Bạn đã từng thấy đôi Converse với hoạ tiết cung đình thời Nguyễn?

Nếu các bạn còn bỡ ngỡ không biết Nhật Bình là gì hoặc không tin sự kết hợp kì diệu giữa họa tiết Việt Nam xưa cũ với đôi giày Converse hiện đại thì hãy đọc bài viết dưới đây.

La Quốc Bảo – sinh viên năm nhất của trường Đại học Monash, Úc đã khiến cư dân mạng những ngày vừa qua trầm trồ khen ngợi vì tác phẩm “Annam Heritage: Nhật Bình” (Nhật Bình, là Thường phục của Thái hậu, Hoàng hậu, Hoàng quý phi và Công chúa triều Nguyễn tại cung đình Huế). Sự kết hợp hoa văn Nhật Bình với đôi giày Converse của anh quá xuất sắc và bắt mắt. Với những đường nét mềm mại và tỉ mỉ thể hiện sự công phu, dự án “Annam Heritage: Nhật Bình” của chàng sinh viên trẻ này đã thu hút nhiều chú ý từ cộng đồng mạng.

La Quốc Bảo
Chi tiết Nhật Bình trên đôi Converse.
Đôi giày nổi bật trên nền thiên nhiên.

Hãy cùng trò chuyện đôi chút với chàng sinh viên tài năng này nhé!

Xin chào La Quốc Bảo, bạn có thể giới thiệu đôi nét về bản thân được không? Ví dụ như hiện tại công việc chính của bạn là gì?

Hiện tại mình đang sinh sống và học ngành Thiết kế Kiến trúc tại trường Đại học Monash, Melbourne, Úc.

Vậy nguồn động lực nào khiến bạn bắt tay vào làm project này và Quốc Bảo có muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua project này không?

– Mình vốn lớn lên trong gia đình có truyền thống chơi nhạc cổ và yêu thích các hoạ tiết dân gian, cung đình nên từ nhỏ đã có đam mê rồi. Mình vô tình bắt gặp bức hình bà Chúa Nhất ba năm trước trên mạng và rất ấn tượng với trang phục bà mặc, tuy nhiên lúc đó vẫn chưa biết sẽ làm gì. Sau khi thành lập BARO, vừa kinh doanh vừa sưu tập các loại giày Converse hiếm và trở thành backer (người hỗ trợ vốn trong một dự án) của dự án Vietnam Centre, mình đã quyết định sẽ tạo nên một Nhật Bình hiện hữu trên đôi Converse, từ đó“Annam Heritage: Nhật Bình” này ra đời *cười*.

Qua project này, mình muốn quảng bá rộng rãi tới bạn bè trong nước lẫn quốc tế về tinh hoa của hoa văn cung đình Việt Nam. Đồng thời cũng nâng cao lòng tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ ngày nay, vốn vẫn còn khá thờ ơ với các giá trị văn hóa, truyền thống của đất nước.

Thành phẩm tốn 13 tiếng vẽ và đi chi tiết.

Thật vui mừng vì Việt Nam có những người trẻ như Quốc Bảo, mặc dù bạn đang học tập tại một môi trường hiện đại hơn Việt Nam dẫu vậy lòng yêu nước và sự tự tôn dân tộc vẫn dâng cao trong bạn.

Bà Chúa Nhất, phong hiệu Mỹ Lương công chúa  美良公主阮福選隨 , tên thật là Nguyễn Phúc Tốn Tùy, sinh năm 1872. Sinh thời là người phụ nữ giàu lòng nhân ái hay hoạt động từ thiện và rất yêu thích nghệ thuật cung đình và ca bội. Hình được chụp khi bà 59 tuổi, áo Nhật Bình bà mặc có màu hỏa hoàng – cam đỏ đặc biệt dưới thời Khải Định. Bức ảnh đã có tuổi đời gần 100 năm nên đã phai bớt thành màu cam sành.

Ảnh: W. Robert Moore / National Geographic (1931)
Viền tay áo ngũ sắc trên gót giày, ứng với ngũ hành; 
tương ứng với 4 mùa và hành thổ cho tháng cuối mỗi mùa: 
Lục/ mộc – xuân; xích đào/ hoả – hạ; trắng/ kim – thu; lam/ thuỷ – đông. 
Dải màu đi theo chiều lịch, và vị trí cuối cùng, sát đất nhất dành cho hành thổ.

Quốc Bảo có bao giờ cảm thấy khó khăn trong việc hoạt động đồng thời cả BARO và Vietnam Centre không?

Vietnam Centre mình chỉ là backer, không thuộc team dự án nên chưa có đóng góp gì đáng kể. Còn BARO là mình kinh doanh để phụ vào tiền học và sinh hoạt phí từ ba mẹ, mọi chuyện vẫn diễn ra ổn định và thuận lợi lắm!

Vậy lúc thực hiện project này bạn có gặp bất lợi về công đoạn nào không?

Công đoạn stress nhất là lên bố cục mảng và chọn màu, cực nhất là đi chi tiết vì phải làm 4 mặt khác nhau nhưng chi tiết phải đều nhất có thể. Lần đầu mình thử nghiệm lên một đôi giày cũ rất nhiều lần cho quen tay, nên đến đôi chính thức đầu tiên diễn ra khá tốt đẹp, không phải vẽ lại.

Thành phẩm chụp trên bộ chậu sứ 117 tuổi của Lữ Phủ Đường.
Converse hoạ tiết Nhật Bình chụp cùng bộ đôn hình voi, lót khăn lụa Tân Châu.

Quốc Bảo có nhắc đến ông ngoại và cậu chín của bạn trong bộ sưu tập, vậy bạn có thể cho biết rằng có phải họ cũng là những người nghệ sĩ hoặc nghệ nhân trong làng nghệ thuật Việt Nam hay không?

Ông ngoại mình ngày xưa là chủ lò đường ở Bến Tre tức là ông Mười lò đường Lữ Ngọc Diệp và cũng là nhà sưu tầm đồ cổ, cậu hai và cậu chín mình cũng vậy. Hiện bộ sưu tập đồ cổ của ông ngoại mình đang được cậu hai và cậu chín bảo quản ở hai nhà khác nhau, nên mình chỉ nhắc tới một. *cười*

Đôi giày bạn thực hiện trong project này bạn có ý định đấu giá hay cho ra mắt thành một bộ sưu tập lớn hay không?

Design theo dự kiến sẽ được sản xuất 6 đôi (đã tính đôi sample mẫu mình chụp) và sẽ bắt đầu nhận hàng trong thời gian sớm nhất có thể. Giá dao động 5-7 triệu tuỳ vào dòng giày mà mình thực hiện. BST “Annam Heritage” vẫn sẽ còn 1-2 design nối tiếp theo đó, ý tưởng mình vẫn dựa trên các giá trị di sản Huế.

Vậy sau sự thành công của project này bạn có định phát triển thêm một project mới không?

Mình đã có ý tưởng thêm cho các design về sau rồi, chỉ chờ quyết định mẫu nào làm trước thôi. Chắc chắn vẫn theo chủ đề dân gian vì đây cũng là định hướng phong cách của mình.

Nam Phương hoàng hậu《南芳皇后》mặc áo Nhật Bình.
Một bức ảnh khác của vị hoàng hậu quê gốc Gò Công, Tiền Giang
trong bộ Nhật Bình và khăn vành màu vàng.

Quy trình thực hiện

Bước lên khung lưỡi gà.
Vẽ các nét lớn bằng sơn nhũ vàng kim.
Lên chi tiết và điểm nhũ đồng.
Quét và nhuộm 3 nền màu cơ bản, cũng như vẽ chồng lên logo.
Vẽ chi tiết dựa trên áo Nhật Bình cơ bản,
có giản lược một số chi tiết quá nhỏ so với tỉ lệ giày.
Sơn dạ quang dùng cho lưỡi gà.
Gót giày thành phẩm với bộ tủ khảm xà cừ thế kỷ 18
đặc trưng của Việt Nam – nằm trong bộ sưu tập cổ vật
của ông Mười lò đường Lữ Ngọc Diệp.
Màu đỏ và xanh coban hoà quyện trên chiếc lu cổ thế kỷ 19
mua từ Đà Nẵng của cậu chín La Quốc Bảo.
Đôi Converse chi tiết Nhật Bình khi được hoàn thành.
Cận cảnh đôi Converse Nhật Bình.

Cuối cùng, Quốc Bảo có muốn nhắn nhủ điều gì với độc giả nói riêng và các bạn trẻ Việt Nam nói chung, nhằm khuyến khích tinh thần giữ gìn bản sắc dân tộc trong lòng các bạn trẻ ngày nay hay không?

Qua project lần này, mình muốn cho các bạn trẻ biết rằng đất nước ta có nguồn tài nguyên văn hoá rất dồi dào, nhưng chưa được khai phá hết. Bên cạnh đó, việc kết hợp hoạ tiết cung đình trên một mẫu đôi giày Converse nổi tiếng, mình muốn chứng minh tính ứng dụng và công nghiệp hoá của các hoạ tiết này trên các chất liệu hiện đại mà vẫn giữ được nét riêng độc đáo. Mình hi vọng nó sẽ tạo nên sự hứng thú, thúc đẩy mọi người tìm hiểu và gián tiếp từng bước đưa nghệ thuật Việt Nam lên tầm cao xứng đáng của nó.

Cảm ơn La Quốc Bảo đã chia sẻ những thông tin thú vị! Chúc bạn luôn có nhiều sức khỏe và thành công trong tương lai.


Tác giả: Hạ Vũ Hà

Nguồn: lostbird

Cùng tác giả

#Tag

Annam Heritage: Nhật Bình bà chúa nhất converse Cung đình hoạ tiết huế la quốc bảo nam phương hoàng hậu truyền thông văn hóa việt nam

iDesign Must-try

Làng lụa Mã Châu
Làng lụa Mã Châu
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng thêu Văn Lâm
Làng thêu Văn Lâm
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông
/Làng Thêu Làng Lụa/ là series giới thiệu các làng nghề thêu và lụa truyền thống của Việt Nam, qua đó truy tìm những đặc trưng trong từng sản phẩm,…
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
‘Dyal Thak’ - cuộc sống trên cao nguyên Tây Tạng
Tây Tạng là một nơi xa xăm, rất xa sự hiểu biết của hầu hết mọi người. Truyền thông phương Tây chỉ nói về khu vực này khi nó dính…
7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Họa tiết
7 yếu tố thị giác cơ bản trong nghệ thuật và thiết kế: Họa tiết
Yếu tố thị giác hoạ tiết được kiến tạo bằng cách lặp lại hoặc vọng lại những yếu tố của một sản phẩm sáng tạo nhằm truyền tải cảm giác…
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Những bức ảnh chụp từ trên cao của Phạm Huy Trung tôn vinh vẻ đẹp của vùng nông thôn Việt Nam
Nhiếp ảnh gia Phạm Huy Trung đã sử dụng kỹ thuật của mình để làm nổi bật lịch sử văn hóa phong phú của Việt Nam. Thông qua việc chụp…