Bí mật sau những bìa album của The Beatles

Hãy dành một phút mặc niệm cho gã thiết kế đáng thương phải lãnh nhiệm vụ làm bìa đĩa cho nhóm nhạc The Beatles.

Vì sao vậy? Thử tưởng tượng bạn phải thiết kế bìa đĩa cho nhóm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại xem. Dù cho bạn dốc sức để tạo ra một thiết kế đẹp thế nào đi chăng nữa – sẽ chẳng một ai thèm quan tâm tới cái bìa cả. Họ sẽ chỉ quan tâm tới âm nhạc bên trong thôi, kiểu như lúc mà lũ trẻ hay xé nát cái giấy gói quà Giáng Sinh lúc mở quà ấy.

Giả sử mà Leonardo Da Vinci có dùng bức tranh Mona Lisa làm bìa đĩa cho album ‘Revolver’ của The Beatles chẳng hạn, ắt hẳn khán giả sẽ kháo nhau kiểu: “Ờ bìa đĩa của Leo nhìn cũng tạm ổn đấy, cơ mà đã ai nghe cái đoạn solo đàn sitar đỉnh của đỉnh trong cái bài ‘I’m Only Sleeping’ chưa?”. Nhưng dù sao đi nữa, thiết kế bìa album là một phần không thể tách rời của những bản nhạc huyền thoại, chúng nắm giữ sự tinh túy trong từng cung bậc cảm xúc, trong từng bước tiến của ban nhạc vĩ đại này.

Vậy, hãy cùng khám phá những câu chuyện đằng sau những thiết kế huyền thoại này nhé…

1 – Please Please Me

 

Hình album này được chụp tại khu vực cầu thang tòa nhà EMI tại Quảng trường Manchester, nghệ sĩ Angus McBean là người đảm nhận công việc hoàn thiện bức hình này. Trong ảnh, John, George, Ringo Paul cùng mỉm cười và hướng mắt về phía ống kính ở dưới. Đồng thời, Angus cũng là tác giả bìa album đĩa than ‘Off The Beatle Track’ của George và dàn nhạc của mình.

Trước đó, hãng thu âm dự định chụp ảnh bìa ở trại côn trùng thuộc Sở thú Luân Đôn, với ý định ‘chơi chữ’ dựa theo tên nhóm nhạc (Beatles phát âm trùng với Beetle có nghĩa là bọ cánh cứng – người dịch). “Nhưng ban quản lý Sở thú lúc đó khá là ngớ ngẩn, họ bảo: ‘Chúng tôi không cho phép chụp mấy loại hình kiểu vậy ở đây, không phù hợp với quy định của Hiệp hội Động vật học Luân Đôn’, thế đấy, kế hoạch đổ bể”George Martin chia sẻ. “Chắc giờ mấy tay bên sở thú tiếc hùi hụi…”

2 – With the Beatles

 Album này là khởi đầu của một tình bạn đẹp. Robert Freeman đã sử dụng phong cách trắng đen khá ảm đạm tại khách sạn Palace Court thuộc thị trấn Bournemouth cho album thứ hai của Fab Four (tên gọi người hâm mộ gán cho 4 chàng trai tài năng của nhóm: John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr – người dịch). Robert cũng là tác giả bìa đĩa than 4 album sau này của The Beatles. “Thay vì cho họ đứng ngang hàng, tôi để Ringo ở ngay góc dưới bên phải, bởi vì anh ấy là thành viên cuối cùng gia nhập nhóm,” Rob nói. “Anh ấy cũng là người lùn nhất nữa.” Tội nghiệp Ringo bé bỏng của chúng ta.

Dải tên màu trắng ở trên cùng bìa đĩa cũng là nguyên nhân gây ra sự xung đột giữa nhóm nhạc và hãng thu âm. The Beatles muốn có một bìa đĩa thuần đen trắng, không có một dòng chữ nào. Tuy nhiên hãng đĩa lại khăng khăng đặt dải màu trắng kèm với tên album và tên ban nhạc, giống như muốn ám chỉ rằng nhóm nhạc chưa đủ nổi tiếng, cần phải có tên để quảng bá. Hãng thu âm EMI cũng không mấy hài lòng khi thấy một cái bìa đĩa với toàn những khuôn mặt ảm đạm, không hé nổi một nụ cười, trái ngược với hình ảnh vui vẻ, hoạt bát của nhóm. Nhưng cuối cùng thì mọi chuyện đều ổn thỏa.

3 – A Hard Day’s Night

 

Thêm một tác phẩm kinh điển khác của Rob Freeman. Ảnh bìa được làm mô phỏng theo trường phái điện ảnh cổ điển, với mỗi bức hình đại diện cho một khung phim. Bên cạnh đó, tựa album cũng chính là tên bộ phim ra mắt cùng năm 1964, với sự tham gia của cả 4 thành viên The Beatles. Hãng thu âm đã định hướng bìa album mang lại cảm giác vui tươi, xem như một sự bù đắp cho ảnh bìa u ám của album trước.

Phần màu sắc – bao gồm màu đỏ, trắng và phần lớn là màu xanh đậm – được các nhà quản lý thương hiệu cho rằng “Quá lậm phong cách Anh” (do có bảng màu trùng với màu quốc kỳ Anh – người dịch). Chính vì vậy, khi phát hành album ở Brazil và Mỹ, người ta đã thêm vào một khung đỏ xung quanh. Đặc biệt với phiên bản Mỹ, bìa album chỉ có 4 khung ảnh lớn thay vì 16 khung ảnh nhỏ, điều này đã phá hỏng ý tưởng gốc của Freeman. Còn về mặt sau của bìa, giống như những album trước, vẫn được thiết kế theo phong cách thanh lịch và gọn gàng.

4 – Beatles For Sale

Ảnh bìa thứ ba của Freeman được chụp tại Công viên Hyde vào mùa thu. Biểu hiện có phần cáu kỉnh của cả nhóm tượng trưng những con người đang lạc lối trong việc định hình phong cách âm nhạc cũng như những ngả rẽ của cuộc đời. Đơn cử như John Lennon, lúc này ông bị ảnh hưởng rất nhiều bởi phong cách âm nhạc của Bob Dylan và thường đem phong cách đó vào sáng tác của mình. Một số người khác còn nhận định rằng, bức hình này (cùng với tựa album) đánh dấu khoảng thời gian định hình lại phong cách âm nhạc của nhóm, đồng thời cũng là lúc cơn sốt Beatlemania đang bắt đầu hạ nhiệt.

Buổi chụp hình diễn ra khá dễ dàng theo như lời chia sẻ của McCartney: “Dễ lắm. Mất khoảng vài tiếng thôi là chúng tôi có được vài bức hình đủ ổn để sử dụng rồi… Người thợ chụp ảnh bảo chúng tôi chỉ việc có mặt đầy đủ là được, chả cần chi cầu kỳ. Khoác đồ đen, áo sơ mi trắng, quàng thêm cái khăn cũng đen nốt là được.”

5 – Help!

Theo như ý tưởng ban đầu, bốn chàng trai của chúng ta phải xếp tay để đánh vần thành chữ H.E.L.P như tựa album. Nhưng sau cùng, Freeman cực kỳ không hài lòng về “thành quả sắp xếp” của mình, vậy nên ông đã tự ứng biến dẫn đến ảnh bìa như chúng ta thấy ngày nay. Bộ quần áo trượt tuyết mà nhóm mặc trên bìa cũng đã xuất hiện trong bộ phim cùng tên “Help!” với sự góp mặt của Fab Four.

Cũng khá ngạc nhiên khi album “Help!” là cột mốc cho chuỗi ngày hoang dại của The Beatles. “Vào khoảng thời gian đó, chúng tôi hút cỏ thay cho bữa sáng. Chẳng ai có thể giao tiếp nổi với chúng tôi. Lúc nào tụi tôi cũng trong tình trạng ‘phê như con tê tê’ và cười khúc khích hầu như cả ngày khi đang say cỏ.” John Lennon chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 1980. Help! ra đời vào năm 1965, một năm trước khi chất gây nghiện LSD bắt đầu ảnh hưởng tới âm nhạc và khiếu thẩm mỹ của họ…

6 – Rubber Soul

 

Đây là lúc mà mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn. ‘Rubber Soul’ là album đầu tiên mà tên nhóm nhạc không xuất hiện trên bìa, một điều cực kỳ hiếm thấy tại thời điểm năm 1965. Câu chuyện bắt đầu vào một buổi chiều, khi Freeman (vâng, lại là ông ấy đấy) đang chiếu những bức hình chụp cả nhóm lên một tấm bìa cứng có kích cỡ như đĩa than để tìm ra ý tưởng cho album mới…

Vô tình, tấm bìa ngả ra phía sau làm cho hình ảnh chiếu lên bị biến dạng – và đó chính là thứ mà cả nhóm đang tìm kiếm. “Tôi thích cái cách mà khuôn mặt của chúng tôi bị kéo dài ra trên bìa album. Chúng tôi cởi bỏ cái mác ‘ngây thơ vô số tội’ đi, ‘Rubber Soul’ đánh dấu thời điểm chúng tôi trở thành những tên nghiện cỏ chính hiệu,” Geogre Harrison chia sẻ. “Điều này cũng tượng trưng cho sự mở rộng thị trường âm nhạc nữa”Paul McCartney tiếp lời.

7 – Revolver

 

Tấm bìa album huyền thoại ra mắt năm 1966 do nghệ sĩ, nhạc sĩ Klaus Voormann người Đức thực hiện. Ông quen biết The Beatles từ những năm đầu thập niên 1960, khi nhóm nhạc đi lưu diễn qua thành phố Hamburg. Để tạo ra bìa đĩa, Voorman sử dụng hình ảnh cá nhân được cung cấp bởi các thành viên, ông tin rằng điều này sẽ “cho thấy sự ngọt ngào ẩn giấu của mỗi người”.

Nếu bạn nhìn kỹ hơn, bạn có thể thấy tên và gương mặt của Voorman xuất hiện ở phía trên mái tóc của George Harrison nằm ở cạnh phải bìa. Thiết kế của ông sau đó giành giải Grammy tại hạng mục Bìa đĩa xuất sắc. Ở bìa sau còn ẩn chứa một tin đồn khác chưa ai xác nhận: nhóm nhạc đeo kính đen trong phòng thu với mục đích là để giấu đi những đôi mắt ‘phê quắc cần câu’ vì hút cỏ quá liều.

8 – Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band

 

Đây là sự kết hợp giữa hai nghệ sĩ theo trường phái Nghệ thuật đại chúng Peter Blake và Jann Haworth, lấy cảm hứng từ một bản vẽ mực do chính Paul McCartney vẽ nên. 57 bức hình và 9 tượng sáp người nổi tiếng đã góp mặt trong tấm ảnh bìa kinh điển này – tất cả đều là những nhân vật thần tượng của ban nhạc, trong đó có Bob DylanLewis Caroll. Nhóm đã tiêu tốn 3.000 bảng Anh cho tấm bìa này, một con số vô tiền khoáng hậu trong làng âm nhạc lúc bấy giờ.

Đi kèm theo album là một tấm bưu thiếp được thiết kế bởi Blake và Haworth – trong đó có một bức chân dung của Sĩ Quan Pepper, một bộ ria mép giả, hai bộ lon sĩ quan, hai huy hiệu đính vào áo và một bức hình nổi của nhóm Beatles có thể cắt rời ra. Ý tưởng đằng sau những vật dụng này đó là giúp cho người hâm mộ “trở thành một phần của ban nhạc”. Quá tuyệt phải không?

9 – The Beatles / The White Album

Trái ngược với vẻ ngoài đầy màu sắc của “Sgt. Pepper…”, thiết kế bìa lần này lại mang nét tối giản cực đại chỉ với một dòng số sê-ri bé tí tẹo ở góc dưới bên trái. Richard Hamilton, tác giả của ý tưởng này cho rằng: “Chúng tôi muốn đánh số album như một cách mỉa mai xem liệu doanh số bán ra có lên tới 5 triệu bản được hay không.”

Năm 2008, một ấn bản gốc của album với số sê-ri 0000005 đã được bán với cái giá 19,201 bảng Anh. Bên cạnh đó, việc xuất bản album không có ảnh bìa làm dấy lên tin đồn tan rã của The Beatles với mối quan hệ giữa John Paul càng ngày càng tệ đến mức không tưởng. Paul McCartney cũng đã thừa nhận sau khi album lên kệ: “Album lần này chẳng dễ chịu chút nào cả.”

10 – Yellow Submarine

Ra mắt vào năm 1969, bìa của Yellow Submarine, đồng thời là tấm poster của bộ phim cùng tên, do nghệ sĩ Heinz Edelman sáng tác. Bộ phim cũng như bìa album mô tả chính xác phong cách psychedelic mà The Beatles theo đuổi kể từ album ‘Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band’ trước đó.

(Psychedelic Music, hay còn gọi là thể loại nhạc ‘phiêu diêu’. Đây là thể loại được tạo ra bởi những nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của các chất gây ảo giác như cỏ, nấm,… – người dịch)

 Hai phiên bản Mỹ và Anh của album này có phần bìa sau khá khác nhau: bìa sau của bản Anh là một đoạn đánh giá về The White Album của thời báo The Observer, trong khi ở bản Mỹ là một đoạn thông tin trích ngang của Sgt Pepper’s Lonely Hearts Club đi kèm với một vài hình minh họa, so sánh trận chiến giữa nhóm nhạc với Blue Meanies (tên của một đội quân giả tưởng xuất hiện trong bộ phim hoạt hình minh họa album Yellow Submarine, đây là những sinh vật xấu xa cực kỳ căm ghét âm nhạc – người dịch) với trận chiến của Beowulf tại đại điện Heorot, bên cạnh đó còn có hình minh họa khoảnh khắc King John ký bản Đại Hiến chương và Thomas Jefferson viết bản Tuyên ngôn Độc lập.

11 – Abbey Road

Tên gọi ban đầu của album này là ‘Everest’, được đặt theo tên nhãn hiệu thuốc lá yêu thích của kỹ sư âm thanh nhóm The Beatles. George Martin (quản lý của nhóm, còn được biết đến với danh nghĩa thành viên thứ năm của Beatles – người dịch) đã sắp xếp để cả nhóm tới chân núi Everest để chụp hình cho bìa album mới. Tuy nhiên, ngày 8/8/1969, Lennon McCartney quyết định bước ra ngoài phòng thu, chụp một bức ảnh, rồi đặt tên album theo con phố mà họ ngẫu nhiên đặt chân tới.

Nhiếp ảnh gia Iain Macmillan chỉ có 10 phút để chụp bức hình trong lúc cảnh sát phân luồng giao thông. Đây là bìa album đầu tiên của Beatles không có chứa chút thông tin gì ngoại trừ tấm hình, kể cả tên nhóm hay tên album. Bên cạnh đó, đây còn là một trong những tấm hình được ‘nhái lại’ nhiều nhất. Nếu bạn cảm thấy chán, bạn có thể coi kênh webcam chiếu trực tiếp 24/7 chỉ để ngắm con đường này, nơi mà du khách đổ về và thi nhau nhái lại Fab Four cả ngày không ngừng nghỉ.

12 – Let It Be

Bìa album với khung đen tang tóc này cũng đã thay lời muốn nói cho sự tan rã của những chú bọ tài năng. “Ringo rời nhóm. John cũng muốn ra đi. Đó là một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn và căng thẳng… Lúc đó tôi cũng đưa ra quyết định dừng lại vì quá chán nản.”George nói.

Nhóm nhạc thậm chí còn tan rã trước khi album này ra mắt, đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ hoàng kim của ngành âm nhạc. Kể từ đó, âm nhạc không còn như trước nữa, tất cả đã thay đổi. Mặc dù vậy, di sản của The Beatles – và những tấm bìa album kinh điển này – sẽ sống mãi trong lòng người hâm mộ.

Nguồn: nme.com
Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

abbey road beatles cd cover fab four let it be sleeve