Bí quyết giúp bạn trở thành một Design Leader

 

Một trong những điều tôi thích ở cách hoạt động của Facebook là sự tập trung vào lối phát triển cá nhân và mục tiêu mà mọi người đề ra cho sự nghiệp của họ. Chúng tôi tin rằng một người không nhất thiết phải là người quản lý để lãnh đạo công ty.

Tính lãnh đạo mạnh mẽ từ các cá nhân đóng góp (ICs) sẽ thúc đẩy sản phẩm phát triển, và với tư cách một nhà thiết kế, đó là hướng tốt nhất để phát triển trong sự nghiệp của bạn. Trong thực tế, đó là lý do những cá nhân đóng góp (IC) và người quản lý là ngang hàng, không tính theo thứ tự. Trở thành người quản lý không phải là sự thăng chức, điều đó có nghĩa là bạn đang thay đổi sự tập trung của bản thân.

Tôi đã gia nhập Facebook vào mùa hè năm 2014, lúc đó tôi là một IC làm việc văn phòng ở London. Đó là thời gian thích hợp để tham gia nhóm, bởi vì nhóm sản phẩm được thành lập ở Luân Đôn lần đầu tiên. Khi ấy, chỉ có một số nhà thiết kế sản phẩm trong văn phòng mới mở trên ba tầng kính, nằm giữa Ga Euston và Công viên Regents.

ảnh: rawpixel

Văn phòng ở London là một sự tương phản rõ rệt với trụ sở làm việc căng thẳng ở Công viên Menlo nằm ngay chính giữa Thung lũng Silicon, nơi có hơn một trăm nhà thiết kế. Tôi đã chứng kiến ​​sự bùng nổ của văn phòng ở London, từ một không gian yên tĩnh, thưa thớt, trở thành một nơi đông đúc với nhiều hoạt động, cùng đội ngũ nhân viên số lượng lớn và gắn bó khắng khít theo cách riêng của họ.

Tôi nhớ người quản lý sản phẩm đã nói rằng tôi sẽ làm việc hiệu quả hơn nếu tôi đóng vai trò chiến lược trong nhóm, hướng dẫn công việc và cách thực hiện. “Tính lãnh đạo” sau đó đã trở thành một chủ đề thường xuyên trong cuộc trò chuyện giữa tôi với người quản lý. Cho đến thời điểm đó, vị trí lãnh đạo không phải là điều tôi cảm thấy hào hứng hay đang tìm kiếm.

Một vài năm nhanh chóng trôi qua, và tôi là một nhà quản lý thiết kế làm việc tại Công viên Menlo. Cùng với các nhà quản lý thiết kế khác trong nhóm, chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều về cách mà các IC có thể phát triển như những nhà lãnh đạo. Sau đây là danh sách 7 điểm cốt lõi mà chúng tôi đã học được, và chính bản thân tôi đã trải nghiệm.

1. Khởi tạo thảo luận

Tôi đã từng quản lý một nhóm. Chúng tôi thường nghĩ rất nhiều cách để có thể phát triển số liệu. Nhiều ý tưởng có khả năng thu hút sự ủng hộ tuy rất “ảo” nhưng lại không thực tế, mọi người tập trung vào việc thúc đẩy con số chứ không phải là sự trải nghiệm. Trong tình huống này, điều giá trị nhất mà tôi có thể làm là nói “không” và đẩy lùi những ý tưởng đó.

Vấn đề quan trọng mà không ai nói đến là gì? Những vấn đề khó khăn nhất sẽ được giải quyết khi bạn có thể trao đổi thẳng thắn với nhóm của mình. Cho dù bạn đang thảo luận về một mẫu thiết kế, hay bạn quan tâm về định hướng sản phẩm, hoặc bạn đang cố gắng khắc phục mối quan hệ làm việc với ai đó, điều quan trọng là hãy thoải mái có những cuộc trò chuyện với nhóm của bạn.

2. Khởi tạo sáng kiến

Một nhà thiết kế và nhà nghiên cứu – những người mà tôi đã hợp tác cùng – đã đào sâu thông tin chi tiết về nghiên cứu trong một lần thiết kế chạy nước rút. Họ nêu bật một điều mà nhóm tôi đã thực sự không nghĩ đến. Vào cuối tuần đó, họ đã phát triển một ý tưởng thử nghiệm chỉ ra cách chúng ta có thể nắm bắt cơ hội. Phần lớn nhóm sản phẩm thực sự hưởng ứng ý tưởng, và bây giờ nó đang ở trong chính lộ trình của chúng tôi. Nếu một sáng kiến ​​là quan trọng và ta có thể chứng minh giá trị của nó, người lãnh đạo là người phù hợp nhất để đảm bảo rằng sáng kiến đó được xây dựng.

Bạn thấy có cơ hội khác mà không ai nghĩ đến? Khám phá các cơ hội cho nhóm của bạn, trình bày và thực hiện chúng. Điều quan trọng không chỉ là việc tập hợp mọi người lại và làm họ hứng thú với một ý tưởng nào đó, mà còn là sự theo dõi và biến ý tưởng đó thành hiện thực.

3. Cộng tác bên ngoài nhóm thiết kế của bạn

ảnh: Kaboompics // Karolina

Một số người đang làm việc với tôi vẫn đang tích cực duy trì mối quan hệ với các nhóm khác, ngay cả khi không có lý do cụ thể để làm như vậy. Những mối quan hệ này giúp cho việc hợp tác trong tương lai dễ dàng hơn.

Những nhóm nào có chung mối quan tâm về vấn đề bạn đang phải giải quyết và làm thế nào bạn có thể kết nối những nhóm đó? Chúng ta có quá nhiều công việc phải dựa vào các mối quan hệ cũng như dựa vào cách điều hướng và kết nối mối quan hệ giữa mọi người và nhóm.

Hãy tìm cơ hội giới thiệu việc bạn đang làm và mời những người khác cùng chia sẻ. Nếu không, hãy chủ động thiết lập điều gì đó mới mẻ có khả năng gắn kết.

4. Tham khảo thông tin phản hồi thường xuyên

Tôi từng làm việc với một người quản lý sản phẩm và chúng tôi thường dành thời gian nói chuyện cùng nhau. Hầu hết thời gian (nếu trời không mưa), chúng tôi sẽ đi qua Công viên Regents và nói về công việc, cuộc sống. Tôi nhận ra rằng những chuyến đi này là cơ hội hoàn hảo để biết được phản hồi về cách tôi đã làm việc và tôi có thể cải thiện bản thân tốt hơn thế nào. Các nhà quản lý sản phẩm thường có cái nhìn sâu sắc về cách bạn làm việc so với các thành viên còn lại, do đó hãy tham khảo phản hồi từ họ.

Ai là người làm việc trực tiếp với bạn và sẽ cho bạn lời phản hồi hữu ích và trung thực nhất? Hãy tìm những người này và nói chuyện với họ thường xuyên. Đây không phải là việc dễ dàng để thực hiện. Thậm chí khá ngại khi phải hỏi người khác cho mình thông tin phản hồi, đặc biệt nếu đó là phản hồi tiêu cực. Mặc dù cảm giác không thoải mái như vậy nhưng loại thông tin phản hồi này thật sự có giá trị cho sự phát triển của bạn ở vị trí là một nhà thiết kế. Và điều ngược lại cũng quan trọng không kém nhé.

5. Đừng đợi ai khác

ảnh: OVAN

Gần đây, tôi có làm việc với một nhà thiết kế làm khâu duyệt chất lượng chạy nước rút, để sửa chữa thiết kế và đưa ra kinh nghiệm từ lỗi ở các sản phẩm chúng tôi đã làm. Tôi không yêu cầu họ làm điều đó và họ cũng không hỏi liệu có nên làm hay không. Chúng tôi chỉ thấy thấy việc đó có giá trị và mọi người cùng nhau thực hiện.

Bạn có thể tự làm được những công việc nào? Nếu bạn đang phải đợi quản lý điều khiển dự án, hãy chủ động tạo các cuộc họp và tìm ra giải pháp, nếu đó là tất cả những gì bạn có thể làm.

Vấn đề không phải là bạn đang lấn quyền của quản lý, nếu có điều gì xảy ra, họ sẽ cảm ơn bạn vì bạn đang giúp đỡ họ. Nếu một công việc không chạy theo cách bạn nghĩ, hãy nói chuyện trực tiếp với những người tham gia dự án đó chứ đừng chờ quản lý của bạn chuyển tiếp ý với những người tham gia.

6. Cố vấn 

Khi làm việc tại văn phòng London, chúng tôi luôn sắp xếp cố vấn cho mỗi nhà thiết kế mới tham gia vào nhóm. Điều này đặc biệt quan trọng với một văn phòng nhỏ, nơi chúng ta có quá ít người để có thể hỗ trợ người mới.

Điều tuyệt vời người khác có thể nhận từ người cố vấn là gì? Họ luôn có cơ hội để giúp đỡ những người khác phát triển.

Bạn không cần phải hoàn hảo ở mọi lĩnh vực để trở thành người cố vấn tốt. Mọi thứ có thể bắt nguồn từ việc chia sẻ những gì bạn không giỏi, vì vậy bạn có thể tạo nên không khí cởi mở và giúp đỡ nhau. Dù là đang giúp ai đó ở một kỹ năng nhất định, hay chỉ đơn giản ngồi nghe người khác kể về những thất vọng của họ, hãy luôn dành thời gian và không hủy bỏ cuộc hẹn nào!

7. Hãy mở lòng mình ra

Facebook là nơi đầu tiên tôi nói về phát triển cá nhân và định hướng nghề nghiệp. Những câu chuyện làm tôi suy nghĩ về những điều tôi cần phát triển, và cách giải quyết chúng theo thời gian.

Những điều bạn cần cải thiện là gì? Nói chuyện với bạn bè, người quản lý và những người làm việc trong cùng lĩnh vực. Hãy cởi mở và trung thực với họ, như vậy họ mới có thể giúp bạn một cách tốt nhất. Giống như nhiều điểm trong danh sách này, ban đầu bạn sẽ cảm thấy không tự nhiên, nhưng học hỏi từ người khác và mở ra cho mình một cơ hội mới là cách tốt nhất để bắt đầu.

————————–

Những điều trên không phải là một danh sách bắt buộc. Các nhà quản lý không phải lúc nào cũng đạt được tất cả những điều trên và không có một cách tiếp cận nào có thể áp dụng được cho tất cả mọi người. Tập trung vào một hoặc hai điểm trên là một ý tưởng tuyệt vời để bắt đầu.

Khi tôi bắt đầu ở văn phòng London và chủ đề “tính quản lý” được bàn tán, tôi vẫn còn tương đối mới đối với công ty và điều đó thật khó chịu. Hãy tự hỏi: Bạn có thể làm được những gì dưới vai trò lãnh đạo? Tôi đã không hoàn toàn nhận ra những tác động tôi có thể tạo ra trong nhóm, ngoài việc chỉ làm công việc thiết kế.

Sau khi được động viên để cố vấn cho mọi người ở văn phòng London, tôi nhận ra đó là điều tôi thực sự thích và đó cũng là một phần lý do tại sao tôi trở thành leader. Nhưng, vấn đề nằm ở việc, một nhà thiết kế và có ảnh hưởng nhiều không có nghĩa sẽ phù hợp trở thành người quản lý. Nếu bạn đang muốn phát triển như một nhà lãnh đạo, đừng chờ đợi ai tiến cử bạn vào vị trí đó. Hãy khám phá những điều bạn có thể làm và bắt tay ngay từ việc đó thôi.

Ảnh bìa bởi Anastasiya Kfdaj7

Nguồn: medium

 

Cùng tác giả

#Tag

chỉ huy thiết kế design leader lãnh đạo lãnh đạo thiết kế

iDesign Must-try

5 Điều mà tôi học được khi là một nhà thiết kế tại LEGO
5 Điều mà tôi học được khi là một nhà thiết kế tại LEGO
Dưới tiết trời lạnh cóng và sương mù bao phủ vào lúc 5 giờ sáng, tôi đáp chuyến bay tới một địa điểm lạ lẫm, nơi mà tôi sẽ thực…