Thiết kế đồ họa thế kỷ 20: Hậu chiến và thời kỳ hoàng kim của thiết kế tạp chí (P.3)

“Ở Nhật Bản thời hậu chiến, khi đất nước này nổi lên như một cường quốc công nghiệp lớn, thiết kế đồ họa biến chuyển thành một nghề quan trọng phục vụ cho nhu cầu của công nghiệp và các cơ quan văn hóa.”


Thiết kế đồ họa thời hậu chiến ở Hoa Kỳ

Trong khi các nhà thiết kế ở châu Âu đã gắng sức lan tỏa phong cách Typographic Quốc tế thành một phong trào gắn kết, thì các nhà thiết kế người Mỹ đã tổng hợp các khái niệm từ nghệ thuật hiện đại thành biểu ngữ trực quan mang tính cá nhân và truyền cảm cao. Từ năm 1940 đến những năm 1960, thành phố New York là trung tâm của sự đổi mới trong thiết kế – mỹ thuật.

Vào những năm 1940, Paul Rand nổi lên như một nhà thiết kế người Mỹ với cách tiếp cận thiết kế hiện đại mang tính cá nhân và sáng tạo. Rand thấu hiểu  sức mạnh tượng trưng của màu sắc và hình dạng trong tác phẩm của các nghệ sĩ như Paul Klee, Wassily Kandinsky và Pablo Picasso. Trong một áp phích quảng bá cho tàu điện ngầm New York năm 1947, Rand đã tạo ra bản thiết kế với những yếu tố hình học kỷ hà cùng màu sắc được dùng như phương tiện để tiếp cận khách hàng tiềm năng cho các vở kịch, cửa hàng, dịch vụ và các mặt hàng khác.

Một thông điệp bình thường sẽ đặc biệt và thu hút hơn khi biết tận dụng sức mạnh của các hình thức và biểu tượng trực quan.

Kết quả hình ảnh cho Paul Rand 1947 design the subway
Áp phích quảng bá cho tàu điện ngầm New York năm 1947 bởi Paul Rand.

Những tác phẩm của Rand đã mở rộng hàng loạt các phương tiện truyền thông đồ họa bao gồm quảng cáo, bìa sách, sách trẻ em, văn bản doanh nghiệp, bao bì đóng gói, áp phích, nhãn hiệu và kiểu chữ.

Kết quả hình ảnh cho Paul Rand
Paul Rand.

Trong những năm 1950, Rand bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho các dự án hình ảnh của công ty, ông đã thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho các tập đoàn lớn như IBM, Westinghouse, mạng truyền hình ABC và UPS. Nhiều nhà thiết kế nổi tiếng khác – bao gồm Saul Bass, Lester Beall, quan hệ đối tác của Tom Geismar và Ivan Chermayeff tập trung vào việc thiết kế cho các công ty, vì các tập đoàn đa quốc gia cũng đã nhận ra sự cần thiết của một tiêu chuẩn đồ họa để phù hợp với hình thức nơi làm của họ, thuận tiện cho thông tin liên lạc trên toàn thế giới.

Kết quả hình ảnh cho Paul Rand logo design
Các thiết kế logo kinh điển của Paul Rand.

Bradbury Thompson là giám đốc nghệ thuật cho một tạp chí nổi tiếng, ông đã thiết kế ấn phẩm mang tên Westvaco Inspirations cho một nhà sản xuất giấy từ năm 1938 cho đến đầu những năm 1960. Với cách tiếp cận vui tươi và sáng tạo dành cho các thể loại và hình ảnh, tác phẩm thiết kế của ông dành cho tạp chí Westvaco Inspirations 210 (1958) đã tạo ấn tượng với giới truyền thông. Thompson chia sẻ rằng, các dạng hình học của mặt nạ châu Phi trong bức ảnh Ben Somoroff được tạo ra bằng cách “vẽ” một khuôn mặt giống như mặt nạ từ các chữ cái “Westvaco”. Bố cục phức tạp của Thompson kết hợp đầy nghệ thuật với các shapes màu và sắp xếp typographic hoàn toàn ngẫu nhiên. Anh đã khám phá kỹ thuật in ấn bằng cách tách tác phẩm thành bốn tấm khác nhau để có thể in đầy đủ màu – lục lam (xanh ấm), đỏ tươi, vàng và đen – ở các vị trí riêng biệt. Ông cũng có bản khắc từ sách cũ và in đậm những màu bất ngờ. Các thí nghiệm này rất có ảnh hưởng, đó là minh chứng cho thấy một thế hệ các nhà thiết kế sở hữu khả năng tư duy mới mẻ, vượt bậc.

Hai trang báo trong tạp chí Westvaco Inspirations 210, thiết kế bởi Bradbury Thompson (1958).

Thời kỳ hậu chiến, tạp chí bắt đầu đặt trọng tâm hơn vào thiết kế đồ họa. Alexey Brodovitch – giám đốc nghệ thuật của Harper’s Bazaar từ 1934 đến 1958, đã đi tiên phong trong cách thức tiếp cận mới mẻ dành cho thiết kế tạp chí. Brodovitch đã tạo ra một trải nghiệm thú vị cho người đọc với các kích cỡ hình ảnh khác nhau, xen kẽ các trang phức tạp là những bài viết có bố cục đơn giản, nhiều khoảng “nghỉ” tạo cảm giác chuyển động nhịp nhàng. Vẻ đẹp trong thiết kế của Brodovitch đã được thúc đẩy và vươn xa nhờ vào đội ngũ cộng tác viên tài giỏi tại Bazaar, trong đó có nhiếp ảnh gia Richard Avedon.

Dàn trang trong báo Harper’s Bazaar, thiết kế bởi Alexey Brodovitch với hình chụp của Gleb Derujinski.

Thời kỳ hậu chiến được gọi là “thời kỳ hoàng kim” của thiết kế tạp chí, khi các giám đốc nghệ thuật bao gồm Henry Wolf (của báo Esquire và Harper’s Bazaar) và Otto Storch (McCall’s) đã giúp Brodovitch mở rộng cách tiếp cận giàu trí tưởng tượng, hướng đến dàn trang ở một định dạng lớn hơn. Storch tin rằng khái niệm, văn bản, các thể loại và hình ảnh không thể tách rời trong biên tập thiết kế và ông đã áp dụng niềm tin này vào các trang biên tập của McCall.

Sau đó, sự xuất hiện của truyền hình bắt đầu thay đổi vai trò của phương tiện truyền thông in ấn và thiết kế đồ họa, đồng thời cũng tạo ra cơ hội mới cho các nhà thiết kế với quảng cáo truyền hình và on-air graphics. “Đồ họa chuyển động” (Motion graphics) là thiết kế đồ họa họat động cho các tựa phim và truyền hình diễn ra trong chiều không gian thứ tư – thời gian. Một loạt các kỹ thuật phim hoạt hình đã được áp dụng cho hiệu ứng hình ảnh chuyển động vào những năm 1950s bởi Saul Bass tại Canada, và Norman McLaren của Hội đồng phim quốc gia Canada. Chẳng hạn, tiêu đề của Bass cho bộ phim Anatomy of a Murder năm 1959 (của Otto Preminger) đã cắt các ký tự ra thành những phần rời, và sau đó các ký tự này lần lượt di chuyển vào màn hình theo thứ tự để ghép lại ra một tiêu đề hoàn chỉnh, phần chữ trong tựa đề phim cũng là một phần của chuỗi câu chuyện.

Kết quả hình ảnh cho Anatomy of a Murder saul bass
Thiết kế tiêu đề của Bass cho bộ phim Anatomy of a Murder năm 1959.

Hình ảnh và văn hóa bản địa đã truyền cảm hứng cho thế hệ các nhà thiết kế, họa sĩ người Mỹ – những người bắt đầu sự nghiệp sau Thế chiến II, bao gồm những người sáng lập Push Pin Studio ở New York năm 1954. Công việc của họ tràn đầy đam mê với những đồ họa phong cách đơn giản và sự mộc mạc của truyện tranh, kết hợp với sự hiểu biết tinh vi về nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là trường phái Siêu thực và trường phái Lập thể. Những nghệ sĩ ở The Push Pin có mối quan tâm tập trung vào nghệ thuật và lịch sử thiết kế đã giúp họ kết hợp những điểm khác biệt của nhiều loại hình nghệ thuật, từ nghệ thuật thiếu nhi đến kiểu chữ trang trí của thời Victorian. Trong các tác phẩm của họ, đồ họa sống động sẽ càng giúp hướng đến thông điệp hình ảnh tốt hơn.

Một số chuyển biến trong xã hội đã ảnh hưởng đến phong cách thiết kế đồ họa của Mỹ những năm 1960. Biến động chính trị trong thập niên này song hành với sự hồi sinh của nghệ thuật áp phích giải quyết phong trào dân quyền, phong trào phụ nữ, chủ nghĩa môi trường và chiến tranh Việt Nam. Việc đặt quảng cáo trên đài phát thanh và truyền hình vượt xa khả năng kinh tế của hầu hết các công dân, hay các nhóm nghệ thuật độc lập và các tổ chức hoạt động xã hội. Tuy nhiên, họ có thể in và phát tờ rơi, áp phích, thậm chí họ có thể bán áp phích của mình cho những người cùng ủng hộ với công chúng để quyên tiền vì những vấn đề của họ.

Khi âm nhạc ngày càng phổ biến và trở nên có ý nghĩa về mặt văn hóa, đồ họa cho ngành công nghiệp ghi âm nổi lên như một điểm sáng trong thiết kế. Ông Milton Glaser, một người sáng lập của Push Pin Studio đã chiếm lấy trí tưởng tượng của giới trẻ với những bản vẽ đường cong cách điệu, màu phẳng, đậm và các bản phác thảo sơ khai. Áp phích của Glaser (năm 1967) sáng tác cho ca sĩ – nhạc sĩ folk-rock Bob Dylan là một trong số những tác phẩm đồ họa âm nhạc đã trở thành một sự hiện diện mang tính biểu tượng trong những năm 1960, mà đến cả áp phích I Want You của Flagg ở Thế chiến I cũng chưa từng đạt được đến mức độ ấn tượng như vậy. Trong suốt nửa sau của thế kỷ, Glaser liên tục mở rộng sở thích của mình bao gồm thiết kế tạp chí, nhà hàng, nội thất cửa hàng bán lẻ và hệ thống nhận diện thương hiệu.

Áp phích ca sĩ – nhạc sĩ Bob Dylan do Milton Glaser thiết kế (1967)

Năm 1960 cũng là năm chứng kiến ​​sự “thất sủng” nhanh chóng của các thiết bị kim loại cầm tay khi chúng được thay thế bằng hệ thống “hiển thị và bàn phím” (display and keyboard). Với kinh phí rất rẻ để tạo ra kiểu chữ mới, việc sử dụng rộng rãi các hệ thống hình ảnh kèm theo font chữ mới lạ đặt nền tảng cho hàng loạt các thiết kế hay ho.

Herb Lubalin nổi tiếng trong số các nhà thiết kế đã chấp nhận sự đổi mới này, khi thông điệp và hình ảnh được đặt ở mọi kích thước, khoảng cách giữa chữ cái và các dòng có thể kéo giãn hoặc nén vô cực. Lubalin là người có khả năng dùng hình ảnh truyền thông mạnh mẽ, được thể hiện qua thiết kế thông báo cho cuộc thi poster chống chiến tranh được tài trợ bởi tạp chí Avant Garde (năm 1968). Logo của tạp chí được đặt trong dấu chấm than, sử dụng chữ ghép và các ký tự thay thế để tạo thành một hình ảnh “nén chặt”.

Thông báo cho cuộc thi poster chống chiến tranh được tài trợ bởi tạp chí Avant Garde (năm 1968), bởi Herb Lubalin.
Kết quả hình ảnh cho American Herb Lubalin

Một cuộc cách mạng sáng tạo trong lĩnh vực viết và thiết kế quảng cáo cũng đã xảy ra trong giai đoạn này. Các agency quảng cáo muốn tiếp cận đối tượng tiếp thị tiềm năng thông qua việc sử dụng tiêu đề dí dỏm, bố cục đơn giản và hình ảnh trực quan thông minh. Copywriter và giám đốc sáng tạo làm việc với nhau như một nhóm sáng tạo, tìm kiếm sức mạnh cộng hưởng bởi từ ngữ và hình ảnh. Một agency quảng cáo là Doyle Dane Bernbach đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử thiết kế đồ họa qua cách quảng cáo thông minh bằng lời nói hướng đến người tiêu dùng và tránh được sự cường điệu của “hard sell” (phương thức tạo áp lực mạnh mẹ để thuyết phục người khác phải mua hàng).

Hình ảnh có liên quan
Quảng cáo thiết kế bởi Doyle Dane Bernbach năm 1960.

Một trong những nhà thiết kế quảng cáo đã bắt đầu sự nghiệp tại Doyle Dane Bernbach là George Lois, những tác phẩm của ông rất đơn giản và trực tiếp. Lois đã tạo ra hơn 90 trang bìa cho tạp chí Esquire trong những năm 1960. Ông đã sử dụng những bức ảnh tràn đầy sự mạnh mẽ và phối hợp với Carl Fischer để ứng dụng photomontage vào tác phẩm, nhằm đưa ra những tuyên bố được biên tập ngắn gọn về Hoa Kỳ. Những thiết kế này hoạt động như những phát biểu trực quan hay một lời nói độc lập về các chủ đề như vụ ám sát và quyền công dân.

Bìa tạp chí Esquire (số tháng 5/1967), do George Lois thiết kế với ảnh chụp của Carl Fischer.

Thiết kế đồ họa thời hậu chiến ở Nhật Bản

Trong suốt những năm 60 và 70, đồ họa Hoa Kỳ xuất phát từ khu vực New York, cũng như đồ họa châu Âu đến từ Phong cách Typographic Quốc tế, đã ảnh hưởng đến các nhà thiết kế trên khắp thế giới.

Chẳng hạn, ở Nhật Bản thời hậu chiến, khi đất nước này nổi lên như một cường quốc công nghiệp lớn, thiết kế đồ họa biến chuyển thành một nghề quan trọng phục vụ cho nhu cầu của công nghiệp và các cơ quan văn hóa. Trường phái Kiến tạo châu Âu và thiết kế Tây phương mang đến ảnh hưởng quan trọng đối với thiết kế Nhật Bản, thế nhưng những bài học đó đã được đồng hóa với lý thuyết nghệ thuật truyền thống của Nhật. Ví như truyền thống gia huy của quốc gia đã truyền cảm hứng cho cách tiếp cận thiết kế thương hiệu của những nhà thiết kế Nhật Bản. Tương tự như vậy, thành phần đối xứng, vị trí trung tâm của những hình dạng biểu tượng, bảng màu hài hòa, và sự khéo léo tỉ mỉ — tất cả đặc điểm của phần lớn nghệ thuật Nhật Bản — thường là các yếu tố trong ngành đồ họa nước này.

Kamekura Yusaku là người dẫn đầu thế hệ thứ nhất của những nhà thiết kế đồ họa xuất hiện sau chiến tranh, tầm quan trọng của ông đối với cộng đồng thiết kế đồ họa mới nổi khiến ông nhận được biệt danh thân thương là “Sếp”. Chẳng hạn, áp phích đề xuất của ông (năm 1967) cho World Expo ’70 Nhật Bản diễn ra tại Osaka cho thấy năng lực của ông trong việc kết hợp những thử nghiệm hình thức hiện đại với nét hài hòa mang truyền thống Nhật Bản.

Áp phích đề xuất cho World Expo ’70 Nhật Bản tại Osaka, Kamekura Yusaku thiết kế, năm 1967.

Đối trọng với khuynh hướng hình thức trong hầu hết các thiết kế đồ họa Nhật Bản, một số nhà thiết kế người Nhật đã sử dụng các nguồn cảm hứng khác nhằm tìm đến cách tiếp cận riêng đối với những vấn đề truyền thông thị giác.

Sự mô tả bằng hình tượng từ các phương tiện truyền thông đại chúng đa dạng – bao gồm truyện tranh (manga), những bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng, và ảnh trên báo – cung cấp một vốn khái niệm dồi dào cho Yokoo Tadanori, người mà các tác phẩm bắt đầu từ thập niên 60 đã truyền cảm hứng cho một thế hệ những nhà thiết kế mới của Nhật. Trong áp phích và bìa tạp chí của mình, ông áp dụng nhiều kỹ thuật đương thời, như là dùng đến tranh vẽ viền nét thô để hạn chế những màn hình màu quang cơ. Ông làm việc theo lối Pop-art, nhưng lại sử dụng các hình ảnh đáng kính của người Nhật làm nguồn tư liệu, thay vì những hình ảnh đương thời thường thấy trong Pop art. Chẳng hạn, trong tấm áp phích quảng cáo các tác phẩm của nhà hát Noh (1969), ông sắp đặt những hình ảnh biểu tượng trên một cánh đồng xanh vàng sáng rực, kết hợp hình ảnh truyền thống với một chút bất thường đương thời. Qua thời gian, hiệu ứng dựng ảnh ngày càng quan trọng với Yokoo khi ông sáng tạo thiết kế của mình từ những yếu tố nhiếp ảnh và đồ họa chứa đầy sự chói sáng rực rỡ.

Một số thiết kế của Yokoo Tadanori.

Một ảo ảnh khác xuất hiện trong tác phẩm của Sato Koichi, người từ những năm 1970 đã thiết kế một biểu ngữ siêu hình, phi hiện thực. Ông vận dụng những màu trộn sáng dịu, nghệ thuật thư pháp đầy màu sắc cùng với những minh họa cách điệu nhằm tạo ra các biểu ngữ thị giác đậm chất thơ, vốn vô cùng đa dạng, từ yên bình trầm mặc cho đến hăng hái ngợi ca.

Kết quả hình ảnh cho Sato Koichi Design

Ví dụ, trong tấm áp phích (năm 1988) của ông cho một vở nhạc kịch – chuyển thể từ một bài hát thiếu nhi về bong bóng xà phòng – Sato đã kết hợp biểu đồ thiên văn và hình ảnh dấu tay phát sáng với ánh hào quang màu hoa oải hương và xanh da trời nhằm khơi gợi cảm giác về một không gian và bầu không khí chóng tàn. Những thiết kế như vậy đã đạt đến một cấp độ thi ca thị giác hiếm hoi.

Ảnh bìa: Keiichi Tanaami
Tác giả: Philip B. Meggs
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: Britannica

Cùng tác giả

#Tag

chiến tranh chủ nghĩa hiện đại design movements hậu chiến Nhật Bản lịch sử nghệ thuật lịch sử thiết kế nhật bản poster design thiết kế đồ họa thế kỷ 20

iDesign Must-try

Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Tất tần tật về quy trình tạo tác một chiếc mặt nạ Noh truyền thống của Nhật Bản
Noh là loại hình nghệ thuật sân khấu sớm nhất ở Nhật Bản và vẫn được biểu diễn cho đến ngày nay. Được phát triển vào thế kỷ 14, Noh…
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
‘Underground Library’ - Thư viện ngầm dành cho các mọt sách tại Nhật Bản
Những gò cỏ nhấp nhô ở Cánh đồng Kurkku đã ngụy trang thành một khu vực thiền định để đọc sách và nghỉ ngơi. Được khai trương vào tháng trước…
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật Phi thẩm mỹ
Nghệ thuật có thể xấu xí không? Chúng ta đang sống trong một thế giới xoanh quanh cái đẹp. Nghệ thuật là một hoạt động mang tầm quốc tế đồng…
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Những chiếc bánh mì phát sáng khó tin đến từ Yukiko Morita
Nghệ sĩ người Nhật Bản đồng thời là một cựu thợ làm bánh – Yukiko Morita đã đưa tình yêu bánh mì vào công việc sáng tạo của mình bằng…
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Heta-uma - Khi những bức tranh xấu mà lại đẹp
Vì sao heta-uma lại có nghĩa là 'xấu mà đẹp'? Phong cách thẩm mỹ này nhằm ám chỉ điều gì?
Định nghĩa của Nghệ thuật
Định nghĩa của Nghệ thuật
Có nhiều sản phẩm nghệ thuật trên khắp thế giới. Và cũng có nhiều thứ trên đời này không phải những tác phẩm nghệ thuật. Vậy làm sao để ta…