Swiss Design là gì?

Các nhà thiết kế đồ họa thường xuyên nhắc đến thuật ngữ Swiss Design (Thiết kế Thụy Sĩ). Tuy nhiên, nếu phải định nghĩa, chúng ta có thể làm điều này tốt hơn là chỉ đề cập đến một cái nhìn khá mơ hồ và chung chung như bố cục khối sắc nét, thiết kế nhỏ gọn và dùng kiểu chữ sans serif.

Thật vậy, đối với nhiều người, Swiss Design về cơ bản đồng nghĩa với Helvetica – cái tên thật sự có nghĩa là “Thụy Sĩ” (tiếng Latin, Thụy Sĩ là Confederatio Helvetica) – được thiết kế vào năm 1957 và tung ra thị trường vào năm 1960.

Chúng ta không thể xem thường tầm quan trọng của Helvetica, kiểu chữ vô cùng hữu dụng cho tất cả mọi thứ, từ bảng chỉ dẫn (ví dụ như tàu ​​điện ngầm thành phố New York) đến các trang web và logo. Nhưng để thực sự hiểu nó, bạn phải hiểu lịch sử sơ bộ về Swiss Design.

idesign swiss design la gi 01
Tàu điện ngầm thành phố New York sử dụng Helvetica. Ảnh lấy từ wnyc.org

Tóm gọn thì Swiss Design là một phong trào diễn ra vào những năm 1950 ở hai trường nghệ thuật của Thụy Sĩ, trường Kunstgewerbeschule ở Zurich, do Josef Müller-Brockmann đứng đầu, và trường Allgemeine Gewerbeschule ở Basel, được lãnh đạo bởi Armin Hofmann. Cả hai người này đều từng học với Ernst Keller ở Zurich trước Thế chiến II. Những cái tên này sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi chúng ta xem xét sự nghiệp của họ ở phần bên dưới.

Phong cách của họ, được gọi là The International Typographic Style (hay Swiss Style – “Phong cách Thụy Sĩ”) vào thời điểm đó, với kim chỉ nam thiết kế nên vô hình nhất có thể. Tất cả các “dấu vết” về tính chủ quan của người thiết kế nên lùi về phía sau để “nội dung” của tác phẩm tỏa sáng. Nó tương tự như châm ngôn của kiến trúc chủ nghĩa hiện đại: Chức năng luôn luôn quan trọng hơn hình thức.

idesign swiss design la gi 02
Ảnh lấy từ  luc.devroye.orgdesignhistory.com

Trong thực tế, các yếu tố để phân biệt Swiss Design là:

  • Sử dụng kiểu bố trí bất đối xứng với văn bản thẳng hàng căn lề trái, không căn lề phải
  • Kiểu chữ Sans Serif như Akzidenz Grotesk và sau đó là Helvetica (ban đầu được gọi là Neue Haas Grotesk)
  • Sử dụng kỹ thuật nhiếp ảnh trắng đen, thay vì hình minh họa
  • Và quan trọng nhất là sử dụng hệ thống lưới chính xác để xác định vị trí của các chi tiết thiết kế – phương pháp vẫn cực kỳ quan trọng trong thiết kế web đến ngày nay.

Nhiều yếu tố trong số trên đã trở nên phổ biến trong ngành thiết kế mà chúng ta không còn nghĩ về chúng như nét riêng của Swiss Design nữa. Tuy nhiên, để hiểu được sự khác biệt vào thời điểm đó, hãy xem qua hai mẩu tin quảng cáo của Mỹ trong hai giai đoạn – trước và sau phong trào Swiss Design.  

idesign swiss design la gi 03
Ảnh minh họa của Andy Warhol cho một tạp chí thời trang (ảnh từ modalitademode.com)

Tạp chí năm 1952 này có một điều đặc biệt: người vẽ ảnh minh họa cho các đôi giày là Andy Warhol, và sau này ông nổi tiếng với vai trò một nghệ sĩ Pop Art. Bên cạnh đó, tạp chí trên còn là đại diện của các tiêu chuẩn thiết kế bấy giờ: văn bản dùng phông chữ serif chuyên dành cho sách; căn lề trái và phải để tạo ra hình chữ nhật đối xứng; sử dụng hình minh họa thay vì kỹ thuật nhiếp ảnh.

Bây giờ, hãy xem qua một trang tạp chí khác ra đời khoảng một thập kỷ sau đó, sau khi Swiss Design đã tràn ngập ở New York:

idesign swiss design la gi 04
Tin quảng cáo thiết kế bởi Helmut Kroner những năm 1960 cho Volkswagen theo Swiss Design
(ảnh lấy từ  buzzfeed.com)

Quảng cáo mang tính biểu tượng này được thiết kế bởi Helmut Krone, người New York, là con trai của những người Đức nhập cư, thiết kế cho công ty thiết kế ở Manhattan – Doyle Dane Bernbach. Thậm chí không cần đến những chi tiết làm cho quảng cáo trở nên nổi bật, hãy xem xét các yếu tố thiết kế đơn lẻ: ở đây hình minh họa đã dược thay thế bởi nhiếp ảnh và sử dụng kiểu chữ sans serif. Nhìn chung, “thiết kế” theo nghĩa thuật ngữ truyền thống đã lùi về phía sau, ảnh hưởng của The International Typographic Style là rõ ràng.

Bây giờ chúng ta đã hiểu đúng Swiss Design là gì, nhưng hàng loạt thắc mắc vẫn hiện ra trong đầu: Swiss Design đã phát triển như thế nào? Và tại sao lại là Thụy Sĩ? Dãy Alps (dãy núi cao nhất Châu Âu) có gì đặc biệt? Để trả lời những câu hỏi này, trước tiên chúng ta cần xem qua các phong trào thiết kế và nghệ thuật đã thúc đẩy và truyền cảm hứng cho Swiss Design (cho dù ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực) và sau đó tìm hiểu kỹ hơn các nhân vật chủ chốt của phong trào và thành tựu của họ.


Các tiền lệ thiết kế

Có lẽ thiết kế đồ họa ra đời từ thế kỷ 19, khi “nghệ thuật và thủ công” và “nghệ thuật ứng dụng” bắt đầu tách biệt với cái gọi là “mỹ thuật” (tức hội họa, điêu khắc và kiến ​​trúc) và thành lập các tổ chức nghiên cứu độc lập.

Vì lý do gì đó, phong trào đấu tranh cho sự độc lập của thiết kế này bùng nổ mạnh nhất ở những quốc gia nói tiếng Đức và tiếng Anh. Để hiểu nhanh về hiệu ứng của Swiss Design vào đầu thế kỷ 20, chúng ta có thể xét qua một phong trào của nước Anh, phong trào “Nghệ thuật và Thủ công”, và một phong trào ở nước Đức, “Jugendstil’ (hay còn gọi là “nghệ thuật trẻ”). Swiss Design đã chống lại cả hai phong trào trên.

Phong trào Nghệ thuật và thủ công

idesign swiss design la gi 05
Ảnh lấy từ  ilovetypography.com

Phong trào Nghệ thuật và thủ công ở Anh được dẫn dắt bởi những nhân vật như William Morris. Morris tin rằng chính việc cơ giới hoá công nghiệp đã làm giảm chất lượng các tác phẩm thủ công, vì vậy ông đã thúc giục quay trở lại với mô hình nghệ nhân thời trung cổ.

Các thiết kế sách của ông (như mẫu ở trên) rõ ràng là theo phong cách tiền hiện đại, kết hợp vô số những mẫu thiết kế phức tạp và chi tiết minh họa.

Jugendstil

Phong trào Jugendstil, dẫn đầu bởi những người như Henri van de Velde và nhà thiết kế typography Otto Eckmann, được coi như tương đương với Art Nouveau (phong trào “Nghệ thuật mới” ngự trị ở Pháp) ở Đức. Điểm đặc trưng của nó cũng là các họa tiết hoa văn vẽ tay phức tạp và những nét trang trí bay bướm tiền hiện đại. Trên tất cả, phong trào Jugendstil được thúc đẩy bởi mong muốn đề cao tính chủ quan của người nghệ sĩ hoặc nhà thiết kế.

Swiss Design bác bỏ tất cả những nỗ lực nhân rộng hàng thủ công của một xã hội tiền công nghiệp và giành lấy đặc quyền cho tính chủ quan của nghệ sĩ. Thay vào đó, nó đề cao tính hiện đại, sự rõ ràng và bảo mật của các thiết kế làm bằng máy móc.


Cảm hứng nghệ thuật

Các nhà thiết kế Swiss Design đã không tạo ra cách tiếp cận chủ nghĩa hiện đại một cách bất ngờ. Thay vào đó, họ xem xét các tiền lệ chung của nghệ thuật và thiết kế từ khoảng thời gian 1914 và 1939, bao gồm các phong trào: chủ nghĩa tuyệt đỉnh và chủ nghĩa kiến tạo ở Nga, De Stijl ở Hà Lan và tác phẩm lấy cảm hứng từ chủ nghĩa kiến tạo của Bauhaus – trường thiết kế được thành lập năm 1919 tại Dessau, Đức.

Chủ nghĩa tuyệt đỉnh và chủ nghĩa kiến tạo ở Nga

idesign swiss design la gi 07
Ảnh lấy từ ibiblio.orgbritannica.com

Lấy cảm hứng từ cuộc cách mạng năm 1917, các nghệ sĩ Nga, Kasimir Malevich và El Lissitzky, đã tìm cách định hình lại nghệ thuật cho thời đại xã hội chủ nghĩa mới. Các giải pháp của họ, chủ nghĩa tuyệt đỉnh và chủ nghĩa kiến tạo, sử dụng các chi tiết hình học đơn giản và kiểu chữ sans-serif mạnh mẽ, đặt trong các bố cục hình dạng bất thường.

De Stijl

idesign swiss design la gi 08
Ảnh lấy từ  designhistory.comindexgrafik.fr

Trong khi đó ở Hà Lan, các nghệ sĩ như Theo von Doesburg và Piet Mondrian đã thành lập một phong trào được gọi là De Stijl (hoặc đơn giản là “Phong Cách”). Áp dụng cho tất cả các mảng kiến trúc, vẽ tranh và đồ họa, những nguyên tắc của De Stijl được bắt nguồn từ toán học và hệ thống lưới, được sử dụng như các công cụ chỉnh bố cục.

The Bauhaus

idesign swiss design la gi 09
Laszlo Moholy – Nagy vừa là họa sĩ theo chủ nghĩa kiến tạo, vừa là nhà thiết kế layout cho các ấn phẩm của Bauhaus. Ảnh lấy từ Pinterest.comthe-saleroom.com

Bauhaus được thành lập để cung cấp những chương trình giảng dạy khác nhau cho nghệ thuật và thủ công, nhưng với sự giám sát trực tiếp của kiến ​​trúc sư Walter Gropius, nó mang hơi hướng kiến ​​trúc hiện đại theo một cách đặc biệt. Trong môi trường này, các nghệ sĩ như Laszlo Moholy – Nagy đã theo đuổi các biến thể của chủ nghĩa kiến tạo, yếu tố nội tại của cả chủ nghĩa kiến tạo của Nga và De Stijl, bao gồm các hình dạng hình học đơn giản, kiểu chữ sans serif và hệ thống lưới.


Nét đổi mới của Thụy Sĩ

Vì vậy, tất cả những sự kiện của Swiss Design đều xảy ra ở Thế chiến II. Nhưng tại sao chúng lại kết hợp thành công nhất ở Thụy Sĩ trong thời kỳ nội chiến và sau chiến tranh? Một giải thích hợp lý có thể là dựa vào thực tế, Thụy Sĩ vẫn trung lập trong cả hai cuộc xung đột. Kết quả là nó đã trở thành một thiên đường cho trí thức và là nơi tụ họp những ý tưởng khác biệt, từ Anh, Hà Lan đến Đức và Nga.

Nhưng sự phát triển của Swiss Design không chỉ là một phương trình toán học đơn giản. Nó là kết quả của những đóng góp độc đáo đến từ các nghệ sĩ và nhà thiết kế cụ thể mà chúng ta sẽ được biết sau đây.

Ernst Keller

idesign swiss design la gi 10
Poster được thiết kế bởi Ernst Keller (ảnh lấy từ MOMA)

Ernst Keller là “cha đẻ” của Swiss Design trên nhiều phương diện. Ông là giảng viên Trường Nghệ thuật ứng dụng ở Zurich vào năm 1918, từ đó ông bắt đầu soi sáng và dẫn lối cho các thế hệ tiếp theo, trong số đó có Müller-Brockmann và Hofmann. Mặc dù phong cách tác phẩm của Keller có một chút khác so với những gì xảy ra sau này, nhưng tình yêu về đồ họa ấn tượng, bố cục bất thường và kiểu chữ sans serif của ông đều đem lại những tác động rõ ràng.

Josef Müller-Brockmann

idesign swiss design la gi 11
Thiết kế bởi Josef Müller-Brockmann (ảnh lấy từ designhistory.com)

Müller-Brockmann là một trong những nhân vật quan trọng của Swiss Design vào những năm 1950. Ông được đánh giá cao với các tác phẩm poster – sử dụng văn bản, hình ảnh và chi tiết đồ họa đơn giản để tạo ra các tác phẩm nổi bật và nhịp nhàng. Ông cũng nổi tiếng với lời thề bất biến của mình đối với thiết kế lưới. Trích nguyên văn là:

“Trong các thiết kế poster, tin quảng cáo, sách quảng cáo và triển lãm của tôi, tính chủ quan sẽ bị đàn áp, ủng hộ cho hệ thống lưới hình học, thứ xác định việc sắp xếp chữ và hình ảnh. Lưới là hệ thống tổ chức giúp việc đọc nội dung, thông điệp trở nên dễ dàng hơn…

“Lưới là hệ thống tổ chức cho phép bạn thu các kết quả đã được sắp xếp với chi phí tối thiểu. Nhiệm vụ được giải quyết dễ dàng hơn, nhanh hơn và tốt hơn.” (trích từ Guity Novin)

Armin Hofmann

idesign swiss design la gi 12
Thiết kế bởi Armin Hofmann (ảnh lấy từ printmag.com)

Ở Basel, Armin Hofmann đã khám phá ra một cách tiếp cận tương tự nhưng khác biệt. Những tác phẩm của ông ấy thậm chí còn tập trung vào kiểu chữ nhiều hơn và tận dụng triệt để sự tương phản. Hoffman đã tổ chức một buổi giảng dạy tại Đại học Yale vào giữa những năm 1950, đó chính là “con đường” mang phong cách Thụy Sĩ đến Hoa Kỳ.

Adrian Frutiger

idesign swiss design la gi 13
Kiểu chữ Univers là megafamily đầu tiên của các font chữ (ảnh lấy từ archpaper.com)

Thật phù hợp khi kết thúc bài viết về Swiss Design này trên phương diện typography. Hevetica, được thiết kế bởi Eduard Hoffmann và Max Miedinger, dĩ nhiên là vua, và xứng đáng với tất cả những lời khen ngợi mà nó nhận được. Nhưng thay vào đó, chúng ta hãy xem xét người tiền nhiệm của nó, điều được cho là quan trọng hơn: Univers.

Được thiết kế bởi Adrian Frutiger vào năm 1954 và phát hành vào năm 1957, Univers là một kiểu chữ sans-serif phục vụ cho việc cập nhật bộ chữ Akzidenz Grotesk gần 50 tuổi. Điều khiến Univers trở thành một cột mốc quan trọng là: nó là kiểu chữ đầu tiên của bộ chữ megafamily. Thay vì có ba phông chữ thông thường: chữ thường, in nghiêng và in đậm – nó có không ít hơn 21 hiệu ứng khác nhau, mỗi chữ được đánh dấu bằng một con số. Điều này đã tạo nên sự linh hoạt chưa từng có cho các nhà thiết kế. Giờ đây, họ có thể thiết kế toàn bộ dự án bằng cách sử dụng các hiệu ứng khác nhau, thay vì phải sử dụng nhiều kiểu chữ để có được tất cả các hiệu ứng mà họ muốn.

Điều này cũng chuyển sự chú ý của các nhà thiết kế sang “phạm vi khả năng” của các kiểu chữ đơn theo một cách hoàn toàn mới. Và con đường dẫn đến Helvetica và sự thống trị của Swiss Design đã được hình thành.

Tác giả: Alex Bigman
Dịch giả: Thảo Tăng
Nguồn: 99designs


Cùng tác giả

#Tag

design helvetica phong trào thiết kế swiss design Swiss Style thiết kế thụy sĩ typography

iDesign Must-try

Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu - bộ phông miễn phí lấy cảm hứng từ biển quảng cáo viết tay của người Việt xưa
Phudu là một kiểu chữ không chân truyền thống, lấy cảm hứng từ các biển quảng cáo viết tay của người Việt ngày xưa, do Dương Trần (Graphic & Type…
Lạc Tự (phiên bản mới 2023) - Bộ phông lấy cảm hứng từ cảnh quan đô thị Việt những năm 80 - 90
Lạc Tự (phiên bản mới 2023) - Bộ phông lấy cảm hứng từ cảnh quan đô thị Việt những năm 80 - 90
Lạc Tự (Lost Type) 2023 là bộ phông được thiết kế lại từ bộ phông cùng tên, do @trinhmark thực hiện năm 2018. Lạc Tự 2023 vừa được công bố…
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 4)
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 4)
Trong phần cuối cùng của loạt bài về Phong cách Ký tự pháp Quốc tế, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thiết kế tại Basel và Zurich với Siegfried Odermatt…
Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Khám phá điểm đến sáng tạo của Tháng 5 tại Triển lãm sinh viên Monster Lab 2023|Monster-pieces Exhibition
Với mục tiêu giới thiệu đến đông đảo công chúng nói chúng và cộng đồng học & làm nghệ thuật nói riêng về một hang ổ của nhà thiết kế…
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 3)
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 3)
Phong cách Ký tự pháp Quốc tế tiếp tục phát triển xa hơn nữa ở hai thành phố Basel và Zurich, nằm cách nhau 70 km ở miền bắc Thụy…
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 2)
International Typographic Style / Phong cách Ký tự pháp Quốc tế (Phần 2)
Trong phần thứ hai của loạt bài về trào lưu thiết kế Phong cách Ký tự pháp Quốc tế, chúng ta tìm hiểu những đồ hoạ mang tính khoa học…