Tại sao “Jojo Rabbit” là bộ phim mà chúng ta cần ngay lúc này?

“Jojo Rabbit,” hệt như “Joker”, bạn sẽ yêu hoặc ghét nó, không lưng chừng.

Tác phẩm mới nhất của Taika Waititi là bộ phim hài kịch xoay quanh việc cậu bé Jojo Betzler bỗng nhiên thấy Adolf Hitler xuất hiện, sắm vai người bạn tưởng tượng của mình. Đây cũng là câu chuyện kịch tính về việc cậu – thành viên nhỏ tuổi trong quân đội của Hitler phát hiện ra mẹ mình đang che giấu một cô gái Do Thái trong nhà, và cậu sớm đặt câu hỏi về mọi thứ được dạy bảo khi vẫn còn là chàng Phát xít trẻ.

Sự pha trộn giữa hai yếu tố, một lập dị – ngu ngốc và một nghiêm túc – chân thành đã gây ra cảm giác khó chịu đối với phần lớn người xem. Nhưng do sự kết hợp liền mạch của cả hai cũng như giai điệu dẫn dắt hoàn hảo, có rất nhiều chi tiết đáng để đánh giá cao về người chiến thắng giải Oscar dành cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất “Jojo Rabbit” – tác phẩm chính xác là những gì chúng ta cần ngay lúc này.


Hài kịch mạnh mẽ hơn chính kịch

Kể từ “The Great Dictator”, tác phẩm châm biếm Hitler của Charlie Chaplin, Hollywood thường vay mượn tiếng cười để phát đi những lời cảnh tỉnh.

Có điều gì đó hấp dẫn khi một bộ phim hài kịch cố truyền tải những ý niệm sâu xa hơn một bộ phim chính kịch với kết cấu tương tự. Với vế sau, người xem có thể cảm thấy bị thuyết giảng hoặc than vãn dù cho bản chất của hầu hết các bộ phim như thế luôn là để thực hiện tốt phần kịch tính của mình, người xem có thể chỉ xem chúng để giết thời gian.

Đã bao lần bạn lướt Netflix, nhìn thấy một trong hàng loạt những bộ phim chính kịch đang nhan nhản tại đây, tự nhủ với bản thân rằng “Tôi thực sự không có tâm trạng cho những thứ nặng nề”, và lẳng lặng chọn cho mình thứ khác?

Taika Waititi đang chỉ đạo diễn xuất. Ông thường phải chỉ đạo trong bộ trang phục Adolf Hitler
Larry Horricks/Kimberley French

Nội dung cơ bản của một bộ phim như “Jojo Rabbit” lại hấp dẫn hơn cả. Chúng ta có thể thoải mái thưởng thức nó dưới tâm thế vui vẻ, giải trí, tràn ngập tiếng cười nhưng sau đó vẫn cảm thấy tự hài lòng về bản thân khi nhận ra rằng mình cũng đã thẩm thấu được thông điệp quan trọng của bức tranh tổng thể.

Trong “Jojo Rabbit”, sự kết hợp giữa yếu tố hài hước xen lẫn chủ đề mang tính nghiêm túc lại tạo nên một thông điệp vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta nhận thấy cảm giác u buồn và khốc liệt được tác động rõ ràng hơn chỉ bằng tiếng cười.

Tôi chưa từng thấy khó chịu – tôi chỉ thấy nó thật hùng tráng và được hoàn thiện một cách chuẩn mực.

Mel Brooks đạo diễn và biên kịch bộ phim kinh điển “The Producers” năm 1967
Michael Kovac/Getty Images for AFI/Embassy Pictures

Nhưng đừng hiểu lầm ý tôi. Một trong những bậc thầy của châm biếm, huyền thoại Mel Brooks, rất yêu thích “Jojo Rabbit”.

“Tôi muốn nói rằng, tôi vừa xem xong Jojo Rabbit, và đó thực sự là một bức tranh tuyệt vời, hùng tráng và đẹp đẽ “, ông phát biểu trong lần xuất hiện tại Giải thưởng AFI.

“Taika, anh đang ở đâu? Anh đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời đấy. Ngay cả khi là một diễn viên, anh vẫn rất tài năng!”

Lời ngợi khen đó đến từ một trong những người đặt nền móng cho thể loại châm biếm chính thống, nhưng Brooks cũng hiểu rằng tiếng cười là cách để giải quyết các vấn đề đố kị và phát xít.

“Nếu bạn đứng lên bục thuyết trình và hùng biện kinh tế với một nhà độc tài, bạn sẽ không bao giờ chiến thắng”, ông nói thêm. “Đó là những gì bộ phim đã làm rất tốt: nó quyến rũ công chúng. Nhưng nếu bạn chế nhạo nó, hạ thấp nó bằng tiếng cười, nó sẽ không thể chiến thắng. Tiếng cười của bạn phơi bày sự điên rồ của bộ phim.”


Rất hài hước, nhưng hoàn toàn có trách nhiệm trong việc kể chuyện

Abraham Foxman (giám đốc danh dự của Nhóm thù ghét* và bản thân cũng là người sống sót sau thảm sát Holocaust) đồng tình với cảm nghĩ của Brooks.

*Nhóm thù ghét: hay nhóm thù hận, là một nhóm có tổ chức hoặc những người ủng hộ phong trào hay áp dụng thực hiện lòng căm ghét, thù hận hoặc bạo lực đối với các thành viên của một chủng tộcsắc tộctôn giáogiới tínhthiên hướng tình dục hoặc bất kỳ một đối tượng, lĩnh vực nào khác có thể định danh trong xã hội. 

Foxman chia sẻ với Vanity Fair: “Định kiến ​​quá phi lý đến nỗi lý do không thật sự cần thiết nữa. Chúng ta cần tìm ra những cách sáng tạo, giàu trí tưởng tượng hơn để đối phó với định kiến.”

Cảnh quay sĩ quan Gestapo được sử dụng để tạo căng thẳng, nhưng cũng để làm nổi bật bản chất lố bịch của nghi thức chào mừng của Đức quốc xã. Fox Searchlight Pictures

“Jojo Rabbit” phô bày sự ngu ngốc của Đức quốc xã (mặc dù cũng cho thấy sự xấu xa và khó chịu của chúng) và hoàn toàn chế giễu chúng.

Cảnh Gestapo, một trong những cảnh quay hay nhất trong năm, đã tóm tắt điều này một cách hoàn hảo. Đại uý Deertz của Gestapo (Stephen Merchant thủ vai) trong khi đang lục soát khắp nhà Jojo để tìm kiếm đối tượng Do Thái đang lẩn trốn, liên tục bị cuốn vào nghi thức chào mừng của Đức Quốc xã – anh ta và các sĩ quan hầu cận đã lần lượt giới thiệu mình bằng “Heil, Hitler” với tất cả người trong phòng. “Heil, Hitler” được sử dụng đến 31 lần tại đây.

Abraham Foxman cũng chia sẻ với Vanity Fair rằng anh cảm thấy vô cùng xúc động vì cốt truyện của bộ phim, đặc biệt bởi anh cũng giống như Elsa, được che giấu khỏi bàn tay Đức quốc xã khi còn là một đứa trẻ (bởi một người bảo mẫu Công giáo Ba Lan).

Anh tin tưởng rằng bộ phim hoàn toàn xứng đáng với cái tên mà Vanity Fair miêu tả – “Nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa cực đoan”.

“Đó là sự châm biếm, nhưng thực tế lại là người mẹ đang mạo hiểm chính mạng sống của mình và con trai để bảo vệ một đứa trẻ Do Thái,” ông nói. “Chúng ta không chỉ lạc vào xứ sở thần tiên. Sự châm biếm rất mạo hiểm, bởi sự hợp lý và lý trí suông không làm thay đổi được những kẻ mù quáng. Đối với những người có khuynh hướng cố chấp, châm biếm có thể phơi bày rõ sự lố bịch này.”

Nhiều lo lắng cho rằng “Jojo Rabbit” có thể bị “lệch pha” tương tự bộ phim hài kịch “The Interview” của James Franco/Seth Rogen. Tuy nhiên, Waititi là một người Do Thái gốc Maori, ông khéo léo né tránh mọi ý niệm về vấn đề này và kịch bản của vị đạo diễn tài hoa (được chuyển thể từ tiểu thuyết “Caging Skies” của Christine Leunens) cũng chân thành, cảm động và không kém phần hài hước.

Nó chế giễu bọn Phát xít, phải, nhưng Waititi vẫn xem trọng các nhân vật trung tâm và hoàn cảnh của họ.

Jojo nói chuyện với Elsa. Fox Searchlight Pictures

Elsa (Thomasin McKenzie thủ vai), cô gái Do Thái trốn trong tủ của Jojo, là linh hồn của cả bộ phim. Mặc dù thoạt đầu Waititi khắc sâu mối quan hệ yêu-ghét giữa Jojo và Elsa nhưng ông lại tích cực làm rõ quan điểm rằng chúng ta đang đứng ở phía Elsa. Chúng ta cảm thấy sự thất vọng của cô khi mắc kẹt lại tại căn phòng tạm bợ, trong một ngôi nhà xa lạ giữa nước Đức, cảm thấy ngột ngạt và tan vỡ khi biết thêm về câu chuyện bi kịch mà cô chôn giấu. Chúng ta chia sẻ nỗi tức giận của Elsa với sự ghê tởm mù quáng mà Jojo thành kiến về cô, cũng như lời nói dối sau cùng từ cậu về kẻ giành chiến thắng cuộc chiến.

Trong khi đó, Jojo (Roman Griffin Davis thủ vai) có cho mình một trong những cung nhân vật trưởng thành và mạnh mẽ nhất trong loạt phim điện ảnh 2019. Ban đầu, Jojo là một cậu bé ngây thơ, “cực kỳ tin tưởng vào Phát xít” và xem người bạn tưởng tượng Hitler ( Waititi thủ vai) là bạn thân nhất của mình.

Nhưng khi cậu phát hiện ra Elsa trong nhà và bắt đầu tìm hiểu thêm về cô, Jojo nhận ra rằng tất cả những gì cậu đã được truyền dạy có thể không còn là điều đúng đắn nữa. Cậu sớm bắt đầu nhìn thấy Elsa vì chính bản thân cô – một con người – chứ không phải là con quái vật mà Đức quốc xã đã thêu dệt nên.

Scarlett Johansson được đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho bộ phim này. Fox Searlight Pictures

Mẹ của Jojo, Rosie (Scarlett Johansson, người thừa nhận mình không nên được đề cử) và nhân vật gần gũi nhất mà Jojo có được với tư cách là một người cha, Đại úy Klenzendorf (Sam Rockwell, người đáng lẽ được đề cử), đóng vai trò dạy dỗ cậu trở nên tử tế và tránh xa thứ giáo lý thấp hèn mà cậu vẫn luôn bị bủa vây.

Thật đau đớn nhưng cũng đầy đúng đắn, Elsa phải là người thực hiện phần trách nhiệm nặng nề. Cô bé là người thực sự đưa Jojo đến con đường trở thành một bản thể tốt hơn. Nó chắc chắn phải là Elsa vì sức mạnh của thông điệp và cung nhân vật của Jojo, để tấn công ngược lại: kẻ bị áp bức dạy cho kẻ áp bức.

Khi Jojo yêu cầu Elsa vẽ về nơi người Do Thái sinh sống, cô vẽ lên bức tranh về đầu Jojo và nói: “Đó là nơi mà người Do Thái sống” – nhớ đó cậu bé được bảo rằng, dù có tin hay không, toàn bộ khái niệm của cậu về người Do Thái đều vô nghĩa, chúng được tiêm nhiễm bởi sự truyền giáo điên cuồng của Đức quốc xã, những kẻ vô cảm đã dạy dỗ cậu ngay từ thuở đầu.

Sau đó, cô bé nói với Jojo: “Em không phải Phát xít, Jojo. Em chỉ là một đứa trẻ 10 tuổi, thích mặc đồng phục vui nhộn và muốn trở thành một phần trong câu lạc bộ.”

Elsa cắt sâu vào cốt lõi lý do tại sao Jojo lại tin tưởng vào những gì mà cậu đang bám víu – bởi lẽ cậu bé được dạy phải làm như thế, bởi lẽ cậu bé muốn tìm một nơi mà mình thuộc về. Không hề có lý do nào khác. Từ đây, Jojo nhận ra niềm tin được cậu xây dựng trên, không tồn tại bất cứ thứ gì ngoài những cơ sở yếu kém và lý thuyết sai lầm. Ngay sau đó, thế giới của cậu sụp đổ và cậu nhận ra sự thật. Elsa không là ai khác ngoài một người tốt. Đức quốc xã đã sai. Jojo đã sai.

Jojo ban đầu rất sợ Elsa, nhưng sớm nhận ra cô chỉ đơn giản là một con người. Fox Searlight Pictures

Hiển nhiên, tôi chưa từng trải qua bất cứ điều gì kinh khủng như Elsa. Nhưng qua bài học mà Elsa truyền đạt, cá nhân tôi cảm thấy nó quen thuộc đến lạ kỳ, chắc có lẽ tôi đã từng thấy một điều tương tự diễn ra đâu đó trong cuộc sống thường ngày.

Vài năm trước, khi một người biết tôi là gay, anh ta đã nhanh chóng bày tỏ rất nhiều định kiến về người đồng tính. Nhưng khi tôi hỏi nguyên do tại sao anh ta lại không thích người đồng tính và có những quan điểm tiêu cực xung quanh, anh không thể trả lời. “Đó là sai trái, phải không?” là phản ứng duy nhất tôi nhận được.

Khi chúng tôi tiếp tục cuộc trò chuyện, rõ ràng những quan điểm này được hình thành bởi lẽ anh ta đã sinh trưởng trong một thị trấn nhỏ tràn ngập tín ngưỡng, nơi chúng là quy tắc. Khi đối mặt với góc nhìn đó, tôi thấy chúng thật vô lý và không dựa vào bất kỳ điều gì khác ngoài sự thờ ơ mù quáng – với tôi và với anh ta. Anh ta sớm nhận ra rằng quan điểm ​​của mình là vô căn cứ và hun đúc từ những khuôn mẫu truyền thống mà anh không hề có bằng chứng để tin vào.

“Jojo Rabbit” chính xác là thể loại phim nên được đưa vào giảng dạy vì nó mang đến cho trẻ em cách nhìn nhận chuẩn mực về bản thân, không chỉ đơn giản cho rằng những thứ đang diễn ra xung quanh là sự thật hoặc đúng đắn. Nó dạy bọn trẻ giáo dục chính mình cũng như lắng nghe những kẻ bị áp bức hơn là những kẻ áp bức. Hơn hết, nó dạy cho trẻ em trở nên tử tế, điều không thể thiếu trong môi trường sống hiện nay.


‘Jojo Rabbit’ không chỉ là một tác phẩm châm biếm tuyệt vời nào đó

Tất cả những điều trên nghe có vẻ rất ngọt ngào – không phải trong phim mà là trong tâm trí ta. Sẽ thật dễ dàng để loại bỏ bộ phim này một cách “nhanh gọn” bởi mớ gợi ý hài hước và thông điệp mang tính phê phán, sát với bối cảnh ngày nay.

Những thể loại phim như thế có thể thường ngọt ngào giả tạo và nói một cách thẳng thắn là không tuyệt vời như nó quảng cáo. Lấy ví dụ về bộ phim gần đây “Last Christmas”, – một tác phẩm thuyết giảng về sự chấp nhận và bao dung làm chủ đề chính.

Kể cả khi được đặt vào đúng thời điểm, “Last Christmas” vẫn là bom xịt và chỉ đọng lại một chút “hỗn độn ngọt ngào”. Nó không có giai điệu hay sự cân bằng, cũng như không đủ thông minh để thực hiện điều đó.

“Last Christmas” tự hào vì dàn diễn viên tuyệt vời với Emilia Clarke, Henry Golding và Emma Thompson, nhưng đã bị chỉ trích gay gắt. Universal Pictures

Nhưng “Jojo Rabbit” tập trung nhiều vào việc trở thành một bộ phim hay đúng nghĩa như thông điệp mà nó mang theo.

Một trong những phần thông minh nhất của “Jojo Rabbit” là nó vô thức dạy ngôn ngữ điện ảnh cho khán giả với đôi giày của Scarlett Johansson. Chúng ta thấy cận cảnh đôi giày của Rosie khi cô nhảy múa trên tường. Thể hiện từ góc nhìn của một đứa trẻ, lúc đầu, điều này dường như không mang nhiều ý nghĩa.

Nhưng sau đó, một lần nữa từ chiều cao và góc nhìn của chính Jojo, chúng ta được đưa đi dạo quanh thị trấn khi cậu bé vô tình va vào đôi chân đang lơ lửng của cùng đôi giày ấy. Ngay lập tức chúng ta biết rằng đó là mẹ của Jojo mà không cần bất kỳ hình ảnh nào khác về đôi chân của cô.

Jojo ôm lấy đôi chân và cố gắng buộc dây giày (một chi tiết thị giác khác), nhưng không thành công. Chi tiết đau lòng và sửng sốt đó đã có tác dụng trực tiếp vì Waititi và đạo diễn hình ảnh Mihai Malaimare trong tiềm thức đã dạy chúng ta cách tìm ra mô típ hình ảnh này từ sớm trong phim.

Giày của Rosie đóng vai trò quan trọng trong các chi tiết hình ảnh của “Jojo Rabbit”. Fox Searchlight Pictures

Cuối phim, Elsa mang đôi giày này (lần đầu tiên cô mang giày trong xuyên suốt bộ phim) khi cô nhảy – biểu thị sự giải thoát của cô. Jojo cúi xuống và buộc dây giày thành công – hoàn thành cung nhân vật của cậu.

Những thứ phức tạp, thông minh từ Waititi dường như lại rất rõ ràng khi được giải thích cặn kẽ, nhưng như với tất cả những cách làm phim tuyệt vời nhất, bạn thậm chí không nhận thấy chúng ngay từ lần xem đầu tiên. Đó là một biểu tượng hình ảnh đại diện cho kỹ năng ẩn dụ tài tình được Waititi sử dụng trong tác phẩm mang sự hài hước không-cần-quá-tinh-tế này.

Bộ phim sẽ tiếp tục bị đánh giá thấp, dĩ nhiên, nhưng chắc chắn luôn sẽ có lý do khiến “Jojo Rabbit” giành được sáu đề cử Oscar (chiến thắng Giải kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất), bao gồm cả hạng mục phim hay nhất.

“Jojo Rabbit” không chỉ là bộ phim hay ho nào đó mà chúng ta cần ngay lúc này. Nó chính là một tác phẩm điện ảnh thực sự, thực sự tuyệt vời.

Người dịch: Nam Vu
Nguồn: insider

Cùng tác giả

#Tag

Adolf Hitler art comedian film jojo rabbit phân tích phim Taika Waititi tua phim đánh giá

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Với tạo hình mũm mĩm, chú ếch của Ding Hu tự tin thả dáng với nhiều động tác yoga, từ cơ bản đến khó nhằn. Tuy thoạt nhìn, các khung…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Điều gì giúp phân tách Nghệ thuật và Thiết kế là một câu hỏi phức tạp và được tranh luận sôi nổi bấy nay. Nghệ sĩ và designer đều tạo…
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Khi một nhà thiết kế bắt đầu làm việc, họ biết trước những gì mình phải đạt được. Họ được thúc đẩy bởi một mục tiêu, một kế hoạch, một…
Phía sau những khung hình nên thơ như tranh vẽ của phim hoạt hình Luca (Pixar)
Phía sau những khung hình nên thơ như tranh vẽ của phim hoạt hình Luca (Pixar)
Trong khi hầu hết các phim hoạt hình cố gắng mang lại vẻ ngoài chân thực cho các nhân vật và bối cảnh, mục tiêu của những người đứng sau…