Những cái cây trong thành phố: “Hãy cho chúng tôi thêm chút không gian.”
Càng hiện đại và văn minh, thành phố càng phải dành nhiều không gian hơn cho cây xanh. Bởi một thành phố không bóng cây không khác nào một thành phố chết. Nhưng những cái cây sống trong thành phố liệu có phải đã quen được với môi trường sống nhỏ hẹp và có thể sống sót dù gặp bất cứ chuyện gì?
Khi đưa cây cối vào lòng thành phố, con người muốn chúng thêm màu xanh vào những con đường; mong chúng cho bóng mát, giảm tiếng ồn, giảm bụi bặm; làm không khí trong lành hơn và gánh thêm nhiệm vụ trợ giúp hệ thống thoát nước. Con người mong cây cối sẽ làm được tất cả những nhiệm vụ ấy trong một khoảng không gian khiêm tốn nhất có thể. Vậy hẳn sẽ không có gì quá đáng nếu cây cối “yêu cầu” thêm chút không gian riêng tư quanh gốc để có thể thực hiện tốt các “nhiệm vụ” mà con người đang đặt ra cho chúng.

Theo một nghiên cứu từ Đại học Columbia, Hoa Kỳ, nếu ta muốn cây làm tốt việc của mình, ta cần cho cây thêm không gian riêng. Cụ thể hơn, nghiên cứu tập trung vào tác dụng của những hàng rào quanh các gốc cây đối với hiệu quả thoát nước của những bồn cây trên các vỉa hè thành phố New York.
Theo đó, những bồn cây không có hàng rào bảo vệ sẽ phải hứng chịu chất thải của chó, bị người đi đường dẫm lên. Khi khoảng đất xung quanh gốc cây chịu quá nhiều áp lực từ người qua lại, đất sẽ bị nén xuống khiến độ tơi xốp giảm đi nhiều. Hệ quả là cây sẽ hút nước kém hơn.

Về lí thuyết hàng rào sẽ giúp cho khoảng đất quanh gốc cây không bị dẫm đạp và nén chặt. Theo thời gian, chúng sẽ tạo nên sự khác biệt không nhỏ. Những bồn cây có rào bảo vệ có thể thẩm thấu nước nhanh hơn sáu lần so với những bồn cây không có rào. Khi đất tơi xốp, những bồn cây trên vỉa hè sẽ góp phần đáng kể gánh bớt áp lực thoát nước cho hệ thống thoát nước của thành phố trong những trận mưa lớn. Điều này cũng có tác động tích cực đến sự phát triển của chính cây cối. Khi không bị đè nén, đất quanh gốc cây sẽ dễ dàng hút nước, cung cấp thêm nguồn nước cho cây.
Nếu đất bị đè nén, hoặc cây sẽ thiếu nước và phát triển kém đi; hoặc nước sẽ đọng lại lâu khiến bộ rễ bị úng, cây mục ruỗng và chết từ từ. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra trong trường hợp khoảng đất xung quanh gốc cây bị bê tông hóa hoặc quá nhỏ.

Để tạo ra không gian riêng cho cây cối trong thành phố, ta không cần đến loại hàng rào quá kiên cố, đắt tiền. Những mẫu hàng rào đơn giản, tiết kiệm chi phí cũng có thể đảm nhiệm tốt vai trò bảo vệ gốc cây.

Tác giả chính của nghiên cứu, Robert Elliott, chia sẻ rằng một hàng rào với giá khoảng 20 USD cũng sẽ đủ để bảo vệ không gian quanh gốc cây chứ không cần đến loại hàng rào 1,000 USD như thành phố đề xuất.
Robert cũng cho biết thêm: “Chỉ 14% cây ở New York được bảo vệ bằng hàng rào. Chúng tôi thấy rằng cây cối trên các con đường có thể giải quyết lượng nước mưa bão gấp sáu lần nếu chúng được rào bảo vệ.”

Hình thức thoát nước sinh thái nhờ cây cối sẽ còn hiệu quả hơn nếu các thành phố chịu mở rộng các ô trồng cây thành mương thoát nước sinh thái với các cây xanh nhỏ có tác dụng như rào chắn sinh học cho cả bồn cây. Tuy nhiên, theo kết quả thử nghiệm từ hơn 3.000 mương thoát nước sinh thái như trên tại New York thì chi phí đầu tư ban đầu khá lớn và chúng dễ bị mất thẩm mĩ do rác thải đọng lại.

Nếu rìa những bồn cây được thiết kế thấp hơn mặt đường để nước chảy vào nhiều hơn thì những bồn cây đơn giản cũng sẽ bắt kịp tốc độ thoát nước của các mương thoát nước sinh thái.
Cây cối trong thành phố đang chịu cảnh thiếu ánh sáng và quá nhiều “hẻm gió” do nhà cao tầng tạo nên, rễ bị giới hạn bởi quá trình bê tông hóa… khiến chúng khó đạt được mức độ tăng trưởng tự nhiên. Vậy thì sẽ không có gì quá đáng nếu cây cối “yêu cầu” thêm chút không gian riêng tư quanh gốc để có thể thực hiện tốt các “nhiệm vụ” mà con người đang đặt ra cho chúng.
Nguồn: Atlas Obscura, Columbia News và Science Direct
Ảnh bìa: Stocksnap
Biên tập: Xanh Va
iDesign Must-try

Café Đen Đá Phù Đổng - Bản giao thoa của Sài Gòn xưa và nay

‘Sarcostyle Tower’ - Công trình kiến trúc độc lập lấy cảm hứng từ các khái niệm sinh học của Hayri Atak

Bộ ảnh về sự u sầu của cây xanh nơi văn phòng, biểu tượng cho nỗi buồn của dịch bệnh

Triển lãm Nảy Mầm II: Vườn ươm nghệ thuật trở lại với chủ đề “Cộng Sinh”

Hội chứng kẻ mạo danh có đang hạn chế tiềm năng sáng tạo trong bạn?
