Shaun Tan và những lời khuyên cho họa sĩ minh họa mới vào nghề

Shaun Tan là một họa sĩ minh họa người Úc, nổi tiếng với những sách minh họa chủ đề lịch sử, xã hội và chính trị với những hình ảnh siêu thực và giàu trí tưởng tượng. Điển hình: The Rabbits, The Red Tree, The Arrival, Rules of Summer. Shaun còn là concept artist cho phim hoạt hình WALL-E, đạo diễn phim The Lost Thing giành được Academy Awards.

Bài viết là những lời khuyên về công việc minh họa, được Shaun đúc kết từ kinh nghiệm của mình.

Minh họa từ sách tranh “The Rabbits”

Thử thách bản thân

Hãy yêu thích việc bạn làm, xem nó như niềm vui hơn là nghĩa vụ. Tôi luôn cố gắng làm việc vượt cả kỳ vọng và yêu cầu của khách hàng. Mỗi công việc là một trải nghiệm độc nhất và đều nên có yếu tố đột phá hay thử thách. Theo tôi đây chính là “làm hết sức”: cố gắng hơn một chút so với khả năng tốt nhất của bạn.

Điều này lý giải cho thành công của tôi trong lĩnh vực sách tranh. Ngay từ đầu tôi đã hứng thú với thử thách bản thân, thay vì đi theo hướng an toàn hoặc “phù hợp” dựa trên mức phí đề ra.

Những tác giả truyền cảm hứng cho tôi đều tự tạo ra những vấn đề nghệ thuật để khám phá, đầu tư nhiều thời gian mà nhận lại đồng lương thấp và đôi khi đến được với rất ít độc giả. Nhưng chẳng sao cả: tôi quan tâm nhiều hơn đến cơ hội thử nghiệm mà những công việc thương mại lớn không thể đem lại, khi mà thu nhập cao đồng nghĩa với việc ít có tự do sáng tạo hơn.

Một họa sĩ giỏi thì luôn phải học, cho dù ở thời điểm tự tin nhất vẫn không cho mình là một bậc thầy. Họ mãi cố gắng rèn luyện ngón nghề của mình một cách khiêm tốn nhất. Những tác phẩm nguyên bản và khác lạ đều từ đó mà ra, không chạy theo thị hiếu hoặc mong muốn thành công theo lối thông thường.

 

Hãy linh hoạt

Chạy theo thị hiếu là cần thiết để kiếm sống. Kinh tế vững vàng và kiếm tiền là mặt song song với sáng tạo. Tôi nghĩ đây là phần khó nhất để đưa ra lời khuyên đơn giản bởi có vô số môi trường làm việc: xuất bản, quảng cáo, minh họa, thiết kế phim, hoạt hình, sân khấu, hội họa, game,… Hầu hết họa sĩ sẽ làm việc với một vài mảng nêu trên, nhất là trong môi trường kỹ thuật số đa phương tiện. Vì thế, sự linh hoạt đóng vai trò lớn. Nhưng không có nghĩa bạn chỉ thành thạo những phong cách và chất liệu đã biết, mà còn với những thứ chưa biết nữa – bạn cần biết học hỏi và thích nghi, giữ đầu óc rộng mở và đa dạng.

 

Hãy chuyên nghiệp

Nguyên tắc linh hoạt cũng áp dụng khi làm việc với người khác, bởi hầu như tất cả các việc thương mại đều mang tính hợp tác. Hãy là một người đáng tin cậy và dễ dàng để làm việc cùng. Đây là lý do chính khiến khách hàng quay lại với bạn, và hầu hết những dự án đầu tiên tôi làm đều được người khác giới thiệu. Trước đó tôi vẽ cho nhiều tạp chí nhỏ lợi nhuận thấp, nhưng cũng đáng công bởi nó thể hiện sự nhiệt tình làm việc một cách đáng tin và sáng tạo.

 

Giao tiếp tốt

Giao tiếp rất quan trọng dù phần lớn thời gian bạn làm việc cá nhân. Cần biết cách viết và nói về tất cả những gì bạn tạo ra một cách rõ ràng rành mạch để người khác hiểu được ý tưởng của bạn, đặc biệt là những cái không thể thấy ngay được, nhất là với những ai không phải họa sĩ. Sự đồng cảm và kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua những trường hợp căng thẳng. Nên sẵn sàng thảo luận, kiểm tra lại và thương lượng, nhưng vẫn giữ vững lập trường nghệ thuật của bạn. Cũng nên chú ý là họa sĩ và nhà xuất bản nên hiểu về phương châm và tiêu chuẩn của nhau.

Shaun cũng vẽ nhiều tranh phong cảnh. ‘Fighting Crows’ 1998, 50 x 70cm

Có những sở thích đa dạng

Với một họa sĩ, thông thạo kỹ thuật dĩ nhiên là cốt yếu.Tuy nhiên đây chỉ là công cụ để hiện thực hóa ý tưởng: cần thiết nhưng không bao giờ là đủ. Không có trí tưởng tượng thì phô diễn kỹ năng cũng chỉ có vậy thôi – và phong cách chỉ thú vị khi được nội dung hỗ trợ.

Có hứng thú với mọi thể loại nghệ thuật, và nắm bắt lịch sử và một số lý thuyết mỹ thuật, cả quá khứ lẫn đương đại, sẽ thực sự thúc đẩy lối suy nghĩ của bạn. Hãy hiểu mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Tôi từng lo rằng học phê bình nghệ thuật là một lựa chọn sai lầm (lúc đó tôi không biết sẽ làm nghề gì), nhưng thật ra nó giúp ích rất nhiều. Phát triển sự nhạy cảm và vốn hình ảnh trực quan nghĩa là bạn có thể giải quyết nhiều dự án khác nhau bằng những giải pháp nguyên bản.

 

Đừng nản chí!

Chỉ cần bạn đang làm bất cứ điều gì, cho dù không thành công, thì bạn cũng không hề lãng phí thời gian. Ví dụ như mọi dự án đều có một kiểu khủng hoảng gây mất tự tin nào đó; tôi thường đo sự thành công của một dự án bắng số lượng các cuộc khủng hoảng như thế. Tôi sẽ bắt đầu nghi ngờ nếu mọi thứ quá suôn sẻ. Ý tưởng không thật sự có giá trị nếu nó chưa được chuyển thành sự lao động cật lực.

Hãy học cách phê bình. Tất cả những nhà sáng tạo giỏi đều trải qua nhiều giai đoạn thất vọng với những gì mình làm hoặc không làm được. Điều này hoàn toàn bình thường. Hãy cứ tiếp tục nếu bạn muốn vượt qua nó. Bạn cũng sẽ không biết rằng mình có thất bại hay không nếu công việc dở dang, cho nên mục tiêu của bạn luôn luôn nên là, hãy hoàn thành nó. Mỗi thành công, bất kể chất lượng, đều xây dựng sự tự tin, và tự tin chính là chìa khóa. Cũng nên biết cách bảo vệ sự tự tin đó, đừng làm mồi cho những phê bình không phù hợp.

Vẽ, vẽ, vẽ và vẽ nhiều hơn nữa

Lời khuyên cuối cùng: bạn thực sự cần học cách vẽ thật tốt. Nó là nền tảng giá trị mà bạn sẽ luôn dùng đến. Vẽ không chỉ là dùng bút chì chính xác, mà còn là cách quan sát. Vẽ tốt là một kỹ năng trường tồn với thời gian. Cả sự nghiệp của tôi phụ thuộc vào khả năng vẽ, suy nghĩ hiệu quả chỉ với một vài nét chì đơn giản. Mọi kỹ năng khác, từ tranh sơn dầu đến hoạt hình đồ họa trên máy tính, đều phát triển từ nền tảng này.

 

Mẹo để được xuất bản

Những người in sách thành công là người biết đặt mình vào vị thế của nhà xuất bản. Nhà xuất bản cũng là một doanh nghiệp – họ không tồn tại để bạn tự do thể hiện bản thân. Một cuốn sách tranh có tiềm năng nếu không đạt những tiêu chí họ theo đuổi, nhiều khả năng sẽ bị từ chối.

Hãy lưu ý đến “văn hóa” minh họa trong mọi thể loại. Cách tốt nhất là tìm hiểu những tác phẩm đoạt giải gần đây, và tìm ra điểm chung của chúng. Nhận biết xu hướng, nhưng đừng bắt chước. Thay vào đó, tìm ra giao điểm giữa bạn và những cuốn sách đã xuất bản thành công.

Bạn sẽ đạt được nhiều thứ với một website và folio xuất sắc. Cả hai thứ này tôi làm khá đơn giản, chỉ trình bày những tác phẩm chất lượng cao nhất. Một folio tốt chỉ cần khoảng 12 tác phẩm – hãy chọn thật kỹ, nhất là khi bạn thuyết trình trực tiếp. Chúng nên thể hiện kỹ thuật và sự đa dạng, màu và trắng đen, và đặc biệt những gì tôn lên dáng người là điều mà nhà biên tập thường tìm kiếm.

Nếu có thể, nên sắp xếp một cuộc họp trực tiếp với biên tập viên hoặc giám đốc mỹ thuật. Thành công của một họa sĩ liên quan nhiều đến các mối quan hệ thân mật. Nhưng đừng tin khi ai nói “quan trọng không phải là bạn biết gì, mà là bạn biết ai” – cả hai đều cần thiết nhưng những gì bạn biết quan trọng hơn người bạn quen rất nhiều.

Và cuối cùng, chúc may mắn. Nhưng đừng chờ đợi điều đó, hãy tự tạo ra nó đi!

 

Cùng tác giả

#Tag

advice illustration picture books shaun tan tips

iDesign Must-try

Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Chú mèo trong ‘khu vườn chữa lành’ của zzoya
Bắt đầu với suy nghĩ vẽ ra những điều mình thích, zzoya đã dần lan tỏa một nguồn năng lượng đáng yêu đến những khán giả của mình. Có thể…
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Ngắm Rồng Việt qua nét vẽ của artist Việt
Đến hẹn lại lên, thời khắc chuyển giao năm cũ, chào đón năm mới là dịp để các artist Việt tham gia vào cuộc chơi “Vẽ linh vật của năm”.…
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Minh họa sách thiếu nhi trong trẻo của Mark Janssen
Mark Janssen là một họa sĩ minh họa xuất thân tại học tại Học viện Nghệ thuật ở Maastricht, Hà Lan. Sau khi tốt nghiệp năm 1997, ông vẽ minh…
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như Cô bé người cá Ponyo, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài bay của…
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Những ngôi nhà nhuốm màu thời gian của họa sỹ Francisco Fonseca
Francisco Fonseca là một nghệ sĩ đường phố và họa sĩ minh họa sống ở Porto, Bồ Đào Nha. Bị mê hoặc bởi những kiến trúc nhuốm màu thời gian…
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Minh họa ‘Vũ Trụ Cò Bay’ của Phương Mỹ Chi: Cái khó ở chỗ điều tiết sự tham lam khi khai thác chất liệu 
Ngày 18/09 vừa qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi chính thức công bố album mới mang tên “Vũ Trụ Cò Bay”, đánh dấu chặng đường 10 năm ca hát của…