Thiết kế đồ họa thế kỷ 20: Sự chuyển mình của giai đoạn hậu hiện đại và tác động cuộc cách mạng kỹ thuật số (Phần cuối)

Thiết kế đồ họa, giai đoạn 1975-2000

Thiết kế đồ họa thời kỳ hậu hiện đại

Đến cuối thập niên 70, nhiều kiến trúc sư, nhà thiết kế sản phẩm, và thiết kế đồ họa làm việc theo truyền thống Hiện đại nghĩ rằng phong trào đã trở thành lý thuyết suông và đánh mất năng lực đổi mới của mình. Những nhà thiết kế trẻ tuổi hơn đã không thừa nhận và bác bỏ giáo lý của chủ nghĩa Hiện đại và nghi ngờ triết lý “hình thức tuân theo chức năng” vốn gắn liền với phiên bản đoàn thể đã mất chất xuất phát từ Phong cách Typographic Quốc tế. Các nhà thiết kế bắt đầu vi phạm kiểu khung lưới (grid patterns); đảo ngược những hình dạng thông thường; khám phá các yếu tố lịch sử và yếu tố trang trí; và đưa những khái niệm chủ quan – thậm chí là quái gở – vào trong thiết kế. Phản ứng này dành cho sự phát triển theo hướng Hiện đại được gọi là chủ nghĩa hậu hiện đại, và nó đã đưa ngành thiết kế vươn lên nhiều hướng đi mới.

Suốt khoảng thời gian cuối những năm 1970, April Greiman đã được ngợi ca vì thử nghiệm hậu hiện đại của bà. (Trong thập niên 70 và 80, đã có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực thiết kế đồ họa và đạt thành tựu nổi bật). Bà thường cộng tác với nhiếp ảnh gia Jayme Odgers để thực hiện những cách tân sống động trong nghệ thuật sắp chữ và những ảnh dựng (montage) đầy màu sắc. Ví dụ, bìa tạp chí WET gợi lên khung cảnh văn hóa sôi nổi của miền Nam California. Trong tác phẩm năm 1979 này, bản sao hình ảnh của ca sĩ Rick Nelson, những hình ảnh cắt dán lấy ra từ tạp chí, báo giấy Nhật, và sự pha trộn màu kiểu phun sơn được kết hợp lại thành một thiết kế chặt chẽ. Greiman cũng nghiên cứu về ứng dụng của hình ảnh video trong đồ họa in ấn.

Bìa tạp chí WET do April Greiman hợp tác với Jayme Odgers, năm 1979

Trong tấm áp phích năm 1983 do William Longhauser thiết kế, có thể nhìn thấy sự sắp đặt không gian năng động cùng những hoa văn trang trí kiểu hình học vốn làm cho nhiều mẫu thiết kế hậu hiện đại trở nên sống động. Những chữ cái tạo thành họ của kiến trúc sư hậu hiện đại Michael Graves trở thành các khối kiến trúc kỳ ảo, nhằm phản ánh hoa văn và kết cấu tìm thấy trong các tòa nhà của Graves. Như với nhiều thiết kế hậu hiện đại, kết quả lại nguyên bản một cách nổi bật.

Áp phích cho buổi triển lãm của Michael Graves, William Longhauser thiết kế, 1983

Sự phá vỡ những hình dạng và mạng lưới bình thường như thế này cũng khá rõ ràng trong tác phẩm của nhà thiết kế người Nhật Igarashi Takenobu. Sau khi theo học những quy tắc thiết kế cơ bản tại Los Angeles, Igarashi bắt đầu hành nghề thiết kế độc lập ở Tokyo và sử dụng các yếu tố thiết kế cơ bản – như là điểm, đường thẳng, mặt phẳng, khung lưới, và phối cảnh ba chiều (isometric perspective) – như các khối tòa nhà trong tác phẩm của ông. Vốn từ vựng thiết kế này cho phép ông phát minh ra những giải pháp tưởng tượng. Tấm áp phích do ông đề xuất (năm 1982) cho Expo ’85, một hội chợ quốc tế về nhà cửa và xây dựng, biến các chữ cái thành những dạng cấu trúc bị tháo rời để lộ ra cấu trúc bên trong của nó. Bằng cách này, thử nghiệm của ông với hình dạng đã đáp ứng mục đích thẩm mỹ lẫn thương mại: rõ ràng những hình dạng phân tách có ý ám chỉ khách hàng của ông, ngành công nghiệp xây dựng.

Áp phích đề xuất cho Expo ’85, Igarashi Takenobu thiết kế, 1982.

Thiết kế đồ họa ở các nước đang phát triển

Cuối thế kỷ 20, các hoạt động thiết kế đồ họa được đào tạo nhiều hơn và bắt đầu xuất hiện ở những nước đang phát triển. Bước tiến này xảy đến là do một vài nhân tố tác động, trong đó bao gồm cơ hội tiếp cận đến giáo dục chuyên nghiệp ở các trường học trong nước và nước ngoài được mở rộng, máy vi tính và công nghệ in ấn ngày càng có sẵn nhiều hơn, và nguồn khách hàng trong các lĩnh vực công nghiệp, văn hóa, và công nghiệp-truyền thông ngày càng tăng. Nhà thiết kế đến từ các quốc gia này thường áp dụng những cách tiếp cận thiết vốn đã hình thành ở các quốc gia công nghiệp, nhưng họ đã dung hòa những bài học này với truyền thống địa phương và dân tộc trong công cuộc tìm kiếm cách thức truyền thông thị giác hiệu quả.

Ở Trung Đông, các nhà thiết kế đồ họa thường áp dụng công nghệ mới vào việc miêu tả những chủ đề và biểu tượng truyền thống. Xuyên suốt nửa cuối thế kỷ 20, nhà thiết kế đồ họa người Iran Ghobad Shiva đã khơi gợi lên bảng màu, nghệ thuật thư pháp Ả Rập truyền thống, và cách dàn trang trên bản thảo Ba Tư cổ đại trong tác phẩm đồ họa của mình, vốn đa dạng từ bao bì cho đến quảng cáo và thiết kế biên tập cho đến sắp đặt sân khấu. Ví dụ, tấm áp phích (năm 1984) của ông chúc mừng 800 năm ngày sinh của thi sĩ Iran nổi tiếng Saadi thể hiện một sự kiểm soát màu sắc tinh tế và khả năng tạo ra hình ảnh đầy sức sống. Những bức tranh minh họa cách điệu này tiếp tục duy trì truyền thống trong các sách viết tay Ba Tư cổ, nhưng trong bối cảnh của cách diễn đạt thiết kế đương đại.

Poster cho Lễ hội Nghệ thuật Shiraz | 1977, bởi Ghobad Shiva.

Thiết kế đồ họa phát triển chậm ở châu Phi sau Đệ nhị thế chiến, nhưng đến cuối thế kỷ 20, nhiều nhà thiết kế nơi đây đã được quốc tế ca ngợi vì các tác phẩm riêng biệt của mình. Ở Zimbabwe, nhà làm phim và nhà thiết kế Chaz Maviyane-Davies đã làm phim và thiết kế đồ họa vào cuối những năm 80 và 90. Những tấm áp phích, thiết kế quảng cáo, và bìa tạp chí của ông bắt được tinh thần và cuộc sống của dân tộc mình và thường xuyên thúc đẩy sự thay đổi trong xã hội. Bước sang thế kỷ 21, Maviyane-Davies sinh sống tại Mỹ. Ta có thể nhìn thấy mối quan tâm của ông dành cho chủ nghĩa biểu tượng trong nhiếp ảnh, chế tạo đạo cụ sân khấu, và thao tác máy tính trong một loạt áp phích hoành tráng bao gồm cả tấm The Last Portal of Truth 42 (Cánh cổng sự thật cuối cùng 42), được thiết kế ngay trước cuộc bầu cử năm 2002 của Zimbabwe.

Tại châu Mỹ Latinh, thiết kế đồ họa chuyên nghiệp cũng phát triển chậm như vậy sau Chiến tranh thế giới lần II. Cuối cùng, ở Argentina và sau đó là các quốc gia khác, ngành thiết kế đồ họa bắt đầu phát triển. Các nhà thiết kế châu Mỹ Latinh thường dựa vào ảnh hưởng của châu Âu và Bắc Mỹ để phát triển những thiết kế truyền thông riêng biệt. Chẳng hạn, tấm áp phích cho lễ hội phim ảnh (năm 1992) của nhà thiết kế người Venezuela, Santiago Pol sử dụng những dạng biểu tượng rõ ràng trong một hình thể không gian cực kỳ tinh vi, lẫn những yếu tố thiết kế đồ họa theo trường phái Hiện đại. Trong tác phẩm này, các hình thù sinh động biểu thị ba quả ớt, những biểu tượng mang đậm tính biểu trưng vùng miền; quả ớt ở giữa tạo thành bởi màu trắng, hay phần không, khoảng không gian nằm giữa quả đỏ và quả xanh. Ba quả ớt này bị ngắt quãng bởi những lỗ đen như trên cuộn phim, điều này nhằm kết nối hình ảnh với chủ đề của bộ phim trong áp phích. Bằng cách này, sự kết hợp sáng tạo các biểu tượng của Pol mang đến một hình ảnh đậm chất địa phương cho lễ hội phim.

Image result for Santiago Pol

Cuộc cách mạng kỹ thuật số

Cho đến cuối thế kỷ 20, môn học thiết kế đồ họa chỉ toàn dựa trên những quá trình thủ công: layout được vẽ bằng tay nhằm hình dung ra một mẫu thiết kế; chữ in thì do thợ xếp chữ chỉ định rõ ràng; và các bản in thử và bản sao hình ảnh được tập hợp lại trên một tờ giấy dày hoặc một tấm bảng để dựng lại hình ảnh và chế tạo bản in. Tuy nhiên, trong giai đoạn thập niên 80 và đầu thập niên 90, những tiến bộ thần tốc trong phần cứng và phần mềm máy tính kỹ thuật số đã biến đổi hoàn toàn ngành thiết kế đồ họa.

Phần mềm cho máy tính Macintosh của Apple năm 1984, như là chương trình MacPaintTM của lập trình viên máy tính Bill Atkinson và nhà thiết kế đồ họa Susan Kare, có một giao diện người mang tính cách mạng. Các biểu tượng công cụ được điều khiển bằng chuột hoặc bàn đồ họa cho phép nhà thiết kế và họa sĩ sử dụng đồ họa vi tính theo trực giác. Ngôn ngữ định dạng trang PostscriptTM đến từ Adobe Systems, Inc., cho phép các trang chữ in và hình ảnh được tập hợp thành các thiết kế đồ họa trên màn hình. Đến giữa những năm 1990, sự chuyển dịch của thiết kế đồ họa từ hoạt động trên bàn thủ công sang hoạt động trên màn hình máy vi tính gần như đã hoàn thành.

Thiết kế giao diện màn hình cho MacPaintTM của lập trình viên máy tính Bill Atkinson và nhà thiết kế đồ họa Susan Kare, 1983.
(Hình minh họa in lại dưới sự cho phép của Apple Computer, Inc.)

Máy vi tính kỹ thuật số đặt công cụ sắp xếp chữ vào tay những nhà thiết kế riêng lẻ, và do đó một thời kỳ thử nghiệm đã diễn ra với việc thiết kế các kiểu chữ (typeface) và cách dàn trang mới lạ và độc đáo. Chữ và hình ảnh được xếp tầng, làm cho vỡ vụn, và chia cắt ra thành từng phần; các cột chữ chồng chéo lên nhau và chạy dọc theo những dòng có độ dài ngắn khác nhau; và kích thước, độ dài, cùng kiểu chữ thường thay đổi trong những tiêu đề, cột, và từ ngữ duy nhất. Phần lớn nghiên cứu này diễn ra trong hoạt động giảng dạy thiết kế ở các trường và đại học chuyên về nghệ thuật. Nhà thiết kế người Mỹ David Carson – giám đốc nghệ thuật của tạp chí Beach Culture trong giai đoạn 1989-91, tạp chí Surfer trong 1991-92, và tạp chí Ray Gun từ năm 1992-96 – nắm bắt được trí tưởng tượng của một lượng khán giả trẻ tuổi bằng cách tiến hành những thử nghiệm trong lĩnh vực thiết kế các ấn phẩm xuất bản.

Những tiến bộ thần tốc về phần mềm màn hình cũng cho phép người thiết kế biến các yếu tố trở nên trong suốt; kéo căng, chia tỷ lệ, và bẻ cong các yếu tố; xếp lớp chữ và hình ảnh vào khoảng trống; và kết hợp hình ảnh để dựng thành những hình ảnh phức tạp. Ví dụ, trong con tem thư của Hoa Kỳ từ năm 1998, hai nhà thiết kế Ethel Kessler và Greg Berger đã dựng lại bằng kỹ thuật số bức chân dung của Frederick Law Olmsted do John Singer Sargent vẽ, cùng với ảnh chụp Công viên Trung tâm (Central Park) của thành phố New York, một mặt bằng khu đất, và nghệ thuật cây cảnh nhằm tưởng nhớ vị kiến trúc sư chuyên về phong cảnh. Kết hợp với nhau, những hình ảnh này thể hiện đầy đủ về cuộc đời và công trình của Olmsted.

Kết quả hình ảnh cho Frederick Law Olmsted stamp
Tem thư Hoa Kỳ tưởng nhớ Frederick Law Olmsted, Ethel Kessler và Greg Berger thiết kế, 1998.

Nối liền theo sau cuộc cách mạng kỹ thuật số trong thiết kế đồ họa là sự tiếp cận Internet công khai. Một kỷ nguyên thiết kế đồ họa hoàn toàn mới đã mọc lên như nấm sau mưa vào giữa thập niên 90 khi thương mại Internet trở thành một phân khúc đang lớn dần lên trong nền kinh tế toàn cầu, khiến cho các tổ chức và doanh nghiệp tranh nhau thành lập các trang web. Thiết kế một trang web đòi hỏi việc thiết kế những màn hình thông tin thay vì dàn trang, nhưng những hướng tiếp cận đến công dụng của chữ, hình ảnh, và màu sắc thì cũng tương tự như trong ngành in. Tuy nhiên, thiết kế web yêu cầu một loạt những cân nhắc mới, bao gồm thiết kế cho người xem điều hướng xuyên suốt trang web và sử dụng đường dẫn để liên kết đến các thông tin bổ sung.

Nhờ sức hút và tầm với vươn ra quốc tế của mạng Internet, quy mô của nghề thiết kế đồ họa đang ngày càng mang tính toàn cầu. Hơn nữa, sự kếp hợp đồ họa động, hoạt hình, nguồn cung cấp dữ liệu video, và âm nhạc vào thiết kế trang web đã mang đến sự hợp nhất giữa in ấn truyền thống và truyền thông phát sóng. Khi truyền thông động mở rộng từ hình ảnh chuyển động và truyền hình cơ bản đến rất nhiều kênh truyền hình cáp, trò chơi điện tử, và các trang web sống động, đồ họa động đang trở thành một lĩnh vực quan trọng không ngừng phát triển trong thiết kế đồ họa.

Trong thế kỷ 21, thiết kế đồ họa có mặt ở khắp nơi; đó là một thành tố quan trọng trong hệ thống in ấn và thông tin điện tử phức tạp của chúng ta. Nó lan tỏa khắp xã hội đương đại, truyền tải thông tin, nhận dạng sản phẩm, giải trí, và những thông điệp đầy sức thuyết phục. Tiến bộ không ngừng của công nghệ đã thay đổi đáng kể cách thức mà thiết kế đồ họa được tạo ra và phân phát đến đám đông khán giả. Tuy nhiên, vai trò nền tảng của những nhà thiết kế đồ họa – mang đến hình thức truyền cảm và sự rõ ràng về nội dung cho các thông điệp giao tiếp – vẫn không hề thay đổi.

Ảnh bìa: The Face Magazine | Neville Brody
Tác giả: Philip B. Meggs
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: Britannica

Cùng tác giả

#Tag

cách mạng kỹ thuật số hậu hiện đại lịch sử thiết kế lịch sử đồ họa thiết kế đồ họa thế kỷ 20

iDesign Must-try

Kanban - Nghệ thuật tinh tế từ những bảng hiệu quảng cáo của người Nhật
Kanban - Nghệ thuật tinh tế từ những bảng hiệu quảng cáo của người Nhật
Có gì ở nghệ thuật truyền thống Kanban ở Nhật Bản? Vì sao nét đẹp này từng suýt bị quên lãng?
Kiyoshi Awazu - Hành trình cách mạng hóa những hình ảnh đã cũ của Nhật Bản
Kiyoshi Awazu - Hành trình cách mạng hóa những hình ảnh đã cũ của Nhật Bản
Có gì trong những tác phẩm của Kiyoshi Awazu? Điều gì khiến ông ở thành một trong những nhà thiết kế vĩ đại của Nhật Bản?
William Morris (Phần 1): Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
William Morris (Phần 1): Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
William Morris vẫn được coi là cha đẻ của Arts & Crafts, trào lưu thiết kế quan trọng đầu tiên của thời kỳ Hiện đại. Bên cạnh di sản sản…
Thiết kế bìa sách bỏ túi cho quân đội đã thay đổi lịch sử xuất bản thế nào?
Thiết kế bìa sách bỏ túi cho quân đội đã thay đổi lịch sử xuất bản thế nào?
Ngày nay, những cuốn sách bỏ túi đã trở nên thông dụng và nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một câu chuyện lịch sử.
Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
Gustav Klimt (Phần 2) - Tiểu sử và thành tựu
Tiếp nối phần đầu tiên của loạt bài về Gustav Klimt, ta tiếp tục tìm hiểu phần còn lại của thành tựu cũng như tiểu sử của ông. Cụ thể,…
Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
Gustav Klimt (Phần 1) - Sơ lược, các thành tựu, tiểu sử
Để hiểu rõ về các trào lưu nghệ thuật hay thiết kế thì ta cần tìm hiểu những nghệ sĩ xuất sắc thực hành những trào lưu ấy. Các loạt…