Hình khối 3D - Bí quyết thổi hồn vào nhân vật hoạt hình

Bạn có khả năng vẽ tranh hoạt hình, nhưng hình như vẫn thấy thiếu thiếu gì đó? Nhìn chúng thật kỳ quặc và thiếu tự nhiên, không giống như những thứ mà bạn thấy trên phim hoạt hình hoặc truyện tranh mà bạn yêu thích!?

Bạn có nhận ra điểm thiếu sót của mình là gì không? Điều bạn cần làm là gì? Bạn muốn tranh hoạt hình của mình trông “chất” hơn? Tranh hoạt hình với các “chiều không gian” chính là thứ bạn cần, là thứ sẽ tôn lên kỹ năng vẽ phối cảnh của bạn. Điểm mấu chốt ở đây chính là tạo ra được những môi trường không gian ba chiều (3D), kế đến là đặt những nhân vật 3D vào trong đó. Vấn đề là bạn nên bắt đầu từ đâu đây?

À, bạn sẽ bắt đầu từ bài viết này chứ từ đâu nữa! Hiện tại bạn đã biết về đường nét (line) và hình phẳng (flat shape), đây là lúc vận dụng kiến thức để tạo thêm một chiều không gian nữa.

Để bắt đầu, lúc này bạn cần làm quen với việc sử dụng mảng 3D. Đây là thứ bạn cần biết để việc vẽ nhân vật đạt tới cấp độ tiếp theo. Trong bài học sau đây, bạn sẽ học được bốn dạng khối cơ bản có thể được tuỳ biến để tạo ra kết cấu cho hầu hết tranh hoạt hình. Thậm chí bốn dạng khối này có thể sử dụng được trong hội hoạ hằng ngày. Cuối cùng chúng ta sẽ làm quen với kiến thức cần biết để tranh của bạn trông chuyên nghiệp hơn.

Bắt đầu nào!

Khối 3D – Chất kết dính cho mọi yếu tố

Nếu việc vẽ giống như viết chữ, khi đường nét là A, B, C,…; hình dạng là từ; thì khối 3D như một câu hoàn chỉnh vậy. Để có thể thật sự truyền đạt những gì bạn muốn theo cách rõ ràng nhất, bạn cần học cách vẽ khối 3D.

Có 4 dạng khối, mà khi kết hợp lại sẽ tạo thành một bức tranh 3D:

  • Hình cầu (Sphere)
  • Hình trụ (Cylinder)
  • Hình hộp (Cube)
  • Hình lăng trụ tam giác (Wedge)

Hầu hết mỗi mảng 3D cơ bản có thể được đưa vào chiều không gian để trở thành một trong bốn dạng khối nêu trên. Hãy nhớ rằng, ảo ảnh không gian chỉ đơn giản là một ảo ảnh. Bạn không vẽ những khối 3D, mà bạn đang vẽ những mảng phẳng lên một tờ giấy.

Điều đó không có nghĩa là bạn không thể đánh lừa thị giác người nhìn – khiến họ tin rằng họ đang nhìn vào thứ gì đó thật sự có chiều sâu. Tốt nhất hãy bắt đầu suy nghĩ về bức tranh của bạn như một thiết kế đồ họa phẳng mà bạn có thể thêm chiều không gian vào nó. Điều này sẽ làm cho những bức tranh của bạn trông bắt mắt hơn về lâu dài.

Mọi thứ bạn nhìn thấy và vẽ được đều có thể được chia ra thành bốn loại khối đã nêu trên. Tuy nhiên, đôi lúc sẽ có những hình là kết hợp phức tạp của các loại khối. Đây là lý do vì sao học cách vẽ chúng là việc vô cùng quan trọng. Hãy cùng tìm hiểu về bốn loại khối này và xem cách chúng được phát triển nên từ những mảng đồ họa phẳng:

Hình cầu (Sphere) – loại này khá dễ hiểu, những hình tròn và hình elip được thêm chiều không gian và trở thành hình cầu hoặc hình cầu biến thể. Hình cầu có thể sử dụng linh hoạt nhưng cũng có phần rắc rối. Nó không có góc cạnh nên sẽ gây khó khăn trong việc xác định hướng. Bạn có thể định hướng bằng cách xác định bán kính của bề mặt ngoài hình cầu.

Vẽ hình cầu theo cách truyền thống bằng cách vẽ đường kính ngang qua đường tròn theo chiều dọc và chiều ngang bắt chéo nhau để bạn có thể nhìn rõ chiều không gian của hình cầu.

 

Hình trụ (Cylinder) – Hình vuông và hình vuông biến thể cũng có thể tạo nên hình trụ. Tất cả tùy thuộc vào ý muốn của bạn. Chọn hướng cho hình trụ và thêm những nét tròn để củng cố thêm hướng đó. Hình trụ có thể được xem là dạng khối tiện dụng nhất trong quá trình vẽ sơ bộ. Nó tiện dụng khi bạn không muốn dính đến tiểu tiết. Hình trụ rất lý tưởng để vẽ những khối tự nhiên dài và xác định cử chỉ, nhịp điệu.

 

Hình hộp (Cube) – Hình hộp và hình hộp biến thể được tạo ra từ những hình vuông và chữ nhật. Đây được xem là loại khối hữu dụng nhất. Hình hộp là khối dễ nhất để tạo ra ảo ảnh các chiều không gian. Vì vậy, hình hộp cũng được dùng để làm rõ nét hơn các hình phối cảnh của các dạng khối không có góc cạnh, như hình cầu, hình cầu biến thể và hình trụ.

Điều này được thực hiện bằng cách chỉ đơn giản vẽ hình hộp xung quanh các dạng khối không góc cạnh. Mỗi khi bạn không chắc về chiều không gian của các dạng khối không góc cạnh, hãy chuyển đổi nó thành hình hộp hoặc hình hộp biến thể.

Hạn chế của hình khối là nó trông nó khá cứng nhắc và thiếu tính tự nhiên.

 

Hình lăng trụ tam giác (Wedge) – Thường được tạo ra từ cả hình hộp và hình tam giác, tùy vào ý định của người vẽ. Hình lăng trụ tam giác cơ bản là hình hộp, bị cắt chéo còn một nửa qua hai góc của nó.

Thông thường, hình lăng trụ tam giác được kết hợp với những dạng khối khác phía trên để tạo thành một khối đa hợp phức tạp. Bạn sẽ bất ngờ khi biết dạng khối này tiện dụng ra sao.

Bạn phải thành thạo các khối trên, sau đó mới có thể kết hợp chúng thành những dạng khối đa hợp phức tạp giúp tranh của bạn trông thực và tự nhiên hơn.

Sử dụng những hình khối trên như thế nào cho hiệu quả? 

Hãy xem chúng ta có thể làm được những gì với những dạng khối cơ bản này.

Vào những năm 1920, rất nhiều tranh hoạt hình được vẽ chỉ với hai trong số các dạng khối cơ bản: hình cầu hình trụ. Kết quả là các tác phẩm trông như thế này:

Đây là bản vẽ phác của tôi để bạn có thể hình dung ra những hình tròn và hình trụ tôi đã sử dụng:

Ngày nay với những game điện tử được cách điệu hóa, như Minecraft hoặc game điện tử Lego, ta có dễ dàng bắt gặp những nhân vật hoạt hình do các khối tạo thành. Kiểu như thế này:

Nếu bạn đang vẽ tranh phong cảnh, bạn cũng có thể dùng các dạng khối để vẽ những vật thể như bụi rậm hoặc cây cối từ những dạng khối cơ bản:

Đây là bản vẽ phác của tôi để bạn có thể thấy những khối hình trụ và hình tròn rõ hơn:

Như bạn đã thấy, những dạng khối này có thể được sử dụng rất linh hoạt.

Bài tập cho bạn đây:

Được rồi, bây giờ chúng ta đã biết tầm quan trọng của các dạng khối trên, đây là lúc để bạn tự thực hành. Thay vì chỉ đơn giản vẽ những hình cầu, hình hộp và các thứ khác, tôi nghĩ sẽ thú vị hơn khi vẽ một cái gì đó thật tuyệt để thể hiện nỗ lực của bạn. Bắt đầu nào:

Vẽ hình cầu

Hình cầu thường được dùng như nền tảng để vẽ phần đầu của nhân vật. Vì vậy, tại sao lại không bắt đầu bằng việc lấp đầy trang giấy với những hình vẽ đầu nhân vật nhỉ?

  • Đơn giản vẽ một hình tròn đơn hoặc hình tròn biến thể;
  • Vẽ những nét đường tròn cắt qua những hình tròn, để tạo nên hình cầu;
  • Trục XZ là đường vẽ mắt. Là nơi bạn đặt đôi mắt lên;
  • Trục YZ là đường bạn vẽ mũi và chỉ hướng mặt của nhân vật.

Chỉ vẽ những đốm chấm cho đôi mắt và một hình cầu nhỏ khác cho cái mũi. Tự do sáng tạo cùng với sự bố trí của trục XZ sẽ rất tốt cho bạn đấy. Nó không bắt buộc phải nằm ở ngay trung tâm. Bên cạnh đó, thoả sức mày mò việc định hướng của những hình cầu đi nào.

Chỉnh tờ giấy để bạn có thể nhìn những cái đầu theo chiều xuôi, chiều ngược, thấy được ¾, v.v

Tờ giấy bạn vẽ những cái đầu hoạt hình nên trông như thế này này:

Vẽ đầu như trên có thể gặp ít trục trặc khi mới bắt đầu. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy vẽ đơn giản thôi. Đừng quá cầu kỳ. Chỉ đơn giản vẽ một hình cầu tròn trịa và đặt mọi thứ vào trung tâm. Từ từ bạn sẽ vẽ được những cái đầu phức tạp hơn.

Quan trọng hơn hết là bạn phải cảm thấy vui khi làm tất cả những việc trên nhé.

Vẽ hình trụ

Đây là lúc để thêm yếu tố mới. Để khởi động, hãy vẽ gì đó đơn giản thôi.

  • Vẽ hình cầu rồi thêm vào những nét đường tròn
  • Sau đó gắn một hình trụ vào ngay bên dưới hình cầu. Để tạo nên phần cổ.
  • Từ bây giờ, hãy vẽ xuyên qua các khối, thử tưởng tượng rằng chúng là những khối trong suốt. Đồng thời trên các hình trụ, vẽ thêm những nét đường tròn theo chiều dài hình trụ để bạn có thể thấy được phối cảnh.

Bạn có thể vẽ hình dáng đầu và cổ đủ kiểu tùy theo bạn thích.

Tờ giấy vẽ nên trông như thế này:

Một khi bạn thấy quen, hãy thêm vào một yếu tố khác:

  • Làm ba bước như trên;
  • Bây giờ hãy vẽ thêm một hình trụ khác to hơn ngay dưới hình trụ vẽ cổ. Tạo ra cơ thể hoặc phần mình cho nhân vật của bạn;
  • Y như trước, vẽ xuyên qua các khối và vẽ các nét đường tròn theo chiều dài của hình trụ;
  • Đừng lo nếu vẽ hình trụ bị uốn cong.

Cứ thay đổi hình dáng và chơi đùa tiếp. Chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái là được.

Ban đầu nếu bạn không muốn uốn cong hình trụ, cứ vẽ đơn giản và thẳng đứng. Khi bạn đã thấy quen dần thì bắt đầu vẽ nhiều hơn đi nào.

Tờ giấy vẽ của bạn nên trông như thế này:

Nếu bạn đã quen với những bước trên, giờ là lúc thêm vào yếu tố cuối cùng: Tay và Chân.

  • Làm lại các bước như trên;
  • Bây giờ, hãy thêm vào bốn hình trụ gắn vào thân mình để tạo tay và chân;
  • Tới điểm này bạn nên đủ thuần thục để bẻ cong các hình trụ;
  • Nếu bạn muốn, bạn có thể vẽ thêm hình cầu tạo bàn tay và bàn chân.

Như thế này chẳng hạn:

Chúc mừng nhé, bạn đã vẽ được hình cầu và hình trụ rồi đó.

Tiếp tục nào…

Vẽ hình hộp

Với hình hộp, chúng ta làm y hệt những bước khi ta vẽ hình cầu. Những hình hộp biến thể cũng dùng để vẽ đầu. Thực ra, rất nhiều thứ bạn dùng hình cầu và hình trụ để vẽ có thể được thêm góc cạnh vào, tạo nét vuông vức một chút và biến nó thành hình hộp để nhận ra vị trí của chúng trong không gian một cách tốt hơn.

Đây là bài tập vẽ hình hộp:

  • Đơn giản vẽ một hình hộp hay một loại hình hộp biến thể;
  • Vẽ những nét đường tròn cắt qua hình hộp;
  • Trục XZ là đường vẽ mắt, là nơi bạn đặt đôi mắt lên;
  • Trục YZ là đường bạn vẽ mũi và chỉ hướng mà mặt của nhân vật sẽ hướng về đó.

Chỉ vẽ những cái chấm cho đôi mắt và một hình cầu hoặc hình hộp nhỏ khác cho cái mũi. Chơi đùa cùng với sự bố trí của trục XZ. Nó không bắt buộc phải nằm trực tiếp ở trung tâm. Cũng chơi đùa với sự định hướng của những hình hộp đi nào.

Chỉnh tờ giấy để bạn có thể nhìn những cái đầu xuôi hướng, ngược hướng, thấy được ¾, v.v (phần vẽ đầu với hình khối vuông khá giống với việc vẽ đầu với khối hình tròn – người dịch)

Tờ giấy bạn vẽ những cái đầu hoạt hình nên trông như thế này:

Nếu bạn chưa luyện tập vẽ phối cảnh, hình trụ của bạn sẽ không được đẹp cho lắm đâu. Nếu được, đặt một đường chân trời và một điểm tụ (vanishing point). Nếu bạn vẽ tốt, bạn có thể vẽ hình hộp trong không gian một cách rất dễ dàng từ các hướng khác nhau. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy vẽ đơn giản thôi. Đừng quá cầu kỳ. Chỉ đơn giản vẽ một hình hộp hướng về một phía và đặt mọi thứ vào trung tâm. Từ từ bạn sẽ vẽ được những cái đầu phức tạp hơn.

Khi bạn đã quen với bài tập này, bạn có thể bắt đầu thay những hình vẽ thân mình hình trụ bằng hình hộp từ các bài tập trước. Như thế này:

Bạn có thể giữ nguyên tay và chân dạng hình trụ. Bạn sẽ thấy thực hiện những bài tập này cũng giúp bạn vẽ hình trụ tốt hơn.

Vẽ hình lăng trụ tam giác

Cuối cùng chúng ta đã tới phần lăng trụ tam giác. Hình lăng trụ tam giác có xu hướng nằm rải rác trên tranh hoạt hình và tranh vẽ. Nó hiếm khi nằm ở giai đoạn trọng tâm như hình cầu, hình trụ và hình hộp.

Đây là những gì tôi muốn bạn làm, đơn giản thêm hình lăng trụ tam giác vào những tranh hoạt hình mà bạn đã tạo ra từ hình cầu, hình trụ và hình hộp.

  • Dùng lăng trụ tam giác để vẽ mũi;
  • Dùng lăng trụ tam giác để vẽ vai;
  • Vẽ bàn chân hình lăng trụ tam giác cho tranh hoạt hình của bạn.

Đây là ví dụ minh họa cho những gì tôi yêu cầu:

OK, vậy là bạn đã hoàn thành rồi đó.

Điều quan trọng là hãy thư thái khi vẽ những dạng hình khối này. Hi vọng những bài tập này sẽ mang tới niềm vui cho bạn khi luyện tập vẽ chúng.

Bạn chỉ nên tiếp tục qua từng bước khi đã nắm rõ ràng các bước trước đó. Từ lúc này, mọi thứ bắt đầu nan giải hơn và cách để vẽ những dạng hình khối này sẽ giúp ích vô cùng.

Bạn có gặp khó khăn gì không?

Câu hỏi: Tôi không hiểu. Mỗi khi tôi cố gắng vẽ những dạng khối này thì kết quả là chúng đều sai và rối tung lên. Tôi không biết tôi đang làm sai chỗ nào nữa. Tôi có thể làm gì đây?

Lời đáp: Nếu bạn gặp khó khăn khi vẽ những dạng khối này từ trí tưởng tượng thì bạn nên xài vật mẫu để làm cơ sở cho bản vẽ của mình – đặc biệt là khi bạn mới bắt đầu.

Bạn muốn vẽ hình hộp quay quanh không gian? Tìm một cái hộp nhỏ hay khối Rubik để tập vẽ.

Cần trợ giúp khi vẽ hình trụ? Tìm một cái lon, tách hoặc ly.

Điều quan trọng đó là tạo ra nền tảng vững chắc để khởi đầu. Hãy tự tin. Hãy làm quen với những dạng khối này. Luyện tập càng nhiều thì chất xám của bạn sẽ càng tăng. Đừng ngại sử dụng vật thể để tham khảo. Đó không phải là “gian lận”. Những hoạ sĩ hàng đầu thế giới cũng dùng vật tham khảo mà, chỉ là do bạn chưa hiểu rõ được cấu trúc căn bản của vật thể thôi. Và việc vẽ với vật mẫu sẽ là bài học giúp ích cho bạn đấy!

Mỗi khi bạn thấy một hoạ sĩ vẽ một thứ gì đó tuyệt đẹp chỉ bằng trí tưởng tượng của họ thì cũng đừng tủi thân nhé. Chỉ đơn giản là họ nghiên cứu và luyện tập khả năng vẽ nhiều đến nỗi nó trở thành bản năng thứ hai của họ luôn rồi.

Mẹo của dân chuyên

Quan sát mọi thứ xung quanh bạn được chia thành bốn dạng khối ra sao

Khi phác thảo những vật phức tạp, đừng quá chau chuốt các chi tiết bề mặt, thay vào đó hãy cố gắng lược đi tất cả chi tiết thừa thải – để những gì bạn thấy còn lại là dạng khối cơ bản để bạn luyện vẽ.

Học được kỹ năng này là chìa khóa để vẽ mọi thứ. Tay có dạng ống, sách có dạng hộp, đầu dạng hình cầu, v.v – Hãy luyện tập quan sát những vật như thế.

Nguồn: thedrawingwebsite.com
Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

3D Hướng dẫn hướng dẫn vẽ Kiến thức

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Không gian 3D vô thực của Andoni Beristain
Không gian 3D vô thực của Andoni Beristain
Trải nghiệm bối cảnh 3D sống động và chân thực, Andoni Beristain như đưa nguời xem chìm vào những vùng không gian ảo ảnh dễ chịu, màu sắc hài hòa,…
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Hiếu Y: ‘Mình thấy hiếu kỳ với cách mọi người cảm nhận cái đẹp’
Sự rung cảm trước cái đẹp, cách mà con người thưởng thức hay những câu chuyện di sản – đời sống – con người làm cho Hiếu Y có những…
Top 10 công cụ online hữu ích dành cho dân thiết kế
Top 10 công cụ online hữu ích dành cho dân thiết kế
Trong bài viết này, iDesign sẽ chia sẻ đến các bạn những công cụ trực tuyến hữu ích trong việc thiết kế đồ họa & thiết kế web. 1. Gingersauce:  Tạo…
Gamification trong thiết kế và những điều bạn cần biết! (Phần 2)
Gamification trong thiết kế và những điều bạn cần biết! (Phần 2)
Ở phần 1, chúng ta đã có bức tranh tổng thể về Gamification (Game hóa) mà ngày nay không ít doanh nghiệp sử dụng, giúp thu hút nhiều người dùng…
Thời kỳ Victoria (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Thời kỳ Victoria (Phần 1): Tóm lược và lịch sử
Thời kỳ Victoria tuy không phải là một thời kỳ rõ rệt trong lịch sử nghệ thuật và thiết kế cả về mặt phong cách lẫn tư tưởng triết học…