Sẽ thế nào nếu Ghibli không có Isao Takahata? (Phần 1)

Đạo diễn phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, một nửa linh hồn của Ghibli – Isao Takahata vừa qua đời ở tuổi 82. Giống như những cánh hoa đào rụng trước gió sau khi đã cống hiến những gì đẹp đẽ nhất của nó, Isao Takahata cũng đã sống một cuộc đời nhỏ bé theo cách thật vĩ đại.

idesign se the nao neu studio ghibli khong co isaotakahata 01

Isao Takahata (29/10/1935) sinh ra ở Ujiyamada, Mie Prefecture, Nhật Bản. Từng theo học tại Đại học Tokyo ngành văn học Pháp, ông không phải là một người được đào tạo bài bản về làm phim hoạt hình. Sự gắn kết với nghệ thuật Pháp, nhất là sau khi xem bộ phim Le Roi et l’Oiseau (1952), đã dẫn ông vào con đường làm phim hoạt hình. Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm việc tại Toei Animation danh tiếng với vai trò trợ lý đạo diễn. Tại đây, ông gặp người đồng nghiệp tri kỉ Hayao Miyazaki. Mãi đến 9 năm sau, Takahata mới có cơ hội đạo diễn bộ phim đầu tay The Great Adventure of Horus – Prince of the Sun (1968), mặc dù ông vốn không phải là một nhà làm phim hoạt hình. Nhóm sản xuất lúc bấy giờ của ông bao gồm có Yasuo Otsuka là đạo diễn hình ảnh; Miyazaki là thiết kế bối cảnh và họa sĩ chính. Bộ phim không được công chúng quan tâm dù giới phê bình đánh giá cao. Sau đó, ông đành chấp nhận với vị trí đạo diễn và dựng phân cảnh cho các tập phim hoạt hình truyền hình.

tumblr n6vt0aeynh1rt479bo1 1280

Có thể nói, cuộc đời làm phim hoạt hình của Takahata gắn bó mật thiết với Miyazaki. Sau khi rời khỏi Toei Animation năm 1971, ông cùng Miyazaki hợp tác trong Pippi LongstockingNausicaa of the Valley of the Wind (1984). Bộ phim Nausicaa of the Valley of the Wind đã khẳng định được tên tuổi của Hayao Miyazaki, đồng thời cũng là bệ phóng vững chắc để Hayao Miyazaki và Isao Takahata thành lập nên Studio Ghibli vào năm 1985 mà không biết rằng rồi đây họ sẽ trở thành tượng đài của ngành công nghiệp hoạt hình Nhật Bản. Castle in the Sky (1986) là tác phẩm đầu tiên Ghibli thực hiện, hoàn toàn chứng tỏ được sức ảnh hưởng của nó khi hai vị đạo diễn tài năng cùng hợp tác và mở ra một chặng đường làm phim hoạt hình ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử Nhật Bản. 

Vậy sẽ thế nào nếu Studio Ghibli thiếu đi một người như Isao Takahata?

1. Sẽ không có 5 bộ phim hoạt hình khiến người lớn kinh ngạc

Bên cạnh những bộ phim ông đóng vai trò sản xuất, Isao Takahata chỉ đạo diễn 5 bộ phim trong suốt hơn 30 năm đời mình tại Studio Ghibli. Và bộ phim nào cũng trở thành niềm tự hào của studio lừng danh này.

Grave of the Fireflies (1988)

Grave of the Fireflies là bộ phim đầu tiên của ông dành cho hãng phim Ghibli, cũng là bộ phim gắn liền mạnh mẽ với tên tuổi của ông. Dựa trên truyện ngắn của Akiyuki Nosaka, câu chuyện kể về cậu bé Seita và em gái Satsuko tìm cách sống sót sau khi mất cả gia đình trong Chiến tranh thế giới thứ II. Bộ phim có một kết thúc vô cùng buồn bã. Grave of the Fireflies không thực sự dành cho trẻ con bởi sự tàn khốc và u buồn của chiến tranh bao trùm lấy bối cảnh, thậm chí có thể sẽ khiến người lớn phải sốc. Có lẽ chính vì cả tuổi thơ của Takahata gắn liền với những năm tháng nước Nhật chìm trong bom đạn, ông hiểu rõ hơn ai hết chiến tranh trong mắt những đứa trẻ tàn nhẫn đến thế nào.  

Only Yesterday (1991)

Takahata thách thức hầu hết các khái niệm truyền thống về các chủ đề mà phim hoạt hình có thể làm được. Only Yesterday, dựa trên bộ truyện manga của Hotaru Okamoto và Yuuko Tone, xoay quanh nhân vật Taeko – cô gái 27 tuổi có một cuộc sống tẻ nhạt ở Tokyo. Thế nhưng cuộc sống cô thay đổi mãi mãi sau một lần về lại nông thôn để giúp gia đình thu hoạch hoa rum. Một lần nữa, đây có vẻ là một chủ đề kì quặc để làm phim hoạt hình. Thế nhưng, Miyazuki từng tuyên bố: “Khoảnh khắc mà tôi tình cờ bắt gặp Only Yesterday, tôi đã biết chắc rằng Takahata là người duy nhất có thể biến nó thành một bộ phim hoạt hình.” Kết quả, bộ phim thành công ngoài mong đợi, trở thành một trong những tác phẩm đáng xem nhất của Ghibli, phổ biến tại Nhật Bản và được các nhà phê bình hoan nghênh.

Pom Poko (1994)

Dựa vào ý tưởng câu chuyện của Miyazaki, Pom Poko kể về loài tanuki (lửng chó Nhật Bản) có ma thuật thay hình đổi dạng phải chiến đấu để bảo vệ khu rừng yêu dấu khỏi sự phát triển đô thị. Mặc dù có nhiều chi tiết hài hước, đây không phải là một bộ phim dành cho trẻ em. Bởi có quá nhiều sự chia ly, cái chết, tiếc nuối và bất lực trước thời đại. Năm 1994, Pom Poko được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.

My Neighbors, The Yamadas (1999)

Bộ phim là sự pha trộn thú vị giữa hài kịch và bi kịch, thông qua một loạt những tình huống từ ngớ ngẩn đến căng thẳng xảy ra trong một gia đình trung lưu điển hình ở Tokyo. Thành công của bộ phim nằm ở tạo hình nhân vật: giản dị và gần gũi, các nét vẽ được tối giản theo phong cách truyện tranh. Mặc dù không sắc nét, cầu kỳ và chi tiết như những bộ phim khác của Ghibli, nội dung của bộ phim vẫn rất sâu sắc, rất Nhật và đầy tính thơ bởi sau mỗi “chương” phim ngắn là một bài thơ haiku đầy triết lý. Đây là một bộ phim mà bất kỳ người xem dù ở tuổi tác, địa vị nào cũng cảm thấy chính bản thân mình trong đó.

The Tale of the Princess Kaguya (2013)

Tác phẩm cuối cùng mà ông đạo diễn là The Tale of the Princess Kaguya, một câu chuyện giả tưởng lấy cảm hứng từ truyện dân gian vào thế kỷ 10 của Nhật Bản: Một cặp vợ chồng già tìm thấy một cô gái bên trong ống tre và nuôi nấng như con của mình. Bộ phim gặt hái được thành công ở nhiều lĩnh vực – hình ảnh tuyệt vời, chuyển động mạnh mẽ, sâu sắc mà hết sức tự nhiên. The Tale of the Princess Kaguya dễ dàng trở thành tác phẩm tuyệt vời nhất của Takahata kể từ sau Grave of the Fireflies và là một trong những bộ phim đỉnh cao của Studio Ghibli. Bộ phim từng được đề cử Oscar cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất của năm 2014 cùng hàng loạt các giải thưởng danh giá khác.

2. Không cần phải điêu đứng vì những dự án vượt thời hạn và ngân sách

Trong Staring Point, quyển sách viết về kinh nghiệm làm phim của Miyazuki từ quan điểm của một nhà sản xuất, đã đề cập đến tính cách của Takahata đôi khi khiến cho quá trình làm phim vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Tình trạng miễn cưỡng bắt đầu hoặc miễn cưỡng kết thúc bộ phim thường xuyên xảy ra ở Takahata. Các đồng nghiệp hay than thở về cách làm việc trễ nãi của ông. Có thể thấy điều này trong The Kingdom of Dreams and Madness, bộ phim tài liệu hiếm hoi có sự xuất hiện của Takahata trước ống kính. Bộ phim chủ yếu theo dõi hành trình của Miyazuki, khi ông đang hoàn thành bộ phim cuối cùng – The Wind Rises. Gặp Takahata lúc nào cũng khó hơn, không bao giờ ở văn phòng chính, thường được đồng nghiệp nhắc đến nhưng chỉ xuất hiện thoáng qua trong một vài cảnh quay lưu trữ. Có lúc, Miyazaki ca ngợi tài năng đạo diễn của Takahata. Cũng có lúc, ông hoàn toàn mất hết hy vọng vào Takahata. “Ông ấy thậm chí còn không cố hoàn thành bộ phim.”, ông nhắc về thời gian làm bộ phim cuối cùng của Takahata – The Tale of the Princess Kaguya. Ai cũng thấy điều này. Khi được hỏi trong một cuộc họp báo về kế hoạch phát hành bộ phim, nhà sản xuất kì cựu của Ghibil – Toshio Suzuki đã trả lời: “Một khi Takahata bắt đầu, tôi nên nói thế nào đây nhỉ…ông ấy không bao giờ làm xong một bộ phim đúng thời hạn hoặc ngân sách.” Có cảm giác như chính chủ nghĩa cầu toàn, yêu cầu phải sửa đổi và ngẫm nghĩ liên tục, một ao ước không bị vội vã làm bất cứ điều gì, một tính cách chậm chạp nhưng ổn định, khiến cho không chỉ Only Yesterday mà tất cả các bộ phim của Takaha đều là một câu chuyện sinh động, sâu sắc và có bối cảnh tuyệt vời.

“Nhờ Hayao Miyazaki mà tôi luôn cảm thấy bị quở trách bởi phong cách làm việc chậm chạp của mình, được cảm thấy tội lỗi, bị dồn vào công việc, và có một điều gì đó lớn hơn bất cứ tài năng có hạn nào mà tôi sở hữu bộc phát ra khỏi con người tôi.” – Ông nói trong Kingdom of Dreams and Madness.

Nếu không có Hayao Miyazaki và nhà sản xuất Toshio Suzuki, có lẽ ông sẽ không có được như ngày hôm nay. Nhưng, theo nhà sản xuất của Takahata – Yoshiaki Nishimura – người từng mất ngủ do sự “lầy lội” của Takahata cũng phải thừa nhận, nếu không có Takahata thì sẽ không có Studio Ghibli.

(Còn tiếp)

Biên tập: Teo Non

Cùng tác giả

#Tag

animation bài dài kì Cà Phê - Trà Đá cảm hứng phim ghibli studio Hayao Miyazaki isao takahata phim hoạt hình series điện ảnh

iDesign Must-try

Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
Những bật mí đằng sau các khung hình đầy duy mĩ trong ‘Thiếu Niên Và Chim Diệc’
“Thiếu Niên Và Chim Diệc” là kết quả 7 năm lao động miệt mài, tỉ mẩn của 60 họa sĩ hoạt hình, với tốc độ hoàn thành trung bình chỉ…
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Thế giới Ghibli ma mị của Julia Tveritina
Lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Studio Ghibli như Cô bé người cá Ponyo, Hàng xóm của tôi là Totoro, Lâu đài bay của…
Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Nghệ thuật cắt giấy sống động của Sarah
Sarah là một illustrator/animator đang sống tại Brisbane, Úc. Cô bạn nổi tiếng trên mạng xã hội với nghệ danh là eyepicturedthis khi chia sẻ lại hàng loạt các tác…
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate ra mắt ứng dụng ‘Procreate Dreams’ nhằm cách mạng hóa hoạt hình trên iPad
Procreate vừa giới thiệu ứng dụng mới, Procreate Dreams trên iPad, giúp người dùng vẽ chuyển động và làm hoạt hình dễ dàng và tối ưu hơn. Procreate là một ứng…
Hayao Miyazaki không nghỉ hưu nữa và đang lên ý tưởng cho phim mới 
Hayao Miyazaki không nghỉ hưu nữa và đang lên ý tưởng cho phim mới 
Tháng 7 vừa qua, nhiều fan trung thành của hãng phim hoạt hình Nhật Bản Studio Ghibli đã tỏ ra tiếc nuối khi nghe tin “How Do You Live?” (tên…
Quyển sách nấu ăn lấy cảm hứng từ Studio Ghibli 
Quyển sách nấu ăn lấy cảm hứng từ Studio Ghibli 
“Studio Ghibli Cookbook: Unofficial Recipes Inspired by Spirited Away, Ponyo, and More!” bao gồm 20 công thức nấu ăn được lấy cảm hứng từ các bộ phim nổi tiếng của…