Quy trình kỳ công của kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen của nghệ nhân Việt

Nghề dệt ngày càng mai một, có kẻ bỏ xứ mà đi, cũng có người dứt lòng tìm kế sinh nhai mới. Đi ngược lại xu thế chung của xã hội, có một người phụ nữ 65 tuổi vẫn còn nặng lòng với từng con tơ, sợi chỉ. Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa thành công từ những cuống sen bỏ đi.

Từ Hà Nội đi về phía Nam 40km, làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) đẹp như một bức tranh phong thuỷ hữu tình. Nét làng quê Việt vẫn còn “vương vấn” từ những ngôi nhà mái ngói 5 gian, rào hoa râm bụt đến từng bờ tường bậu cửa trơ ra lớp gạch. Từ ngàn năm xưa, làng Phùng Xá vốn đã nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Đi khắp thôn làng, đâu đâu cũng vang lên tiếng máy dệt – thứ âm thanh đặc trưng chẳng thể lẫn.

Người làng Phùng Xá quanh năm suốt tháng bám lấy máy dệt thô sơ để cứu nghề, cứu người và tự cứu chính bản thân mình. Nghề dệt ngày càng mai một, có kẻ bỏ xứ mà đi, cũng có người dứt lòng tìm kế sinh nhai mới. Đi ngược lại xu thế chung của xã hội, có một người phụ nữ 65 tuổi vẫn còn nặng lòng với con tơ, sợi chỉ nhiều lắm.  

Bà là nghệ nhân Phan Thị Thuận – người đầu tiên dệt lụa tơ sen ở Việt Nam. 

Nghệ nhân dệt lụa từ tơ sen đầu tiên ở Việt Nam: Cực nghiêm khắc và kĩ tính! Thực hiện: Minh Nhân.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận, năm nay bà 65 tuổi.

Mất 1 tháng rưỡi để làm chiếc khăn quàng cổ từ tơ sen

Lụa tơ sen vốn là một loại lụa quý giá có nguồn gốc từ Myanmar. Những sợi tơ sen mỏng manh dưới bàn tay khéo léo của người nghệ nhân thời bấy giờ đặc cách chỉ dành cho những người quyền quý, cao sang. Ngoài tơ tằm ra, ít ai để ý tới tơ sen – thứ vải tinh túy, nhẹ nhàng, mang nặng hồn quê hương dân tộc.    

Sinh ra và lớn lên ở làng Phùng Xá, lại là đời thứ 3 trong gia đình truyền thống theo nghề dệt, nghệ nhân Phan Thị Thuận chưa bao giờ dứt lòng với nghề. Bà luôn đau đáu tìm hướng đi mới cho bản thân, cho những người dân nhiều năm qua mải miết “lạc” giữa những con máy thô sơ. Bà biết với xu thế hiện thời, chả mấy chốc nghề dệt sẽ phải đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, đau đớn hơn là lụi tàn mà không còn lại gì. 

Những máy móc dệt tơ trong xưởng nhà bà Thuận đều rất mộc mạc, giản đơn.
Nói là xưởng nhưng cũng chỉ có 20 nhân công.

Ấp ủ dự định từ lâu về một loại vải mới, sau 2 năm vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm, nghệ nhân Phan Thị Thuận cho ra lò những chiếc khăn quàng cổ đầu tiên được sản xuất từ sợi tơ của sen. Thứ sợi tơ khá “chảnh” chỉ có ở cuống sen – bộ phận nhiều người vẫn nghĩ là “vô dụng” nhất trong tổng thể cây sen. 

Thời điểm nghiên cứu sợi tơ, nhà bà Thuận không có đầm sen. Để bắt tay vào công cuộc chinh chiến dài lâu, bà mua hẳn một đám ruộng về trồng sen. 

“Không có đám ruộng thì không thể nghiên cứu được” – nhớ lại, bà Thuận vẫn chép miệng tâm đắc với quyết định năm xưa của mình. 

Đầm sen gần nhà nơi bà Thuận trồng sen lấy tơ làm lụa.
Những cuống sen đang chờ để lấy tơ.

Tất cả các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều thật chỉn chu và rất cầu kỳ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp. Cuống nào cũng làm được tơ sen, riêng cuống non cho lượng tơ dẻo mà đẹp. Phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7 mét, chiều ngang 25 cm. Tính ra một người thợ chăm chỉ lắm thì một ngày cũng chỉ làm được 200-250 cuống. Như vậy, một chiếc khăn quàng ngót nghét mất gần 1 tháng trời. 

Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời ve cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong. Đó là lý do những sợi tơ trông có vẻ mềm mại, dịu dàng nhưng lại cực kỳ kiêu sa đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế từ bàn tay người nghệ nhân.

Người nghệ nhân dùng dao khứa xung quanh cuống sen…
… rồi dùng tay vặn và kéo tơ.
Kéo tơ phải thật nhẹ nhàng, nếu không tơ sẽ đứt và hỏng hoàn toàn.
Bà Thuận ve cho sợi tơ sen tròn lại.
Công đoạn cuộn sợi tơ đòi hỏi tính kiên nhẫn cực cao.
Những sợi tơ đầu tiên. Phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7 mét, chiều ngang 25 cm.

“Tất cả các cuống sen phải được xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nếu cuống bị khô lại, tơ sẽ hỏng hoàn toàn. Để sợi tơ không có chỗ to chỗ nhỏ, người ve sợi cần phải đều tay. Sau khi quay sợi thành ống, tơ sen được đưa vào máy se rồi mắc lên trục con thoi để dệt thành sợi ngang” – bà Thuận căn dặn từng người thợ. 

Sợi sen thu được rất mảnh, bông, nhẹ và có mùi thơm tự nhiên. Sợi tơ nhỏ thôi, nhưng vô cùng quý. Cầm trên tay chiếc khăn mặt được làm từ tơ sen, người đời cảm nhận trọn vẹn sự mềm mại và tinh khôi của nó. Đúng là lụa sen bao nhiêu năm qua vẫn xứng với cái danh viên ngọc quý trong giới vải vóc. 

Người nghệ nhân nghiêm khắc mải miết giữ hồn xưa

Xưởng nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận chỉ có khoảng 20 nhân công, chuyên cả vải tơ tằm lẫn tơ sen. Người gắn bó lâu nhất cũng đã chục năm nay, người mới thì chỉ tầm nửa tháng. Mọi máy móc được sử dụng đều đơn sơ và mộc mạc. Nghệ nhân Thuận không hề giấu nghề. Bà sẵn sàng chỉ dạy mọi công đoạn từ cách lấy sợi tơ sen đến cách dệt khăn cho người làm của mình. Dù người đó có gắn bó dài lâu hay chỉ nửa vời, ai bà cũng chỉ bảo tận tình và hết sức tỉ mỉ. Bởi lẽ đó trong vùng, bà Thuận nổi tiếng nghiêm khắc và kĩ tính.

Bản thân người nghệ nhân 65 năm trong nghề cũng tự nhận thấy mình là người nghiêm khắc. Bà không chấp nhận bất cứ sự hời hợt nào trong sản phẩm. Đã không làm thì thôi, một khi đã động tay vào sợi tơ sen, mọi quy trình phải theo khuôn phép và cẩn thận. Tơ sen mỏng manh lắm, nên bàn tay người thợ nếu không mềm mại sẽ chẳng thể làm nổi những sản phẩm đẹp và tinh tế. 

Từng ống nhựa sẵn có dùng để cuốn tơ.
Nhân công nhân trong xưởng mỗi người chuyên môn hóa một việc. Người dệt tơ tằm, người kéo tơ sen.
Những chiếc khăn thành hình dưới bàn tay của người nghệ nhân.

Bà Thuận có “văn hóa” dạy nhân công của mình rất đặc biệt. Sự nghiêm khắc của bà thể hiện qua từng ngôn từ và ánh mắt. Người này cẩu thả, người kia tự ý bỏ việc không xin phép, bà Thuận sẽ chỉ nói thật nhỏ nhẹ, người đối diện ắt tự cảm thấy xấu hổ. Và từ đó trở đi, bà không chấp nhận sai phạm tương tự như thế xuất hiện lần thứ 2. 

Nghệ nhân Thuận kỳ vọng việc sản xuất sợi sen từ cuống sẽ mở ra triển vọng nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng sen, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi trong làng. Bà tâm niệm, muốn giữ được nghề trước hết phải có tâm và có đạo đức.

Các máy móc cực giản đơn, tinh tế.

“Suốt cuộc đời làm nghề trải qua biết bao giai đoạn lịch sử, qua từng thời kì tôi lại rút ra những bài học để gìn giữ truyền thống các cụ để lại. Muốn giữ được nghề thì người làm nghề phải có tâm, có đạo đức, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng”.

Bà Thuận là thế hệ thứ 3 trong gia đình nối nghiệp dệt lụa, con bà là đời thứ 4 và đến cháu bà là đời thứ 5. Dù cuộc sống hối hả du nhập những điều mới mẻ và hiện đại, người nghệ nhân vẫn rất coi trọng truyền thống và quá khứ. Bà cho hay, hiện đại chẳng tự nhiên mà có, mọi thứ mới mẻ đơn giản cũng chỉ bắt đầu từ những thứ đơn sơ. 

“Tôi biết mình là một người nghiêm khắc, không chỉ với nhân viên mà kể cả với con cháu trong nhà. Nhất định phải nghiêm khắc! Có những cái mới, cái hiện đại không thể có được nếu không biết dựa vào truyền thống. Đời con đời cháu tôi chắc chắn phải thay tôi tiếp tục giữ nghề mà theo nhiều người là muôn năm cũ này”.

Bà Thuận mong muốn thế hệ con cháu mình sẽ thay bà tiếp tục gìn giữ nghề truyền thống.
Người phụ nữ đang se tơ tằm, năm nay bà 53 tuổi.

Không khác gì những người thợ lành nghề trong xưởng, bà Thuận hễ ngồi xuống bàn là đôi bàn tay lại thoăn thoắt “bắt” từng sợi tơ. Trong nhà người nghệ nhân “phủ đầy” bằng khen, cúp vàng, huy chương dành cho sự cống hiến không mệt nghỉ hàng chục năm qua. Đến làng Phùng Xá chỉ cần hỏi tên bà Thuận thôi, từ đầu làng tới cuối làng ai cũng biết. Người dân quý trọng gọi bà là “người nghệ nhân mải miết giữ hồn xưa”. 

Đó là một người phụ nữ bản lĩnh, một người nghệ nhân tràn đầy tình yêu quê hương và tâm huyết với nghề. Nếu có cơ hội ghé thăm làng Phùng Xá, gặp và nhâm nhi tách trà sen với nghệ nhân Phan Thị Thuận, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra một điều, rằng không ai yêu và trân quý bông sen như bà. 

Một tấm vải tơ sen tay bà Thuận nâng niu từng chút một.
Cuống sen sót lại sau khi đã lấy tơ sen thành công.

Nguồn: kenh14

Cùng tác giả

#Tag

cuống sen dệt lụa khăn quàng cổ làng nghề nghệ nhân nghệ thuật phan thị nhuận truyền thông việt nam

iDesign Must-try

Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật (Phần 1)
“Tất cả chúng ta đều mong đợi xem việc áp dụng công nghệ hiện tại trong nghệ thuật sẽ mở ra những cánh cửa nào. Dù tương lai có ra…
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Nghệ thuật và Công nghệ: Cùng tồn tại và phát triển
Sự xuất hiện của công nghệ số trong quá trình sáng tạo nghệ thuật chưa bao giờ mạnh mẽ như lúc này. Nhưng, tận dụng hay loại bỏ, đâu mới…