Henri Matisse

Henry Matisse được nhiều nhà phê bình nghệ thuật coi là nhà danh họa quan trọng bậc nhất thuộc thế kỷ 20 của nước Pháp. Ngoài biệt tài về Hội Họa, Henry Matisse còn xuất sắc về các ngành điêu khắc, minh họa (illustration), đồ họa (graphics) và thiết kế phong cảnh (scenic design).

Học vấn và tuổi trẻ

Henri Matisse Emile Benoit sinh ra trong một ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo tại Chêne Arnaud ở trung tâm dệt may tại Le Cateau-Cambrésis (phía bắc biên giới Pháp và Bỉ) ngày 31-12-1869. Matisse lớn lên trong một thế giới mà dường như tách rời khỏi lối sống thời đó, khi mà đường sắt đã xuất hiện thì mọi người nơi ông sống với đi du lịch bằng đôi chân hay trên lưng ngựa, giống như thời La Mã.

Thời trẻ Matisse là một thanh niên bị động, dường như không thích nghi với thời tiết miền Bắc, đặc biệt ông rất ghét trời lạnh. Ông thường trong bộ dạng trầm ngâm, mơ mộng và yếu đuối.

Ông dành tình cảm tuyệt đối với mẹ đẻ của mình, bà Anna Heloise Gerard, người mẹ “có khuôn mặt vô cùng tốt bụng”, người là điểm tựa vững chắc của cả gia đình. Trong khi người cha – một thương gia buôn ngũ cốc – muốn hướng con trai mình vào công việc kinh doanh của gia đình.

Khởi đầu hội họa

Không như nhiều thiên tài khác với khả năng hội họa được phát hiện từ nhỏ. Tới năm 18 tuổi Matisse vẫn theo học trường Luật tại Paris. Matisse tình cờ phát hiện ra năng khiếu nghệ thuật của mình một cách bất thường.

Sau một lần vào viện vì căn bệnh viêm ruột thừa, để giúp cậu con trai tiêu khiển, bà mẹ Heloise Gerard cho con mình một hộp bút màu – trước tiên là sao chép lại những hình vẽ trên hộp màu.

Sau này ông nói “Từ thời điểm đấy, tôi bắt đầu tổ chức các hộp màu, và tôi biết đó là cuộc sống của mình. Tôi như con thiêu thân lao mình vào tình yêu vĩnh cửu”

Sự thay đổi của ông về nghề nghiệp của ông khiến cha ông thất vọng vô cùng. Thật may mắn mẹ của Matisse đã khuyến khích và tư vấn cho con mình rằng không cần phải tuân theo các quy tắc của nghệ thuật, mà là lắng nghe cảm xúc con tim mình.

Matisse đã nguyện hết mình cho tình yêu nghệ thuật, ngay cả khi ông cưới vợ, bà Amélie Parayre “Tôi yêu em chân thành; nhưng tôi luôn yêu hội họa nhiều hơn”. Matisse đã phát hiện ra “thiên đường” như sau này ông mô tả.

Matisse và Amélie Parayre

Hai năm sau, vào năm 1891, Matisse quay trở lại Paris để học nghệ thuật tại Julian Académie và là học sinh của William-Adolphe Bouguereau.

Ở đây ông được học những bài học đầu tiên về tranh cổ điển. Sau một năm tại đây, ông rời trường vì phong cách quá hoàn hảo của việc giảng dạy ở Académie. Sau đó ông được học với Gustave Morau, một nghệ sĩ ủng hộ khuynh hướng tiến bộ hơn.

Matisse bắt đầu vẽ tranh đời sống và cảnh quan bằng phương pháp Flemish (vẽ sơn dầu) truyền thống. Hầu hết các công trình đầu tiên của ông, ông sử dụng bảng màu tối, có xu hướng ảm đạm.

Năm 1896, Matisse được bầu làm thành viên liên kết của Société Nationale, điều này có nghĩa là, mỗi năm ông có thể treo tranh tại Société Nationale mà không cần qua tuyển chọn.

Cùng trong năm đó, ông trưng bày 5 bức tranh trong Société Nationale, và nhà nước đã mua hai bức của ông. Đây là sự công nhận và gần như là duy nhất mà ông nhận được ở quê hương ông trong suốt cuộc đời mình.

Trong năm 1897 và 1898, ông đến thăm họa sĩ John Peter Russell ở Anh, Russell cũng giới thiệu với ông một họa sĩ mà ông vô cùng ấn tượng, nhưng hoàn toàn chưa được biết tới thời điểm đó là Van Gogh.

Sau thời điểm này, phong cách của Matisse thay đổi hoàn toàn “Russell là thầy của tôi, ông ấy đã giải thích cho tôi lý thuyết màu sắc”.

The Dinner Table

“The Dinner Table” -1897 – là kiệt tác đầu tiên của Matisse, khi ông dành toàn bộ mùa đông để hoàn thành nó. Khi treo tại Salon, dù chỉ ở một vị trí khiêm tốn nhưng nó để lại những ấn tượng rất tốt với giới nghệ thuật.

Fauvism – Trường phái dã thú

Trường phái dã thú (Fauvism hay Les Fauves) là một trường phái nghệ thuật tồn tại trong thời gian ngắn của một nhóm họa sĩ hiện đại.

Trong khi phong cách nghệ thuật dã thú bắt đầu từ năm 1900 và kéo dài qua năm 1910, thì trường phái này chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, 1905 đến 1907, và có 3 cuộc triển lãm. Những người đứng đầu trường phái này là họa sĩ Henri Matisse và André Derain.

Trường phái này có sự phản ứng mạnh mẽ chống lại trường phái ấn tượng, chống lại sự mất mát không gian do dùng quá nhiều ánh sáng, do sự phân tích tỉ mỉ, không theo quy luật nào, vì thế chỉ là sự ngẫu nhiên và không có suy tính trước.

Sự cần thiết cho họa sĩ trường phái Dã thú là màu sắc, chứ không phải vẽ như thấy thực tế, mà là phải sáng tạo sắc độ. Bức tranh là một bố cục nhiều màu, không phải là sự sao chép thiên nhiên; là sự liên tục tạo hình sống động, không là cảnh sắc vặt vụn, là một sự bố cục màu sắc mạnh bạo, không phải là sự tình cờ đẹp mắt.

Interior at Collioure

Sự nghiệp của Matisse có thể chia thành nhiều thời gian, nhiều thay đổi phong cách, nhưng mục tiêu cơ bản của ông vẫn là “khám phá vẻ đẹp của vạn vật” và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật “cân bằng, tinh khiết, và sự thanh thản” như chính ông đặt ra.

Trong những năm đầu Matisse cố gắng tạo ra những sự cách mạng nghệ thuật của riêng mình. Ông bỏ qua những quan điểm, ảnh hưởng, khước từ ranh giới giữa nét và màu sắc. Ông cố gắng lật đổ những thứ được chấp nhận tại phương Tây trong nhiều thế kỷ.

Matisse sải chân mình trong thế giới nghệ thuật tiên phong trong những năm đầu của thập kỷ mới. Ông đã khảo sát nghệ thuật đương đại thời đó bằng các chuyến viếng thăm và tiếp xúc với các tác phẩm của Paul Ceanne, Paul Gauguin và Vincent van Gogh.

Cùng với Albert Marquet, Henri Matisse đã chú tâm tới loại màu thuần chất và cố gắng tìm cách phát triển một phương pháp mới, mang tính cải cách, dùng màu sắc theo cấu trúc (structural) hơn là mô tả.

Henri Matisse bắt đầu vẽ phong cảnh bên ngoài của khu vườn Luxembourg tại Paris, của khu ngoại ô Arcueil và cũng vẽ từ khung cửa sổ của căn phòng thuê, số 19 Quai Saint Michel, nhìn xuống giòng sông Seine.

Các họa phẩm của Henri Matisse vào thời kỳ này đã mang đặc tính táo bạo, khác thường, dùng tới các tảng màu bằng phẳng, thuần chất, nên đã làm bất mãn các nhà phê bình nghệ thuật người Pháp.

Vào mùa hè năm 1905, Henri Matisse sống tại Collioure, một làng đánh cá bên bờ Địa Trung Hải, và làm việc cùng với các họa sĩ André Derain và Maurice de Vlaminck. Thời gian sáng tác tại miền biển này đã là một khúc rẽ quan trọng trong cuộc đời nghệ thuật của Henri Matisse.

Cũng vào năm này, Matisse đã cùng với Derain, Vlaminck và Marquet trưng bày các họa phẩm tại Phòng Triển Lãm Mùa Thu và ngay sau đó là một trận bão công luận, phản kháng cách diễn tả mỹ thuật quá cấp tiến của các nhà họa sĩ tiên phong kể trên. Matisse đã là mục tiêu chính của trận chỉ trích.

Đại diện cho cách tự do diễn tả hội họa này là hai họa phẩm của Henri Matisse: bức “Bên trong nhà tại Collioure” (Interior at Collioure, 1905) và bức “Người đàn bà với chiếc mũ” (Woman with the Hat, 1905) và đây là một chân dung của bà vợ Amélie thực hiện tại Paris vào tháng 9.

Woman with the Hat

Họa phẩm sau này vẽ người đàn bà mặc loại áo dạ hội đắt tiền, đầu đội một chiếc mũ rực rỡ với khuôn mặt nghiêng ba phần tư hướng về người ngắm tranh. Điều khác lạ ở đây là các hình thể quy ước đã được thay thế bằng các tảng màu lòe loẹt và khuôn mặt của người mẫu đã bị lấn át bởi các màu sắc phát nổ (explosive colors) của cái mũ và chiếc áo dạ hội.

Trong họa phẩm “Đường màu lục” (the Green Line), Henri Matisse đã vẽ chân dung của người vợ, với màu sắc còn dữ dội hơn nhưng ảnh hưởng của toàn thể bức họa lại bình lặng.

Green line

Đối với Henri Matisse, các đường nét sử dụng vừa nhịp nhàng, vừa có tính trang trí, là các dấu hiệu phân chia bức họa thành các miền màu sắc bổ túc lẫn nhau và “một hình ảnh” là một cấu trúc về màu sắc.

Cách thử nghiệm các màu sắc cường bạo (violent colors), cách dùng màu sắc không biết kiềm chế của Henri Matisse và vài họa sĩ bạn đã bị nhà phê bình Louis Vaucelles gọi nhóm này là “nhóm Dã Thú” (les fauves) và từ đó có danh từ Trường Phái Dã Thú (Fauvism) mà Henri Matisse đương nhiên được coi là người dẫn đầu.

Lần “tai tiếng” thành công kể trên đã cứu vãn hoàn cảnh kinh tế của họa sĩ Matisse. Các họa phẩm của ông được bán ra với giá cao hơn trước và gia đình Stein tại Paris, gồm Leo, Gertrude, Michael và về sau là Sarah, đã trở nên những nhà sưu tập, mua tranh của Henri Matisse.

Gertrude và Leo Stein là những người rất coi trọng nền hội họa tiền phong và các họa sĩ có tương lai hứa hẹn gồm Pablo Picasso và Henri Matisse. Hai nhà nghệ sĩ này thường kính trọng nhau và trao đổi với nhau những quan điểm về đường hướng hội họa.

Trong cuốn sách “Liên quan tới Tinh Thần trong Nghệ Thuật” (Concerning the Spiritual in Art, 1912), Wassily Kadinsky đã đề cập tới một lý thuyết về nghệ thuật trừu tượng và đã dùng Pablo Picasso và Henri Matisse làm hai thí dụ tương phản: “Matisse – màu sắc, Picasso – hình thể.

Cả hai đường lối đi tới cùng mục tiêu lớn lao” (Matisse – color, Picasso – form. Two approaches to one great goal).

Các họa phẩm thuộc cả hai đường hướng này đã được Leo Stein thu mua rồi gửi cho Albert Barnes, treo trong phòng triển lãm tại Merion, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

(Còn tiếp)

Cùng tác giả

#Tag

hoa si Kiến thức minh hoa

iDesign Must-try

Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Paul Cézanne — Quá trình của Sự thấy - (Phần 7)
Bức tranh rõ ràng là chưa hoàn chỉnh. Làm thế nào nó có thể là nghệ thuật? Nhưng Cezanne không hề nao núng trước những lời chỉ trích nhắm vào…
Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
Thư giãn cùng bộ ba mèo con đáng yêu, tinh nghịch qua loạt tranh của NEKO OJIMEOW
NEKO OJIMEOW là một họa sĩ tranh minh họa đến từ Đài Loan. Trên nền tông vàng pastel đặc trưng, họa sĩ đưa người xem đến với thế giới nghệ…
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Những ‘căn cứ’ đầy thu hút qua loạt tranh minh họa của Akabane
Akabane Boogie Woogie (赤羽ブギウギ) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, với bảng màu nổi bật và góc nhìn bao quát, những tác phẩm của Akabane đưa…
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Những bức tranh minh họa cắt khung đầy màu sắc và chi tiết của Hinano
Hinano (日菜乃) là họa sĩ tranh minh họa đến từ Nhật Bản, những tác phẩm của Hinano thường bao gồm nhiều khung tranh nhỏ khắc họa những chi tiết, hình…
Cuộc đời kỳ lạ và điên loạn của nữ hoạ sĩ Séraphine
Cuộc đời kỳ lạ và điên loạn của nữ hoạ sĩ Séraphine
Trái ngược với những tác phẩm vẽ hoa rực rỡ, đầy sức sống đồng nội, Séraphine Louis hay Séraphine de Senlis (1864-1942) có một cuộc đời buồn bã. Bà đã…
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Cẩm Tú & Thiết kế sáng tạo: Câu chuyện về yếu tố bản địa ở nước ngoài
Yếu tố bản địa hay được giải thích dễ hiểu hơn là văn hóa tại khu vực đó – ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện thiết kế…