Tạ Huy Long chạm tới thế giới kỳ diệu của Dế Mèn

Bằng những tác phẩm nghệ thuật của mình, họa sĩ Tạ Huy Long muốn đưa tay chạm đến thế giới tinh tế của côn trùng, để thấy con người nhỏ bé trước thiên nhiên tuyệt đẹp như thế nào.

Hình ảnh Dế Mèn và Dế Trũi qua minh họa của Tạ Huy Long.

Với xuất phát điểm là những bức tranh vẽ minh họa tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, Tạ Huy Long đã phát triển nhiều tác phẩm như pop up, điêu khắc bằng chất liệu da, gỗ tầm vông, kim loại, video art, gương… trưng bày trong triển lãm Dế mèn phiêu lưu ký – Chạm tới những thế giới, diễn ra tại trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA, Hà Nội từ ngày 20/1 tới 25/3.

Triển lãm gồm những mô hình pop up 3D với nhiều chất liệu. Ở đó, người xem được “chạm” vào khung cảnh của câu chuyện, các biểu tượng với kích thước lớn nhân vật Dế Mèn, châu chấu, chuồn chuồn…

Các mô hình này đều được họa sĩ Tạ Huy Long – người vẽ minh họa thành công nhất tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký – thực hiện một cách tinh xảo, độc đáo.

Hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng tác phẩm và lắng nghe chia sẻ của họa sĩ Tạ Huy Long về ý tưởng, quá trình thực hiện triển lãm cũng như quan điểm nghệ thuật của anh nhé.

Pop up mô tả truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” Trong triển lãm “Chạm tới những thế giới”, mô hình bằng giấy phóng đại khung cảnh đồng nội, nơi Dế Mèn đi chu du thiên hạ.

Họa sĩ Tạ Huy Long dưới tác phẩm dế mèn bằng chất liệu tầm vông.

Hình ảnh minh họa “Dế Mèn phiêu lưu ký” của anh gắn bó với nhiều độc giả. Anh thực hiện vẽ minh họa cho tác phẩm về Dế Mèn từ khi nào và điều gì khiến anh theo đuổi đề tài này?

Chuyện cũng lâu rồi, tôi bắt đầu vẽ từ 10 năm trước. Nhân vật Dế Mèn không phải mục đích vẽ của tôi. Cái không gian, đời sống của những nhân vật trong câu chuyện Dế Mèn phiêu lưu ký mới là thứ cuốn hút nhất, những không gian về đầm lầy, cỏ cây, những loại côn trùng, thông điệp mà câu chuyện truyền đạt của nó hấp dẫn, chứ không chỉ riêng một nhân vật nào.

Trước đây các họa sĩ thường vẽ đen trắng, các họa sĩ tiền bối vẽ cách điệu. Nhưng tôi muốn có một không gian theo cách của mình.

Thế giới đồng nội cuốn hút anh như thế nào?

Tôi cũng không biết nói thế nào, thật khó để diễn giải. Thế giới đồng nội ấy cuốn hút tới mức lúc nào tôi cũng muốn vẽ. Nó như một ký ức xa xa, gắn liền tuổi thơ hay về quê của tôi. Cảm giác rất gần gũi, như mình được trải qua thế giới ấy rồi.

Quá trình vẽ nhân vật Dế Mèn của anh diễn ra thế nào?

Lần đầu tôi vẽ Dế Mèn vào năm 2006, xuất bản năm 2007. Phiên bản 2 thì nhỏ hơn, tôi vẽ rút gọn lại, chính bác Tô Hoài viết tay phần nội dung câu chuyện, xuất bản khoảng năm 2008-2009. Gần đây nhất là minh họa cho bản truyện chữ. Lúc ấy, sau khi vẽ Lĩnh Nam chích quái, tôi đang theo đuổi một phong cách minh họa, và muốn thử nghiệm lại phong cách ấy, nó phẳng hơn, biểu đạt nhiều hơn, cuốn hút hơn. Ấy là bản kỷ niệm 60 năm NXB Kim Đồng xuất bản năm 2017.

Triển lãm Chạm tới những thế giới là một sự tiếp diễn của quá trình ấy. Tôi vẽ giấy rồi, giờ tôi thích chạm tới những vật liệu khác, những cảm xúc khác. Thay vì mình làm một họa sĩ, mình có thể làm một người thợ, một người thợ thiết kế, làm thủ công với các loại da, gỗ, tầm vông (một loại tre rất dẻo dai).

Điều gì khiến anh sáng tạo đa chất liệu như thế?

Mong muốn được kiến tạo một thế giới theo kiểu của riêng mình, một không gian rộng hơn ngoài giấy ra.

Trước đây anh đã làm những tác phẩm điêu khắc về côn trùng như này chưa?

Khi làm thì tôi cứ làm thôi, không định nghĩa tác phẩm là điêu khắc hay làm để triển lãm. Ví dụ như con côn trùng bằng da, tôi đã làm từ lâu rồi. Tôi yêu thích những con côn trùng. Đến khi làm triển lãm, chung cùng dòng chảy, suy nghĩ thì tôi đưa vào.

Con dế bằng tầm vông với kích thước lớn như điểm nhấn trong triển lãm được làm như thế nào?

Nó dài khoảng 12-15m. Đầu tiên tôi làm tỉ lệ 1:10, với chất liệu dây nhôm uốn. Sau đó, những người thợ sẽ nhân với tỉ lệ gấp 10 lần, bóc tách các bản vẽ, rồi uốn theo bản vẽ đó.

Từ khi làm mô hình tỉ lệ đến khi hoàn thành tác phẩm trưng bày mất khoảng 3 tháng. Trong đó, thời gian làm con dế bằng tầm vông mất khoảng 1 tháng. Phải hiểu rất rõ bản vẽ mới làm xong được. Và cũng phải làm ngày làm đêm thì mới hoàn thành trong một tháng được.

Uốn bằng vật liệu tầm vông không giống như kim loại, bởi nó là vật liệu tự nhiên, không thể cưỡng ép như sắt thép được. Quá trình làm, nó bị gẫy, dập rất nhiều.

Uốn là một phần, việc dựng lên cũng là một công trình của những người thợ. Tôi làm ra các bản mô hình, bản dựng, giám sát thi công từng ngày. Lúc đầu nhìn sốt ruột quá, vì nó gãy quá nhiều. Có những chi tiết đường cong nhỏ uốn rất khó.

Vậy tại sao anh không chọn giải pháp tốt hơn cho mình, như bằng kim loại?

Kim loại không nói lên được tinh thần. Tôi muốn tre nứa cũng cất tiếng nói của nó. Phần nữa, chất liệu bằng tre, nứa cũng nhẹ nhàng hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn, nó Việt Nam hơn.

Một con dế mèn bằng tầm vông tung cánh, nó sẽ hay hơn một con dế mèn bằng sắt tung cánh. Sự tiếp nối, lựa chọn vật liệu rất quan trọng.

Những con côn trùng bằng da thì anh làm thế nào?

Tôi phác hình, từ một bản vẽ nhỏ rồi phóng to ra. Sau đó tôi sẽ lên khung sườn bằng vật liệu gì đấy rồi bọc da lại. Đầu tiên phải khâu từng miếng da vào với nhau, rồi bọc vào. Phần chân làm sao phải tính để ăn vào phần thân cho đẹp mắt nhất.

Một con trung bình làm trong 1-1,5 tháng. Có thời gian tôi rơi vào bế tắc, việc ngồi khâu tay tỉ mẩn nghe có vẻ buồn cười, nhưng nó giúp tôi vượt qua những ngày bế tắc.

Mô hình pop up bằng giấy ở cửa vào triển lãm được sáng tạo như thế nào?

Nó mô phỏng lại một hình ảnh đầm lầy, những chi tiết ở đó đi ra từ cuốn sách Dế Mèn phiêu lưu ký. Ta hình dung nó như một cuốn sách khổng lồ mở ra, và ta đi len lỏi trong đó.

Làm những con côn trùng khổng lồ, để thấy được, thật ra loài người cũng nhỏ bé, và chỉ có thể chạm tới thế giới của côn trùng, chứ không thể phán xét, hay thay đổi tự nhiên.

Anh nghĩ gì về sức gợi của trang viết Tô Hoài trong “Dế Mèn phiêu lưu ký”?

Nó cho tôi nhiều năng lượng. 10 năm rồi tôi vẽ, và đến giờ vẫn tiếp tục sáng tạo được với nó. Bây giờ nhận thức thay đổi, công nghệ thay đổi, trạng thái, cảm xúc của mình cũng thay đổi, chắc chắn sáng tác của mình cũng thay đổi. Trước kia mình vẽ trên giấy, giờ đây tác phẩm của mình thực sự phải sờ được, chạm được, bay được, phải kêu được. Phần thị giác, thính giác… phải đáp ứng, tiệm cận được cảm xúc của người xem càng nhiều càng tốt.

Tất nhiên có rất nhiều kiểu để khám phá, chạm tới một thế giới nào đó. Đọc sách, xem tranh cũng là một kiểu. Nhưng nếu mình ngợp trong một không gian nào đấy, cảm thấy mình bé trước thế giới côn trùng cũng hay.

Người ta thường nghĩ thế giới côn trùng nhỏ bé, bây giờ mình làm cho tất cả mọi thứ to khủng khiếp ra. Mình sẽ nhìn nhận khác đi, nên coi trọng những điều nhỏ bé, con người thực ra cũng nhỏ bé thôi. Mình đừng nghĩ có thể phán xét hoặc thay đổi điều gì đó xung quanh. Tự nhiên rất đẹp.

Con dế mèn tôi để trong suốt, chỉ có khung thôi chẳng có gì bên trong. Đầu tiên, để vậy vì nó khoe được kết cấu của nó. Tôi rất thích cấu trúc của tự nhiên. Thứ hai, nó dường như được hòa vào không gian xung quanh. Nó như nhảy ra ở một thế giới nào đó. Bên dưới, đầm lầy bằng gương như là một thế giới gương soi, mà từ đó chú dế nhảy vọt ra.

Video art mô tả cảnh đồng nội với đàn chuồn chuồn bay chấp chới, tiếng dế, cây cỏ lay trong gió.

Có những tác phẩm nào khác cho thiếu nhi mà anh hứng thú như Dế Mèn?

Tôi rất dễ hứng thú, nhưng hiện tại, Dế Mèn đang kéo tôi đi.

Có điều gì gắn bó giữa anh và những con côn trùng, từ triển lãm “Ngày xưa tôi là”, đến sách tranh “Cửa sổ”, và rất nhiều sáng tác của anh đều có côn trùng?

Nó là con vật nhỏ bé, nhưng có thể nó chứa những gì mình không thể biết được. Thứ nữa là cấu trúc của nó: chân cẳng, cơ xương, cánh của nó đều đẹp.

Cánh của nó khi dang thì đẹp lắm. Bộ cánh của nó mỏng, cứ lẫn lẫn, tan tan ánh sắc cầu vồng. Tiếng bật tanh tách của càng hấp dẫn. Mình đi trong ruộng cỏ, ruộng lúa mùa gặt, nghe tiếng tanh tách hấp dẫn, thì muốn đuổi bắt. Bởi vậy, clip trong triển lãm, khi dựng cũng cố gắng làm sao để tạo được cảm giác người xem, nhất là trẻ con muốn đuổi bắt những con ấy.

Mình không làm lại được thiên nhiên đâu, những cái này chỉ là mô phỏng lại một phần thôi. Thiên nhiên tuyệt vời lắm!

Vậy còn đàn chuồn chuồn xuất hiện như sắp đặt điêu khắc, và trong video art ở triển lãm có ý nghĩa gì?

Có vài trăm con chuồn chuồn bằng kim loại treo thành đàn, phía dưới đính mặt gương. Khi nhìn xuống gương soi, lượng chuồn chuồn lại nhân lên gấp đôi. Tôi thích hình ảnh buổi chiều nhập nhoạng, đàn chuồn chuồn bay trên dòng sông cứ lấp lánh, đoạn có đoạn không rất xúc cảm. Tôi muốn dùng đèn để đánh ánh sáng, tạo hình ảnh đàn chuồn chuồn bay trong chiều. Đàn chuồn chuồn như những người đưa tin, dẫn người xem đến với một thế giới khác của côn trùng.

Mọi thứ đều có câu chuyện của nó. Rất cảm ơn nhà văn đã cho tôi một cái khởi điểm, một cảm xúc về tất cả trong thế giới côn trùng này.

Những con côn trùng làm bằng da, khâu tay tỉ mỉ.

Tên triển lãm là “Chạm tới thế giới”, vậy anh muốn người xem chạm tới những điều gì?

Xuất phát từ chính mình đã. Tôi muốn chạm tới những trạng thái khác của chuyện vẽ: chạm tới vật liệu da, gỗ, gương, kim loại nhôm, đồng, giấy minh họa, giấy pop up. Sau nữa là trạng thái của người làm, lúc thì mình là họa sĩ, lúc là kiến trúc sư, lúc là một người thợ khâu da, làm tầm vông uốn cùng thợ…

Thứ hai, là mong muốn chạm tới cảm xúc của người xem. Muốn chạm thôi, không đi sâu vào những cảm xúc như tìm được sự bình an nào đấy, năng lượng bình an nào đấy… chạm vào những thứ rất tinh tế.

Chữ “chạm” đa nghĩa, có những thế giới mình không thể nào tưởng tượng được. Mình đang chạm vào mặt gương của nó thôi. Có một thế giới như thế, nó đang tồn tại song song cùng mình đấy.

Khi dựng những mô hình như thế này, nhân vật và thế giới Dế Mèn sẽ tiếp cận nhiều đối tượng hơn hay không, bởi lâu nay tác phẩm vẫn được cho là dành cho thiếu nhi?

Đúng vậy. Tôi muốn tiếp cận nhiều hơn, ngay cả những người làm nghề mang tính kỹ thuật, mỗi người nhìn thấy vẻ đẹp khác. Có người nhìn thấy tuổi thơ của mình, có người nhìn thấy sức mạnh, hoặc vẻ đẹp kết cấu, hoặc người yêu tre nứa thì thấy ứng dụng vật liệu vào nghệ thuật đương đại. Trung tâm nghệ thuật này phục vụ công chúng, tôi nghĩ làm nghệ thuật nên phục vụ công chúng. Tôi mong muốn phục vụ nhiều người, chạm vào nhiều thế giới hơn.

Có quan điểm cho rằng vẽ minh họa là một tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc là văn bản văn chương. Anh nghĩ sao về quan điểm này?

Tôi thường không nghĩ nhiều. Mình làm thì cứ làm. Phái sinh hay gì đó, tôi cũng không mấy quan tâm. Tôi dành năng lượng cho việc mình làm thế nào. Mỗi một lần người ta làm sáng tạo mới là một lần tư duy rồi. Kể cả khi anh chụp một cái ảnh, vẫn là con người, mẫu ấy, nó không phải phái sinh mà là tác phẩm mới hoàn toàn. Hay một bản dịch nó cũng là một sự sáng tạo rồi, không thể nói là phái sinh rồi.

Từ “phái sinh” như một con dao hai lưỡi, nghe rất ghê gớm, nhưng lại hạ thấp vai trò của những người sáng tạo tiếp theo.

Với con Dế Mèn trong tranh của anh, qua các thời điểm nó đã thay đổi như thế nào?

Tôi thích vẽ và cứ vẽ mà chưa nghĩ đến việc tôi đã thay đổi cách vẽ con dế như nào. Khi bạn hỏi câu này, tôi cần phải suy nghĩ lại… Có lẽ con dế tôi vẽ bây giờ nó “lớn” hơn so với trước đây. Trước đây tôi vẽ cho lứa tuổi 6-8 tuổi. Còn giờ đây tôi vẽ cho các bạn tuổi teen. Tôi muốn các bạn trẻ, đang bước vào đời cũng nhìn ngắm dế mèn, thay vì các bạn nhỏ tuổi nghe câu chuyện đồng thoại, cổ tích. Nghĩa là con dế đã trưởng thành hơn.

Nguồn: news.zing.vn

 

Cùng tác giả

#Tag

Chạm tới những thế giới Dế mèn phiêu lưu ký hoa si nghệ thuật Tạ Huy Long

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…