Calligrapher Đào Huy Hoàng: “Mình chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”

Có được niềm đam mê với con chữ ngay từ tấm bé nhờ những bài học đầu tiên từ ông nội, nghiệp vẽ chữ dường như là một cái duyên tiền định với Đào Huy Hoàng.

Xuất thân từ ngôi trường Ngoại thương, anh dự định rẽ bước sang thiết kế đồ họa, để rồi cuối cùng tìm thấy nơi mình thuộc về ở nghệ thuật viết chữ.

Đến nay, được biết đến như một người tiên phong trong nghệ thuật Calligraphy ở Việt Nam, Đào Huy Hoàng ghi dấu ấn của mình với nhiều niềm tự hào: tham gia thực hiện nhiều dự án cho các nhãn hàng quốc tế, tham gia nhóm thiết kế bìa sách của Barnes & Noble,… bên cạnh đó còn giảng dạy về Calligraphy cả trong và ngoài nước với nhiều cộng đồng đam mê bộ môn này trên thế giới, và là một nghệ nhân làm bút đầy tỉ mỉ và tinh tế.

Để đạt được những dấu ấn đó, phía sau cây bút và nét chữ của Đào Huy Hoàng là những gì? iDesign mời bạn cùng lắng nghe câu chuyện của một Calligrapher “chẳng có gì ngoài kiên nhẫn cả”.

Website | Youtube | Facebook | Instagram | Tumblr

Calligraphy dịch là thư pháp phương Tây thì không hoàn toàn chính xác, nên mình rất tránh dịch từ này sang tiếng Việt. Nó bao hàm rất rộng, gồm cả viết và trang trí (vẽ, dát vàng, khảm…) liên đới tới con chữ. Bên cạnh Calligraphy còn có nhiều thuật ngữ khác tương đương như penmanship, sribe, script, manuscript,… sử dụng khác nhau ở từng quốc gia (có ngôn ngữ khác nhau) và từng thời điểm lịch sử khác nhau.

Bản thân mình chủ yếu viết Calligraphy dưới ngôn ngữ khác, chủ yếu là tiếng Anh vì rất nhiều lí do, gồm cả việc tôn trọng nguồn gốc ra đời của Calligraphy, nghiên cứu nguyên bản chữ của nó một cách nghiêm túc. Tiếng Việt của chúng ta mặc dù có bộ chữ cái gần giống với bản gốc nhưng tuổi đời còn khá non trẻ. Hơn nữa bộ dấu trên dấu rất đặc biệt mà bản thân Calligraphy ở châu Âu không hề có. Một kiểu chữ Calligraphy thường phải mất hàng trăm năm để hoàn thiện cả về mặt design lẫn sử dụng mang đặc trưng văn hoá của nước đó. Vì vậy mình nghĩ Calligraphy bằng tiếng Việt cần thêm thời gian mới được định hình rõ nét.

Calligraphy trên thế giới phát triển ở châu Âu từ rất rất lâu rồi, kể từ chữ Roman đã có ít nhất 2000 năm lịch sử phát triển nên việc nghiên cứu Calligraphy vẫn được duy trì. Mình có biết rất nhiều Calligrapher nổi tiếng đến từ Anh, Italia, Thuỵ Điển, Bỉ, Nga, Đức vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy trên khắp thế giới.

Calligraphy ở Mỹ phát triển mạnh từ thế kỉ XVII và ở châu Á từ thế kỉ XX (đặc biệt sau chiến tranh). Nửa sau thế kỉ XX được coi là thời “Phục Hưng” của Calligraphy, khi máy tính cá nhân ra đời thúc đẩy sự phát triển của type design, có rất nhiều nhà thiết kế tìm lại nghiên cứu Calligraphy làm nền tảng.

Đầu những năm 2000 đến nay, Calligraphy trở nên phổ biến đại chúng hơn thông qua chia sẻ trên Internet và thực sự bùng nổ trở lại từ khi có Instagram.

Calligraphy ở Việt Nam thời điểm này phát triển khá nhanh, nhờ mạng lưới công nghệ thông tin hiện đại, mọi người biết đến nhiều hơn và cũng tìm tòi học hỏi dễ dàng hơn. So với mấy năm trước khi mình bắt đầu, nguồn nguyên liệu bút mực giấy đa dạng hơn rất rất nhiều – một lợi thế cho những người mới tập.

Nhìn chung Calligraphy phụ thuộc vào vật liệucon người.

Vật liệu bao gồm bút, mực và giấy. Tuỳ từng loại chữ, mục đích thể hiện khác nhau mà người viết chọn một chất liệu cụ thể. Ví dụ như giấy texture hay giấy trơn, mực loãng hay đặc, tối hay sáng màu, bút loại thân thuôn hay thân cong, v.v.

Còn yếu tố con người ở đây là con mắt nhân sinh quan và kinh nghiệm tôi luyện theo thời gian.

Các chất liệu khác nhau cho cảm giác rất khác nhau khi viết. Sự tiếp xúc của ngòi hoặc bút lông với giấy/da/vải toan, kết hợp với mực/màu tạo thành một tổ hợp vô tận kết hợp chất liệu. Hiện nay phổ biết nhất vẫn là viết trên giấy. Độ nhám của giấy kén ngòi sắc hay tù, rồi mực thành phần axit hay kiềm hay trung tính cũng ăn mòn ngòi theo cách khác nhau.

Từ bé ông nội mình đã dạy mình rất nhiều thứ liên quan đến làm thủ công, như là đóng sách, đánh vàng bạc trang sức, bốc thuốc, viết thư pháp chữ Hán, viết chữ đẹp trên lớp… ít nhiều ảnh hưởng đến thiên hướng tình yêu với chất liệu của mình. Mình cảm thấy thích thú hơn, tự tin hơn khi làm bằng tay so với nhìn chằm chằm căn ke trên màn hình máy tính. Vì vậy mình quyết định khá liều lĩnh là chuyển hướng sang Calligraphy thay vì Graphic Design.

Lúc đó vừa vui vừa lo! Vui vì mình được làm việc mà mình thích. Lo vì chẳng có ai làm việc như thế này ở Việt Nam cả, không chắc chắn lắm mình có thể duy trì theo đuổi lâu dài, rồi là kiếm thu nhập hay không.

Mình đã phải rất chật vật những ngày đầu, vừa tìm kiếm khách hàng vừa phải tự luyện trong khi không có thầy giáo nào kề bên chỉ bảo mình cả. Mọi thứ đều là video online, sách báo, hình ảnh tài liệu. Đến cả khi mình đi dạy cũng không ai biết đến, lớp học rất nhỏ lẻ.

Bạn biết đấy, làm công việc gì cũng cần phải có thu nhập để nuôi sống bản thân và đầu tư cho tương lai. Việc học đại học của mình giúp ích rất nhiều sau này, mình hiểu được cách thế giới vận hành, làm việc với khách hàng và hàng ngàn thứ không tên khác không phải công việc chính nhưng phục vụ cuộc sống của mình. Mình không hề hối tiếc khi quyết định rẽ hướng, mà trái lại mình cảm thấy rất may mắn và tự hào khi được học kinh tế ở Ngoại thương.

Cho tới thời điểm hiện tại, Calligraphy đã trao cho mình cơ hội được đi rất nhiều nơi, kết bạn mới khắp thế giới.

Trước kia khi mình mới bỡ ngỡ làm quen với Calligraphy, không thể tìm được các dụng cụ cần thiết ở Việt Nam mà mua ở nước ngoài thì quá đắt, mình đã bắt đầu tự gọt bút bằng tre mua ở trên phố Hàng Vải, gọt đũa, hoặc bẻ miếng vỏ lon để làm bút, chấm mực Queen để viết. Tất nhiên cảm giác viết lúc đó khá là tệ, nhưng có còn hơn không.

Đến năm 2013 mình bắt đầu đặt mua những cây bút đầu tiên, rất mắc! Ngoài ra thời điểm đó chỉ có một vài người làm bút tốt mà thôi. Mình bắt đầu nghĩ tại sao không tự tiện bút gỗ nhỉ, vừa giảm chi phí mua sắm vừa có một thú vui mới (mình vẫn đang học đại học nên chỉ coi tiện bút là thú vui lúc đó thôi). Càng về sau làm nhiều hơn mình càng hiểu ra ý nghĩa quan trọng của việc làm chủ công cụ nên mình đầu tư nhiều hơn cho xưởng bút của mình, tham vọng biến bản thân cây bút thành một tác phẩm thực thụ.

Làm bút cũng giống như tập viết, đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ cao độ. Chúng đều mất thời gian để đạt được sự tinh tế, càng có nhiều kinh nghiệm thì sản phẩm càng có “thần”. Và chúng đều không có tuổi nghỉ hưu nên mình biết rằng mình có thể tiếp tục sáng tạo cho đến cuối đời. Mình rất thích câu nói của Michelangelo: “An artist must have his measuring tools not in the hand, but in the eye”. Làm bút hay viết có đẹp hay không đều thông qua con mắt nhân sinh quan của người nghệ sĩ.

Mình bắt đầu đi dạy khoảng 3 năm trước, sau gần 3 năm tự tập luyện. Lúc đầu mình chỉ dạy cho bạn bè thôi, về sau khi mình nghiêm túc hơn theo đuổi công việc Calligraphy này thì mình mới chú tâm xây dựng nội dung dạy kĩ càng để truyền đạt cho mọi người. Mình còn tổ chức một số buổi nói chuyện miễn phí về lịch sử Calligraphy. Có lẽ là nhờ truyền thống là thầy trong gia đình, nên việc đi dạy đối với mình không có nhiều khó khăn lắm (cười).

Nhưng mình cũng từng gặp stress khá nặng khi bắt đầu đi dạy nước ngoài. Áp lực công việc lớn hơn tưởng tượng rất nhiều, khi mình phải tự lo các chuyến đi, lịch trình dạy, nội dung dạy, sắp xếp các công việc khác khi đi xa dài ngày. Đến địa điểm dạy mình phải nói và đứng liên tục 6-8 tiếng một ngày, tối đến có thể phải giao lưu với đối tác, 4-5 ngày liên tiếp. Có một thời gian công việc của mình bắt đầu lúc 8 giờ sáng và chỉ kết thúc lúc 3 giờ đêm. Mỗi lần như thế mình đều cảm thấy mệt mỏi, sụt cân và dễ cáu gắt. Thế mới biết theo đuổi đam mê không hề dễ dàng.

Sau đó mình có kinh nghiệm hơn, có một chị trợ lý bên Singapore hỗ trợ sắp xếp lịch trình nên có dễ thở hơn. Hiện tại mình giữ thói quen đều đặn ghi ra tất cả những gì cần làm để đảm bảo chắc chắn giữ đúng kế hoạch từng bước một.

Trong những nơi từng được đến và giảng dạy, nơi ấn tượng và thích thú nhất là nước Mỹ vì mình vừa được khám phá bản thân vừa được gặp rất nhiều bạn – học sinh mới. Khi dạy một số lớp ở Mỹ, con người ở đây nhìn chung vô cùng nhiệt huyết với bất kể thứ gì họ muốn học, họ đặt ra vô vàn câu hỏi đáng suy ngẫm mà mình, bản thân là người dạy, phải chuẩn bị rất kĩ càng và trau dồi bản thân hơn bao giờ hết trước khi đến lớp.

Mình may mắn được học từ những Calligraphy giỏi nhất mỗi lần bay sang. Mình thường dành ít nhất 1-2 tháng đi khắp nước Mỹ để gặp bạn bè và tìm nguồn cảm hứng từ việc đến thăm họ và xem cách họ làm việc.

Mình có định hướng 10 năm, 30 năm và 50 năm. Mình đang trên con đường tiến tới 10 năm đầu đời sự nghiệp, vẫn còn phải học tập rất nhiều để nâng cao trình độ bản thân.

Trong 5 năm tới mình hy vọng sẽ xuất bản một vài cuốn sách hướng dẫn viết nho nhỏ, tổ chức các đại hội Calligraphy ở Việt Nam và tiếp tục hoàn thiện kĩ năng viết – làm bút – sơn mài. Dài hơi hơn, mình rất muốn viết một cuốn sách mang tính nghiên cứu khi về già, có triển lãm chữ cá nhân ở Việt Nam và ở nước ngoài.

Mình rất muốn được nhìn thấy nhiều hơn các bạn trẻ theo đuổi Calligraphy, hãy giữ vững niềm tin, học tập nghiêm túc và “viết như chưa bao giờ được viết”.

Minh họa và thiết kế: Luongdoo
Biên tập: Chi
Ảnh trong bài do Đào Huy Hoàng cung cấp

Cùng tác giả

#Tag

artist Calligrapher calligraphy IAMPEATH iD interview idesign idesign signature Kiến thức vẽ chữ việt nam Đào Huy Hoàng

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
Hành trình đi cùng cảm xúc: Sách minh họa pop up dạy về trí thông minh cảm xúc cho trẻ chậm phát triển của Jenda Huỳnh
“Đối với trẻ nhỏ, cảm xúc thống trị tất cả các mặt trong hoạt động tâm lý của chúng. Sự chậm phát triển ở khía cạnh cảm xúc có thể…
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
Khi Poker và Xí ngầu phối kết, cùng nhắn gửi thông điệp ‘đừng ngại mạo hiểm’ trong bộ Lumina Dice Poker của nhà Maztermind
“Lumina Dice Poker là thành phẩm được đúc kết sau 2 năm thử nghiệm với 20 công thức màu resin, hơn 20 mẫu phôi và rất nhiều bộ khuôn.” Theo…