/viết một tay/ Nghệ thuật dưới uy quyền của nhà bảo trợ


Bài viết bởi Thủy Mẫn, hiện đang là sinh viên theo học chuyên ngành thiết kế đồ họa tại Monster Lab, với đam mê viết và nghiên cứu về nghệ thuật thị giác.


Master – danh hiệu của những bậc thầy nghệ thuật với tài năng xuất chúng, kỹ thuật đỉnh cao, họ sáng tác ra những kiệt tác nổi tiếng thế giới mà đến nay chúng ta vẫn phải trầm trồ. Đó là danh hiệu mà chúng ta dành cho những nghệ sĩ vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Jan van Eyck hay Caravaggio,…

Tài năng là vậy, nổi tiếng là vậy, nhưng ít ai biết rằng Michelangelo từng bị ép đảm nhiệm xây dựng nhà thờ thánh Peter, từng chạy trốn khỏi Florence vì sợ mất mạng, hay Caravaggio đã vẽ bức “Salome Với Cái Đầu Của John The Baptist” với hình ảnh là chiếc đầu của chính mình nằm trên đĩa và gửi tặng cho Alof de Wignacourt với mong muốn nhận sự ân xá. Dù là những thiên tài nghệ thuật nhưng sự nghiệp thậm chí là cả tính mạng của họ lại nằm trong tay người khác, những người không chỉ nắm giữ tiền bạc mà còn là quyền lực, chính trị.

Salome với cái đầu của John the Baptist (1609) bởi Caravaggio

Trong suốt thời Trung Cổ cho tới Khai Sáng, xã hội phương Tây được cai trị bởi Giới Tinh Hoa (Elite) gồm nhà thờ, hoàng gia và quý tộc, ngoài quyền lực về chính trị họ cũng là những người nắm trong tay rất nhiều đất đai, của cải. Một phần tài sản đồ sộ ấy được họ đầu tư cho nghệ thuật để tạo ra những công trình, kiệt tác vĩ đại, như nhà thờ, tượng, phù điêu, tranh, bích họa… Họ là những nhà bảo trợ, người nắm giữ vai trò quan trọng, nuôi sống nghệ sĩ và phát triển nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ.

Trong hệ thống xã hội cũ, nghệ sĩ được sinh ra với vai trò là người thợ thủ công chịu trách nhiệm sản xuất, chế tác giống như thợ rèn, thợ mộc. Họ hoạt động như một xưởng sản xuất với người đứng đầu là Master, cùng những trợ lý, thợ và người học việc. Khi một người muốn đặt hàng, họ sẽ gửi đơn đặt hàng cho một nghệ sĩ cụ thể mà họ muốn, đi kèm đó là một hợp đồng gồm những điều khoản, thời hạn và cả mức phạt nếu vi phạm hợp đồng. Năm 1258, Duccio được ủy nhiệm bởi nhà thờ Sta. Maria Novella vẽ một bức tranh về đức mẹ đồng trinh và chúa hài đồng, trong hợp đồng ghi rõ ông sẽ được trả số tiền là 150 florins khi hoàn thành nhưng bức tranh ấy phải là “bức tranh đẹp nhất”, phải có viền bằng vàng và nếu không đạt yêu cầu Duccio sẽ không được trả thù lao.

Ngoài ra, trong một hợp đồng nhà bảo trợ sẽ liệt kê cụ thể những yêu cầu cho tác phẩm từ kích thước, những loại chất liệu phải sử dụng, cho tới hình ảnh, nội dung chi tiết, bởi họ là người trả tiền vậy nên họ được quyền chỉ định họa sĩ vẽ gì và không vẽ gì. Nhiều trường hợp người bảo trợ muốn mình xuất hiện trong tranh như một cách để nhắc nhở rằng ai là người đã trả tiền cho bức tranh này, với những bức tranh tôn giáo còn là một cách thể hiện lòng sùng kính, mộ đạo với đức chúa trời.

Tranh của Jan van Eyck vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Hài Đồng, bên phải là Canon van der Paele – nhà bảo trợ

Ngoài hình thức ủy nhiệm một nghệ sĩ cụ thể, người bảo trợ cũng có thể tổ chức các cuộc thi nhằm chọn ra người giỏi nhất để thực hiện tác phẩm của mình. Trong một công trình lớn người ta có thể tổ chức nhiều cuộc thi cho nhiều hạng mục khác nhau trong cùng công trình ấy, như kiến trúc tổng thể, những bức phù điêu, bích họa quan trọng, mỗi hạng mục, thậm chí là mỗi bức tranh/điêu khắc đều có thể là một cuộc thi. Và trong công trình ấy không chỉ là một người đảm nhiệm từ khi bắt đầu tới kết thúc mà có thể là nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ.

Đầu thế kỷ 16, giáo hoàng Julius II lên kế hoạch xây dựng nhà thờ thánh Peter và mở cuộc thi nhằm chọn ra người giỏi nhất để đảm nhiệm vị trí kiến trúc sư. Nhiều bản vẽ được gửi tới và người cuối cùng được chọn là Donato Bramante với thiết kế dựa trên cây thánh giá Hy Lạp. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 1506 nhưng tới 1514 thì Bramante qua đời và được thay thế bởi Raphael nhưng rồi 6 năm sau Raphael cũng chết ở tuổi 37, sau khi qua tay thêm vài kiến trúc sư khác tới năm 1547 giáo hoàng Paul III chọn Michelangelo phụ trách xây dựng nhà thờ. Dù Michelangelo không muốn đảm nhận công trình này nhưng đó là quyết định của giáo hoàng nên ông không thể không nghe theo: “Tôi làm việc này chỉ vì tình yêu với Chúa và lòng tôn kính của một tông đồ” – Michelangelo viết.

Cuộc đời Michelangelo nhận được nhiều lợi ích cho danh tiếng và tiền bạc nhờ các nhà bảo trợ, thế nhưng ông có vẻ không phải người dễ bị thu phục. Năm 1527 người dân Florence lật đổ gia đình Medici – gia đình thống trị Florence lúc bấy giờ, dù nhà Medici là nhà bảo trợ nghệ thuật của Michelangelo trong suốt một thời gian dài nhưng để ủng hộ chế độ cộng hòa ông quyết chống lại Medici. Không may sao, 3 năm sau nhà Medici đã khôi phục lại quyền lực với Alessandro Medici trở thành Công Tước đầu tiên của Florence, trước tình hình như vậy lo sợ sẽ bị trả thù Michelangelo chạy khỏi Florence và tới Rome.

Lorenzo de’ Medici Và Những Nghệ Sĩ Của Ngài Trong Nhà Điêu Khắc (1635) bởi Ottavio Vannini

Medici là một gia đình quyền lực ở Florence, sở hữu ngân hàng lớn nhất Châu Âu vào thế kỷ 15, đã sinh ra 4 vị giáo hoàng, 2 nữ hoàng của Pháp, cùng với những danh hiệu Công Tước, Đại Công Tước trong nhiều đời. Nhà Medici cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật Phục Hưng bởi họ là nhà bảo trợ nghệ thuật lớn trong suốt nhiều thế hệ, là nhà bảo trợ của rất nhiều nghệ sĩ không chỉ là Michelangelo mà còn cả Leonardo da Vinci, Filippo Brunelleschi, Fra Angelico và nhiều nghệ sĩ khác. 

Nhà Medici đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật Phục Hưng, họ đã chi tiền để xây dựng nhà thờ San Lorenzo, bảo tàng Uffizi, công viên Boboli hay những công trình cá nhân như nhà thờ Medici, cung điện Palazzo Medici,… Và tương tự, chúng ta cũng có những gia đình quyền lực khác như nhà Sforza, nhà Montefeltro, nhà Gonzaga,.. đều là những gia đình chi nhiều tiền cho bảo trợ nghệ thuật. Sự đóng góp của họ đối với công trình công cộng sẽ được coi là một cách để xây dựng cộng đồng, đồng thời nó cũng là cách họ tuyên bố về sự giàu có và địa vị của mình.

Khi nghệ thuật dường như là thứ độc quyền của những người nắm giữ của cải, quyền lực thì ắt hẳn nó sẽ trở thành một thứ phô trương cho chính địa vị của họ. Nhà bảo trợ càng chi nhiều tiền thì càng được coi là khách hàng lớn và tác phẩm càng đồ sộ, càng xa hoa thì càng chứng minh cho uy thế của người sở hữu nó.

Bên trong cung điện Palazzo Medici của nhà Medici

Đặc biệt khi bước vào thời Phục Hưng với sự quay lại của chủ nghĩa nhân văn giúp cho vai trò của nghệ sĩ gia tăng, họ không còn chỉ là thợ thủ công mà còn là thiên tài, nhà tri thức, nhà phát minh. Điều này đồng nghĩa với việc sở hữu nghệ thuật là sở hữu một thứ gì đó tinh túy và giá trị của nghệ thuật đã không chỉ là cái đẹp mà còn là ở danh tiếng của người nghệ sĩ tạo ra nó. Vậy nên việc sở hữu những tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng là một cách để thể hiện đẳng cấp xã hội. 

“Tôi muốn sở hữu một tác phẩm tuyệt vời của ngài bởi cả vì danh tiếng của ngài lẫn sự mến mộ của tôi” – Thư của Annibal Caro gửi cho họa sĩ Giorgio Vasari.

Bởi sự thay đổi về định nghĩa và giá trị của nghệ sĩ mà từ đó nghệ sĩ có tiếng nói hơn, có vị thế hơn trong xã hội, điều này cho phép họ có nhiều quyền lợi hơn nhưng cũng đồng thời là thứ để họ có thể mang ra kênh kiệu.

Caravaggio là họa sĩ nổi tiếng nhất ở Rome khoảng những đầu thế kỷ 17 nhưng cũng là người đã ra tù vào tội bởi tính khí nóng nảy và thích ẩu đả. Cao ngạo, nóng nảy và luôn sẵn sàng khiêu khích, từng đi tù khoảng một năm vì ẩu đả với một quý tộc năm 1600 nhưng sau khi ra tù ông vẫn tiếp tục chứng nào tật nấy. Bị kiện vì tội phỉ báng, bị quản thúc tại gia, bị bắt vì tàng trữ vũ khí và xúc phạm lính canh, thậm chí đã bị kết án chặt đầu vì giết người và phải chạy trốn khỏi Rome. 

Những cuộc ẩu đả, những bản án kéo dài suốt trong cả sự nghiệp của mình thế nhưng vì sự ân sủng của những nhà bảo trợ, họ dùng quyền lực của mình để bưng bít sự việc giúp Caravaggio thoát tội hết lần này tới lần khác. Theo ghi chép, Caravaggio đã vẽ bức “Salome Với Cái Đầu Của John The Baptist” và bức “David Với Cái Đầu Của Goliath” với hình ảnh là chính đầu của mình bị cắt rời, được gửi tới nhà quý tộc Alof de Wignacourt và hồng y Scipione Borghese như lời cầu xin ân xá cho tội lỗi của mình.

Death of Ophelia (1921) bởi Friedrich Wilhelm Theodor Heyser

Như ta có thể thấy, suốt chiều dài lịch sử những nhà bảo trợ nghệ thuật không chỉ là những người giàu có họ còn là những người đầy quyền lực, và mối quan hệ giữa nhà bảo trợ với nghệ sĩ không chỉ là sự ràng buộc về tiền bạc hay hợp đồng, nó còn là sự ràng buộc về chính trị, tôn giáo. Và dẫu Master là những thiên tài, những kẻ xuất chúng nhưng cuối cùng họ vẫn là con người như chúng ta, với cuộc đời trầm bỏng bị xoay vần bởi xã hội, chính trị đương thời.

Bài viết: Thủy Mẫn


Bài viết được đăng tải trên group Maybe This Art Should Be Known – Không gian nói và bàn luận cho bất cứ ai yêu nghệ thuật/sáng tạo.


/viết một tay/ là chuyên mục cùng chấp bút dành cho bạn đọc của iD, nhằm trở thành nơi để bạn có thể chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Gửi bài viết về [email protected] hoặc tham gia nhóm Maybe This Art Should Be Known

Cùng tác giả

#Tag

art duccio Euro legacy Michelangelo painting renaissance Thủy Mẫn viết một tay

iDesign Must-try

Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Dẫu là nhật ký hay tư liệu, Iva Mikles cũng đều tạo nên những trang chia sẻ đáng yêu
Với mong muốn chia sẻ tất thảy những gì mình biết về nghệ thuật và sáng tạo, để mọi người được truyền cảm hứng và tạo nên những điều xinh…
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Chú ếch tròn ủm cùng các động tác yoga dẻo dai của Ding Hu
Với tạo hình mũm mĩm, chú ếch của Ding Hu tự tin thả dáng với nhiều động tác yoga, từ cơ bản đến khó nhằn. Tuy thoạt nhìn, các khung…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Sự khác nhau giữa Nghệ thuật và Design
Điều gì giúp phân tách Nghệ thuật và Thiết kế là một câu hỏi phức tạp và được tranh luận sôi nổi bấy nay. Nghệ sĩ và designer đều tạo…
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Vai trò của Nghệ thuật trong Thiết kế sản phẩm
Khi một nhà thiết kế bắt đầu làm việc, họ biết trước những gì mình phải đạt được. Họ được thúc đẩy bởi một mục tiêu, một kế hoạch, một…
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Điêu khắc gia JAGO - Michelangelo của nghệ thuật đương đại
Michelangelo được biết đến là nghệ sĩ nổi tiếng và đa tài của thế kỷ 16, ông là bậc thầy nghệ thuật với các kiệt tác điêu khắc vượt thời…