Tâm lí con người và bí mật của một không gian làm việc lý tưởng

Tại sao chúng ta thường thích những nhà hàng với các cụm không gian riêng hơn là những bàn ăn tự do? Đó là bởi vì trong tiềm thức, chúng ta luôn muốn có một cái nhìn tổng quát về môi trường xung quanh.

Nếu bạn hỏi một CEO làm thế nào để tối ưu hoá không gian làm việc, họ sẽ kêu bạn tham khảo ý kiến của một nhà thiết kế nội thất. Giờ nếu bạn cũng hỏi cùng câu hỏi đó với những nhà tâm lý học tiến hoá (Evolutionary psychology: Nghiên cứu sự ảnh hưởng của các tính trạng di truyền từ tổ tiên đến hành vi – người dịch), họ sẽ giới thiệu cho bạn những chuyên gia vô cùng đặc biệt: tổ tiên của chúng ta.

Những nhà tâm lý học tiến hoá lập luận rằng có rất nhiều xu hướng thiết kế hiện tại có thể được tìm thấy trong lịch sử chung của loài người, cái thời mà chúng ta còn sống trên những vùng thảo nguyên. Đó là thời mà chúng ta phải thích ứng với môi trường và tồn tại bằng việc săn bắt – hái lượm; cái thời mà những nguy hiểm luôn rình rập tổ tiên của chúng ta bất cứ lúc nào. Những xu hướng thiết kế này, theo như lập luận của những nhà tâm lý học, luôn tồn tại trong tiềm thức. Chúng ta luôn cảm thấy dễ chịu và thoải mái trong một môi trường an toàn và ngược lại, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu đối với một môi trường có vẻ nguy hiểm, và chúng ta cũng chẳng lý giải chính xác được tại sao lại như vậy.

Một ví dụ: theo bản năng, chúng ta thường thích ngồi ở một nơi an toàn và hướng ánh nhìn ra những nơi rộng lớn như công viên hoặc đại dương. Đó là lý do tại sao lại có những căn nhà nằm gần ven sông hoặc những căn hộ nhìn ra Công viên Trung tâm. Trong quá khứ, những nơi trú ẩn an toàn và cung cấp cái nhìn tổng quát xung quanh chính là nền tảng để giúp cho loài người chúng ta sống sót và sinh tồn cho tới ngày nay. Những địa điểm mang lại cái nhìn toàn cảnh và sự an ninh thường cho ta cảm giác thoải mái, trong khi những địa điểm không đủ an toàn và bị che chắn tầm nhìn thường sẽ cho ta cảm giác khó chịu. Mặc dù chúng ta không cần những điều đó mới có thể tồn tại, nhưng trong tiềm thức thì ai mà lại không thích một nơi ở thoải mái cơ chứ.

Một nghiên cứu về ảnh não cho ta thấy bản chất cội nguồn của việc này: chúng ta luôn có những khao khát mãnh liệt về một nơi trú ẩn an toàn và tầm nhìn đầy đủ, chính điều này đã tác động lên nhận thức nghệ thuật của chúng ta. Một nghiên cứu vào năm 2006 đã chỉ ra rằng khu vực đảm nhận cảm giác hưng phấn ở trung tâm não luôn hoạt động mỗi khi chúng ta quan sát cảnh quan xung quanh, đặc biệt là khi đang đứng ở một nơi ở an toàn.

Bạn có cảm thấy dễ chịu khi nhìn vào bức tranh phong cảnh này không?
(tác phẩm Gardanne của hoạ sĩ Paul Cézanne)

Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta luôn cảm thấy căng thẳng mỗi khi ngồi xuống mà không có chỗ để dựa lưng. Đó là vì chúng ta không muốn bị ai đó ‘theo đuôi’ từ sau lưng, và quan trọng hơn hết, chúng ta muốn giảm thiểu mọi nguy hiểm tiềm tàng có thể xảy ra. Như nhà tâm lý học môi trường Sally Augustin đã chỉ ra, đây là một trong những lý do khiến các cụm không gian riêng của nhà hàng luôn ‘đắt khách’ hơn các bàn ăn tự do. Theo như truyền thống của các băng đảng Mafia, hãy luôn ngồi dựa lưng vào tường nếu có thể. Có vẻ như những tổ tiên của chúng ta cũng có ý nghĩ tương tự.

Thêm một quan điểm khác về thuyết tiến hoá: chúng ta cảm thấy hạnh phúc nhất mỗi khi ở gần không gian bên ngoài. Khi còn ở thời săn bắt – hái lượm, việc luôn ở ngoài trời đóng vai trò quan trọng trong việc sống còn. Ở ngoài trời đồng nghĩa với với việc ở gần với thực phẩm, nước và ở gần những người khác. Một nghiên cứu khác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tự nhiên với hoạt động tâm lý của con người. Ví dụ, một nghiên cứu năm 1984 cho kết quả rằng những bệnh nhân sau phẫu thuật nếu được nằm ở những nơi nhìn ra không gian bên ngoài sẽ cần ít thuốc giảm đau và hồi phục nhanh hơn. Những nhà nghiên cứu cho rằng cảnh quan thiên nhiên giúp chúng ta bớt căng thẳng và thư giãn gân cốt, chính điều này giúp cho cơ thể hồi phục nhanh hơn.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn cho thấy khi có được tầm nhìn ra cảnh quan ngoài trời, năng suất làm việc cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Những nhân viên ngồi gần cửa sổ thường tập trung vào công việc tốt hơn, kèm theo đó là hứng thú với công việc, mức độ trung thành với công ty cũng cao hơn so với các đồng nghiệp. Một nghiên cứu vào năm 2003 đã phát hiện rằng khi các nhân viên trực tổng đài điện thoại được đặt ngồi gần cửa sổ, họ đã tạo ra thêm $3000 năng suất mỗi năm. Nghiên cứu trên thậm chí còn cho thấy được tỉ lệ thuận giữa số lượng ánh nắng chiếu vào văn phòng đi đôi với mức độ hài lòng về nơi làm việc của nhân viên.

Tại sao việc tiếp cận với tự nhiên lại mang lại nhiều lợi ích đến vậy?

Một số chuyên gia cho rằng việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đóng vai trò rất quan trọng. Ánh sáng mặt trời giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể con người. Nếu không có ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ mất đi sự cân bằng giữa serotonin và melatonin, qua đó ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng giấc ngủ cũng như hệ thống miễn dịch của chúng ta. Để làm rõ điều này, một nghiên cứu vào năm 2013 đã cho thấy những nhân viên làm việc với văn phòng có cửa sổ có thời lượng giấc ngủ trung bình hơn 46 phút so với những nhân viên làm việc trong một văn phòng kín bưng. Một nghiên cứu khác vào cũng năm cũng đưa ra kết luận: khi ánh sáng mặt trời chiếu vào da, cơ thể sẽ sản sinh ra NO (nitric oxide), một hợp chất giúp làm giãn nở mạch máu và giảm huyết áp.

Nhiều chuyên gia còn tin rằng những lợi ích của thiên nhiên còn vượt xa hơn về mặt sinh lý. Một số nhà nghiên cứu cho rằng cảnh quan thiên nhiên còn có tác dụng làm chậm sự lão hoá và cải thiện sức khoẻ tâm lý. Trong công việc, chúng ta luôn trong trạng thái căng thẳng cực độ, nơi mà chúng ta thường “chết chìm” trong một mớ cuộc gọi, email, tin nhắn hàng giờ liền – và cảnh quan thiên nhiên giống như một chiếc “phao cứu sinh” cho mớ hỗn tạp ấy. Khi đến với thiên nhiên, chúng ta có quyền để cho tâm trí được tự do đùa nghịch, không phải vướng bận suy nghĩ gì nhiều, các nhà tâm lý học gọi trạng thái này là “soft fascination”. Kết quả cuối cùng mà chúng ta có được là sự cải thiện cảm xúc cùng với nguồn năng lượng tinh thần dồi dào giúp cải thiện trí nhớ và nâng cao sức sáng tạo.

Văn phòng của Selgas Cano Architects ở Tây Ban Nha. Ảnh chụp bởi Iwan Baan

Các nghiên cứu còn cho thấy sự hiện diện của các loài thực vật mang lại nhiều lợi ích đáng ngạc nhiên. Các nhân viên văn phòng nói rằng họ cảm thấy khoẻ mạnh và tràn đầy năng lượng hơn khi nơi làm việc của họ có trồng các loại cây và hoa tươi. Trong một nghiên cứu năm 2011, những người tham gia thử nghiệm khi được làm việc trong một căn phòng có trồng cây cảnh đã đạt được sự tập trung và chú ý đáng kể.

Ngay cả khi không có cả tầm nhìn lẫn cây cối trong văn phòng, một số thứ liên quan tới thiên nhiên cũng có thể giúp ích. Những nhà nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp cận với bể cá hoặc lò sưởi cũng giúp chúng ta cảm thấy thư thái và kết nối hơn với mọi người. Những bức tranh phong cảnh có thể giúp chúng ta bớt lo âu. Những màu sắc như xanh dương và xanh lá – màu sắc đại diện cho sự phì nhiêu của thực vật, đại diện cho nước và nguồn dinh dưỡng – cũng góp phần giúp chúng ta cảm thấy an toàn và gia tăng sức sáng tạo.

Những nhà tâm lý học không khó để nhận ra được sai lầm của rất nhiều văn phòng hiện nay. Che khuất ánh mặt trời, cản trở tầm nhìn, chỗ ngồi không có chỗ dựa lưng – tất cả những điều đó chính là thủ phạm của bệnh lo lắng mãn tính. Vậy nên, hãy để nhân viên có một phòng làm việc rộng rãi, tạo cho họ sự thích thú trong công việc, cho họ một nơi nghỉ ngơi thoải mái, nơi mà họ có thể hồi phục lại sức khoẻ của mình.

Chúng ta thường hay lầm tưởng rằng nguồn cảm hứng của nhân viên là công việc, chỉ cần cho họ một công việc thử thách kèm theo đó là những công cụ phù hợp để họ thể hiện bản thân thì họ sẽ rất vui. Đúng, nhưng chưa đủ. Nhận thức của chúng ta luôn kết nối với môi trường. Nếu môi trường làm việc không đem lại sự thoải mái, thì đồng nghĩa với việc nhận thức cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Đây chính là lý do tại sao thiết kế văn phòng lại cực kỳ quan trọng. Một môi trường phù hợp sẽ góp phần giúp nhân viên có được hiệu suất cao nhất. Có thể tổ tiên của chúng ta đã không còn nữa, nhưng họ vẫn có thể dạy cho chúng ta rất nhiều điều về việc thiết kế một nơi làm việc tuyệt vời đấy.

Tác giả: Ron Friedman

Nguồn: 99u.com
Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

Cà Phê - Trà Đá design office life workspace

iDesign Must-try

Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Với mục tiêu giới thiệu đến đông đảo công chúng nói chúng và cộng đồng học & làm nghệ thuật nói riêng về một hang ổ của nhà thiết kế…
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Hiếu Vũ: Âm nhạc & sự chuyển động, khoảnh khắc chủ chốt cho câu chuyện
Những chuyển động sáng tạo của vật thể được Hiếu Vũ lấy cảm hứng từ đời thường, đặc biệt là về âm nhạc. Tiếp sau đó là khoảnh khắc chủ…
Tại sao Vaporwave được coi là xu hướng thiết kế năm 2023
Tại sao Vaporwave được coi là xu hướng thiết kế năm 2023
 Vaporwave là phong trào nghệ thuật kỹ thuật số đang khuấy động nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, thiết kế, thời trang, video và hơn thế nữa. Trong bài viết…
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Cheryl Vo: ‘Trước khi thiết kế, mình luôn hỏi tại sao?’
Tính khái niệm trong Design Decisions (tạm dịch: Quyết định thiết kế) của một thiết kế hay là hành trình những cảm xúc Cheryl Vo sẽ được mở khóa từ…
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
Đạt Đỗ và bộ chữ Việt - ‘Mình lấy chất liệu như thế nào, thể hiện điều đó ra sao?’
“Tới hiện tại mình vẫn không nhận bản thân là nhà thiết kế con chữ, mình chỉ tự nhận là người truyền cảm hứng dựa trên các câu chuyện về…
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Thiết kế đồ hoạ là Nghệ thuật
Chúng ta đã cùng tìm hiểu đâu là những điểm khác nhau nhằm phân biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế. Nhưng xét cho cùng, Thiết kế có được coi…