5 bài học cuộc sống quý giá từ Albert Einstein

Theo như lời của Summer Redstone, “Thành công không chỉ bắt nguồn từ thành công. Nó bắt nguồn từ sự thất bại. Nó bắt nguồn từ sự thất vọng. Đôi khi, nó còn bắt nguồn từ một thảm họa nữa.

Thomas Edison cũng đưa ra một lời nhận định tương tự với sự thành công thông qua câu trích dẫn nổi tiếng của mình: “Bạn bảo tôi thất bại một ngàn lần ư? Không, tôi thiết kế ra bóng đèn với một ngàn bước thử nghiệm đấy.” Theo một cách nào đó, những phát minh vĩ đại của loài người thường ra đời trong nghịch cảnh. Albert Einstein, nhà khoa học huyền thoại, cũng không phải là một ngoại lệ. Ông là minh chứng cho sự phi thường của loài người, Einstein – họ của ông được người đời xem như một từ đồng nghĩa với từ “thiên tài”.

Nguồn: AP Photo

Đối với nhiều người, Einstein là nhà khoa học tài ba nhất trong lịch sử loài người. Nhưng khi thư từ và tài liệu của ông được công bố, người ta nhận ra rằng ông cũng chỉ là một người bình thường với những khoảnh khắc đấu tranh, có những lúc phải nếm mùi thất bại như bao người khác. Dựa vào những tài liệu này, hãy cùng chúng tôi rút ra năm bài học cuộc sống cực kỳ bổ ích từ cuộc đời của Albert Einstein.

1. Ngay cả những thiên tài cũng có lúc nhầm lẫn

Albert Einstein là thiên tài nhưng không có nghĩa là lúc nào ông ấy cũng đúng. Việc Einstein nhận định sai lầm về thuyết lượng tử có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho việc này. Ông cho rằng vũ trụ được tạo nên bởi sự tuyệt đối, không hề có chút xác suất nào trong đó. Cũng từ đây, một cuộc tranh luận nổi tiếng nổ ra giữa Einstein và Bohr. Einstein đã nói rằng, “Chúa không hề tạo ra vũ trụ này bằng cách lắc xúc xắc đâu,” Bohr khéo léo đáp trả rằng, “Einstein à, ông đâu có quyền ra lệnh Chúa phải làm gì đâu!”

2. Đọc sách rất tốt cho bạn

Chắc chắn rồi, bạn có thể đọc bất kỳ quyển sách nào, nhưng nếu bạn đọc đúng quyển sách vào đúng thời điểm, nó có thể tác động sâu sắc tới cuộc sống của bạn đấy. Vậy quyển sách nào đã hấp dẫn được nhà khoa học vĩ đại của chúng ta? Một cái tên tiêu biểu đó là A Treatise of Human Nature (Một lý thuyết về bản chất con người) được viết bởi David Hume, triết gia người Scotland. Trong một bức thư của mình, Einstein thừa nhận rằng việc đọc quyển sách này đã giúp xây dựng công trình thuyết tương đối nổi tiếng của mình. Đó là lợi ích của việc đọc; nó giúp bạn hệ thống ý tưởng mới bằng cách học hỏi về kết quả, hành động và kinh nghiệm của người khác.

3. Chấp nhận thử thách

Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Albert Einstein là khả năng suy luận vượt trội để đưa ra các khái niệm khoa học phức tạp bằng cách tưởng tượng những kịch bản có thể diễn ra trong cuộc sống thực tế. Ông gọi phương pháp này của mình là Suy luận tưởng tượng (Thought experiment). Những học thuyết vĩ đại của ông không phải từ trên trời rơi xuống. Ông cũng đã vấp phải rất nhiều trở ngại trước khi hoàn thành chúng, bao gồm cả công thức kinh điển: E=mc2, một công thức mà những người ghét vật lý cũng khó lòng mà quên được. Ông đã làm được tất cả điều đó nhờ vào sự kiên trì của mình.

Nguồn: Wikipedia

Einstein ắt sẽ tự hỏi bản thân mình những câu như, “Liệu một người có thể nhìn thấy ảnh phản chiếu bản thân trong gương được không nếu như đang di chuyển với vận tốc ánh sáng? Nếu nhìn thấy được thì liệu ảnh phản chiếu đó to hay nhỏ hơn?” Bằng cách xây dựng các câu hỏi theo những cách khác nhau để giải quyết những vấn đề bí ẩn từ nhiều góc độ khác nhau, ông có khả năng khám phá được những bí mật khó hiểu nhất của vũ trụ. Ông đã gói gọn phương pháp tiếp cận của ông bằng một câu nói, “Dấu hiệu thực sự của trí thông minh không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng.”

Trước khi các học thuyết của mình được được chấp nhận rộng rãi bởi cộng đồng khoa học, Einstein đã dành hàng thập kỷ để nghiên cứu và bảo vệ công trình của mình. Ngay cả khi Thuyết tương đối hẹp đã được chứng minh, Einstein vẫn không ngừng việc nghiên cứu và tìm kiếm những thử thách khó hơn. Mục tiêu cuối cùng của đời mình, Einstein hy vọng sẽ hợp nhất được Điện từ học và Trọng lực lại thành một khuôn khổ lý thuyết, trong đó còn có dính dáng một chút tới Cơ học lượng tử nữa. Nhưng đáng tiếc thay việc này rơi vào ngõ cụt, mục tiêu của ông vẫn chưa đạt được – đây được xem như một minh chứng nhắc nhở về tài năng và tham vọng của Albert Einstein. Nếu phải bầu ra một biểu tượng về tinh thần làm chủ cũng như ham học hỏi trong giới khoa học, đó chính là Albert Einstein.

4. Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Khi còn là một đứa trẻ, Einstein đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc học ở trường, ông thậm chí còn học nói chậm hơn những đứa trẻ cùng lứa. Sau này, Einstein còn tiết lộ rằng việc nhớ từ đối với ông như một cực hình. Những chuyên gia như Simon Baron-Cohen đã đưa ra giả thuyết cho rằng Einstein bị mắc hội chứng Asperger, một biến thể nhẹ của bệnh tự kỉ. Những người mắc hội chứng AS thường bị tách rời về mặt xã hội và tình cảm, có những hành vi không phù hợp với xã hội. Einstein còn gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng cử chỉ cũng như kiểm soát hành động của mình. Nhưng mặt khác, những người mắc hội chứng AS thường thích thú, thậm chí là ám ảnh, với một chủ đề hoặc một đối tượng nhất định. Chính vì vậy, mặc dù Einstein không thích xã giao cho lắm, ông lại là một người rất biết sử dụng đầu óc của mình vào những việc cần thiết hơn. Óc tò mò của Einstein có thể nói là vô tận, kèm với nó là một sức tập trung phi thường, chính điều này đã tạo tiền đề để ông có thể đưa ra lời đáp cho những bí ẩn sâu xa của vũ trụ.

5. Môi trường sống rất quan trọng

Không phải là cái kiểu môi trường trong sự ấm lên toàn cầu đâu. Mà là môi trường xung quanh, nơi mà bạn dành phần lớn thời gian của mình để phát triển ấy. Thông qua 15 bản thảo, 33 lá thư do Einstein viết vào khoảng thời gian 1933 tới 1954, được đấu giá tại hội chợ sách cổ Luân Đôn 2006 với giá 1.5 triệu Đô la, chúng ta có thể biết được một điều rằng thời đi học của ông có rất nhiều khó khăn. Trường học đối với ông như nhà tù, nơi mà những ý tưởng của ông bị nghiền nát bởi những giáo sư, những người chỉ biết làm theo nguyên tắc một cách cứng nhắc. Chỉ tới khi ông làm thư ký cho Cơ quan cấp bằng sáng chế, ông mới đạt được những bước tiến không chỉ về vật lý học, mà còn về toán học và triết học nữa. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Hãy dành thời gian với những người tích cực để cho óc sáng tạo của bạn có dịp được thể hiện.

Lời nói cuối

Những công trình của Einstein đã làm thay đổi cách mà cách nhà vật lý nhìn nhận về thời gian, không gian, trọng lực và ánh sáng. Ông đã trở thành một trong những nhà khoa học lỗi lạc nhất trong lịch sử loài người. Bên cạnh óc thiên tài trời phú, ông luôn kiên định trước mọi khó khăn của cuộc đời. Xét một cách thật tình, Einstein cũng chỉ là một con người bình thường với rất nhiều khuyết điểm. Nhưng ý chí kiên cường, quyết tâm không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh của ông là điều không thể nào phá vỡ được.

Nguồn: forbes.com
Người dịch: Hà Đình Nhân

Cùng tác giả

#Tag

albert einstein

iDesign Must-try

3 phương pháp để học nhanh như những thiên tài
3 phương pháp để học nhanh như những thiên tài
Nếu bạn tìm thấy niềm vui trong công việc và học tập, thời gian sẽ trôi qua rất nhanh tới nỗi bạn không kịp nhận ra. Ngày nay, chúng ta…