Điện thoại cũ của bạn có thể là chuông cứu hộ cho rừng mưa nhiệt đới

Topher White bỏ ra rất nhiều thời gian tản bộ và suy ngẫm về rừng, về việc con người mất chúng nhanh chóng nhường nào. Anh nghĩ nhiều đến độ bầm đen cả một con mắt vì đập phải những nhành cây lơ lửng.  

Nhưng đây chỉ là một ví dụ nhỏ về những gì một kỹ sư sẵn sàng cam chịu để dừng vấn nạn phá rừng trên toàn cầu. White – Nhà sáng lập hệ thống Rainforest Connection (Tạm dịch: Kết nối rừng mưa nhiệt đới) phi chính phủ có trụ sở tại San Francisco đã mở rộng một chiến lược đơn giản mà khéo léo khi tận dụng điện thoại cũ để lắng nghe những âm thanh phá hủy rừng.  

Nhiều khu rừng trên toàn thế giới đang nhanh chóng biến mất. Khoảng ⅕ độ che phủ của rừng mưa nhiệt đới Amazon đã biến mất trong 4 thập kỷ qua.

Mất rừng không chỉ ảnh hưởng xấu đến đời sống hoang dã, trong đó bao gồm nhiều loài vật đã không còn chỗ nương thân. Mất rừng còn là tác nhân chính gây ra khí thải nhà kính và khí thải nhà kính đóng góp khoảng 17% trên tổng các tác nhân thường niên của toàn thế giới thúc đẩy biến đổi khí hậu.

Năm 2011, White bắt đầu hành trình của mình đến hòn đảo Borneo, Indonesia để cứu trợ loài vượn đang giảm dần dân số, cho biết “Tôi chẳng hề nhận thức gì về những thông tin này khi mới bắt đầu.”

“Tôi chỉ nghĩ đơn thuần là bảo vệ những khu vực nhỏ và các loài thú,” mới đây anh tiết lộ cùng National Geographic. Nhưng không, [Phá rừng] thực chất là một trong những tác nhân lớn nhất gây nên biến đổi khí hậu.”

Cuộc càn quét trên diện rộng tại rừng mưa nhiệt đới Amazon ở Quiandeua, Brazil. Các nhà nông làm rẫy trên đất rừng rộng lớn mỗi năm với mục đích chăn nuôi và làm đất trồng. Tuy nhiên, đất rừng dần thiếu dưỡng chất thường khiến nơi đây không còn thích hợp cho nhu cầu nông nghiệp và trong vòng một hoặc hai năm, những người nông dân ấy lại tiếp tục khai phá vùng đất rừng mới nhằm duy trì lợi ích ban đầu của họ. Ảnh: National Geographic

Theo thông tin từ White, khoảng 50 – 90% nạn đốn cây tại các rừng mưa nhiệt đới trên toàn thế giới đều bất hợp pháp. Thế nhưng, chúng ta khó có thể phát hiện tiếng lưỡi cưa và những âm thanh khác liên quan đến hành động phi pháp này, do toàn bộ không gian rừng đều bị lấp đầy bởi những tạp âm từ thiên nhiên.

Vì vậy, anh đã phát triển một hệ thống lắp đặt điện thoại được sạc bằng pin mặt trời, có gắn thêm microphone để thám thính. Từ đấy, thiết bị có thể phát hiện những âm thanh của lưỡi cưa cách đó khoảng một dặm.

Thiết bị nghe tự động, dùng pin năng lượng mặt trời của Topher White là hệ thống âm thanh chống khai thác gỗ trái phép đầu tiên trên thế giới.
Ảnh: National Geographic

Dù tin hay không, sóng điện thoại thông thường không mang ảnh hưởng xấu đến rừng mưa nhiệt đới. Khi bạn ở trên các tán cây, “chắc chắn bạn có thể bắt được đường truyền sóng khá xa,” Nhà thám hiểm nổi tiếng của tạp chí National Geographic 2015, White khẳng định.

Thành công ban đầu

Trường hợp luôn có sẵn nhân viên túc trực giám sát các thiết bị là điều bất khả thi nên anh đã lắp đặt thêm một số “phép phân tích dữ liệu cũ’. Nhờ đó, các máy tính kết nối điện thoại có thể phân biệt tiếng của máy cưa giữa những tạp âm khác trong rừng.

Dựa vào chiến lược này, thiết bị có thể tự động phát hiện các hoạt động chặt phá rừng và gửi một tin nhắn cảnh báo đến chính quyền. Họ có thể đưa ra quyết định ngăn chặn, nếu hành động đó là phi pháp.  

Trong ngày thứ hai thử nghiệm ý tưởng tại Sumatra, Indonesia, White và các kiểm lâm đã nghe thấy âm thanh máy cưa trong rừng. Họ đến địa điểm, bắt tại trận các lâm tặc và cảnh báo họ ngừng hành động này lại.

White nhấn mạnh rằng anh không cô độc trong cuộc chiến này: Nhiều công dân và các tổ chức đang làm việc không mệt mỏi để ngăn chặn thảm họa mất rừng. Ví dụ, nhiều nhóm địa phương đặc biệt hăng hái trong các hoạt động bảo tồn rừng, White nói. 

“Nếu bạn chỉ có thể hỗ trợ họ thực hiện công tác hiệu quả hơn, nhờ vậy bản thân thật sự có thể gỡ bớt mớ tơ vò trong câu đố mang tên “biến đổi khí hậu”. Đây có thể là hướng đi tiết kiệm chính sách và nhanh nhất để dừng vấn nạn này lại.” (Xem thêm hướng dẫn quyên góp điện thoại cho chiến lược qua website.)

Bắt sóng kênh truyền mới

Các thiết bị hiển thị đã được áp dụng trên khắp thế giới hơn hai năm qua, White cho biết. Cho đến nay, thiết bị đã được lắp đặt sử dụng tại các quốc gia Cameroon, Ecuador, Peru, Brazil và thiết bị này sẽ sớm được triển khai tại Bolivia.  

Công việc không đơn giản chỉ là ngồi nghe tiếng chặt cây. Công nghệ này có thể phân biệt tiếng lục xục từ máy cưa và còn cho phép ta nghe thấy các âm thanh đặc trưng của nhiều loài chim. Đây cũng chính là lý do vì sao White cho rằng các bản thu âm từ rừng là một thiết bị khoa học cần thiết. Anh đang ra sức thuyết phục các nhà sinh vật học và sinh thái học sử dụng hệ thống giám sát của mình tại bất kỳ khu vực nào, dù là ở khu rừng xa xôi tách biệt hay ở một công viên ngay tại London.

“Khi chúng ta càng hiểu rõ về rừng chừng nào,” Anh nói, “thì sẽ càng thuận lợi bảo vệ chúng chừng ấy.”

Nguồn: National Geographic
Người dịch: Jane
Ảnh bìa: National Geographic


Cùng tác giả

#Tag

Bảo vệ rừng Khai thác gỗ trái phép rừng mưa nhiệt đới Thiết bị nghe Điện thoại cũ

iDesign Must-try

Rừng cây thành thị ở Anh có thể hấp thu lượng khí thải tương đương với rừng nhiệt đới
Rừng cây thành thị ở Anh có thể hấp thu lượng khí thải tương đương với rừng nhiệt đới
Theo Treeconomics thì những giá trị cây xanh mang lại cho vùng Thượng London ước tính lên đến 133 triệu bảng Anh mỗi năm. Trong đó, chỉ riêng khả năng…