Eco Art là gì?

Vậy chính xác eco-art là gì? Theo trang eco-art.org, đó là nghệ thuật sinh thái có chủ đích, được sáng tạo bởi các nghệ sĩ quan tâm đến môi trường địa phương và môi trường toàn cầu. Từ “eco” có gốc từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “nhà”, và dĩ nhiên, tự thân từ “art” (“nghệ thuật”) đã thể hiện được ý nghĩa hoàn chỉnh.

Eco-art gắn liền với các hoạt động về sinh thái, nhấn mạnh các nguy cơ, trong khi art in nature và land art (nghệ thuật thực địa) khá giống nhau ở nhiều khía cạnh, nhưng lại không chú trọng đến các chiến dịch hoạt động. Land art có xu hướng liên quan đến các vấn đề về mặt nhận thức trong khi art in nature sử dụng các chất liệu tự nhiên để tạo ra tác phẩm đẹp.


Nhiếp ảnh và tranh vẽ đề cập đến các vấn đề về môi trường cũng là một phần trong hoạt động eco-art.
(Hình ảnh được tham khảo từ internet)

Các nghệ sĩ theo trường phái eco-art có sự quan tâm đặc biệt đến môi trường. Vì vậy, họ thường tạo ra các tác phẩm khả dĩ cải thiện tình hình môi trường trong khu vực hoặc gây tiếng vang về một vấn đề môi trường cụ thể.

Đặc trưng của eco-art:

  • Phác họa lại mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, và đề xuất cách thức con người cùng tồn tại với môi trường.
  • Vì quan tâm đến sức mạnh thiên nhiên và tài nguyên môi trường, nghệ sĩ theo trường phái eco-art sáng tạo ra các tác phẩm có thể thích ứng với sức mạnh thiên nhiên, ví dụ như sét, nước, gió và thậm chí cả động đất.
  • Khắc phục và cải tạo môi trường tự nhiên bị hủy hoại, thường là tái tạo các hệ sinh thái theo phong cách nghệ thuật
  • Sáng tạo ra nghệ thuật truyền tải thông điệp về các vấn đề môi trường, chính trị, văn hóa và lịch sử hình thành hệ sinh thái, tự nhiên và quá trình phát triển của chúng
  • Tạo ra các tác phẩm sử dụng chất liệu từ thiên nhiên
  • Cung cấp thông tin về các vấn đề môi trường và động lực học sinh thái
  • Đề xuất các phương thức phát triển bền vững, hàn gắn và cùng tồn tại.
Tác phẩm Never Give Up (Không bao giờ từ bỏ) của Millo tại Santiago, Chile
(Hình ảnh được tham khảo từ internet)

Nghệ thuật thân thiện với hệ sinh thái hướng đến cải thiện mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật theo trường phái này là kết quả hợp tác của nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học, các cộng đồng sinh hoạt và các nhà giáo dục. Nhiều tác phẩm nghệ thuật có liên hệ trực tiếp với một địa điểm cụ thể. Một số tác phẩm không tồn tại lâu, nghĩa là nó có thể biến đổi hoặc biến mất theo sự thay đổi của môi trường. Các tác phẩm khác còn có thể được thiết kế để đặt tại một nơi cụ thể nào đó.

Vậy điểm khác biệt giữa eco-art và environmental art là gì?

Nhiều nghệ sĩ sử dụng các thuật ngữ eco-art, environmental art (nghệ thuật môi trường) và thậm chí cả land art để chỉ các loại hình nghệ thuật khác nhau. Theo trang greenmuseum.org, hiện nay chưa có một mô tả chính xác và hoàn chỉnh nào cho các thuật ngữ này, vì vậy khó có thể phân định ranh giới rõ ràng cho từng trường phái nghệ thuật này.
Environmental art thường được sử dụng chung để miêu tả eco-art, earth art (nghệ thuật trái đất) land art, art in nature (nghệ thuật giữa thiên nhiên) và nhiều hơn nữa. Đây là lý do vì sao nhiều người sử dụng hai thuật ngữ eco-art và environmental như nhau.

Có một đặc điểm giúp eco-art khác biệt với các loại hình environmental art nói chung là eco-art thường gắn liền với các nghệ sĩ đương đại đồng thời là các nhà hoạt động môi trường hơn là nghệ thuật về thực địa một cách đơn thuần. Vì vậy, thuật ngữ environmental art cần được xem là một khởi điểm cho việc khám phá trường phái nghệ thuật này hơn là một khái niệm bao quát và hoàn chỉnh.
Environmental art thỉnh thoảng bao hàm cả các vấn đề về sinh thái, nhưng không nêu cụ thể chúng. Nguồn gốc của environmental art xuất phát từ sự quan tâm về tầm nhìn nghệ thuật nói chung. Khái niệm này có thể được hiểu một cách khá đơn giản bằng cách nhìn vào định nghĩa của từng từ bên dưới:

  • Environmental: liên quan đến môi trường xung quanh hoặc điều kiện bên ngoài
  • Ecological: cá thể hóa bằng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật sống ví dụ các hệ sinh thái trong môi trường
Tác phẩm tranh vẽ trên tường theo xu hướng eco-art
(Hình ảnh được tham khảo từ internet)

Phương pháp tiếp cận Eco-art.

Có nhiều phương pháp tiếp cận eco-art một cách đa dạng, bao gồm:

  • Dự án của các nhà hoạt động môi trường. Các dự án này tạo ra để thông báo, tiếp sức, khởi động hoặc đóng góp vào quá trình tác động nhằm cải thiện hành xử của công chúng hoặc chính sách đối với môi trường
  • Dự án cải tạo môi trường. Nghệ sĩ thường làm việc với các chuyên gia quy hoạch đô thị, nhà khoa học môi trường và kiến trúc sư cảnh quan để tái tạo hoặc cải tạo môi trường bị ô nhiễm hoặc bị phá hoại
  • Tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu trưng. Là các tác phẩm nghệ thuật mô tả điều kiện và thông tin cần thiết để kích thích đối thoại như:

Social sculptures (Điêu khắc xã hội). Là các tác phẩm điêu khắc dựa theo thời gian và liên quan đến xã hội, chủ động thu hút cộng đồng tham gia vào việc giám sát cảnh quan và thực hành việc sử dụng các tiện ích theo xu hướng phát triển bền vững.
Direct encounter (Tiếp xúc trực tiếp). Phương pháp này sử dụng, phát huy các hiện tượng tự nhiên như ánh sáng mặt trời, thực vật … vào trong tác phẩm của mình
Ecopoetic art (nghệ thuật sinh thái mang đậm chất thơ). Là các tác phẩm phác họa lại thế giới tự nhiên, tạo cảm hứng và khuyến khích con người cộng sinh với các giống loài khác.
Lived-and-relational esthetics (thẩm mỹ sống và mối quan hệ với môi trường xung quanh): tác phẩm nghệ thuật ở dạng này liên quan đến sự sinh tồn bền vững của hệ sinh thái liên quan đến hoạt động nông nghiệp.
Pedagogical or didactic works (tác phẩm mang tính giáo dục hoặc mô phạm): truyền tải thông điệp về nguy cơ đối với các hệ sinh thái và sự bất công trong việc phân bổ sự quan tâm và chính sách bảo vệ môi trường.

Một số tác phẩm nghệ thuật được thể hiện qua xu hướng Eco-Art
(Hình ảnh được tham khảo từ internet)

Các loại hình Eco-Art.

  • Ecological art (Eco-art): Loại hình nghệ thuật đương đại chú trọng vào phương pháp thân thiện với môi trường (cụ thể là các hệ sinh thái) và nhấn mạnh các vấn đề môi trường. Hoạt động nghệ thuật này thường bao gồm các tác phẩm do nhiều người hợp tác tạo thành và các tác phẩm nhắm đến mục tiêu phục hồi cảnh quan và hệ sinh thái đã bị tàn phá hoặc bị ô nhiễm.
  • Ecovention: Thuật ngữ này được đặt ra vào năm 1999 và là sự hợp nhất của các từ “ecology” (sinh thái) và “invention” (sáng tạo) để mô tả các dự án nghệ thuật dẫn đến sự thay đổi và biến đổi thực chất các hệ sinh thái tại địa phương.
  • Art in Nature: Đây là loại hình nghệ thuật được sử dụng rộng rãi ở Châu Âu. Loại hình này chú trọng đến sáng tác trên những chất liệu tự nhiên tìm thấy tại từng địa điểm. Là một loại hình nghệ thuật, art in nature chú trọng đến thẩm mỹ hơn là nội dung sinh thái cần truyền tải. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, có sự giao thoa giữa eco-art và art in nature khi nghệ sĩ sáng tác muốn nhấn mạnh một thông điệp môi trường quan trọng.
  • Land art: Đây là một thuật ngữ khác – không thông dụng ở Mỹ. Land art ra đời vào những năm của thập niên 60-70 thế kỷ trước và mô tả loại hình nghệ thuật được sáng tạo ngoài trời và trên mặt đất. Hiện nay, nhiều người sử dụng thuật ngữ land art như ý nghĩa dành cho eco-art khi không cần phải nhắm đến sự chính xác hoàn toàn của hai thuật ngữ. Tuy nhiên, chúng ta cần nên nhớ rằng land art là tiền thân của eco-art mà chúng ta biết đến ngày nay.
  • Eco-art trong cộng đồng: Eco-art giúp kết nối các cộng đồng lại với nhau thông qua sự tôn trọng lẫn nhau và quý trọng môi trường sống. Sự thờ ơ và bỏ mặc dần dần được thay thế bằng cuộc sống mới có mục đích.

Ví dụ, ở New Orleans, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhà thiết kế các công trình công cộng – Candy Chang đã biến một bên hông của căn nhà bỏ hoang thành một tấm bảng khổng lồ. Cộng đồng tại địa phương được mời đến để viết ước mơ và hy vọng lên tấm bảng này. Tất cả các phản hồi đềuđược ghi nhận lại. Công trình này tạo hứng khởi cho nhiều người trên khắp thế giới tạo ra những bức tường cho chính mình, tận dụng và sử dụng hữu ích những địa điểm đã từng bị xem là không có giá trị gì.

Tác phẩm của Candy Chang và cộng đồng tại địa phương
(Sử dụng hình ảnh từ internet)

Như vậy, bạn thấy đó, eco-art phục vụ cho mục đích kêu gọi sự nhận thức về các vấn đề môi trường trong cộng đồng và trong khi nó không thực sự tạo nên sự thay đổi to lớn ngay lập tức cho trái đất, eco-art có thể tạo nên sự khác biệt trong suy nghĩ và hành động của chúng ta. Thật là một điều tốt đẹp!

Tác giả: Amber Merton
Nguồn: plushbeds

Cùng tác giả

#Tag