Ù TRÒN cùng những bộ bài kể chuyện văn hóa Việt: ‘Bài’ nhưng không ‘bạc’

Mỗi đất nước đều có một bộ bài riêng mang bản sắc, câu chuyện, tinh thần văn hóa vô cùng độc lập và cá biệt. Bên cạnh đó, “bài” cũng là một nét hình ảnh dân dã, gần gũi của người Việt đã lâu. Dù xuất phát từ phương Tây và được gọi là bài Tây, nhưng đâu đó trong ký ức tuổi thơ, không ai là không nhớ đến cảm giác ngây ngất vui vào những ngày Tết mà bộ bài đem lại.

Cũng từ đó mà Ù TRÒN – nhà cung cấp bài “nhỏ nhất” Việt Nam đã thổi một màu sắc mới vào bộ bài Tây bằng hình ảnh Việt Nam của thế kỷ 20 với hai bộ bài Toàn DânTự Do. Hãy cùng iDesign trò chuyện với Ù TRÒN về quá trình hai năm ấp ủ thực hiện hai bộ bài “thắm” văn hóa Việt của những người trẻ từng mông lung nhưng cũng đầy kiên định này nhé!

Ù TRÒN gồm bốn thành viên có những xuất phát điểm khác nhau, cũng như kinh nghiệm và niềm đam mê riêng với bộ bài. Bọn mình muốn tạo ra những sản phẩm hoặc dịch vụ mang lại cảm giác sung sướng như khi được “ù tròn” trong trò chơi Tá lả/Phỏm. Và thực ra bộ bài đầu tiên – Toàn Dân, lúc đầu có tên là Ù TRÒN.

Bọn mình có người học cùng nhau, lớn lên cùng nhau, có thanh niên nền tảng là ảo thuật, flourish (múa bài), có người là thiết kế, nhưng tổng thể thì tất cả đều thích các sản phẩm thiết kế nói chung.

Ù TRÒN được ra đời hai năm trước trong khoảng thời gian Nguyên, Tuấn và Giang kết thúc trường học và chuẩn bị bước vào trường đời – khoảng thời gian mà hầu hết mọi người bắt đầu mông lung tương lai. Ba đứa quyết định làm một cái gì đó với nhau, tìm được người thiết kế – anh Vũ Hoàng Anh cũng đang muốn làm một sản phẩm gì khác ngoài chuyên môn của anh. Và đó là điểm bắt đầu của Ù TRÒN cũng như Toàn Dân.

Bộ bài gần như là vật không thể thiếu ở bất cứ quốc gia nào. Hơn nữa, nó gắn liền với nhiều điều bí ẩn cũng như kỉ niệm mà mọi người có thể nhớ tới: những cái mồm chữ ô, chữ a và một chút nước mắt. Chắc trong chúng ta, ai cũng được bố mẹ hay ông bà dạy một trò chơi với bài, ai cũng đã từng một lần say vì bốc phải lá bài không mong muốn trong các drinking games (những trò chơi có hình phạt uống rượu, bia). Vật dụng nhỏ bé này không chỉ là cách quảng bá hình ảnh của một nền văn hoá, một câu chuyện mà nó thực sự mang lại niềm vui cho nhiều lứa tuổi. Vì thế, với bọn mình bài là một trò chơi mang tính cộng đồng rất cao và không thể thiếu ở bất cứ đâu. Ai cũng biết chơi bài, các trò chơi với bài rất dễ học. Và nhất là không thể thiếu 3 yếu tố: sự bất ngờ, hồi hộp và bí ẩn.

Mục đích sử dụng thì có thể khác nhau, có người dùng để chơi, để ngắm nếu thiết kế của bộ bài đủ độc đáo, có người dùng làm ảo thuật, flourish hoặc chơi drinking games.

Bộ bài chính là cầu nối đầu tiên của các thành viên trong nhóm (qua ảo thuật, sưu tầm, những ván tấn, phỏm). Từ đó mà dần dần Toàn Dân được hình thành và trở thành sản phẩm đầu tay của Ù TRÒN. Bộ bài đầu tiên này được ra đời lúc cả nhóm đang chuẩn bị bước vào trường đời. Đối với bọn mình ý định ban đầu chỉ là một dự án về cái gì đó mà tất cả cùng đam mê nhưng dần dần nó trở nên thật sự nghiêm túc.

Bộ bài Toàn Dân chính là một bức tranh tổng quát về những con người của xã hội Việt Nam ở khoảng giữa thế kỷ 20 – một thời của biến động, của lý tưởng và khát vọng chuyển mình. Trong xã hội hiện đại, vẫn có những hình ảnh, con người, tinh thần giống với thế kỷ trước. Lấy ví dụ về tinh thần, sự khao khát chuyển mình để tiến lên phía trước luôn luôn hiện diện, dù là giữa thế kỷ 20 hay ngày hôm nay. Với con người, những “sỹ, nông, công, thương, binh” vẫn luôn là những nhân vật tiêu biểu của xã hội Việt Nam.

Về mặt hình ảnh, lúc đầu bọn mình có khá nhiều ý tưởng khác cho sản phẩm đầu tay. Nhưng cả nhóm thống nhất với ý tưởng tranh cổ động vì các tranh ảnh, font chữ của thời kì này thực sự ấn tượng, có một chút cứng cáp nhưng lại đầy màu sắc. Có thể nói Việt Nam thế kỷ 20 là giai đoạn lịch sử gần nhất, mà tài liệu, hình ảnh hay những thước phim vẫn được lưu giữ. Quan trọng hơn, những sự kiện trong thế kỷ 20 là nền móng cho Việt Nam của thế kỷ 21. Bởi vậy bọn mình thấy tự tin khi khai thác về quãng thời gian này.

Đối với mỗi người, Toàn Dân sẽ mang ý nghĩa riêng. Đối với bọn mình, điều đặc biệt nhất về bộ bài chính là thiết kế và câu chuyện bộ bài.

Khoảng thời gian hai năm ấp ủ Toàn Dân thực sự rất thú vị. Lúc đầu ai cũng nghĩ sản xuất một bộ bài rất đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm mới phát hiện ra là không phải thế. Bọn mình vẫn nhớ hồi ấy dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu chuỗi cung ứng và giai đoạn tốn thời gian nhất chắc chắn là thiết kế. Mất gần một năm rưỡi để tổng kết thiết kế, rồi tìm hiểu ý nghĩa của bộ bài, các quân bài và lịch sử để thiết kế sao cho phù hợp.

Việc chọn một người thiết kế có kinh nghiệm, am hiểu về lịch sử và có cái nhìn giống bọn mình rất khó. Đến giai đoạn sản xuất thì có rất nhiều ý kiến khác nhau và nhiều lựa chọn về chất liệu nên phải mất một thời gian thì cả nhóm mới thống nhất được ý kiến. Từ dự kiến sáu tháng để ra sản phẩm nhưng sự thật là mất gần hai năm. Dù vậy cuối cùng thì quan trọng nhất là bộ bài đã đến được tay khách hàng và bọn mình nghĩ mọi cố gắng đã được đền đáp qua những phản hồi rất tích cực.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là nhiều bạn nghĩ “bài” là “bài bạc” nên thay đổi suy nghĩ mọi người cũng rất khó, đến giờ vẫn có người nói với bọn mình như thế. Ồ không, bài mình màu đỏ và tím nên thắm lắm, không bạc đâu! Điều thú vị nhất là làm sao để người dùng không chỉ tập trung vào phần tiêu cực của bộ bài mà đánh giá. Đi khắp nơi trên thế giới, đến mỗi nơi đều có một bộ bài về nơi đó, nó mang giá trị lưu niệm nhưng người mua hoàn toàn có thể dùng bộ bài đó để chơi. Bọn mình đang cố gắng thay đổi cái tiêu cực qua việc lồng ghép câu chuyện, cũng như giải thích cho người quan tâm những giá trị mà bọn mình hướng tới.

Khó khăn lớn thứ nhì có lẽ là việc các thành viên trong nhóm mỗi người một nơi trong khoảng thời gian quan trọng ấy. Với một nhóm có hai nửa: thiết kế và kinh doanh thì chắc chắn có rất nhiều tranh luận. Nó chính là mối quan hệ giữa khách hàng và người thiết kế, cái này thì chắc độc giả của iDesign rất rõ, mình không phải bàn thêm *cười*

Giữa các tranh luận, bọn mình luôn có một mục đích chung là ra được sản phẩm thú vị và phù hợp với người dùng. Đó chính là kim chỉ nam để tất cả cùng hướng về và cùng nhau giải quyết các vấn đề. Lúc làm căng như dây đàn, nhưng nghĩ lại rất vui: từ lúc lên ý tưởng, tranh luận, có những lúc đứng yên cả tháng trời vì không có cách giải quyết, rồi lúc ra mẫu không như ý muốn… Nhưng lúc vui nhất, đó là lúc cầm trên tay sản phẩm cuối cùng.

Lấy bối cảnh Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, bộ bài thứ hai – Tự Do muốn nhắc tới câu chuyện về một Việt Nam khao khát chuyển mình cùng những con người đã nỗ lực đặt nền móng cho một xã hội vừa văn minh, hiện đại, vừa mang đậm bản sắc của riêng mình.

Nếu tính theo cột mốc lịch sử thì bối cảnh của Tự Do xảy ra trước Toàn Dân, nên đâu đó trong bộ bài Tự Do vẫn còn phảng phất hình ảnh của xã hội phong kiến, pha lẫn với hình ảnh phương Tây. Do thời điểm khác nhau, nên cách vẽ hai bộ cũng rất khác nhau.

Tự Do có 2 chất liệu: giấy và nhựa. Đặc biệt, chất liệu giấy là giấy FSC – gỗ làm giấy được khai thác từ nguồn rừng quản lý và phát triển bền vững. Đây cũng chính là “do good” – một phần trong khẩu hiệu “Feel good, do good, and spread the love” của bọn mình.

Một số thứ cơ bản như sản xuất sẽ dễ thở hơn nhờ những kinh nghiệm từ Toàn Dân, tuy nhiên những khía cạnh khác như thiết kế và câu chuyện thì vẫn rất khó khăn vì bọn mình coi như xóa hết làm lại đối với Tự Do.

Áp lực là không thể tránh khỏi vì bộ bài Toàn Dân được dồn nén rất nhiều tâm huyết của tất cả mọi người nên phải cố gắng sao cho sản phẩm thứ hai vẫn thể hiện được tâm huyết như ngày đầu. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để phát triển bộ bài mới tốt hơn, với rất nhiều cải thiện để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.

Với Tự Do, bọn mình còn làm thêm một phiên bản cực giới hạn với giấy bài chất lượng cao dành cho các bạn thích sưu tầm, sử dụng bài giấy, đặc biệt là các bạn chơi flourish và magic (múa bài và ảo thuật). Ảo thuật và múa bài là một nhóm khách hàng rất thú vị của bọn mình. Để sử dụng một bộ bài làm các trò ảo thuật, sẽ có một số yêu cầu riêng. Bọn mình luôn cố gắng cải thiện chất liệu và quy trình sản xuất để mang lại những sản phẩm tốt hơn.

Với cá nhân bọn mình, quá trình thực hiện những sản phẩm của Ù TRÒN vừa qua đã mang đến rất nhiều kinh nghiệm và những mối quan hệ thú vị. Nó tạo ra được cái sự hứng khởi đúng nghĩa của những người trẻ mới tốt nghiệp, muốn vùng vẫy với những ý tưởng.

Mỗi thành viên trong nhóm học được những điều rất khác nhau. Như Tuấn, Giang, Nguyên chính là những bạn mông lung bước ra từ trường đại học. Kinh nghiệm thiết kế, sản xuất và vận hành rất ít. Trải qua một thời gian sản xuất bộ bài cũng như làm việc với anh Hoàng Anh, bọn mình biết thêm nhiều và cải thiện bản thân từ kiến thức lịch sử, quy trình làm sản phẩm, thiết kế đến cách làm việc.

Bọn mình luôn mong muốn được mang tới nhiều sản phẩm mới nên vẫn sẽ tiếp tục tìm tòi sản phẩm, ý tưởng khác nữa, chắc chắn sẽ còn rất nhiều hoang mang bỡ ngỡ. Cả nhóm vẫn còn rất nhiều thứ để học hỏi. Trong các sản phẩm sắp tới, bọn mình đang hướng đến những câu chuyện gần với hiện tại và tương lai hơn.

Bọn mình cảm thấy rất vui vì dự án giúp mọi người gợi nhớ những câu chuyện Việt Nam và có thể giới thiệu chúng đến các bạn nước ngoài; được học hỏi từ những khó khăn trong kinh doanh, sản xuất; được rất nhiều bạn bè, khách hàng ủng hộ cũng như hỗ trợ. Đặc biệt là gia đình và anh/chị trong ngành thiết kế cũng như các cửa hàng.

Có khá nhiều dự định trong tương lai, nhưng bọn mình vẫn chưa chốt. Hiện chúng mình chỉ muốn tập trung thực hiện Tự Do thật tốt!

Ban biên tập iDesign

Cùng tác giả

#Tag

bộ bài toàn dân bộ bài tự do iD interview idesign signature thiết kế Ù TRÒN văn hoá Việt

iDesign Must-try

Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sans-Phố Typeface: Dự án thiết kế mặt chữ lấy cảm hứng từ các bảng hiệu thủ công trên khắp đường phố Việt Nam
Sự náo nhiệt, hối hả và phần nhìn vô cùng đặc trưng của đường phố Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những nhà sáng tạo Việt.…
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ 2024: Lời kêu gọi cuối cùng cho việc nộp hồ sơ
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ theo đuổi mục tiêu vinh danh các công trình thiết kế xuất sắc đã được đề…
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
Tham gia ngay Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’ - A’ Design Award & Competition
A’ Design Award & Competition – Giải thưởng và Cuộc thi Thiết kế A’  là một trong những cuộc thi hội tụ các tài năng thiết kế thuộc cộng đồng…
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Khi những tác phẩm văn học kinh điển đi vào các trang lịch 2024 của Nhã Nam 
Gửi lời chào năm 2024 đến các độc giả, Nhà xuất bản Nhã Nam đã giới thiệu đến công chúng bộ lịch với chủ đề “Từ trong trang sách”, lấy…
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Bóc Lịch | Tổng hợp các thiết kế lịch 2024 nổi bật của artist Việt trên Behance
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Giáp Thìn 2024. Gác lại những muộn phiền của năm 2023, hãy cùng iDesign chiêm ngưỡng bộ lịch Tết 2024 nổi bật đúng…
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Giải thưởng Review thương hiệu danh giá thường niên - Brand Review Award (B.R.A)
Đã bao giờ bạn tự hỏi? Là công dân của một nước, điều gì khiến bạn ghi nhớ nhất và tự hào nhất về quốc gia mình, về dân tộc…