩ, cán bộ và tình nguyện viên…
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mọi điều về Jean-Michel Basquiat, một họa sĩ từ cốt lõi
Mặc dù cuộc đời của ông ngắn ngủi một cách đáng buồn, nhưng những bức tranh thô mộc, cấp tiến của Jean-Michel Basquiat đã tạo được ảnh hưởng lâu dài…