Giới trẻ Việt không quan tâm văn hóa Việt? Đừng nhầm! (P.4)

Trăn trở với câu hỏi “Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?”, nhóm S River gồm các bạn trẻ 8X quyết lội ngược dòng trở về với những giá trị văn hóa truyền thống để tìm câu trả lời. Và ở đó, giữa những bức tranh Hàng Trống cuối cùng, họ đã bị mê hoặc bởi các sắc màu, họa tiết dân gian.

Không cố níu kéo những điều thuộc về quá khứ, dự án mà nhóm bạn trẻ này theo đuổi nhằm chắt lọc những tinh hoa từ truyền thống, thổi vào đó hơi thở của cuộc sống đương đại.

S River đã mất gần 5 năm khảo cứu, tìm gặp người vẽ tranh Hàng Trống cuối cùng – nghệ nhân Lê Đình Nghiên cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật dân gian Phan Ngọc Khuê để thuyết phục họ đồng hành trong một dự án rất táo bạo: làm hồi sinh dòng tranh đang dần bị mai một này.

“Lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh thờ, tranh Tết Hàng Trống ở khổ lớn – có bức lên tới 1,5m – với màu sắc nổi bật, tôi đã vô cùng ngỡ ngàng. Đứng trước tranh như đứng trước một thế giới của màu sắc. Nghệ nhân xưa đã tạo hình rất táo bạo, sử dụng tất cả các màu tương phản mạnh: xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ hấp dẫn” – Trang Trịnh, người khởi xướng dự án, nhớ lại.

Cá chép vượt vũ môn – một trong những tác phẩm điển hình của phong cách tranh Hàng Trống. Nguồn: baomoi

Mong muốn biến đổi dòng tranh dân gian sang dạng thức phù hợp để phát triển trong thời đại công nghệ số, cô và nhóm bạn đã cùng nhau biên soạn cuốn “Họa sắc Việt”, với hi vọng xây dựng một bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết, màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật đương đại.

So với các dòng tranh khác, màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù. Dù chỉ có 6 màu được làm từ tự nhiên (sau này có sáng tạo thêm màu mới bằng phẩm màu) nhưng các nghệ nhân xưa đã vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ, cuốn hút mà không kém phần tao nhã, tinh tế.

Một thiết kế túi (giả lập) sử dụng họa tiết tranh Hàng Trống. Nguồn: baomoi

Dự án “Họa sắc Việt” là một cách tiếp cận mới về việc bảo tồn những giá trị truyền thống. Không bê nguyên đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử, nhóm S River chắt lọc những chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại. Lựa chọn những chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu từ các bức tranh nổi tiếng như “Cá chép vượt vũ môn”, “Canh nông vi bản”, “Ngũ hổ”… họ đã sáng tạo, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành những họa tiết có giá trị thẩm mỹ mới, có khả năng ứng dụng vào thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ đương đại.

Vì thế, cuốn sách “Họa sắc Việt” sẽ là sự gợi mở đầy cảm hứng cho những sản phẩm vintage, hay như cách gọi rất thú vị của chính những người thực hiện dự án này là tinh thần “những điều xưa cũ mới mẻ”. Hãy thử hình dung những thiết kế thời trang sử dụng họa tiết cá chép của tranh Hàng Trống, một chiếc túi vẽ cảnh đi cấy sinh động… Giống họa tiết chăn con công đã từng tạo nên trào lưu vài năm trước, những sản phẩm mang mã ADN của văn hóa dân gian sẽ dễ dàng chạm đến trái tim của mọi thế hệ người Việt.

Một phần nhóm tác giả S River. Nguồn: baomoi

“Không gì hơn ngoài tình yêu và sự trăn trở trước vốn quý dân gian đang mất dần” đã gắn kết nhóm S River trong một dự án đòi hỏi nhiều công sức và sự kiên trì, từ việc sưu tầm tư liệu tranh, làm việc liên tục với nghệ nhân, số hóa bảng màu và họa tiết, cho đến truyền thông và gây quỹ xuất bản. “Tôi hy vọng sẽ truyền cảm hứng để các bạn trẻ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan, hoặc khơi nguồn từ mỹ thuật dân gian Việt Nam – một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng.” – Trang Trịnh hào hứng khi nói về dự án của mình.

Thời điểm cả nước tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cuộc triển lãm tranh Hàng Trống đã được tổ chức tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày hơn trăm bức tranh mà nhà sưu tầm Phạm Đức Sĩ kỳ công lưu giữ. Đó là một cuộc triển lãm không nhiều người biết tới, những người tham dự dễ dàng cảm nhận thấy sự ngậm ngùi, nuối tiếc, lo lắng: Tranh đẹp, tranh quý nhưng nghề làm tranh đã mai một, không ít bức tranh đã bị thất truyền, tinh hoa của 36 phố phường Hà Nội rồi sẽ đi về đâu…?

Một thiết kế gối với họa tiết màu sắc của tranh Hàng Trống. Nguồn: baomoi

Gần một thập kỉ sau câu hỏi ấy đã được trả lời. Với dự án “Họa sắc Việt” và những người trẻ đầy tâm huyết, dòng tranh dân gian quý hiếm một thời đã được “hồi sinh” và mang một sứ mệnh mới trong đời sống đương đại.

(còn tiếp)


Nguồn: Đẹp Magazine

Cùng tác giả

#Tag

cổ xưa hoạ sắc việt hoạ tiết nghệ thuật nhóm s river tranh hàng trống truyền thông văn hóa việt nam

iDesign Must-try

Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 2)
Trong hơn hai thập kỷ không ai thành công trong việc khái quát về nghệ thuật đương đại. Đầu tiên là mối lo sợ về chủ nghĩa bản chất, tiếp…
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật Đương đại và Đương đại tính - (Phần 1)
Nghệ thuật đương đại là một phần của cuộc đối thoại văn hóa liên quan đến các khuôn khổ bối cảnh lớn hơn như bản sắc cá nhân và văn…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? - (Phần 3)
Có thật là ta sắp tiến tới một thời đại không gian-thời gian mới, nơi những sản phẩm của ta sẽ hoàn toàn mang tính chân thực, đưa người xem…
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 2)
Hiện nay, một số nền tảng cho phép người dùng số hóa và quốc tế hoá thị trường nghệ thuật.
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Liệu Công nghệ có phục vụ Nghệ thuật hay không? (Phần 1)
Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại công nghệ mới đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi mối quan hệ của ta với nghệ thuật.
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Cách Công nghệ dần thay đổi Thế giới Nghệ thuật - (Phần 2)
Tìm hiểu chi tiết hơn về các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng công nghệ trong khuôn khổ triển lãm Nghệ thuật Kỹ thuật số nổi bật của thời đại…