Triển lãm nhóm ‘Cõi Riêng Ảo’: 7 không gian cá nhân được tạo lập bằng ngôn ngữ hội họa
Với 27 tác phẩm, triển lãm mang tới cho người xem những thực hành mới nhất của các nghệ sĩ, với những thể nghiệm nới rộng khuổn khổ của giấy, của toan, của hành vi vẽ và những thành tố cơ bản khác của ngôn ngữ hội hoạ.
Triển lãm nhóm ‘Cõi Riêng Ảo’ giới thiệu tác phẩm của 7 nghệ sĩ trẻ sinh ra và lớn lên vào những năm 1990, một thế hệ nghệ sĩ mới của nghệ thuật Việt Nam: Lananh Le, Din Sama, Nguyễn Đức Huy, mi-mimi, Nghĩa Đặng, Trịnh Cẩm Nhi và Hà Ninh, với trọng tâm là các thực hành hội hoạ của họ.
‘Cõi Riêng Ảo’ chia sẻ những tương đồng giữa các nghệ sĩ trong hệ từ vựng thị giác: từ việc sử dụng các biểu tượng cá nhân hoá cao độ, đến thái độ từ chối những tự sự lớn lao, đến sự dàn dựng các không gian ảo, đến tầng tầng lớp lớp chuyển động tâm lý phức tạp được dàn phẳng, phóng chiếu và cố định lên các bề mặt hội hoạ.
Triển lãm do Phạm Hà Ninh và Vân Đỗ giám tuyển, được Manzi Art Space thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Goethe, Hội đồng Anh và MoT+++.
Thời Gian: 10:00 – 19:00, Thứ sáu, 19/03/2021
Địa điểm: Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội
Vào cửa tự do
Giờ thì cùng iD điểm qua một chút về các nghệ sĩ sẽ tham gia ‘Cõi Riêng Ảo’ nhé!
(tranh dầu trên canvas, 150cmx220cm)
Lananh Lê (1993 – 2020) là một nghệ sĩ đa chất liệu, tập trung vào lịch sử truyền miệng, thần thoại và văn hóa ký ức của công chúng. Công việc của cô thể hiện sự thôi thúc phải tạo ra ‘các sinh thái thần thoại’, các thế giới khác nơi cô có thể điều tra mối quan hệ giữa thần thoại, sự hình thành sinh thái và cách các nền văn hóa đa dạng thể hiện mối quan hệ của họ với vũ trụ.
Trịnh Cẩm Nhi (1996) tập trung khai thác hình ảnh của hoa và tính nữ, sử dụng nhịp điệu của hình khối, không gian để mô tả những chuyển động trong nội tâm. Chủ yếu sử dụng chất liệu sơn dầu, acrylic và màu nước trong các tác phẩm.
Nghĩa Đặng (1994) sử dụng các hình thức điêu khắc mềm, sắp đặt và tranh vẽ để khám phá những mối quan tâm về tương quan giữa tâm lý, ký ức, ảo mộng và những tàn dư của chúng.
Nguyễn Đức Huy (1995) thường thực hành hội hoạ, cụ thể là digital art và drawing bởi tính chất tức thời của chúng… Thông qua tác phẩm của mình, anh thể hiện sự quan tâm tới các khái niệm về bối cảnh, về nhân vật, về các thế giới giả lập, nơi mà ở đó có những quy luật, niêm luật riêng, từ đó phóng chiếu chúng với nhau nhằm tìm kiếm một kẽ hở hoặc những độ vênh, đi sâu vào khám phá thế giới. Với Huy, làm nghệ thuật như một cách để giải quyết nốt những phần dư thừa của vấn đề.
Din Sama (1991)là nghệ sĩ thị giác chủ yếu sáng tác trên các kỹ thuật printmaking. Cô thưởng nghiên cứu các kỹ thuật truyền thống như khắc gỗ Nhật Bản, bồi giấy truyền thống, làm giấy … và sáng tác những tác phẩm mang hơi hướng hiện đại dựa trên các kỹ thuật truyền thống.
mi-mimi (1991) là danh tính nghệ sĩ của Lê Hương Mi (Hương Mi Lê) đến từ Hà Nội, là một nhà thơ và một nghệ sĩ thị giác. Cô miêu tả về việc làm nghệ thuật là, giống như khoa học, để nhìn ra giai điệu trong cõi hỗn mang. Thực hành nghệ thuật đưa cô đi trên con đường xuyên qua cõi hỗn mang và trong hành trình kiến tạo chính mình như một ‘con người’. Đây là lần mi-mimi tham gia triển lãm dưới góc độ một nghệ sĩ.
Hà Ninh (1991) khai thác những cách thức mà chúng ta xây dựng hình dung về một lãnh thổ từ phương xa.
Vân Đỗ (1995) hiện là giám tuyển độc lập và là trợ lý giám tuyển làm việc tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory. Thực hành giám tuyển của cô quan tâm tới việc thử nghiệm và đẩy xa các dạng thức giám tuyển. Các dự án Vân thực hiện gần đây gồm: đồng giám tuyển triển lãm ‘Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên’ (The Factory, 2021); giám tuyển buổi chiếu ‘Ca tụng (cõi) vi sinh’ (Dcine, 2020); biên tập Măng Ta Journal (2020); đồng giám tuyển ‘Nhặt Lá Rừng Xưa’, triển lãm solo của Võ Trân Châu (The Factory, 2020); giám tuyển ‘Lặng Yên San Sát’, triển lãm solo của Đặng Thuỳ Anh (The Factory, 2019); sản xuất các phim ‘Chiều tà’, ‘Phim số 3’ của Tạ Minh Đức (2018-19).
Ban biên tập iDesign