Cách ta nghĩ về “thiết kế toàn diện” có thực sự toàn-diện?

Kat Homles tranh luận rằng để thật sự đạt đến sự toàn diện, đầu tiên chúng ta phải nhìn xem mình đã loại trừ những gì?

Có thể bạn đã nhận thấy, người ta ngày càng tập trung vào tính toàn diện trong ngành công nghệ cao. Đặc biệt, chữ “toàn diện” ngày càng được sử dụng nhiều hơn. Các công ty đang tạo ra nhiều vị trí giám đốc điều hành để dẫn dắt những bước khởi đầu toàn diện, thúc đẩy tính toàn diện trong các chiến dịch quảng cáo, và quan trọng hơn cả, tạo ra những thay đổi trong sản phẩm để hướng đến những cộng đồng bị bỏ qua.

Nhưng thực chất, thế nào là toàn diện – nhất là khi ai ai cũng hối hả sử dụng từ này cho những phạm vi rộng lớn của xã hội? Khái niệm “toàn diện” vừa rõ ràng vừa mơ hồ. Khi là giám đốc thiết kế toàn diện tại Microsoft, tôi đã phải vật lộn với sự mơ hồ này trong những thiết kế độc lập của chính mình, cũng như trong thời gian viết sách về nó.

Toàn diện là một lời hứa hẹn mênh mông – trên thực tế, nó rộng lớn như sự đa dạng của loài người – và đó là điều khiến nó trở thành một thách thức thiết kế vĩ đại. Nhưng nếu không có sự nhất trí rõ ràng về khái niệm đó, ta có thể hy vọng đạt được điều ấy không? Làm thế nào chúng ta có thể thiết kế cái gì đó mang ý nghĩa khác nhau với nhiều người?

Có lẽ chúng ta không thể làm như thế, ít nhất là theo một cách hiệu quả. Những gì tôi thấy có thể tạo ra sự khác biệt là một thay đổi nhỏ trong cách ta suy nghĩ và bàn luận về thiết kế toàn diện. Để làm điều này, ta cần nói đến một thuật ngữ ít thông dụng hơn, chữ này thường bị bỏ ra ngoài rìa những cuộc thảo luận: đó là tính loại trừ.


Nhưng nếu không có sự nhất trí rõ ràng về khái niệm toàn diện, ta có thể hy vọng đạt được điều đó không?

Loại trừ không phải là một từ để PR, nhưng đó là một trải nghiệm phổ biến của con người. Tất cả chúng ta đều biết cảm giác bị cho ra rìa là như thế nào. Ai trong chúng at cũng đều trải qua điều đó trong cuộc sống. Sự loại trừ cụ thể và rõ ràng, và có thể được truy về một nguồn có thể nhận biết. Điều này khiến nó trở thành một xuất phát điểm ý nghĩa cho thiết kế toàn diện. Chúng ta có thể hoàn thành tham vọng đạt đến sự toàn diện bằng cách nhận ra và khắc phục hành vi loại trừ mỗi khi ta bắt gặp nó.

Thiết kế giống như nguồn gốc của sự loại trừ hơn là toàn diện. Khi thiết kế cho người khác, ta thường bị những thành kiến và sự thiên vị của chính mình dẫn dắt. Khi ta tạo ra một giải pháp mà bản thân có thể nhìn thấy, chạm vào, thấu hiểu, hay nghe thấy, giải pháp đó thường có hiệu quả với người có hoàn cảnh hoặc sở thích giống ta. Cuối cùng nó lại loại trừ nhiều người hơn.

Điều này đặc biệt đúng khi nói đến vấn đề khuyết tật. Tổ chức Y tế Thế giới WHO định nghĩa khuyết tật là sự tương tác không tương xứng giữa các đặc điểm cơ thể của một người và đặc điểm môi trường họ sinh sống. Đây cũng được xem là định nghĩa xã hội, hoặc khuôn mẫu, của sự khuyết tật.


Thiết kế giống như một nguồn loại trừ hơn là toàn diện

Mỗi lựa chọn của người thiết kế sẽ quyết định đâu là đối tượng sử dụng môi trường hoặc sản phẩm. Những sự bất tương xứng chúng ta tạo ra trong quá trình chính là các “khối loại trừ”. Từ cầu thang ở cổng vào tòa nhà cho đến thiết kế tay cầm máy game cần đến hai tay, các giải pháp của chúng ta cho thấy rõ ràng ai là đối tượng được nhắm đến và ai không.

Với nhiều người, loại trừ là một vấn đề cá nhân sâu sắc, và thường là một chủ đề không mấy dễ chịu. Các nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức xã hội, như nghiên cứu của tiến sĩ Naomi Eisenberger và tiến sĩ Matthew Lieberman, đang giúp làm sáng tỏ ảnh hưởng của loại trừ xã hội, tẩy chay, và cự tuyệt. Có bằng chứng chỉ ra rằng cảm thấy bị xã hội cự tuyệt sẽ kích hoạt những khu vực trong não bộ giống như khi một người bị đau đớn thể xác. Nói ngắn gọn, sự loại trừ có thể gây tổn thương. Đây không chỉ là lối nói ẩn dụ, mà về mặt sinh lý đúng là thế.

Chuyện gì xảy ra khi một món đồ thiết kế loại trừ chúng ta? Dù cho rằng con người hành xử bất công, ta lại tưởng tượng những tòa nhà là các khối gỗ, kim loại, và bê-tông không thiên vị. Ta kỳ vọng phần mềm là những dòng mã công bằng. Đây là lý do tại sao một thiết kế không thể sử dụng lại mang đến cảm giác bị cự tuyệt, nhất là nếu thiết kế ấy kiểm soát quyền tiếp cận của chúng ta với những khoảnh khắc xã hội quan trọng.

Trong những khoảnh khắc ấy, nhiều người có xu hướng tự trách bản thân hơn là món đồ kia. Họ cảm thấy bị tụt lại phía sau và tự hỏi tại sao công nghệ thay đổi nhanh đến thế, nhanh hơn họ gấp nhiều lần. Hơn thế nữa, thường thì chẳng ai biết ai là người chịu trách nhiệm điều chỉnh sự loại trừ ấy.

Ta tưởng tượng những tòa nhà là các khối gỗ,
kim loại, và bê-tông không thiên vị.
Ta kỳ vọng phần mềm là những dòng mã công bằng.

Là nhà thiết kế, nếu biết những thiết kế loại trừ có thể không an toàn hoặc dẫn đến tổn thương cơ thể, ta sẽ thấy toàn diện còn hơn cả một ý tưởng hay. Nó có thể trở thành trách nhiệm giải trình kèm hậu quả.

Vậy, nếu thiết kế là nguồn gốc của sự loại trừ, liệu nó có thể là “phương thuốc cứu chữa” được không?

Được, nhưng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Trước hết, ta có thể bắt đầu bằng cách xây dựng những phương pháp và công cụ tốt hơn để nhận ra sự loại trừ. Cụ thể, những kiểu loại trừ mà ai đó ngoài chúng ta có thể gặp phải.

Thứ hai, ta có thể tập trung vào sự bất tương xứng như một cách để nhận ra những giới hạn thiết kế tốt hơn. Những kiểu bất tương xứng cụ thể có thể giúp chúng ta đi sâu vào cách tạo ra những giải pháp hợp lý hơn. Thiết kế phát triển với những giới hạn thích hợp và về bản chất, thiết kế là loại trừ. Điều cốt yếu là hãy thường xuyên hỏi bản thân xem đâu là những người sẽ muốn sử dụng thiết kế của bạn, nhưng lại không thể? Rồi sau đó thu thập ý kiến của họ để giúp bạn định hình những giới hạn thiết kế tốt hơn.

Ta nên tập trung vào sự bất tương xứng
như một cách để nhận ra những
giới hạn thiết kế tốt hơn.

Và cuối cùng, qua thiết kế, ta có thể có chủ đích về lý do tại sao mình chọn loại trừ một nhóm người nào đó và chịu hoàn toàn trách nhiệm để cải thiện điều đó qua thời gian bằng những sự đầu tư có kế hoạch. Loại trừ có thể là một lựa chọn cố ý, thay vì vô tình làm tổn thương người khác.

Toàn diện nghĩa là nhiều thứ đa dạng dành cho những người khác nhau, và có lẽ đó là điều quan trọng. Thiết kế toàn diện phải thích ứng với những tình huống khác nhau. Nhưng để tiến đến sự toàn diện, chúng ta cần học cách nhận ra mặt đối lập của nó. Có lẽ sự loại trừ chính là kinh nghiệm nền tảng chung và sự tập trung sắc bén giúp đưa đường chỉ lối cho ta.


Tác giả: Kat Holmes
Người dịch: Lynnette Dinh
Nguồn: Eyeondesign

Cùng tác giả

#Tag

bàn luận thiết kế thiết kế toàn diện

iDesign Must-try

An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
An Bùi khám phá với Thiết kế sáng tạo đa ngành - Multidisciplinary Design
Multidisciplinary Design là một thuật ngữ “vừa mới, vừa lạ” tại Việt Nam. Mình đã có dịp đọc một bài viết sáng tạo liên quan và tìm hiểu về nó:…
Lượt thích trên Instagram không phải là thước đo cho tác phẩm của bạn
Lượt thích trên Instagram không phải là thước đo cho tác phẩm của bạn
Trong buổi gặp gỡ cuối năm ngoái cùng nhóm các họa sĩ minh họa tại agency Handsome Frank, người đồng sáng lập công ty – Jon Cockley – cảm thấy không…